THẬP TAM TRẠI

Loading

CÁC TRẠI CỦA THẬP TAM TRẠI
Thập Tam Trại là mười ba trại, tạo nên một quần thể làng nghề nằm ở Tây Bắc của Thăng Long xưa, mà hiện nay chủ yếu thuộc quận Ba Đình, gồm
– Thủ Lệ (Trại Chợ hoặc Thị Trại)
– – Đền Voi Phục thờ Linh Lang Đại Vương & Miếu thờ mẹ ông. Đền Voi Phục chính là trấn Tây của Thăng Long Tứ Trấn.
– – Đình làng thờ Linh Lang Đại Vương
– Thụy Khuê (trại Thuỵ Chương)
– – Đình Voi Phục thờ Linh Lang Đại Vương
– – Chùa Bà Đanh (Chùa Châu Lâm)
– – Đền Cố Lê 124 Thuỵ Khê
– Vạn Phúc (Vạn Bảo)
– – Đình Tổng (Đình Vạn Phúc) thờ Linh Lang Đại Vương ở ngõ 194 Đội Cấn
– – Chùa Bát Tháp ở phố Đội Cấn ở ngõ 194 Đội Cấn
– – Thiên Tiên Linh Từ (đền Miếu Trắng) thờ mẫu Liễu Hạnh ở ngõ 194 Đội Cấn
– – Bảo Sơn Linh Từ ở ngõ 194 Đội Cấn
– Ngọc Hà: Dệt lụa, trồng hoa
– – Đình làng thờ Đức thánh Huyền Thiên Hắc Đế ở phố Ngọc Hà
– – Đền Đống Nước thờ Bạch Ngọc Nương ở ngõ 173 Hoàng Hoa Thám
– – Chùa Một Cột ở 19 phố Ngọc Hà, nằm trong quần thể Bảo tàng Hồ Chí Minh, quảng trường Ba Đình và Lăng Bác
– Hữu Tiệp: Nghề mộc, trồng hoa (Thời Pháp gọi chung với làng Ngọc Hà là Trại Hàng hoa)
– – Đình làng thờ Đức thánh Huyền Thiên Hắc Đế ở ngõ 55 Hoàng Hoa Thám
– – Chùa Bát Mẫu ở ngõ 55 Hoàng Hoa Thám
– – Đền Cát Triệu thờ mẹ thành hoàng ở ngõ 55 Hoàng Hoa Thám
– – Đền Trường Dược thờ Cửu Thiên Huyền Nữ về sau thờ cả Mẫu Liễu Hạnh và Thuỷ Tinh (Mẫu Thoải)
– Đại Yên (Đại Bi): Làng thuốc nam
– – Đình làng Đại Yên thờ Ngọc Hoa Công Chúa ở Đội Cấn (có ngõ thông ra 189 Hoàng Hoa Thám về khu đình đền Liễu Giai, núi Cung, miếu Cờ ở Đội Cấn)
– – Lăng mộ của Ngọc Hoa Công Chúa nằm ngay sau đình
– Khán Xuân :
– – Đền Quán Thánh ở góc của đường Thanh Niên và đường Quán Thánh
– – Đền Núi Sưa thờ Đức thánh Huyền Thiên Hắc Đế (cùng với đình Ngọc Hà) ở trong công viên Thủ Lệ
– Cống Yên
– – Đền Quảng Hồng thờ thành hoàng làng Đức Thánh Quảng Hồng ở ngõ 639 Hoàng Hoa Thám & một điểm thờ vọng ở ngõ 515 Hoàng Hoa Thám (đình làng hiện không còn)
– – Chùa Cống Yên thờ Phật ở ngõ 639 Hoàng Hoa Thám
– Cống Vị
– – Đình làng thờ Đức Thánh Lệ Mật (Hoàng Quý Công/ Hoàng Phúc Trung) người thành lập Thập Tam Trại ở ngõ 518 Đội Cấn
– Liễu Giai (Liễu Nhai)
– – Đình làng thờ Thành hoàng Nguyễn Quý Công – Thái giám Linh chương Đại Vương & Bác Hồ. Xưa đình làng nằm trong tổng Nội, huyện Quảng Đức, phủ Phụng Thiên nay ở 345 Đội Cấn thuộc phường Liễu Giai, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.
