—o—o—o—
CHÓ MÁ
Đồ chó má là một câu chửi. Vậy chó má nghĩa là gì ?
– Chó là con chó, có câu chửi đồ con chó, đồ chó chết, đồ chó đẻ.
– Má là mẹ.
Có nơi gọi mẹ là đẻ, vì người đẻ ra con là mẹ. Có câu chửi “Đổ chó đẻ”. Chó đẻ có bản năng rất mạnh mẽ để bảo vệ phạm vi, giới hạn của cái ổ của mình. Với kẻ đến quá gần, xâm phạm lãnh thổ riêng tư của nó, có thể gây nguy hiểm cho con của nó, chó mẹ sẽ lao vào tấn công kẻ ấy. Khi chửi một người là “đồ chó đẻ” là chửi rằng kẻ này đã tự vệ quá mức mà làm càn liều lĩnh và hung dữ tấn công kẻ khác.
Ngược lại với “chó đẻ”, chó má là bọn con không biết giới hạn của mình trong quan hệ với mẹ đẻ bao gồm mẹ đất. Đây là bọn ăn làm hại chính mẹ đẻ để có lợi cho mình và bọn đem người ngoài về xâm lược quê mẹ.
Người Việt có câu chửi
– Đồ chó má, cõng rắn cắn gà nhà
– Đồ chó má, rước voi về giày mả tổ
“Cõng rắn cắn gà nhà” và “Rước voi về giày mả tổ” là các hành vi phá hoại chính mảnh đất và dòng tộc đã sinh ra và nuôi mình lớn lên. Kẻ có hành vi như vậy là đồ chó má. Xin nêu hai ví dụ trong thời nhà Trần.
– “Cõng rắn cắn gà nhà” : Trần Ích Tắc là con của Trần Thái Tông. Khi nhà Nguyên xâm lược đến Đại Việt năm 1285, ông đã dẫn gia quyến xin hàng và được cải phong làm An Nam quốc vương. Tuy nhiên, quân đội nhà Nguyên liên tiếp thất bại khiến Trần Ích Tắc tan vỡ kế hoạch và phải sống lưu vong ở Đại Nguyên. Vì sự phản bội này mà sau này nhà Trần đã loại Ích Tắc ra khỏi tông thất, cho đổi tên thành Ả Trần. Trần Ích Tắc thường được nhắc đến như một ví dụ tiêu biểu về cho câu tục ngữ “Cõng rắn cắn gà nhà”
– “Rước voi về giày mả tổ” : Giặc Phạm Nhan tên thật là Trần Bá Linh. Cha của thần vốn người Quảng Đông (Trung Quốc), di cư sang nước ta, cư ngụ ở xã An Bài, lấy vợ ở đó và sinh được người con trai, đặt tên là Bá Linh. Lớn lên, Bá Linh lại về Trung Quốc, thi đỗ Tiến sỹ và làm quan cho nhà Nguyên. Y có biết chút ít phép thuật phù thủy nên được phép vào trong cung đình để chữa bệnh. Nào dè vào đó, y thông dâm với bọn cung nữ, bị khép vào tội phải chết. Khi y sắp sửa bị đem ra hành hình thì nhà Nguyên xua quân sang xâm lược nước ta, y liền xin được làm kẻ hướng đạo cho quân Nguyên để lập công chuộc tội. Nhà Nguyên chấp thuận. Nhưng rồi vì bị đại bại ở trận Bạch Đằng, Bá Linh cùng bọn Ô Mã Nhi… đều bị Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn bắt sống. Bá Linh lại một lần nữa, bị khép vào tội phải hành hình. Lần này, y xin được về chết ở quê mẹ, vì thế Hưng Đạo Đại Vương cho đem hắn về chém tại xã An Bài rồi quăng xác xuống sông. Một số phần xác của hắn biến thành đỉa, vắt và muỗi, những loài chuyên đi hút máu. Riêng cái đầu của hắn được một người đánh cá ở Hưng Học kéo lên. Phạm Nhan không muốn chết nên thuyết phục đánh cá thờ cúng mình. Về sau một số người làng này cũng thờ cúng Phạm Nhan, hắn ám để ăn máu đàn bà đẻ tạo nên chứng bệnh Phạm Nhan. Người nhà của những người mắc bệnh Phạm Nhan phải mang chiếu đến đền Trần đổi lấy chiếu cũ ở đó, cho bệnh nhân nằm lên trên chiếu, thì sẽ khỏi bệnh.
