TÊN GỌI
Cỏ gà là một loài thực vật lưu niên thuộc họ Hòa thảo, hay họ Lúa, họ Cỏ thực thụ.
Cỏ gà còn gọi là cỏ chỉ, cỏ ống …,
Cỏ gà thường có một loại sâu ăn lá ký sinh là “fall armyworm” (Spodoptera frugiperda). Do tác động của sâu ký sinh, những bẹ lá cuộn xếp lên nhau làm nhiều lớp khiến cho đầu cọng cỏ tạo thành một nốt sần cỡ như hạt lạc có hình giống như con gà.
Trò chơi “chọi cỏ gà” hay “đá cỏ gà” : Tìm những cọng cỏ có nốt sần do những bẹ lá tạo thành dưới tác động của sâu ký sinh để làm “gà”. Những cọng cỏ được “chọi” nốt sần vào nhau, nốt sần nào bị đứt rời ra thì coi như “gà” thua. Cách khác là tìm cọng hoa cỏ gà dài, gập đôi lại rồi móc vào nhau và giật, cọng của ai đứt thì coi như bị thua.
Cỏ gà có thân rất mảnh như sợi chỉ và có thân ngầm mảnh và dài cũng như sợi chỉ. Lá cỏ gà khá cứng cáp chỉ ra các phía, đặc biệt ngọn cỏ chỉ lên trời, thay vì rủ xuống hay phất phơ như các cỏ khác. Cho nên cỏ gà được gọi là cỏ chỉ.
Rau dền, rau má mọc riêng
Cỏ chỉ, cỏ cú mọc liền đầy sân
Thân chỉ và lá chỉ của cỏ gà thực ra là một ống xơ, nên cỏ gà còn được gọi là cỏ ống. Các ống xơ này có khả năng dẫn cả khí khô và khí ẩm, làm cỏ gà rất nhạy cảm với thời tiết.
NƠI SỐNG
Cỏ gà mọc hoang dã hoặc được trồng tại những vùng có khí hậu ấm ở nhiều nơi trên thế giới.
Ở Việt Nam, cỏ gà thường mọc ở bờ sông, sườn đê, bãi cỏ tự nhiên trên khắp các vùng.
Vì cỏ gà chuyên mọc ở biên đất nước như bờ ao, bờ đê … nên có khái niệm bờ cỏ chỉ. Hệ thống rễ của cỏ gà giữ bờ đất không bị lở xuống nước đồng thời cũng ngăn nước ngấm sâu vào bờ đất, giúp giữ được mực nước ao. Cỏ gà mọc thành viền quanh ao sẽ giúp giữ đinh biên đất nước của ao, như một lằn chỉ hay một bờ cỏ chỉ.
Cỏ gà có thể trồng bằng
– cây có rễ
– thân ngầm có rễ
– hạt
DỰ BÁO THỜI TIẾT
Cỏ gà ưa nóng nên sinh trưởng mạnh hơn về mùa hè và nơi có nhiều nắng, dù cỏ gà chịu úng cực kỳ tốt.
Cỏ gà thường sinh trưởng ở những vùng có lượng mưa hàng năm lớn.
Lá cỏ gà có thể thay đổi màu sắc từ xanh đậm sang xanh nhạt, trắng khi thời tiết biến đổi, đặc biệt từ nắng sang mưa. Cỏ gà có thể dự báo một cơn mưa, một đợt mưa và cả mùa mưa.
Mùa hè đang nắng, cỏ gà trắng thì mưa.
Khi nào chuối nước nở hoa
Cỏ gà nứt rễ ấy là trời mưa
Cỏ gà mọc lang, cả làng được nước.
CÔNG DỤNG
Cỏ gà được coi là cỏ có ích, được dùng trong
– Chăn nuôi gia súc … : Cỏ gà có giá trị dinh dưỡng cao đối với gia sức. Cỏ khô là nguồn thức ăn dự trữ tốt cho gia súc.