– – Đền Liễu Giai thuộc trại Liễu Giai thờ Mẫu, Thánh Bạch Ngọc Nương hay còn gọi Ngọc Nương tôn linh Thủy tinh công chúa – Thượng đẳng Phúc Thần, cùng chung thờ với đền Đống Nước. Đền Liễu Giai xây từ thời nhà Trần, qua bao lần trùng tu tôn tạo, đặc biệt nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, đền được sửa chữa lớn, mặt quay hướng Tây Nam. Đền còn giữ được cuốn thần phả do quan Hàn Lâm đông các đại học sĩ Nguyễn Bính phụng soạn vào năm 1572 và một đạo sắc phong thời Thành Thái nguyên niên ngày 18/11.
– – Miếu Cờ ở trên đường thông từ ngõ 189 Hoàng Hoa Thám ra đình Liễu Giai
– – Núi Cung ở ngõ 189 Hoàng Hoa Thám
– Vĩnh Phúc (trước là Vĩnh Khánh)
– – Đình làng thờ Đức Thánh Lệ Mật ở ngõ 267 đường Hoàng Hoa Thám.
– – Chùa Vĩnh Khánh được xây bởi vua Lý Thái Tổ từ năm 1010 ở ngõ 267 đường Hoàng Hoa Thám, ngay cạnh đình
– – Am Trạng Trình thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm ở ngõ 267 đường Hoàng Hoa Thám đối diện với đình
– Kim Mã (gồm Kim Mã Thượng)
– – Đình Kim Mã Thượng thờ Đức Thánh Lệ Mật
– – Đình Kim Mã Hạ thờ ba vị Thành hoàng : Đức Thánh Hoàng Lệ Mật, Linh Lang đại vương và Bố cái đại vương ở Đội Cấn
– – Lăng Phùng Hưng có tên gọi là “Phùng Vương Cố Lăng” (nghĩa là Lăng cũ vua Phùng) tại ngõ 2, phố Giảng Võ, phường Cát Linh, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.
– Xuân Biểu :
– – Đình Xuân Biểu thờ Bố Cái Đại Vương
– Hào Nam : Nghề truyền thống xưa là trồng rau
– – Đình làng thờ Đức Thánh Hoàng Lệ Mật
– – Đền thờ Thánh Bạch Ngọc Nương
– Giảng Võ (Võ Trại)
– – Đình làng thờ Lý Châu Nương Bà Chúa Kho ngõ 612/678 Đê La Thành
– Ngọc Khánh
– – Đình làng thờ Đức Thánh Lệ Mật
Như vậy Thập Tam Trại thờ các vị thành hoàng sau
– Đức Thánh Hoàng Lệ Mật là thành hoàng của 4 làng (Cống Vị, Ngọc Khánh, Liễu Giai, Vĩnh Phúc)
– Linh Lang Đại Vương là thành hoàng của 3 làng (Thủ Lệ, Thuỵ Khê, Vạn Phúc)
– Đức Thánh Hoàng Lệ Mật cùng Linh Lang Đại Vương là thành hoàng làng của Hào Nam
– Bố Cái Đại Vương là thành hoàng của 2 làng (Kim Mã và Xuân Biểu)
– Đức Thánh Hoàng Lệ Mật, Linh Lang Đại Vương và Bố Cái Đại Vương là thành hoàng của Kim Mã Hạ
– Huyền Thiên Hắc Đế là thành hoàng của 2 làng (Ngọc Hà & Hữu Tiệp)
– Thánh Ngọc Hoa là thành hoàng làng của Đại Yên
– Lý Châu Nương Bà Chúa Kho là thành hoàng của Giảng Võ
– Đức Thánh Quảng Hồng là thành hoàng của Cống Yên
Ngoài ra Thập Tam Trai còn thờ các vị Thánh Mẫu sau
– Mẫu Hạo Nương (mẹ của thánh Linh Lang, thờ gốc ở Bồng Lai, Đan Phượng)
– Thánh Mẫu Thiên Tiên (làng Vạn Phúc) nằm trong tổng thể đền Vạn Phúc thờ thánh Linh Lang
– Mẫu Liễu Hạnh thờ ở đền Miếu Trắng (trại Vạn Phúc) ở ngõ 194 Đội Cấn
– Bà Đanh hay chùa Phúc Lâm (làng Thuỵ Khê) : Chùa Bà Đanh là nơi rước thánh Linh Lang trong lễ hội đền Voi Phục Thuỵ Khê, nên cũng liên quan đến thánh Linh Lang
– Thánh Ngọc Hoa (làng Đại Yên)