Phạm Nhan nghĩa giặc phạm vào nhan, khi ngồi vào chiếu ở đền Trần, là chỉnh lại đúng chỗ ngồi, đúng phạm vi của mình, thì bệnh mới khỏi. Trần Ích Tắc cũng là kẻ không biết phạm vi, không biết giới hạn, không biết chỗ của mình phải ngồi là ở đâu cả.
—o—o—o—
RAU MÁ
Má cũng có thể là rau má mà có cấu trúc dây mọc lan, tạo thành các lưới trên mặt đất. Rất nhiều, ca dao, tục ngữ nói về rau má, chứng tỏ nó là loại rau rất đặc biệt.
Bằng đồng tiền, nằm nghiêng trong bụi
Là cây gì? Cây rau má
Lá cây rau má nhỏ bằng đồng tiền xu.
—o—
Thân em ở bụi ở bờ
Chồng con không có mà nhờ tiếng kêu
Là cây gì? Cây rau má
Rau má là rau không chồng, không con, thiếu thốn thì kêu má, sống nhờ má, ăn bám má. Má của cây ra má chính là mẹ đất.
Khả năng nối với đất của rau má là cực kỳ lớn, như đúng cái tên của nó.
Cây sống nhờ đất mẹ, không thể tách cây khỏi đất, nhưng có thể chia cây làm nhiều nhóm theo quan hệ với đất
– Cây làm giàu cho đất : Đỗ đậu
– Cây làm đất bạc màu : Rau má, rau bạc hà, sắn, cây bạch đàn
Rau má được xếp vào cây ăn bám má, hại đất mẹ.
—o—
Vè rau
Ve vẻ vè ve
Nghe vè các rau
Thứ ở hỗn hào
Là rau ngành ngạnh
Trong lòng không chánh
Vốn thiệt tâm lang
Đất rộng bò ngang
Là rau muống biển
Quan đòi thầy kiện
Bình bát nấu canh
Ăn hơi tanh tanh
Là rau dấp cá
Có ba không má
Rau má mọc bờ
Thò tay sợ dơ
Nó là rau nhớt
Ăn cay như ớt
Vốn thiệt rau răm
Sống trước ngàn năm
Là rau vạn thọ
Tánh hay sợ vợ
Vốn thiệt rau co
Làng hiếp chẳng cho
Thiệt là rau húng
Lên chùa mà cúng
Vốn thiệt hành hương
Giục ngựa buông cương
Là rau mã đề…
Trong vè rau, rau má là loại “có ba không má, rau má mọc bờ”. Bờ là cấu trúc biên dương, đại diện cho phạm vi và giới hạn. Có ba mà không có má, là ở trong phạm vi của bố con, mà vi phạm biên giới giữa mẹ và con.
—o—
Mình về ta chẳng cho về
Nắm tay kéo lại, mình thì ở đây
Rau má là lá lan dây
Đã trót dan díu, ở đây đừng về
Rau má là lá lan thề
Đã trót dan díu đừng về ở đây
Đây là câu chuyện về một anh/cô ra bên ngoài đi lăng nhăng lúc định quay về với vợ/chồng, thì được cô/anh bồ nắm tay kéo lại bảo rằng “đã dây dưa, dan díu, thề thốt với nhau” thì ở lại luôn, đừng về nữa.