– Làm dược liệu trong y học cổ truyền …: Trong y học cổ truyền Việt Nam, rễ cỏ gà được coi là có vị ngọt, tính bình, có tác dụng giải nhiệt, lợi tiểu, giảm ho, dùng dưới hình thức thuốc sắc hoặc cao lỏng hay kết hợp với những vị thuốc khác
– Làm cỏ bề mặt : vận động, sân chơi, lối đi, công viên … : Cỏ gà sinh trưởng mạnh, chịu giẫm đạp, tạo ma sát bề mặt rất tốt, nên cỏ gà mọc được trên các lối đi và thường được trồng làm bề mặt bãi chăn thả súc vật, mặt sân vận động, thảm cỏ công viên….
CON ĐƯỜNG CỎ CHỈ – CON ĐƯỜNG CÓ CỎ CHỈ ĐƯỜNG
Con đường cỏ chỉ chính là con đường có cỏ chỉ đường.
Sớm mai em ra ngồi bờ cỏ chỉ
Em suy em nghĩ hột lụy nhỏ tuôn
Không hiếm chi nơi tiền vạn lúa muôn
Em thấy anh nghèo có ngãi em thương luôn cho vẹn tình
Văn học dân gian thường đề cập bờ cỏ chỉ như là nơi, đưa ra các cân nhắc giữa hai đối tượng, hai lựa chọn, hai con đường
Thương nhau đi xuống đi lên
Nát bờ cỏ chỉ mới nên vợ chồng
Cỏ gà không chỉ định biên các bờ nước như bờ ao hay bờ sông, mà cỏ gà còn định các mối quan hệ, đặc biệt là các quan hệ rất khó khăn trắc trở mà cần sự kiên định rất lớn để bảo vệ, duy trì và phát triển.
CON ĐƯỜNG CỎ GÀ – CON ĐƯỜNG NGUYỆN THỀ
Nhớ khi rửa bát cầu ao,
Ta cầm nắm đũa ta trao cho mình.
Nhớ khi ngồi quán, ngồi đình,
Ngồi phủ, ngồi huyện có mình, có ta.
Nhớ khi ngồi gốc cây đa,
Vặt nắm cỏ gà thề nguyện chỉ thiên.
Nhớ khi chiếc đũa, đồng tiền,
Bẻ tam, bẻ tứ kết nguyền cùng nhau.
Nhớ khi mình trước, ta sau,
Có một miếng trầu cũng xẻ làm hai.
Bây giờ mình đã nghe ai,
Đi qua ghé nón chạm vai không chào.
Một là vô ý không chào,
Hai là mình có nơi nào mình quên.
Một khi đã chọn đường cần đi, một khi đã chọn bạn đời, một khi đã thề nguyền với nắm cỏ gà thì đó là lời thề đã được đóng dấu để không bao giờ bị lãng quên, không bao giờ được thay đổi. Nếu chúng ta lại vô tình lãng quên, cố tình thay đổi lời thế cỏ gà, thì chúng ta sẽ buộc phải mất một phần con người của mình, cái phần mà đã đem ra cam kết.
Phần mất đi ấy sẽ không đi theo con đường đời mà chúng ta đã thay đổi, mà nó về với mảnh đất dưới gốc cỏ gà. Cỏ gà sẽ in dấu chân, in lời thế của chúng ta vào đất, để nếu chúng ta có đi đến cùng trời cuối đất, để nếu chúng ta có đi đến hết một cuộc đời hay cả luân hồi, thì sớm muộn chúng ta vẫn phải quay về để lấy cái phần đã mất này và đi nốt cái lựa chọn mà chúng ta đã từng vất bỏ.
CON ĐƯỜNG CỎ GÀ – CON ĐƯỜNG DẤU CHÂN
Con đường cỏ chỉ chính là con đường dấu chân.
Điều đặc biệt của cỏ gà so với các cỏ khác là các cỏ khác khi bị dẫm đạp sẽ nát hoặc bị đá văng ra khỏi đất, còn cỏ gà khi bị giẫm đạp lại càng bám chặt vào chân và đất. Cỏ gà chính là một lớp ma sát giữa đường và chân, giúp nâng đỡ bàn chân và in dấu chân xuống đất.
Cỏ gà giống như hạt thóc, mà mỗi bước chân dẫm lên mặt đất như chày giã xuống cối, sẽ làm thóc bong trấu, trở thành gạo. Cỏ gà giống như con gà, mỗi lần có bàn chân đạp lên nó, là một lần nó mổ xuống tìm thức ăn.
