DÂN PHỐ VỀ RỪNG
Tôi đã gặp không biết bao nhiêu người muốn bỏ phố về rừng, có căn nhà mơ ước với cỏ cây hoa lá trong rừng.
Điều đầu tiên mà chúng ta phải hiểu là dân phố có liên quan gì đến rừng không và dân phố có việc gì phủ hợp để làm trong rừng không.
– Dân phố đâu có phải Thạch Sanh mà có sứ mệnh vào rừng cứu công chúa và có năng lực đánh nhau với trăn tinh. Xong việc trong rừng thì Thạch Sanh phải rút đi, nhưng chả may Thạch Sanh bị Lý Thông lừa nên mới chết kẹt trong hang đá giữa rừng. Cuối cùng thì Thạch Sanh cũng thoát nạn, ra được khỏi rừng.
– Dân phố cũng không phải là hổ mà cho vào rừng là sống được. Hổ trong cũi đặt trong vườn bách thú giữa phố là hổ lâm nạn, hổ sai chỗ. Hổ được thả về rừng là hổ đúng chỗ, hổ được vùng vẫy, hổ chúa sơn lâm. Nếu đủ sức vào rừng sâu, dân phố chỉ có trình bị hổ vồ, chứ không có trình làm hổ.
– Dân phố cũng không phải là dân bản địa sống ven rừng mà vào rừng nhặt củi, hái nấm và tìm cây thuốc. Dân phố ăn quả xanh, uống nước lã đã đau bụng, đừng nói đến chuyện phân biệt được nấm này nấm kia. Dân phố dẫm gai mồng tơi kêu đau, rơm trấu còn chả biết đun, đừng nói chuyện vào rừng chặt cây kiếm củi. Dân phố không phân biệt được cỏ nào với cỏ nào ở đường đi, đừng nói chuyện vào rừng tìm cây thuốc.
Điều thứ hai mà chúng ta phải hiểu là rừng có liên quan gì đến dân phố không và rừng có giao việc gì cho dân phố làm hay không. Chúng ta hiểu mình không nổi, làm sao chúng ta đủ trình hiểu rừng. Chúng ta làm việc của mình còn không nên, làm sao chúng ta làm nổi việc của rừng.
RỪNG LÀ GÌ VỚI DÂN PHỐ
Rừng không phải là bãi rác của phố, nơi dân phố muốn về để chạy trốn bế tắc, trút bỏ gánh nặng.
Rừng không phải là nơi nghỉ dưỡng của dân phố, nơi họ tạm xa ngôi nhà và giả vờ lãng quên công việc.
Rừng không phải là một nơi cho dân phố trải nghiệm khác biệt, check-in chụp ảnh
Rừng không phải là nơi vô chủ, xứ tăm tối, chỗ đang thương mà dân phố đến ngó nghiêng, bình phẩm, khen chê, tỏ lòng thương, làm từ thiện và lập hội nhóm bảo vệ
Rừng không phải là sân sau của phố, nơi dân phố dùng tiền để mua và dùng quyền lực để thao túng.
Rừng không phải là đất hoang, để dân phố vẽ ra ngôi nhà mơ ước, lý tưởng xanh sạch, làng sinh thái và cộng đồng giác ngộ. Nhà chật hay rộng, đẹp hay xấu phải xây ở phố. Vườn bẩn hay sạch, xanh hay héo phải đặt cạnh nhà. Ai giác ngộ thì tu tại gia mà giác ngộ. Ai xanh sạch thì ra vườn của mình mà trồng rau xanh nuôi con sạch.
Rừng vẫn ở đó, bao đời nay, một hệ sinh thái tự nhiên và một thế giới bí mật của riêng rừng mà thôi. Rừng không chứa chấp nhà vườn, người xây nhà và làm vườn, mà đến từ thế giới ngoại lai
Nhưng với dân phố, rừng không phải là rừng, mà là những thứ ở trên.
Dân phố cóc quan tâm đến rừng, dân phố cóc biết rừng là cái gì, dân phố chỉ quan tâm đến bản thân mình, dân phố đến với rừng để thỏa mãn sự ám ảnh của bản thân dân phố mà thôi.
LẦN ĐẦU VÀO RỪNG CỦA DÂN PHỐ
Dân phố là dân mù tịt, dân gà mờ, dân không có trải nghiệm thực tế với rừng, cho dù dân phố có thể có tiền mua đất gần rừng, có sức đi phượt xuyên rừng, có thời gian ở homestay trong rừng và có hàng đống lý tưởng về ngôi nhà vườn và cuộc sống trong rừng. Ở resort Đại Ngàn, homestay Rừng Cấm, cắm trại ven suối, đi trecking hay đi phượt đều chỉ là những thú vui chơi cho dân phố ảo tưởng đã được vào rừng.