– Lý Thị Châu Nương (làng Giảng Võ) tương đương như thần chiến tranh
– Thánh Bạch Ngọc Nương (Thủy Tinh công chúa, vạn Ngọc Thủy Tinh công chúa, có nơi gọi là Bảo Hoa công chúa) được thờ ở 3 nơi của Thập Tam Trại
– – – Đền Đống Nước, làng Ngọc Hà
– – – Đền Liễu Giai ở trại Liễu Giai
– – – Đền thờ Bạch Ngọc Nương ở trại Hào Nam
Thập Tam Trại có các lăng mộ sau
– Lăng mộ của Phùng Hưng nằm ở ngõ 2 phố Giảng Võ thuộc trại Kim Mã
– Lăng mộ của thành hoàng làng Đại Yên, Ngọc Hoa Công Chúa nằm ngay sau đình làng
– Lăng mộ của thành hoàng làng Lệ Mật tương truyền ở khu vực đình làng Vĩnh Phúc nhưng không còn dấu vết
Một số đình, đền của Thập Tam Trại không giới hạn trong phạm vi làng, trại mà có tính tổng, tính trấn
– – Đền Voi Phục là trấn Tây của Thăng Long (Thủ Lệ có đình làng riêng vẫn thờ Linh Lang Đại Vương)
– – Đền Tổng (Vạn Phúc) là đình của cả tổng
– – Chùa Một Cột (Khán Xuân) và Chùa Vĩnh Phúc do chính vua Lý Thái Tổ, người thành lập nên Thăng Long xây
– – Đình làng Đại Yên thờ thánh Ngọc Hoa. Đại Yên là làng nghề thuốc nam, Thánh Ngọc Hoa thực chất là tổ nghề thuốc Nam của toàn bộ đất nước ta.
THẬP TAM TRẠI – LÀM NÔNG, LÀM Y & LUYỆN VÕ
Phía Tây của Thập Tam Trai có tinh thần thượng võ và thể thao, với các địa danh và di tích liên quan đến võ
– Trại võ (Giảng Võ) có thành hoàng làng là Lý Thị Châu Nương, bà chúa Kho vũ khí, tương truyền cũng là Thần chiến tranh
– Bãi Võ (Cống Yên)
– Trại ngựa (Kim Mã) và sau này có khu thể thao Quần ngựa
– Đình Tổng (Vạn Phúc) là khu vực tập trận tập trung của Linh Lang (Vạn Phúc).
Các làng liên quan có thành hoàng làng là tướng gồm
– Thủ Lệ, Thuỵ Khê, Vạn Phúc thờ Linh Lang Đại Vương
– Xuân Biểu và Kim Mã Thượng thờ Bố Cái Đại Vương
– Cống Yên thờ Đức Thánh Quảng Hồng
– Giảng Võ thờ Lý Thị Châu Nương
Các làng có một trong các thành hoàng làng là tướng là
– Đức Thánh Hoàng Lệ Mật cùng Linh Lang Đại Vương là thành hoàng làng của Hào Nam
– Đức Thánh Hoàng Lệ Mật, Linh Lang Đại Vương và Bố Cái Đại Vương là thành hoàng của Kim Mã Hạ
Phía Đông của Thập Tam Trại là nơi có các làng nghề trồng hoa, trồng cây cảnh, trồng thuốc nam và trồng rau, nối tiếp với các làng hoa xung quanh Hồ Tây như Nghi Tàm, Quảng Bá, Nhật Tân tạo nên vùng trồng cây và hoa lớn nhất của Thăng Long xưa. Các làng liên quan nổi tiếng với nghề trông cây truyền thống là Ngọc Hà (trồng hoa), Hữu Tiệp (trồng hoa và làm mộc), Đại Yên (trồng thuốc nam) và Hào Nam (trồng rau).
Thập Tam Trại xưa còn có rừng với các địa danh cổ như Châu Lâm (khu vực chùa Bà Đanh, Thuy Khê ngày nay) hay Thiết Lâm (khu vực rừng tùng của núi Cung), và đường Liễu Giai xưa trồng toàn Liễu. Đến bây giờ chợ hoa và cây cảnh nổi tiếng của Hà Nội vẫn mở hàng ngày và mở chợ phiên ở phố Hoàng Hoa Thám.
Đại Yên không chỉ là làng nghề gốc về thuốc nam, nên vừa có thể xếp Đại Yên vào các làng nghề trồng cây mà cũng có thể xếp Đại Yên vào làng nghề thuốc.