Bài này nói về tính lan của dây má, nghĩa là cây ra má, loài cây đại diện cho sự vi phạm giới hạn của các hành vị trong một mối quan hệ.
—o—
Sáng mai ăn một bụng cơm no
Xách cái rổ đi chợ bến đò
Mua chín cái trách, xách chín cái lò
Đem về:
Cái kho canh ngò
Cái kho canh cải
Cái nấu nải chuối xanh
Cái nấu canh rau má
Cái nấu cá chim chim
Cái kho rim thịt vịt
Cái kho thịt con gà
Cái kho cà, đu đủ
Cái kho củ môn tây
Trời chiều bóng xế trăng xây
Ham chơi lê lựu, bỏ chín cái trách này quên nêm
Chín cái trách ở đây chín là cái chê trách. Trách là lê la từ sáng (lúc đi chợ) đến chiều rồi trăng lên, các món kho vẫn quên nêm. Kho là kỹ thuật nấu chín kỹ bằng đun sôi nước lâu. Nêm là việc cho muối khi kho. Quên muối, món kho sẽ thành món luộc. Có câu “chặt như nêm”, nêm muối làm cho thớ của cá, thịt, rau, củ giữ được cấu trúc chặt chẽ, không nát.
Một trong 9 cái trách là rau má, bởi vì thớ dây rau má có xu hướng vượt ra ngoài phạm vi.
—o—
Tay em cầm mớ trách đặt quách lên lò
Một cái kho ngò
Hai cái kho cải
Ba cái kho nải chuối xanh
Bốn cái nấu canh rau má
Năm cái kho cá chim chim
Sáu cái kho rim trứng vịt
Bảy cái làm thịt con gà
Tám cái kho cà, thù đủ
Chín cái kho củ môn tây
Em theo anh cho đến đoạn này
Tay chân đà bải hoải, chín cái trách này quên nêm
Bài này tương tự bài trên, cái trách thứ tư trong chín cái trách này là rau má, loại rau thiếu muối, mà cũng là thiếu giới hạn, phạm vi và kỷ luật của tính mộc thổ thuỷ.
—o—
Gió thu thổi ngọn phù dung
Dạ em như sắt anh nung cũng mềm
Trông anh như thể ngàn vàng
Bỏ ra thì khách hồng nhan được nhờ.
Anh như chỉ thắm thêu cờ
Em như rau má lờ mờ giếng khơi
Dù anh mà chẳng có nơi
Em xin vượt bể qua giời theo anh.
Cô em “rau má” này một khi đã mê giai thì giai là tất cả, dù cô mới chỉ đang “lờ mờ ở giếng khơi”, “dù anh mà chẳng có nơi”, nghĩa là anh là thằng lông bông, thằng cầu bơ cầu bất, cô em “rau má” cũng quyết “vượt bể qua giời theo anh”.
Cơ bản “rau má” là loại có xu hướng phá mọi rào cản, vượt mọi phạm vi, để chạy theo cái nó muốn vì nó vừa không nhận thức được về các phạm vi và cũng chẳng coi phạm vi đang có ra gì.
—o—
Anh như con một nhà giàu,
Em như tờ giấy bên Tàu mới sang.
Anh như con một nhà quan,
Em như con én lạc đàn ngẩn ngơ.
Anh như chỉ gấm thêu cờ,
Em như rau má lờ mờ giếng khơi.
Cho nên chẳng dám ngỏ lời
Người chê rằng bạc, kẻ cười rằng khinh
“Cô em rau má” trong bài ca dao này lại khác hẳn “cô em rau má” trong bài ca dao trên, nghĩa là nó rất biết phạm vi và giới hạn nam nữ, giàu nghèo, giai cấp … để có hành vi phù hợp.