Ngay cả khi dân phố mua đất, làm vườn và xây nhà trên rừng, họ vẫn không vào được rừng, vì họ đến là rừng chết, rừng rút đi, vì rung động, tư tưởng và hành vi của dân phố mang tính xâm phạm và huỷ diệt quá rõ ràng với rừng. Cho dù dân phố có thể ảo tưởng rằng mình yêu rừng và mình bảo vệ rừng, cho dù có thể tự lừa bản thân, khoác lên mình đủ thứ lý tưởng về lý thuyết cao cả vĩ đại, nhưng rừng nơi bao giống loài sinh tồn thì rất rõ ràng chuyện rằng rừng bị chà đạp, lợi dụng và gặp nguy hiểm.
Các trải nghiệm của dân phố mãi mãi không liên quan đến rừng, cho đến khi họ tìm ra một mục đích đích thực và phù hợp để đi vào rừng và họ được một “người rừng” dẫn đường vào rừng. Khi và chỉ khi như vậy, rừng mới tồn tại như một thế giới khách quan bí ẩn mà họ tha thiết muốn vào và rừng mới mở cửa cho họ.
Trải nghiêm lần đầu và có thể là lần duy nhất của dân phố trong rừng thường là bị lạc trong rừng và may mà thoát ra được. Không phải dân phố nào cũng có được và nhớ được trải nghiệm lạc trong rừng của mình, cho đến khi những liên hệ sâu thẳm xuyên đời với rừng trong họ được đánh thức.
PHỐ LẤN RỪNG
Công Nguyên là thời đại của nhà, của phố, của đô thị hóa, của phố lấn rừng.
Dân rừng trong làn sóng đô thị hoá thành dân phố vì đất rừng thành đất phố. Ngoài ra, nhiều dân rừng cũng bỏ rừng lên phố ở.
Dân phố ở yên trong phố làm vườn thì rừng còn được nhờ, nhưng mà dân phố lấy đâu ra nhiều đất thế, nhiều tiền thế, khi đất ở còn thiếu, còn đắt như vàng, nói gì đến đất vườn giữa phố. Dân phố hết đất làm nhà đẹp rộng ở phố tràn lên rừng mua đất làm nhà.
Dân phố không biết cái gốc đất ở của mình là gì, không biết rau và thịt mình ăn là cái giống gì, mùa vụ nào, nuôi trồng ra sao, thì dân phố lấy đâu ra trình độ để hiểu và tôn trọng đất rừng, cây rừng, con rừng.
Dân phố mà sống nổi trong những ngôi nhà khang trang hay phong cách trên rừng thì rừng chỉ còn là cái xác chết. Phố sinh ra đến đâu, rừng chết đi đến đó, cho đến khi cả một thành phố được sinh ra thì cả một cánh rừng đã chết.
DÂN PHỐ & LÂM TĂC
Dân phố buôn đất rừng và dân phố mua đất rừng làm nhà là một dạng thực dân mới nảy sinh bên mỗi quốc gia. Dân phố ăn rừng, giết rừng một cách tinh vi với sức tàn phá vượt xa lâm tặc.
Lâm tặc gốc là dân rừng, hiểu rừng, sống bám vào rừng. Lâm tặc vì kế sinh nhai chặt cây và bắt thú, rồi rút ra khỏi rừng. Rừng vẫn thuộc về rừng và rừng vẫn là đất chung.
Dân phố vì lợi lộc, vì sang chảnh, vì hãnh tiến, mua rừng, lấn rừng, chiếm rừng làm của riêng. Dân phố ban đầu cố gắng xuất hiện ở rừng một vài ngày cuối tuần hay ngày lễ, rồi bám trụ lâu hơn, lôi kéo bầy đàn đông hơn tiến sâu vào hệ sinh thái rừng.
Rừng bị lâm tặc phá biến từ rừng rậm thành đất trống đồi trọc, hệ sinh thái đa tầng cây và đa giống loài thú biến thành rừng cây bụi cỏ dại và thú nhỏ, nhưng rừng vẫn tồn tại dù bị thương nặng.
Cánh rừng bị dân phố bị gặm nhấm từ biên biến thành những nhà sàn đầy tinh thần dân tộc, những biệt thự xinh đẹp ẩn dưới bóng cây, nhưng chính ở những chỗ này rừng bị giết hoàn toàn để thành đất ở sở hữu tư nhân.