Tương tự, tuy Ngọc Hà và Hữu Tiệp nổi danh với nghề trồng hoa nhưng việc thờ Huyền Thiên Hắc Công ở khu vực này cho thấy đây cũng là vùng đất này đã từng có nghề y, nghề hoá, của các nghề nghiệp có tính huyền thuật và chuyên môn.
THÁNH LỆ MẬT
Do lịch sử của mình, Thập Tam Trại có sự liên hệ chặt chẽ với làng Lệ Mật, quê hương của đức Thánh Lệ Mật, người thành lập ra Thập Tam Trai.
Vào thời Vua Lý Thái Tông (1026 – 1054), ở Trấn Kinh Bắc, phủ Thuận An, huyện Gia Lâm, xã Lệ Mật có hai vợ chồng tính nết hiền lành, phúc hậu, rộng rãi, nhưng nhà nghèo, muộn con. Một hôm thái bà đến chùa Đại Bi ở Kinh Bắc lễ Phật, thấy trong chùa có một pho tượng Phật bằng đá đứng giữ của chùa. Thái bà cúi lậy, tụng niệm cầu Đức Phật phù hộ cho được một người con trai giống như tượng đá thì quý hóa vô cùng. Cầu xong thái bà cúi đầu lễ Phật rồi về nhà.
Ít lâu sau, bà có thai. Đến khi thai đủ ngày, đủ tháng, thái bà sinh hạ được một người con trai giống như tượng đá vào giờ Ngọ, ngày 13/1 năm 1026. Người con trai diện mạo khôi ngô, vẻ người đức độ, duy “dĩ ngọc hành vô hữu”. Hai vợ chồng lấy làm buồn, song vẫn chuyên tâm nuôi dưỡng chu đáo cho tới lúc trưởng thành. Năm 13 tuổi, hai ông bà mới đặt tên con là Quý Công (tức con cầu tự). Năm 16 tuổi, Quý Công đã trở thành người tài giỏi, xuất sắc hơn đời, sức mạnh tuyệt vời.
Bấy giờ trong triều Vua Lý Thái Tông nghe ở thôn Lệ Mật có một người tài giỏi, bèn có chiếu, chiêu vời Quý Công vào Triều. Quý Công nhận lệnh làm quan Thái giám phục vụ ở điện Công chúa cả, tọa lạc trên đỉnh núi Cung nằm trong trại Liễu Giai.
Năm 1043, Công chúa cả được phép Vua cha cho về thăm quê bằng thuyền từ sông Hồng. Vừa vào sông Thiên Đức, bỗng sóng dữ nổi lên làm lật thuyền, Công chúa bị chết đuối. Được tin thuyền bị đắm, Công chúa cả chết đuối. Vua bèn sai các quan cho thuyền đi mò tìm khắp đoạn sông dài nhưng không tìm được xác Công chúa. Chỉ có một mình Quý Công liều thân lặn xuống đáy sông giao đấu với các loài thủy tặc giành được xác Công chúa đưa lên bờ. Nhà Vua rất xúc động, khen Quý Công là người đại tài và ban thưởng tước lộc, phong cho ông là Thái giám nội thị thự khanh, thưởng vàng 100 cân, lụa 100 tấm gọi là ân thưởng.
Thái giám Nguyễn Quý Công từ chối, dâng biểu xin Đức Vua khu vực vườn Tây Cấm phía tây thành Thăng Long có nhiều đất hoang hóa, được đưa dân nghèo ở ban trang và các làng lân cận sang khai khẩn. Được Vua ưng thuận, ông về đưa dân làng Lệ Mật và các làng lân cận sang lập thành 13 trại.
13 trại được hình thành dưới sự chỉ bảo của ông. Khu vườn Tây Cấm trở thành một khu nông nghiệp trù phú. Những ngày đầu được sự cưu mang, giúp đỡ chỗ ăn, chỗ ở của dân làng Yên Hoa, dân các trại xây dựng được chỗ ăn, chỗ ở đầy đủ. Khi bắt tay vào sản xuất lại được ông Quý Công luôn luôn quan tâm dạy bảo cách trồng lúa, trồng hoa và các cây trồng khác … Đời sống của dân làng ở 13 trại ngày một khá giả, góp phần xây dựng khu đất rậm cỏ hoang vườn Tây Cấm trở thành khu nông nghiệp trù phú phía tây kinh thành Thăng Long.
