Ám ảnh dọn dẹp
Người sống một mình, chưa có gia đình riêng lại không ở cùng bố mẹ và công việc cũng không ổn định thường mất nhịp sống, vẽ ra đủ thứ linh tinh để làm mỗi ngày và mỗi tuần, mà chẳng ăn nhập với nhau.
Người đã có gia đình và con cái thì ngược lại, thường xuyên bị quá tải và rối, còn khi cố gắng sắp xếp một lần sạch bong mọi thứ thì không làm nổi, rồi căng thằng lên gân, đi theo công thức của người khác sắp xếp cuộc sống của mình, nên gia đình không còn cảm xúc và nhạc điệu gì cả.
Ở cơ quan thì đã có nhịp công việc và nhịp deadline do sếp giao rồi, nên chỉ ở nhà là dễ loạn thôi.
Khi loạn nhịp, ăn, ngủ, mua sắm và sinh hoạt trong ngôi nhà và gia đình một người tìm các biện pháp gì ?
– lên lịch làm việc
– lên checklist các việc cần làm : đi chợ cần mua gì ? ngày hôm nay cần làm gì ?
– dọn đồ và bắt người khác cũng phải dọn
Một số người đọc sách về quản trị thời gian, sắp xếp mục tiêu và dọn dẹp … Một số người đi theo các cá nhân và các hội nhóm cùng có ám ảnh sắp xếp, dọn dẹp mọi thứ cho ngăn nắp và trật tự hoặc tự trở thành lãnh tụ dọn dẹp nhà cửa cho người khác noi theo luôn. Đã quá tải và loạn lại còn thích lắp ghép tiêu chuẩn và hội nhóm thì sẽ càng rối loạn và phức tạp thêm, chả cần biết cái hội nhóm này gọi là trật tự hay các tiêu chuẩn này gọi là tối giản.
Trước hết phải nói rõ ràng với nhau rằng gọn gàng và trật tự là điều ai cũng mong muốn, nhưng mục đích của cuộc sống và hạnh phúc gia đình không phải gọn gàng, trật tự. Ngôi nhà có phải cửa hàng đồ mẫu đâu. Người chủ gia đình không phải là kiến trúc sư cũng chẳng phải là nhân viên lao công, càng không phải là máy nhắc việc cho các thành viên khác của gia đình phải gọn gàng, trật tự theo cái mình nghĩ và cách mình làm.
Tôi có người bạn suốt ngày nhắc việc con, nhắc việc chồng và làm gì cũng phải có kế hoạch hay theo lịch. Rủ nó đi ăn là nó phải đưa ra danh sách quán và đòi mình chọn trước. Buôn dưa lê với nó thì toàn chuyện con nó quên bài, bỏ học và chồng nó sáng dạy nằm ườn ra nên hẹn nhau bữa ăn sáng cũng không được. Bạn bè đi ăn với nhau có một bữa và ngồi nghe nó có một buổi mà thấy stress, thì hỏi làm sao những người thân của nó không cảm thấy ít nhiều áp lực và mệt mỏi.
Mục đích của cuộc sống gia đình là sống, là ăn, là ngủ, là yêu đương, là chơi bời, cùng nhau, và việc sắp xếp hay dọn dẹp tự sẽ đi theo các nhịp sống này. Hãy nhớ cái gì là chính, thì mình phải giữ nhịp của cái đó, chứ không phải lên một danh sách việc mình nghĩ ra và nguyên tắc mình cần làm theo, rồi bảo đó là trật tự cuộc sống.
Nếu bạn lấy đông lực sống trong ngôi nhà và gia đình là dọn dẹp thì ngôi nhà của bạn sẽ toàn là rác và các thành viên gia đình sớm hay muộn sẽ vướng mắt bạn thôi. Còn nếu mục đích của bạn trong ngôi nhà và gia đình là cái gì đó rất sâu sắc như tình yêu, sức khoẻ và con cái, thì bạn sẽ không ám ảnh dọn đồ và dọn rác trong nhà đâu.