—o—
Anh như ngựa tía nhà quan
Em như trâu, nghé lạc đàn bơ vơ
Anh như chỉ thắm thêu cờ
Em như rau má mọc bờ giếng thơi
Giếng thơi gàu múc lưng chừng
Dẫu là vụng liệu xin đừng trách dây
“Cô em rau má” trong bài ca dao này khác với hai “cô em rau má” trong hai bài ca dao trên, nghĩa là nó rất biết phạm vi và giới hạn nam nữ, giàu nghèo, giai cấp … nhưng cô em “rau má” này vẫn sẽ xoay sở để vượt qua giới hạn đến được với anh, không để tình trạng lưng chừng.
—o—
Rau dền, rau má mọc riêng
Cỏ chỉ, cỏ cú mọc liền đầy sân
Bài này cũng nói về phạm vi và giới hạn ngầm hiểu giữa các giống loài, và hành vi liên quan của các giống loài.
—o—
Giàu như ai thì tôi không biết
Chớ giàu như tôi chừ, ít kẻ muốn vô:
Trong nhà trống rỗng, chỗ mô cũng thấy trời
Trong nhà chẳng thiếu chi đồ chơi
Nàng nàng, bợp bợp mọc thời huyên thuyên
Rau dền, rau má mọc riêng
Cỏ chỉ, cỏ cú mọc liền đầy sân
Trong nhà có sắm một cái giàn
Để năm ba tấm đệm, vài ngàn lá tơi
Lại thêm năm bảy cái nón cời
Vài gùi giẻ rách để chờ thời diện sang
Bài này nói về phận nghèo, nhưng nghèo đâu ra đấy, có trật tự, có lớp lang.
—o—
Anh tới nhà em ăn cơm với cá
Em tới nhà anh ăn rau má, lá lang
“Cơm với cá” là bữa ăn của nhà giàu, bữa ăn của chủ nhà, là em trân trọng mời khách, là anh.
“Rau má, lá lang” là bữa ăn của nhà nghèo. Nhưng rau má là rau dây lan, vượt phạm vi, phá giới hạn, còn lá lang cũng là dây bò lan, tạo ra sự lang chạ.
Hai câu này nghĩa là em đàng hoàng tử tế với anh nhưng anh là đồ gian díu và lang chạ.
—o—
Anh về làm rể ăn cơm với cá
Em về làm dâu ăn rau má với rạm đồng
Người ta bảo rau lang bò ngang và lang chạ như ram đồng bò ngang và đánh đồng
—o—
Giàu như người ta ăn cơm với cá
Khó như em ăn rau má ram đồng
Dù cho chờ đợi mấy đông
Đắng cay cũng chịu, mặn nồng cũng cam
Câu này liên quan đến sức chịu đựng khó khăn vượt giới hạn trong đó có sự xa cách về không gian và thời gian với anh, vì em là người chủ động ăn rau má ram rồng.
—o—
Dân Thanh Hoá, ăn rau má, phá đường tàu
Cô gái hay anh trai Thanh Hoá này là loại rau má phá hoại, phá giới hạn, phá phạm vi.
—o—
Vè Thanh Hóa
Khu Bốn đẩy ra
Khu Ba đẩy vào
Bỏ chạy sang Lào
Nước Lào không nhận
Tức mình nổi giận
Lập quốc gia riêng
Thủ đô thiêng liêng
Là huyện Nông Cống
Quốc ca chính thống:
“Dô tá dô tà”
Nông nghiệp nước nhà:
Trồng cây rau má
Biển khơi lắm cá
Mười mẻ một cân
Nhà máy phân lân
Một năm hai tạ
Vang tiếng xa gần
Nem chua toàn lá
Còn công nghiệp hoá
Là phá đường tàu
Bài này nói về cách người Thanh Hoá tự tạo ra địa hạt, phạm vi, cho quốc gia Thanh Hoá, mà chẳng thuộc về đâu của mình và nông nghiệp của họ vẫn là “trồng cây rau má”.