Khi ông mất, dân 13 trại đã làm lễ an táng và xây lăng ở Vĩnh Phúc Thượng, coi ông là tổ sáng nghiệp. Ngày 23 tháng 3 âm lịch hàng năm, ngày ông mất dân “Thập Tam Trại” đều cử đại biểu mang hương hoa, trầu cau từ “Kinh quán” về “Cựu quán” Lệ Mật làm giỗ, diễn lại sự tích đánh thuồng luồng, giành xác công chúa của ông tổ sáng nghiệp.
Ở đình Lệ Mật còn đôi câu đối:
“Đoan giao dũng quán quân luân, Lý triều thiên vạn niên nhi hậu
Được mã ân lưu quyến áp, Long Thành thập tam Trại do truyền”.
Tạm dịch:
Chém loài giao long, sức mạnh phi thường sau triều Lý muôn ngàn năm.
Con dậy tiến, tung võ ngựa ơn sâu lưu cũ, cạnh thành Rồng mười ba trại vẫn truyền danh.
(Hiện nay có 2 nguồn tài liệu về Quý Công. Một nguồn nói Quý Công họ Hoàng, một nguồn nói Quý Công họ Nguyễn).
LỄ HỘI LỆ MẬT 
Lễ hội làng Lệ Mật đã đi vào ca dao
Nhớ ngày hăm ba tháng ba
Dân trại ta vượt Nhị Hà thăm quê
Kinh quán, cựu quán đề huề
Hồ Tây cá nhảy đi về trong mây
TỰ NHIÊN
Thập Tam Trại nằm ở trong vòng cung phía Bắc của sông Tô Lịch, mà chảy từ cửa sông ở Hàng Buồm (trấn Đông Thăng Long) chảy vòng lên phía Bắc rồi đi sang phía Tây (trấn Tây Thăng Long) tạo thành một vòng cung ở phía bắc Thăng Long. Thập Tam Trại nằm ở phía Nam vòng cung này. Đoạn sông Tô Lịch chảy ở trại Thuỵ Chương qua chùa bà Đanh (chùa Châu Lâm), đền Voi Phục Thuỵ Khê … đã bị lấp
Ngoài sông Tô Lịch, Thập Tam Trại còn liên quan đến 2 con sông nữa và Hồ Tây
Sông Ngọc Hà chảy theo hướng Đông Tây ở làng Ngọc Hà (liên quan đến trại Khán Xuân, trại Ngọc Hà, trại Hữu Tiệp và trại Vạn Phúc)
Sông Thiên Phù có ngã ba sông Tô Lịch (ở khu vực đình An Thái cuối đường Thuỵ Khê, cạnh chợ Bưởi) liên quan đến quần thể đình đền ở cuối đường Thuỵ Khê và trại Cống Yên cũng nằm bên chợ Bưởi
Cửa sông Tô Lịch thông với Hồ Tây nằm ở gần khu vực đường Thuỵ Khê ngày nay, liên quan đến trại Thuỵ Chương và trại Cống Yên
Trong khu vực này có một số ngọn núi cổ, mà hiện nay vẫn còn dấu vết rõ nhất dọc trục đường Hoàng Hoa Thám là
– núi Sưa hay núi Nùng (trong Bách Thảo thuộc đất của trại Khán Xuân xưa)
– núi Cung (trong ngõ 189 Hoàng Hoa Thám) là nơi có cung điện của công chúa con vua Lý Thái Tông bị chết đuối vào năm 1043
– núi Cờ (đi được từ ngõ 189 Hoàng Hoa Thám sang khu đình đền Liễu Giai ở Đội Cấn)
– Đồi của Vĩnh Phúc Hạ (quần thể đình làng, chùa làng, am Trạng TRình của Vĩnh Phúc đều nằm trên khu gò này) ở ngõ 267 Hoàng Hoa Thám
– Gò Quy (Cống Yên) ở khu đền chùa Cống Yên ở cuối đường Hoàng Hoa Thám, gần chợ Bưởi
– Gò của Thủ lệ nơi đặt đền Voi Phục trấn Tây Thăng Long
Ngoài ra, Thập Tam Trại còn có nhiều ao đầm và lạch nhỏ mà nay đã bi lấp đi nhiều chỉ còn vài hồ
– Hồ Ngọc Hà ở phố Ngọc Hà
– Hồ Hữu Tiệp ở ngõ 55 Hoàng Hoa Thám
– Hồ Đầm Tròn ở ngõ 135 Đội Cấn
– Hồ Giảng Võ
– Hồ Ngọc Khánh
– Khu lạch ở làng Đại Yên, làng Hữu Tiệp, làng Ngọc Hà … đều đã bị lấp như khúc sông Tô Lịch đi qua trại Thuỵ Chương
THẬP TAM TRAI & THĂNG LONG
Trấn Tây Thăng Long nằm ở trại Thủ Lệ, một trong mười ba trại của Thập Tam Trại
– Trấn Đông của Thăng Long kết nối Thập Tam Trại qua sông Tô Lịch
– Trấn Bắc của Thăng Long, đền Quan Thánh nằm ở biên giới của Thập Tam Trại với khu vực Hồ Tây.