Những ngày đầu tiên của năm, người Việt kiêng dọn rác, bởi vì những ngày đầu tiên của năm là những ngày thiêng liêng, tạo động lực cho cả năm. Không ai điên lấy động lực cho năm mới là quét rác cả, như vậy là đuổi Thần Tài ra khỏi nhà. Con cháu hiện đại học hành nhiều quá và sống quá phức tạp với các nguyên tắc nên bị lú quên hết rồi.
Những người có quán tính làm theo sách, theo kế hoạch và theo người khác như vậy mắc bệnh học sinh chăm ngoan, nên các giải pháp toàn đi ra từ công thức trong đầu và từ giấy tờ, sách vở, bởi vì quán tính của những người học hành là phát hiện ra vấn đề gì là nhảy bắn lên đầu và đưa ra giải pháp từ đầu, và cố gắng triển khai từ đầu ra tay chân.
Tôi dạy thiền có nhiều bạn như vậy lắm. Thiền về đề tài a, b, c, tôi đã bảo cứ bình yên thiền đi, hiểu cho kỹ vào. Khi anh tự hiểu cho sâu sắc vấn đề của anh, nghĩa là anh bắt nhịp với vấn đề của anh, thì anh sẽ từ từ giải quyết được nó theo đúng cái nhịp của cả anh và nó.
Nhưng học sinh hễ thấy mình có vấn đề là lo lắng và tăng động, đầu chạy các giải pháp x, y, z và xông lên đòi giải quyết m, n, q. Lần nào giải pháp cũng sai bét, chỉ làm hỏng việc và mất thời gian, nhưng lập trình quán tính này quá mạnh nên mắt bị dán vào việc tìm kiếm vấn đề, tâm trí quay cuồng với giải pháp và hành vi bị ám ảnh với dọn dẹp.
Kinh nghiệm của tôi ở chính ngôi nhà của mình và đến thăm nhiều nhà khác là khi nào mà chủ nhà liên tục nâng cấp dụng cụ gia đình, mua hộp, đóng tủ, sửa cửa, cũng như tham gia các hội nhóm dọn dẹp và zalo ngày nào cũng toàn các tin nhắc con học bài và làm việc nhà là người ấy chẳng có nhịp điệu cuộc sống quái gì nữa rồi. Có hai trường hợp xảy ra
– Người ấy bị rối, stress, mất ngủ và bệnh nặng đến nơi.
hoặc
– Người này đang hạnh phúc với mấy nguyên lý trật tự cuộc sống gì đó nên vô cảm với hơi thở cuộc sống đang bóp nghẹt trong lồng ngực, trái tim và các quan hệ gia đình của mình
Càng thích đồng nhịp với sách, theo nhịp của đầu thì càng loạn nhịp với thân thể. Càng thích đồng nhịp với người ngoài, càng chạy ra ngoài, thì càng loạn nhịp với người nhà và xa cách người nhà thôi.
Loạn nhịp ở đâu thì phải đứng yên, để bắt nhịp lại ở chính chỗ đó. Muốn có nhịp gia đình thì ngoài giờ làm, mình phải yên ổn trong ngôi nhà của mình, đừng nhảy theo công việc, sách vở, tổ chức nào nữa mà tội nghiệp gia đình.
Nhịp sai ở ngôi nhà và gia đình nhưng lại nhảy bắn ra xã hội, lôi quy chuẩn xã hội đạp lên nhịp gia đình, lôi sách vở của thằng khác ra để sắp xếp ngôi nhà và người thân của mình.
Nhịp sai với ai thì phải chỉnh với người đó. Nhịp sai với người thân của mình, thì lại nhảy theo nhip người ngoài và về dạy bảo hướng dẫn người nhà, bảo sao chả làm cho chính mình và người nhà khó chịu với nhau.
Tục kiêng quét rác ngày mùng 1 Tết
Có tục kiêng quét nhà vào ba ngày đầu năm, nếu cần quét nhà thì vun rác vào góc nhà chứ không hốt rác đổ đi hoặc quét ngược từ ngoài nhà vào trong nhà. Dân gian có câu
– Quét nhà ngày Tết đổ hết gia tài.