Cho nên có thể nói dân phố giết và phá rừng dã man hơn lâm tặc. Rừng vào tay dân phố là đất rừng bị lọại bỏ và hệ sinh thái rừng bị tuyệt chủng, một tổng thể rừng không còn một cơ hội sống sót, cho dù là sống lay lắt, sống ẩn dật như rừng trong tay lâm tăc.
HÃNH TIẾN
Khi bọn thực dân đến nước ta, chúng giết dân ta, chúng phá thành cổ, đình đền, làng xóm, rồi xây dựng trụ sở, công ty, trường học, bênh viện cho bọn chúng, chúng lấy cổ vật, ngọc phả và tích cổ, chúng bắt dân ta học tiếng của chúng, văn hoá của chúng, chúng đặt lại tên đường phố, tên đất nước, tên dân tộc theo tiếng Pháp. Khắp cả miền núi và đồng bằng chúng chặn và thay đổi dòng chảy các con sông. Rừng là nơi che bộ đội, vây quân thù, nuôi dưỡng các đồng bào dân tộc, nên chúng rải bom, rải hoá chất độc, đốt phá rừng, trồng cây giống biến đổi của Pháp sau khi phá rừng gốc. Chúng giết các thày mo, đưa chữ viết, tôn giáo và thuốc phiện vào như công cụ cai trị các dân tộc thiểu số sống dựa vào rừng.
Sau khi bọn chúng rút về nước, chủ nghĩa thực dân không kết thúc mà chỉ chuyển sang giai đoạn mới. Chỉ trong vòng hơn 100 năm qua, người dân hoàn toàn thay đổi cách ăn mặc ở, đi lại. Họ coi gốc gác tổ tiên con rồng cháu tiên là chuyện huyễn hoặc, họ xa lạ với các truyền thống lễ Tết và các lễ hội địa phương, trong khi đón nhận đủ thứ ngoại lại về coi đó mới là giá trị gốc của mình.
Bọn Pháp trắng trợn cho rằng chúng mang văn minh và tiến bộ đến Việt Nam, như một số dân phố hiện giờ cho rằng mình đại diện cho trái đất, thiên nhiên, môi trường, nhân văn, nhân loại, tâm linh, giác ngộ ….
Rừng núi là nơi nguồn gen gốc của cây con và các sắc tộc người được lưu giữ. Dân phố xa gốc gác của chính mình và gần với chủ nghĩa thực dân hơn dân rừng.
Chủ nghĩa thực dân, đô thị hoá và phá rừng là xu thế toàn cầu, mà không thể nào đảo ngược, chỉ có thể thích nghi. Dân phố bằng các cách riêng của mình tiêu diệt rừng cùng lịch sử, văn hóa, hệ sinh thái bản địa, dựng lên nhà phố mang hơi thở của chủ nghĩa thực dân mới.
Việc xây ngôi nhà rừng thoả mãn sâu sắc sự hãnh tiến của một loại dân phố rằng họ cao hơn cho cả dân phố lẫn dân rừng, cao hơn dân Trái đất nói chung, vì họ là dân gốc vũ trụ và cuối cùng cũng thăng lên về vũ tru thôi. Đây là một dạng tư tưởng chủ nghĩa thực dân mới trá hình.
CHỦ RỪNG
Rừng không phải là nơi vô chủ. Đất có thổ công, sông có hà bà, rừng có thần rừng. Mỗi văn hoá mô tả thần rừng với hình dạng, tính cách và quyền năng khác nhau.
Thần rừng là người đóng mở cửa rừng cho đối tượng phù hợp ra vào, như chủ nhà.
Trong truyện Thạch Sanh, trăn tinh đi ra khỏi rừng bắt công chúa, nghĩa là xâm phạm vào lãnh thổ của nhà vua, thì rừng sẽ mở cửa cho dũng sỹ được nhà vua giao trách nhiệm đi cứu công chúa vào rừng. Nhưng rừng không mở cửa thông thống, để dũng sỹ cứ thế lao thẳng vào hang trăn tinh đưa công chúa ra. một khi vào rừng là dũng sỹ phải tìm đường, mở đường và tự bảo vệ khi đi trong rừng. Dũng sỹ mất mạng thì thôi.
Trong thời kỳ đô thị hoá, rừng cũng không ngồi yên chờ chết, đất rừng không ngồi yên đợi dân phố đến xây dựng công trình, cây rừng không ngồi yên đợi bị chặt hạ, con rừng không ngồi yên đợi mất nơi sinh sống. Trước khi dân phố động thổ làm nhà, thì rừng đã được báo động, để cây và con bản địa của hệ sinh thái rừng rút đi và rừng tự đóng cửa.