– Trấn Nam của Thăng Long xa Thập Tam Trại nhất do Thâp Tam Trai nằm ở phía Bắc Thăng Long, kết nối với Thập Tam Trai qua hệ thống mach nước ngầm tạo nên hệ thống đầm, cống, rạch, lạch nước ở khu vực này, mà không liên quan đến sông Tô Lịch và Hồ Tây
Nếu lấy Hoàng thành Thăng Long làm trung tâm thì
– Phía Bắc Hoàng Thành là chính là Thập Tam Trại
– Phía Nam của Hoàng Thành là khu Quốc Tử Giám và khu Hồ Gươm
– Phía Đông Hoàng Thành là khu Kẻ chợ (khu phố cổ 36 phố phường)
– Phía Tây của Hoàng Thành cũng tiếp giáp với Thập Tam Trại)
Các địa danh liên quan
– Thủ Lệ : Đền Voi Phục Trấn Tây của Thăng Long ở Thủ Lệ Trại của Thập Tam Trại
– Ngọc Hà : Con đường bao phía đông bắc Ngọc Hà (phố Ngọc Hà) hiện nay chính là danh giới giữa thành nội và ngoại thành thời trước. Khi khai quật Hoàng Thành đã tìm ra dấu ấn con sông chạy Đông Tây Hoàng Thành mà các nhà khoa học cho rằng là sông Ngọc Hà
– Khán Xuân : nằm ở cồng Tây của Hoàng Thành Thăng Long
– Liễu Giai là con đường trồng toàn liễu (Liễu Giai) dẫn từ “Quảng Phúc Môn” (cửa Tây thành Thăng Long, chính là quảng trường Ba Đình ngày nay) nằm ở Khán Xuân ra cầu Tây Dương (Cầu Giấy). Khi người Pháp lập bãi Quần Ngựa đã mở rộng thêm lấy tên là đường Quần Ngựa (phố Đội Cấn bây giờ).
Ngọc Hà, Hữu Tiệp, Khán Xuân là vùng đất nằm sát cạnh Hoàng Thành cũ, nên nơi đây còn rất nhiều dấu tích các lâu đài dinh thự của các ông Hoàng bà Chúa và các văn nhân và nghệ sỹ trong hàng chục đời. Nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã lập “cổ nguyệt đường” ở phía Khán Xuân cũ (Bách Thảo bây giờ).
Liên quan đến thành Đại La : Đường phía bắc (đường Hoàng Hoa Thám bây giờ) là tường bao của phủ thành Đại La cổ. Khi xây cầu vượt Hoàng Hoa Thám đã phát hiện rất nhiều dấu tích. Các trại liên quan đến thành Đại La
– Trại Liễu Giai
– Trại Cống Yên
– Trại Cống Vị
– Trại Thủ Lệ
KHÁN XUÂN – HOA SEN TRONG BIẾN ĐỘNG LỊCH SỬ
Khán Xuân là một trại của Thập Tam Trại, tạo nên quần thể làng nghề văn, võ, nông nghiệp và y dược nằm ở Tây Bắc Thăng Long từ thời Lý Thái Tổ. Khán Xuân là trại duy nhất của Thập Tam Trại đã mất.
Khán Xuân có vị trí tách rời hẳn khỏi các trại khác của Thập Tam Trại, mà gắn liền với Hồ Tây, Kẻ Chợ và Hoàng Thành hơn. Cho nên khi đứng ở Khán Xuân sẽ có tầm nhìn đa dạng nhiều khu vực mà Thập Tam Trại chỉ là một góc.
Khán Xuân nằm ở cửa Tây của hoàng thành Thăng Long. Cùng với việc phá huỷ hoàng thành, thực dân Pháp đã lấy toàn bộ đất làng đã để xây Bắc Bộ Phủ hay Phủ toàn quyền (nay là khu Nhà khách chính phủ), cùng các công trình tạo cảnh quan xung quanh như công viên Bách Thảo.