Nếu cỏ hương phụ mang mùi hương quê mẹ, thì cỏ gà nâng niu bước chân của người con trên con đường quê mẹ. Nếu cỏ hương phụ mang mùi hương của mẹ Trái đất, thì cỏ gà in dấu chân và nâng niu bàn chân của tất cả các sinh vật đã có mặt trên Trái đất này.
Trên đường mà gặp cỏ gà thì mỗi bước chân đều được nâng đỡ, mỗi bước chân đều được tiếp đất, mỗi bước chân đều vững vàng, mỗi bước chân đều không quên mục đích là đi đến tận cuối con đường. Tức nhiên với điều kiện là cỏ gà đó không bị mờ, bị yếu, nói cách khác là không bị gà mờ.
Nhà có nhiều cỏ gà mọc dại, thì không chỉ người sống trong nhà luôn nhớ đường về nhà, mà cả các con vật nuôi cũng vậy, chúng sẽ không bỏ nhà đi mất, bởi vì cỏ gà đã in dấu chân vào đất khi ra khỏi nhà thì cỏ gà sẽ giúp đưa người và vật theo dấu chân trở về nhà.
Người đi rừng mà đi đến nơi về đến chốn, đi vào rừng sâu mà không bị lạc và từ rừng về nhà cũng không bị lạc, chính là vì họ kết nối được với cỏ gà.
Ký ức về quê hương mà tràn ngập cỏ gà thì dù đi đâu cũng nhớ về quê hương, dù đi đâu cũng quay được về quê hương, không bị trôi dạt mất gốc.
Hiện tượng gà mờ đúng với cả con gà và cỏ gà. Về mặt thời gian, vào giờ gà lên chuồng rất dễ xảy ra hiện tượng quáng gà. Về mặt không gian, khi cỏ gà bị yếu thì khả năng in dấu chân và nhớ đường sẽ giảm dẫn đến lạc đường, mù đường, không biết phải làm gì. Đó chính là hiện tượng gà mờ : Một người gà mờ là một người không nắm được chính xác và rõ ràng đối tượng và cách thức làm việc, là con đường mà anh ta phải đi.
Nặng hơn rất nhiều so với hiện tượng gà mờ là hiện tượng trượt vỏ chuối.
– Gà mờ là đi đường mà không nhìn rõ đường nhưng mà vẫn có ý thức đi, vẫn có ý thức giữ đường,
– Trượt vỏ chuối là văng ra khỏi đường, không đi tiếp được nữa.
Đường cỏ gà là một con đường được xác lập bằng ý chí tự thân, bằng hành động thực tế. Đường cỏ gà tao ra bằng bước chân đạp đất đi xuyên vào trong hiện thực. Khi và chỉ khi chúng ta có ý chí tự thân và hành động thực tế liên quan đến hiện thực, chúng ta tự tạo ra đường cỏ gà của mình và tiếp xúc
Những người đi đường theo bạn, theo thày, theo hội nhóm, theo phong trào, theo sách vở, theo lý tưởng, theo giáo phái, theo tâm linh … thực chất đang đi trên con đường của người khác, đi theo dấu chân của người khác, mà không có khả năng in dấu chân của chính trên đất.
Một số người cho rằng họ phải đi trên con đường đúng đắn nhất, cao cả nhất, xứng đáng với họ nhất. Họ cùng với thày và hội nhóm đã có sẵn con đường xịn xò đó rồi thì mọi thứ họ gặp trên đường chỉ là hoa lá cành bên lề tô điểm cho cái con đường của họ đang đi thôi. Họ muốn rằng họ phải đi đường và phải được sống trong hiện thực chủ quan rất hẹp hòi thậm chí có nhiều phần hoang tưởng của họ tạo ra, trong khi những thứ hoa lá cành kia mới là hiện thực khách quan bao la mà họ là một phần của nó và họ cần phải hiểu.
Người có ý chí chủ quan tự tim đường và tự đi đường theo hiện thực khách quan mới tiếp xúc được với cỏ gà. Người không có mục đích phải tìm ra con đường của chính mình trong hiện thực, thì họ lúc nào cũng trượt băng băng trên con đường vỏ chuối, trong khi cỏ gà với họ là loài tuyệt chủng