Một trong các nguyên nhân của việc này là người ta cho rằng
– Mùng Một làm gì cả năm làm thế
Nếu mùng một chỉ nghĩ đến rác, thì đối tượng chính mà chúng ta quan tâm trong cả năm mới là rác. Nếu hành động trong ngày mùng một là quét rác, thì hành động chính của cả năm là vứt bỏ. Thế thì coi như dông cả năm. Cho nên có câu
– Quét rác mùng 1 thì dông cả năm
Việc kiêng rác và tránh quét dọn này không chỉ đúng cho ngày mùng 1 Tết mà còn đúng cho thời kỳ bắt đầu của bất kỳ cái gì quan trọng mà cần tiến trinh để phát triển và cho ra kết quả
– ngày nhập trạch
– ngày đầu đời
– ngày đầu dự án
– ngày đầu hẹn hò
– ngày đầu ra mắt
Bởi vì thời gian đầu của bất kỳ cái gì như một năm mới hay một cuộc đời mới đều cần sự đón nhận, sự dung dưỡng, sự sáng tạo và sự cởi mở, tránh sự chối bỏ, sự phủ nhận và các trật tự đóng khung.
Trong thời gian đầu luôn có những cái không như ý nguyện của chúng ta, mà thường đến từ sự khó chịu với những trải nghiệm cũ, không phù hợp với cái non trẻ đang diễn ra. Ví dụ ở nhà cũ chúng ta khó chịu với một số đồ đạc, nên khi mang chúng đến nhà mới, chúng ta chỉ muốn dọn dẹp và vứt đi hết để mua đồ mới, trong khi đáng lẽ chúng ta phải vứt chúng đi ở nhà cũ.
Thái độ cứng nhắc vào giai đoạn đầu của một tiến trình, khiến một người nhìn vào đâu cũng thấy rác. Có điều chính sự cố chấp của chúng ta về sạch sẽ và trật tự ngay vào giai đoạn đầu một tiến trình mới lại là một thứ rác nghiêm trọng cần vứt bỏ. Đầu mà ám ảnh về rác thì hiện thực đâu đâu cũng đầy rác và hành động là muốn vứt bỏ hết, dọn dẹp tất và đưa mọi thứ vào trật tự cá nhân mình, trong khi tiến trình còn chưa đưa ra kết quả.
Dọn rác, vứt rác và sắp xếp mọi thứ vào trật tự là hành động phù hợp với giai đoạn kết thúc như
– Kết thúc bữa ăn : Dọn đồ ăn, dọn bàn ăn, rửa bát
– Kết thúc dự án : Dọn dẹp hậu qủa dự án, giải tán nhân sự dự án
– Kết thúc hôn nhân : Chia tài sản, phân chia trách nhiệm với con cái …
– Kết thúc năm : Dọn nhà trước Tết
– Kết thúc việc ở trong một căn nhà : Dọn nhà cũ để chuyển sang nhà mới
Đơn giản là bởi vì ở giai đoạn kết thúc, cái gì là rác và cái gì là kết quả đã rõ rành rành. Chỉ khi một người rõ ràng về kết quả mà người ấy mong muốn và cái cần giữ lại thì người ấy mới rõ ràng về cái không mong muốn và muốn vứt bỏ, chính là rác. Ở giai đoạn đầu của một chu kỳ, chỉ có thử nghiệm, chưa có kết quả, vậy nên cũng chưa thể có rác, là thứ đối xứng âm dương với kết quả.
Ngay cả với những việc diễn ra thường xuyên như công việc nội trợ, chúng ta cũng không nên theo đuổi trật tự và sạch sẽ như là mục đích và nguyên tắc căn bản. Dọn rác để đảm bảo trật tự và sạch sẽ vẫn luôn chỉ là nguyên tắc của kết thúc chu kỳ mà thôi như
– dọn mâm và rửa bát phải làm sau bữa ăn
– gấp chăn và dọn giường phải làm khi thức giấc
Chúng ta cũng không nên
– bắt đầu bữa cơm bằng việc dọn bàn ăn
– bắt đầu đi ngủ bằng việc dọn giường.