Khi rút đi, Pháp đã cho đặt bom phá sập Chùa Một Cột, ngôi chùa hình hoa sen được chính vua Lý Thái Tổ cho xây dựng, theo giấc mơ về đức Phật Quán Âm của vua Lý Thái Tổ.
Quảng trường Ba Đình (thuộc đất Khán Xuân cũ) là nơi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam. Đây cũng là nơi Bác Hồ chọn để ở và làm việc sau giải phóng. Khi Bác Hồ mất, Lăng Bác cùng bảo tàng Hồ Chí Minh cũng được xây ở đây.
Lưu lượng đi lại ở khu vực này luôn cao hơn hẳn các khu vực xung quanh và tất cả các trại còn lại của Tam Thập Trại, một phần do có rất nhiều đoàn khách đi viếng Lăng Bác, nhưng ở đây hầu như không bao giờ bị tắc nghẽn.
Khán Xuân là một trong tám cảnh đẹp của Thăng Long xưa, được nói đến trong tập thơ “Tây Hồ bát cảnh” của Lê Vĩnh Hựu thế kỷ 18, gồm
1 – Bến trúc Nghi Tàm : khu vực Nghi Tàm xưa, nay vẫn được gọi là Nghi Tàm
2 – Rừng bàng của Chúa : ở một ngọn núi cổ thuộc làng Yên Thái xưa (đường Thuỵ Khê hiện nay)
3 – Đàn thề Đồng Cổ : thuộc đền Đồng Cổ, làng Thụy Chương dưới thời Lý Thái Tông, nay đền Đồng Cổ thuộc đường Thuỵ Khê
4 – Tượng Phật say : Tượng ở làng Thụy Chương dưới thời Lý Thái Tông (đường Thuỵ Khê hiện nay)
5 – Sâm cầm Hồ Tây : Sâm cầm là loài chim quý ngày xưa sống ở Hồ Tây
6 – Cánh đồng hoa Nghi Tàm : khu vực Nghi Tàm hiện nay, nơi vẫn ở phía Bắc còn chợ hoa đêm Quảng Bá
7 – Chợ đêm làng Khán Xuân : Đời chúa Trịnh Giang lập một ly cung và những dãy nhà như quán hàng ở xung quanh, hàng năm mùa hè ra đó nghỉ mát. Đêm đến nội thần và cung nữ mở chợ bày hàng mua bán, hát xướng làm vui. Những đêm mở chợ, làng Khán Xuân lại sáng rực một góc thành vì đèn nến thắp sáng trưng.
8 – Tiếng đàn hành cung : Hành cung trước kia được đặt ở khu vực Chùa Trấn Quốc thời chúa Trịnh, nơi đây hàng đêm vẫn rộn tiếng đàn của các cung nữ hoà với cảnh sắc thơ mộng của Hồ Tây
Nằm ở bờ nam của Hồ Tây, Khán Xuân là cảnh đẹp duy nhất trong Bát Cảnh gắn với khu vực Hồ Tây nhưng lại thuộc về Thập Tam Trại. Ngày nay, Hà Nội có nhiều chợ đêm như chơ đêm phố cổ, chợ hoa đêm, chợ cá đêm, và một số chợ đầu mối đêm, nhưng chợ đêm đầu tiên có lẽ vẫn là Khán Xuân, mà nay chỉ còn trong ký ức.
Tuy nhiên, buổi tối ra quảng trường Ba Đình, trước Lăng Bác bạn sẽ được xem đội quân cảnh làm lễ hạ cờ, trong không khí trong trọng với tiếng nhạc quốc ca. Đây là trải nghiêm về đêm độc đáo nhất, mà không có một hoạt động ở bất kỳ khu vực nào khác của thủ đô có thể so sánh.
Không chỉ liên quan đến Hồ Tây vì nằm trong 8 thắng cảnh quanh Hồ Tây, Khán Xuân còn là cầu nối trại làng hoa Ngọc Hà, Hữu Tiệp và làng thuốc nam Đại Yên của Thập Tam Trại với vành đai hoa và cây nằm giữa Hồ Tây và Nhị Hà của Thăng Long xưa, mà bây giờ là trung tâm hoa và cây Nghi Tàm, Quảng Bá và Nhật Tân. Đến giờ khu vực này đến nay vẫn là nơi có nhiều người bán hoa dạo, chở hoa trên xe đạp hoặc xe máy, rồi dừng ở đây đứng bán.
