Tiết Mang chủng

Loading

Mang Chủng là một trong 24 tiết khí, sau tiết Tiểu Mãn và trước Hạ Chí.

– Bắc bán cầu : Điểm Xuân phân là gốc có kinh độ Mặt Trời bằng 0°, thì thời điểm bắt đầu hay diễn ra tiết Mang Chủng ứng với kinh độ Mặt Trời bằng 75°.

– Nam bán cầu : Tiết mang chủng kéo dài từ 7 hay 8 tháng 12 cho đến điểm hạ chí ở bán cầu này (21 hoặc 22 tháng 12).

 

Mang chủng hay Măng chủng hay Mang xung 

– Mang là mang thai, mang vác, mang cá để thở

– Măng là mầm, là tre non

– Chủng là chủng loại, chủng tộc, giống loài

– Xung là xung sức, xung mãn, xung huyết, xung đột

Mang/măng mang tính âm, chủng/xung mang tính dương.

 

Ý nghĩa của tiết khí này là

– Ngũ cốc trổ bông

– Cá tôm đẻ trứng, có trứng

Trong tiết khí này, người dân bắc bán cầu như ở Việt Nam nhìn thấy chòm sao Tua Rua mọc. Sao Tua rua còn có tên là sao Mạ, sao Vua và sao Kim Ngưu.

  • Tua rua là Tên gọi dân dã trong tiếng Việt của cụm sao phân tán M45 trong chòm Kim Ngưu (Taurus), ở Việt Nam thường thấy được vào lúc sáng sớm đầu tháng 6 dương lịch, hoặc từ tiết khí Mang chủng.
  • Tua Rua còn được nông dân đồng bằng Bắc Bộ gọi là Sao Mạ vì xuất hiện trên bầu trời vào thời vụ gieo mạ lúa mùa chính vụ.
  • Trong bầu trời đêm thì mắt thường có thể nhìn thấy chín ngôi sao sáng nhất của cụm sao này, vì thế trong dân gian mới có câu “Sao Tua (Vua) chín cái nằm kề.”

Tinh chủ của chòm sao Kim Ngưu (Taurus) là sao Kim, thần Vệ Nữ, và sao KIm cũng có rất nhiều tên

  • Sao Kim : trạng thái chung
  • Sao Hôm : trạng thái ban chiều
  • Sao Mai : trạng thái ban mai
  • Sao Thái Bạch : trạng thái trùng với đường chân trời trùng với Bình Minh hoặc Hoàng Hôn
  • Sao Vượt, sao Vược : trạng thái ban ngày sáng cùng Mặt trời, sáng vượt Mặt trời

Sao Tua Rua cũng như sao Kim xuất hiện ca dao, tục ngữ, cổ tích Việt và cũng như trong cổ tích và văn hoá dân gian nhiều dân tộc.

Sao Tua Rua, sao Mạ là ngôi sao gắn với nông nghiệp, là ngôi sao dẫn đường chỉ lối cho người nông dân

Làm ruộng thì trông Tua Rua
Chớ trông hoa quả mà thua bạn điền

Đi cày mà muốn được mùa
Thì con phải lấy sao Tua làm chừng

Tua rua một tháng mười ngày,
Cấy trốc luống cày cũng được lúa xôi

Tua rua mọc, vàng cây héo lá
Tua rua lặn, chết cá chết tôm

Tua rua đi rắc mạ mùa
Tiểu thử đi bừa, cày ruộng rất sâu
Hàn lộ lúa trổ bằng đầu
Lập đông ta quyết về mau gặt mùa.

Tháng mười coi cái sao Tua
Khi nằm, khi dậy làm mùa mới nên

Tua rua bằng mặt, cất bát cơm chăm,
Tua rua đi nằm, cơm chăm đã cạn

Đom đóm bay ra, trồng cà tra đỗ
Tua rua bằng mặt, cất bát cơm chăm.

Chiêm gieo cấy ở miền Bắc vào đầu mùa đông, lạnh, khô (tháng mười, tháng mười một) chính là sau Tết Mùa mới và thu hoạch vào đầu hạ, lạnh, mưa nhiều.

Đố ai biết đá mấy hòn
Tua Rua mấy chiếc, trăng tròn mấy đêm

Đố ai biết núi mấy hòn,
Sao vua mấy cái, trăng tròn mấy nơi?

Tua rua thì mặc Tua Rua
Mạ già, ruộng ngấu không thua bạn điền

Sao Tua Rua báo trước các biến động của thiên nhiên, nằm ngoài quy luật bình thường, cho nên sao Tua Rua cũng trở thành một ngôi sao không thể lường được.

Tua rua mấy chiếc nằm kề
Thương em từ thuở mẹ về với cha

Sao vua chín cái nằm kề
Thương em từ thuở má về với ba

Thủa mẹ về với cha là thủa cha mẹ kết hợp, thủa em còn chưa ra đời, thì làm sao mà anh có thể thương em từ lúc đó ?

Sao Rua chín cái, sao Bánh Lái nằm ngang
Thương em từ thuở má mang trong lòng
Sao Rua chín cái nằm chồng
Thương em từ thuở má bồng trên tay

Thủa em còn bụng mẹ, thủa em mới sinh ra đời, anh có thể còn chưa biết em hoặc anh cũng chỉ là đứa trẻ, làm sao mà thương em từ lúc đó được ?

Sao vua chín cái nằm kề
Thương em từ thuở mẹ về với cha
Sao vua chín cái nằm ngang
Thương em từ thuở mẹ mang trong lòng
Sao vua chín cái nằm chồng
Thương em từ thuở mẹ bồng trên tay
Sao vua chín cái nằm ngay
Thương em từ thuở biết đi biết bò.

Trên trời có sao Tua Rua,
Ở dưới hạ giới đang mùa chiến tranh.
Máu rơi thịt nát tan tành,
Máu trên đồng ruộng, mái tranh, bến đò.
Em thương dân tộc xin hò,
Hò rằng dân Việt phải lo giữ gìn.
Lạy trời cho máu về tim,
Máu đừng chảy nữa trên miền quê hương.

 

 

Chia sẻ:
Scroll to Top