Túi ni-lông xuất hiện trong gia đình chúng ta từ các nguồn nào ?
– Từ việc đi chợ mua thực phẩm hàng ngày : hàng đậu phụ cho đậu phụ vào một túi ni-lông, hàng thịt cho thịt vào một túi ni-lông, hàng rau cho rau vào một túi ni-lông, hàng đồ khô cho lạc vào một túi ni-lông … thế là dù chúng ta hạn chế túi ni-lông đến mức nào, một ngày đi chợ ghé qua ba hàng là có thêm ít nhất ba cái túi ni-lông. Nếu dùng làn hay túi riêng đi chợ, tình hình không thay đổi nhiều, rau, thịt, lạc và đậu phụ … không thể được để lẫn với nhau trực tiếp trong làn. Mỗi lần đi chợ thì mang vài ba cái túi ni-lông cũ đi để các bác bán hàng tái sử dụng là một giải pháp rất khó thực hiện, vì người bán hàng nào sẽ có loại túi ni-lông đó, phù hợp về kích thước và khô ráo để chủ động gói hàng luôn cho người mua, chứ người bán hàng không đợi hỏi người mua có túi hay không.
– Từ việc mua sắm đồ dùng khác : mua quần áo, mua sách vở, mua bánh kẹo, mua nồi xong, mua thiết bị điện tử, mua cây cảnh … mỗi thứ đều có bao hộp riêng, sau đó các bao hộp này cũng lại được cho vào trong các túi ni-lông lớn để xách về nhà
– Từ quà biếu, đồ cho tặng …
Nói chung bất kỳ hàng tiêu dùng nào vào nhà chúng ta, thì đều được bỏ vào trong túi ni-lông.
Túi ni-lông ra khỏi nhà chúng ta theo cách cách nào ?
– Đổ rác
Chúng ta có thể dùng túi ni-lông to thay cho thùng rác và vứt tất cả túi ni-lông bẩn đi cùng rác thải hàng ngày.
Túi ni-lông ở lại nhà chúng ta theo cách nào ?
– Nhiều bà nội trợ giữ túi ni-lông sạch lại để nếu có việc gì thì dùng
Trước đây, tôi cũng giữ túi ni-lông sạch lại để có việc gì thì dùng nhưng hàng ngày đều có thêm túi mới trong khi túi cũ không được dùng, trở thành rác trong nhà. Cho nên nếu tích trữ túi ni-lông kiểu này chúng ta cần định kỳ đem cho túi ni-lông cho ai đó, như người bán hàng, và không phải người bán hàng nào cũng nhận túi ni-lông tạp chủng như vậy.
Tôi có đất để đổ rác hữu cơ. Trừ các loại rác hữu cơ dạng như xương cá, xương lợn, vỏ hến hay thịt, mỡ … thì không thể đổ xuống đất, các loại vỏ củ, cuống rau … đều có thể đổ xuống đất. Tôi ít đi siêu thị, ít mua đồ có bao gói, thực phẩm hàng ngày luôn mua mấy hàng quán nhỏ trong ngõ, bên đường, nên túi ni-lông gần như là nguồn rác vô cơ duy nhất phát sinh hàng ngày trong nhà tôi.
Việc giữ túi ni-lông dư thừa sau khi đi chợ hàng ngày không góp phần bảo vệ môi trường mà việc hạn chế tối đa việc sử dụng túi ni-lông khi ra ngoài mua sắm và nâng cao hiệu suất và quay vòng của túi ni-lông đã có sẵn trong gia đình trong đó có việc ngừng tích trữ túi ni-lông có lẽ là giải pháp thiết thực hơn. Chúng ta nên sử dụng túi ni-lông làm túi đựng rác và vứt túi ni-lông có thêm hàng ngày cùng việc mua sắm vào rác thải vô cơ hàng ngày.
Tóm lại là túi ni-lông vào nhà chúng ta hôm nay sẽ không ở trong nhà chúng ta đến ngày mai như câu “Việc hôm nay chớ để ngày mai”. Khi lấy bất kỳ sản phẩm nào từ túi ni-lông ra, chúng ta sẽ tự tay đưa luôn túi ni-lông này vào túi ni-lông chính chứa rác của ngày mà không quẳng nó sang bên hay nhét vào một chỗ chung để túi chứa ni-lông, lúc này chúng ta sẽ có ý thức về số lượng túi ni-lông dư thừa cho một sản phẩm, ví dụ một món đồ cần một túi thì lại được cho vào hai túi. Hàng ngày làm như vậy, chúng ta sẽ hình dung và kiểm soát được số lượng túi ni-lông phát sinh thêm hàng ngày, chúng sẽ choáng váng vì số lượng quá lớn túi mà chúng ta đang sử dụng và có ý thức hơn trong việc hạn chế rác thải túi ni-lông.