Khán Xuân có sông có núi với sông Ngọc Hà, sông Tô Lịch, hồ Tây và núi Sưa hay còn gọi là núi Nùng. Nùng có nhiều nghĩa, trong đó có một nghĩa là nàng, với nàng là em yêu, là nàng thơ của anh. Vậy nàng là ai và anh là ai ?
Hồ Xuân Hương nữ sỹ người đã đặt “Cổ nguyệt đường” của mình ở Bách Thảo đã viết một bài thơ trong đó bà ví Khán Xuân với Cực Lạc
Chơi Đài Khán Xuân
Êm ái chiều xuân tới khán đài,
Lâng lâng chẳng bợn chút trần ai.
Ba hồi chiêu mộ chuông gầm sóng,
Một vũng tang thương nước lộn trời.
Bể ái nghìn trùng khôn tát cạn,
Nguồn ân muôn trượng dễ khơi vơi.
Nào nào Cực lạc là đâu tá,
Cực lạc là đây chín rõ mười.
Khán Xuân là một vùng đất vô cùng đặc biệt
– Khán Xuân có chất hoàng tộc, chất quyền lực với những công trình và sự kiện lịch sử đã diễn ra ở đây
– Khán Xuân có chất thị và chất ăn chơi của Kẻ chợ với chợ đêm Khán Xuân
– Khán Xuân có chất văn thơ, chất nghệ sỹ lãng mạn, vì là nơi diễn ra nhiều cuộc gặp gỡ của nhiều danh sỹ Thăng Long xưa, trong đó có Hồ Xuân Hương.
– Khán Xuân có chất huyền thuật và đạo Lão, với hệ thống 4 đền Huyền Thiên nằm vây xung quanh là Quán Thánh thờ Huyền Thiên Trấn Vũ, đình Hữu Tiệp, đình Ngọc Hà và đền núi Sưa thờ Huyền Thiên Hắc Đế
– Khán Xuân có chất Phật với chùa Một Côt, ngôi chùa có kiến trúc đặc biệt nhất Viêt Nam thờ Phật Bà nghìn mắt nghìn tay
– Khán Xuân có chất cây cảnh và hoa khi nằm ở trung tâm kết nối hai vùng trồng cây cảnh và hoa lớn nhất của Thăng Long xưa.
Nếu lấy Khán Xuân là tâm, sẽ có môt bông hoa sen với các cánh hoa là Hoàng Thành Thăng Long và tất cả các quận nội thành của Hà Nội
– Hoàng Thành
– Quận Tây Hồ (hồ Tây, hồ Trúc Bạch, Nhị Hà và bãi giữa xưa)
– Quận Ba Đình (Thập Tam Trại xưa)
– Quận Hoàn Kiếm (Kẻ Chợ xưa, cửa Giang Khẩu của sông Tô Lịch)
– Quận Đống Đa (quần thể Văn Miếu Quốc Tử Giám & Đại Hồ xưa)
– Quận Hai Bà Trưng (Thọ Xương và Hoàng Mai xưa)
– Quận Long Biên (vùng tam giác giữa sông Hồng và sông Đuống)
Ở Khán Xuân, bạn sẽ cảm nhân được đủ các sắc thái
– Hoàng của hoàng gia, hoàng tộc, hoành thành, hoàng đế và sen vàng Kim Liên
– Huyền của Huyền Thiên Trấn Vũ và Huyền Thiên Hắc Công
– Minh của Hồ Chí Minh
– Thanh Bạch của Thanh Long Bạch Mã Tô Lịch và của hoa sưa
– Hồng Thị của sen hồng, của hương hoa và của chợ
Có lẽ vì vị trí quá quan trọng không thể so sánh của mình, mà Khán Xuân là làng cổ duy nhất của Thập Tam Trại nói riêng và Thăng Long nói chung đã bị … xoá sổ.
Một ngày mùa xuân năm 2023, 1800 năm kể từ khi Thập Tam Traị được thành lập năm 1043, tôi lên núi Nùng ngồi nhìn về phía sông Tô, hồ Tây và sông Hồng, ngắm bông hoa sen mà đức vua Lý Thái Tổ đã mơ thấy, mà cảm giác mênh mang.
===
Thăng Long ngày xưa – Thập Tam Trại
Những làng hoa của Thập Tam Trại
8 cảnh đẹp Tây Hồ xưa
Lễ hội truyền thống Vĩnh Phúc
Chia sẻ:
Scroll to Top