LUẬT RỪNG
Luật rừng rất chặt, dù rất ẩn trong phạm vi của rừng.
Biên của nhà rất dễ nhìn vì có cổng và hàng rào, còn rừng thì vô biên, cho nên có câu :
Đố ai quét sạch lá rừng
Để anh khuyên gió gió đừng rung cây
hay
Hơi đâu mà giận người dưng
Bắt sao được cái chim rừng nó bay!
Phá luật nhẹ thì rừng đóng cửa, ví dụ người phố lên rừng, xây cái nhà trong rừng mà chả khác gì nhà phố, toàn bộ cái tinh phần của rừng đã mất mà tinh thần của phố thì cũng lại nửa vời.
Phá luật nặng thì mất tiền và mất mạng trong rừng thiêng nước độc.
Thạch Sanh và Lý Thông vào được trong rừng thì phải tự đánh nhau với trăn tinh bằng thực lực, thắng thì mang công chúa ra mà thua thì bỏ mạng trong rừng. Lý Thông không có thực lực cứu vào hang cứu công chúa mà chỉ có thực lực giúp Thạch Sanh đưa công chúa ra khỏi miệng hang. Thạch Sanh cũng vì không có đủ thực lực vừa ở trong hang vừa ở ngoài hang, và thực lực hiểu được lòng dạ của Lý Thông nên mới bị nạn.
Luật rừng khác với luật nhà. Luật nhà là luật của nhà vua, của nhà nước. Luật nhà dành cho người ở trong nhà, nhà riêng của mình, nhà vua và nhà nước. Luật rừng là luật của tự nhiên, luật tự thân, của từng con người, từng mảnh đất từng khu rừng, theo bản chất vốn có của nó.
VƯỜN RỪNG
Dân phố đang ở trong nhà, đi theo luật nhà. Dân rừng vào rừng phải được rừng mở cửa cho vào, mà dân phố vào rừng càng phải được rừng cho phép.
Dân phố lên rừng làm vườn là điều khó khăn vì thông thường vườn phải liền với nhà hoặc gần nhà. Dân phố sẽ cần vững vàng với nhà phố và nhà vườn trước, rồi từ từ chuyển từ vườn đồng, cho đến vững vườn đồng, rồi mới sang tiếp vườn rừng được.
Chủ nhà trụ ở trong nhà và lan toả sức ảnh hưởng của mình đến vườn qua công việc làm vườn và qua việc lấy sản vật của vườn làm thức ăn. Một cái vườn nhà nằm cạnh nhà hay gần nhà. Con người ở chính trong nhà, chứ không ở ngoài vườn. Chủ nhân ngôi nhà cũng là chủ nhân cái vườn, nhưng chỉ là chủ nhân một nửa. Ban ngày chủ nhân ở trong nhà rồi lại ra ngoài vườn. Ban đêm chủ nhân vào hẳn trong nhà không ra vườn, nhường vườn lại cho chủ nhân đích thực của vườn. Cây cối và con vật ở trong vườn là chính chứ không ở trong nhà, trừ khi chúng bị nấu thành thức ăn.
Về vườn là rút ra khỏi công việc nhà nước, về nhà riêng chăm sóc cây nhà lá vườn. Về vườn hẳn là chết, xác chôn trong vườn nhà hoặc đem ra vườn đồng.
Một cái vườn rừng nằm trong rừng, thuộc về rừng, có chủ nhân trước hết là thần rừng, sau mới đến chủ vườn. Đất của vườn rừng là đất rừng. Cây của vườn rừng là cây rừng. Con của vườn rừng là thú rừng và chim rừng.
Ví dụ rừng có 300 mẫu đất, 200 mã nước, 1000 mẫu chim, 2000 mẫu thú, 300 mẫu côn trùng, 100 mã nấm … thì vườn rừng sẽ là một bộ thu nhỏ của rừng. Khả năng mở bộ mẫu này phụ thuộc và chất đất, vị trí đất, nguồn nước và chủ của vườn rừng.
Người làm vườn rừng phải được rừng mở cửa để trở thành một thành viên của rừng. Lúc này người làm vườn giống như tiều phu vào vườn rừng kiếm củi, như thợ rừng vào vườn rừng tìm cây thuốc và hái nấm lượm quả, như thợ săn vào vườn rừng săn thú.