– bắt đầu ngày mới bằng việc dọn nhà
– bắt đầu kỷ nghỉ lễ bằng việc dọn dẹp
Ở giữa chu kỳ của một cái gì đó chúng ta có nên sắp xếp và dọn dẹp, và vứt bớt rác đi không ? Cơ bản là không. Dọn rác luôn là của bước kết thúc.
Chúng ta không nên bắt đầu bất kỳ bữa cơm nào bằng việc dọn bàn ăn. Nếu cần lau dọn bàn ăn, hãy làm việc trước khi dọn cơm, còn chừng nào vẫn có người đang ăn trên bàn, người ta sẽ kiêng không dọn đồ ăn, mà đợi cho đến người cuối cùng thực sự kết bữa cơm của mình, thì việc dọn dẹp thức ăn và lau dọn bàn ăn mới bắt đầu.
Trong một chu kỳ lớn gồm nhiều chu kỳ nhỏ nối tiếp nhau, và khi một tiến trình nhỏ cho ra kết quả và đi đến giai đoạn kết thúc để chuyển sang chu kỳ tiếp theo, thì sẽ chỉ cần dọn rác của chu kỳ nhỏ. Ví dụ bữa cơm là một tính trình nhỏ của một ngày, thì rửa bát chỉ là kết thúc bữa cơm, rửa bát không phải là vận hành dọn dẹp và kết thúc chu kỳ ngày của ngôi nhà và gia đình.
Hàng ngày chúng ta đều lau nhà, quét nhà và làm vài việc dọn dẹp khác. Như đã nói dọn giường là vận hành kết thúc của giấc ngủ, dọn bàn ăn là vận hành kết thúc của bữa ăn, vậy quét và lau dọn cả căn nhà và sân nhà là vận hành kết thúc của chu kỳ gì ? Dọn dẹp tất cả ngôi nhà là kết thúc một chu kỳ thời gian, ban, ngày hay tuần của ngôi nhà. Ví dụ
– một người luôn quét sân vào sáng thứ bảy là kết thúc chu kỳ tuần của ngôi nhà
– một người luôn quét nhà vào buổi chiều thì hành động quét nhà này là việc kết thúc chu kỳ ngày của ngôi nhà
Tết không phải là ngày bình thường, mà là một giai đoạn đặc biệt của chu kỳ năm. Khi chúng ta quét rác vào ba ngày đầu năm thì chúng ta khai tử luôn chu kỳ năm khi chu kỳ này mới vừa bắt đầu và ai ai cũng đang chúc mừng năm mới. Chúng ta dọn nhà để đón Tết chứ không phải chúng ta dùng Tết để dọn nhà.
Hãy buông bỏ ám ảnh về rác và dọn dẹp đi, không chỉ cho ba ngày Tết mà cho mỗi ngày của cuộc sống gia đình. Dù trật tự và sạch sẽ là cái mà chúng ta mong muốn cho là căn nhà và gia đình, nhưng vai trò của người phụ nữ không phải là giữ cho ngôi nhà sạch sẽ và gia đình trật tự, bằng cách dọn rác. Người vợ và người mẹ chăm lo bữa ăn và giấc ngủ của chồng con, là để đảm bảo sức khoẻ và hạnh phúc của gia đình.
Dọn dẹp là một vận hành ở cuối các chu kỳ cuộc sống khi kết quả của chu kỳ đã rõ ràng và rác là những kết quả không như ý nguyện. Dọn dẹp không phải là cách chúng ta tạo ra trật tự ngôi nhà và cuộc sống gia đình. Dưỡng nuôi, chứ không phải khai tử là thiên chức của phụ nữ. Phóng đại dọn dẹp lên như là một phần công dung ngôn hạnh của phụ nữ là một vận rất ngược với tính nữ và ám ảnh dọn dẹp sẽ làm hại nhịp điệu của ngôi nhà và gia đình.