—o—o—o—
CÁI MÁ
Má cũng có thể là cái má trên khuôn mặt, là vùng chủ về tiếp xúc với bên ngoài như để nhìn vào hay để thơm. Má thắm, má hồng, má đào … là biểu tượng của người con gái đang xuân thì.
Mình chả lấy ta rồi ra mình thiệt
Ta chả lấy mình ta biết lấy ai
Răng đen còn có khi phai
Má hồng khi nhạt, tóc dài khi thưa
Rằng đây lấy đấy đương vừa
Lại còn kén chọn lọc lừa nơi đâu
Gái “răng đen” là “gái khó nhăn răng” rất có lựa chọn, có giới hạn, kỹ tính, nhưng răng đen có khi phai, kén quá cũng chẳng gặp được ai hoặc kén sai người.
Má hồng thì lại rất mở, ai cũng muốn nhìn, muốn thơm, nhưng má hồng có khi nhạt, chẳng ai thèm ngó tới
—o—
Ông ơi từ nẳm đến nay
Thấy ông mà những đắm say trong lòng
Muốn xe tơ với chữ đồng
Ngặt nhìn râu ấy má hồng đã đau
—o—
Thuyền xuôi, neo nọc cũng xuôi
Nhớ em, anh nhớ cả đôi má hồng
Má hồng là biểu tương con gái đang xuân, đặc biệt chưa chồng.
—o—
Má hồng bồng kiếm ra oai
Dậm chân rung núi, nghiêng vai đổ trời
—o—
Trèo đèo mệt lắm anh ơi
Mua vài vuông nhiễu lau đôi má hồng
—o—
Giếng Bình Đào vừa trong vừa mát
Đường Bình Đào lắm cát dễ đi
Em ơi má thắm làm chi
Để anh thương nhớ mấy con trăng ni không về
—o—
Hỡi cô yếm thắm má đào
Chồng cô, cô bỏ, cô theo chồng người
Cô gái má đào là cô gái đào hoa, chăng hoa.
—o—o—o—
RAU MÁ HAY BÁNH RAU CỦA MẸ
Có sự liên hệ đặc biệt giữa rau má và má đẻ, bởi vì rau má cũng là rau của má mà dành để nuôi con trong thời kỳ bào thai.
Rau thai là bộ phận đặc biệt mà thuộc về cả mẹ và con
– Về cấu trúc nó thuộc về bào thai của con, lúc này nó gọi là bánh nhau
– Về vận hành nó thuộc về mẹ bởi vì đó là bộ phận nhận máu và lọc máu từ mẹ để nuôi cho thai nhi, rồi lại chuyển máu sang mẹ, làm thành vòng tuần hoàn mẹ con lúc ra đời, lúc này nó được gọi là rau nhau
Khi đứa bé ra đời, cắt rốn thì bánh nhau rời ra khỏi em và khi bong nhau, bánh nhau rời khỏi tử cung mẹ. Em bé lúc này không còn được nuôi bởi mẹ đẻ (mẹ mang thai) mà sẽ được nuôi bởi mẹ dưỡng (mẹ nuôi thân). Bánh nhau khi được chôn xuống đất, sẽ trở thành rau nhau, tiếp tục kết nối đứa con với xứ sở của mẹ và cha, mà gọi là quê cha đất mẹ.
Trong bào thai, bánh nhau nằm trong một bao gọi là bao la, còn em bé nằm trong một cái bao gọi là bao điều, có tính định hình và định phạm vi. Bánh nhau nằm trong bao la, như vậy đủ biết bánh nhau có khả năng kết nối cả trời và đất siêu đến mức nào, nhưng ngược lại đôi khi bao la quá cũng là không biết đâu là điểm dừng, là phạm vi của mình và của người khác.
Khi một kẻ không biết được phạm vi, giới hạn, điểm dừng trong quan hệ dòng máu, đặc biệt là dòng máu mẹ, dẫn đến các hành vi phản phúc hại mẹ và hại đất mẹ, đó là kẻ “chó má”.