Mục đích làm vườn nhà là để phục vụ con người sống trong nhà và mục đích này rất đóng rất hẹp. Mã gen của vườn nhà chỉ là các loại cây thông thường và liên quan đến mã gen của người sống trong nhà và sinh vật trên đất làng nếu vườn nối được với đất làng.
Mục đích của việc làm vườn rừng lớn lao hơn hẳn mục đích làm vườn nhà, bởi vì vườn rừng có bộ đất nước khí lửa, bộ mã gen nguồn của cây và con, gốc hơn và phong phú hơn hẳn vườn nhà.
VƯỜN ĐỊA ĐÀNG
Khi vườn rừng có những giống loài mang mã gen gốc của các dân tộc và đất nước thì vườn rừng chính là vườn địa đàng.
Vườn địa đàng chính là vườn rừng của Trái đất, nơi mà vườn và rừng là một.
Trong khi bây giờ vườn địa đàng đã biến mất thì vào một thời xa xưa trên Trái đất, vườn rừng đã là từng hiện thực phổ quát. Chính vì thế vườn rừng gây ám ảnh trong tiềm thức cho mỗi chúng ta về một thời tươi đẹp đã quá, một cái gì vô cùng quý giá đã bị đánh mất.
BẢO VỆ RỪNG
Tất cả các kỹ thuật làm vườn nhà như vườn dại, hố phân, giếng nước, ao nước, hàng rào, phát quang và trồng cây … chỉ đúng với vườn nhà, áp dụng vào vườn rừng sẽ sai luật, tương đương với tấn công, xâm phạm và phá hoại rừng. Những người đủ tôn trọng rừng và đủ nhạy cảm khi xâm hại rừng sẽ cảm thấy có lực cản, thấy gợn, thấy sợ, thấy mệt mà dừng lại; trong khi những người nhăm nhăm với mục đích và lý tưởng của mình sẽ không đủ sức để biết rằng họ bị rừng cấm cửa.
Hết sức cẩn thận với việc làm nhà trong vườn rừng. Hầu hết chúng ta không đủ năng lực sống đúng cả luật nhà và luật rừng trong cùng một khu vườn. Như vậy nếu chúng ta làm nhà trong rừng thì rừng sẽ đóng cửa với chúng ta; và từ đó trở đi bất kỳ mảnh đất nào mà bước chân lên, dù gọi là rừng sẽ chỉ là phố chưa mở và rừng đã đóng mà thôi.
Nếu mục đích của chúng ta là có nhà ở, thì việc đóng cửa rừng sẽ làm cho tiến trình xây dựng sẽ diễn ra thuận lợi hơn, vì lúc này không còn tranh chấp giữa luật nhà và luật rừng.
Nếu mục đích của chúng ta là có nhà vườn để bảo vệ đất rừng cùng với hệ sinh thái gốc của rừng, thì chúng ta ta không thể để bị rừng đóng cửa, bị rừng đuổi cổ.
Bảo vệ rừng, bảo vệ vườn rừng chính là bảo vệ nguồn gen, bảo vệ dòng máu, bảo vệ giống nòi, bảo vệ dân tộc, bảo vệ đất nước.
Những người làm vườn đích thực sẽ có cực kỳ nhiều việc phải làm để mở lại khoá rừng và giữ gìn trạng thái rừng trong khu vườn của chúng ta
DỪNG LẠI
Phá rừng là trình độ phổ thông, còn bảo vệ rừng là trình độ quá cao.
Nếu nghi ngờ rằng vườn của chúng ta là vườn rừng thì việc đầu tiên của chúng ta là dừng lại, đừng ngơ ngẩn làm việc quá trình, khi mình chỉ là kẻ mù câm điếc.
Mỗi việc người làm vườn thực hiện trong vườn rừng đều phải ở trong tình dạng dò dẫm, bởi vì rừng là một xứ sở hoàn toàn khác biệt với thành phố và tiếng vọng của rừng đã quá yếu để mà được lắng nghe. Người phố làm vườn rừng sẽ liên tục phải dừng lại để kiểm tra luật rừng và mục đích mỗi việc của chúng ta làm có mang lại kết quả phù hợp hay không, vì những mục đích toàn diện và lâu dài, cho bản thân mình và cho tất cả.
Khi phố manh nha, khi rừng hấp hối, khi cả luật phố và luật rừng đều mở, là thời khắc tranh tối tranh sáng cực kỳ nghiêm trọng trong cuộc đời của mỗi người làm vườn.
Ăn của rừng, rưng rưng nước mắt
Trước khi đến với rừng, phải biết điểm dừng trong lương tâm và trong hành động.