TRÒ CHƠI “THẢ ĐỈA BA BA”
Bài đồng dao này gắn với trò chơi dân gian “Thả đỉa ba ba”. Trò chơi là thử thách xuống vùng nước có đỉa làm sao để không bị đỉa cắn.
Chuẩn bị :
– Vẽ 2 đường thẳng hoặc vòng tròn giả làm bờ sông, bờ mương, bờ ruộng hoặc bờ ao, trong bờ ngập nước là nơi đỉa sống, trên bờ đỉa không được lên
– Cùng oẳn tù tì chọn ra người thua để đóng vai làm đỉa, phải đứng ở phần ngập nước, không được ngoi lên bờ.
– Những người chơi khác ban đầu đứng trên bờ, khi trò chơi bắt đầu phải lội xuống nước, nơi có đỉa
Cách chơi thứ 1 : Cả nhóm cùng đọc bài đồng dao “thả đỉa ba ba”, bạn làm đỉa đi xung quanh vòng tròn, cứ mỗi tiếng người làm đỉa lại lấy tay chỉ vào mình rồi lại lấy tay chỉ vào một bạn … nếu chữ đỉa cuối cùng rơi vào bạn nào thì bạn đó phải đứng lại “ao” làm đỉa, trừ khi bạn này nhanh chân chạy lên bờ ao, nếu bạn nào chậm chân bị “đỉa” bám thì phải xuống “ao” làm đỉa, còn người làm “đỉa” lại được lên bờ. Cứ như thế trò chơi lại tiếp tục. Trong cách chơi này người chơi chạy vòng tròn ở bờ ao.
Thả đỉa ba ba
Chớ bắt đàn bà
Phải tội đàn ông
Cơm trắng như bông
Gạo tiền như nước
Đổ mắm đổ muối
Đổ chốt hạt tiêu
Đổ niêu cứt gà
Đổ phải nhà nào
Nhà nấy phải chịu
—o—
Thả đỉa ba ba
Chớ bắt đàn bà
Tha tội đàn ông
Cơm trắng như bông
Gạo tiền như nước
Đổ mắm đổ muối
Đổ chốt hạt tiêu
Đổ niêu nước chè
Đổ phải nhà nào
Nhà nấy phải chịu
Cách chơi thứ 2 : Tất cả các bạn chạy qua chạy lại vùng nước có đỉa, vừa chạy vừa hát đồng dao trêu đỉa, còn đỉa thì rượt đuổi các bạn, cho đến khi đỉa bắt được ai đó thì trò chơi kết thúc, chơi lại từ đầu. Người bị đỉa bắt phải xuống nước làm đỉa trong ván chơi mới, còn đỉa lại lên bờ. Trong cách chơi này, mọi người chạy qua chạy lại vùng nước có đỉa, đồng thời có thể chạy lên bờ trên đỉa nhưng lên xong phải xuống ngay, không được ở lỳ trên bờ.
Thả đỉa ba ba
Con đỉa đeo bà
Con gà tục tác
Mỏ nhát cầm chầu
Con mèo cầm lái
Con rái chạy buồm
Con tôm tát nước
Vọc nước giỡn trăng
Cách chơi thứ 3 : Khi có người hô to “Nước ngập đỉa ngoi lên bờ” thì lúc đó đỉa bắt đầu rượt đuổi các bạn. Khi nào có người hô “Nước rút” thì đỉa lại phải trở lại đìa. Nếu đỉa chạm được vào ai thì người đó thua và phải vào vòng tròn ở trung tâm làm đỉa thay thế. Trong cách chơi này, vòng tròn ở trung tâm khá bé và dành riêng cho đỉa.
Thả đỉa ba ba,
Chớ bắt đàn bà.
Phải tội đàn ông,
Cơm trắng như bông,
Gạo tiền như nước,
Gánh ba gánh nước,
Đưa cậu ra đồng,
Đánh ba tiếng cồng,
Cậu ơi là cậu.
—o—o—o—
BÀI ĐỒNG DAO “THẢ ĐỈA BA BA”
Trò chơi khá đơn giản nhưng bài đồng dao này như nhiều bài đồng dao khác, hát thì cứ hát mà chẳng hiểu gì.
Xin thử phân tích bài thứ nhất
Thả đỉa ba ba
Chớ bắt đàn bà
Phải tội đàn ông
Cơm trắng như bông
Gạo tiền như nước
Đổ mắm đổ muối
Đổ chốt hạt tiêu
Đổ niêu cứt gà/nước chè
Đổ phải nhà nào
Nhà nấy phải chịu
Thả đỉa ba ba
Trong phong thuỷ có biểu tượng quy xà hay rùa rắn là một thế đất quý. Quy xà là sự phối hợp của rắn và rùa, để tạo nên một đơn vị hoàn chỉnh vừa vững vàng về cấu trúc nhờ rùa, vừa độc lập và linh hoạt về vận hành nhờ xà. Đỉa ba ba chính là sự chuyển hoá từ quy xà. Con đỉa là loài ký sinh hình dáng và có tính chất lưỡng cư khá giống như con rắn. Con ba ba chung gốc với con rùa, nhưng con rùa có năng lượng trụ và quy tụ, còn con ba ba mang năng lượng vận hành. “Thả đỉa ba ba” là cho con đỉa một cái thế vận hành để bắt đầu tìm vật chủ ký sinh. Câu này tương tự như “thả hổ về rừng”, nơi hổ thống trị như chúa sơn lâm. Khi con đỉa bắt được một người thì nó làm tổ trên người đó để hút máu cho đến nó mới buông. Đỉa ba ba chính là cách đỉa tìm vật chủ ký sinh để tổ đỉa hút máu trên vật chủ.
Rùa hạc cũng là biểu tượng quen thuộc tại các điểm thờ cúng, nhưng khi con rùa trở thành con ba ba và con ba bà này bị con đỉa đeo bám, thì lúc này nó sẽ tấn công ngược lên con hạc, mà bình thường đậu trên lưng rùa, như ca dao đã nói
Sa cơ, hạc xuống ăn bàu,
Đỉa đeo chân hạc, hạc đau hạc nằm
—o—
Đỉa đâu đỉa đeo chưn hạc
Ác đâu ác đậu nhành mai
—o—
Chớ bắt đàn bà
Phải tội đàn ông
Đỉa lựa chọn đàn ông hay đàn bà để hút máu ? Thực tế, phụ nữ dễ bị mất máu hơn đàn ông, bởi vì phụ nữ có chức năng mang thai và trong quá trình mang thai, người mẹ sẽ bơm máu cho bào thai qua bánh nhau, cho nên phụ nữ có bản năng và cả thiên hướng cho máu và mất máu, cho đứa con mà làm tổ trong thành tử cung mẹ và hút máu mẹ, rồi lọc máu qua bánh nhau để chuyển thành máu của mình. Trong các sự kiện ăn bám hút máu, nạn nhân bị hút máu thường là đàn bà bao gồm người mẹ, còn thủ phạm thường là đàn ông, bao gồm con trai.
Cơm trắng như bông,
Gạo tiền như nước
Câu này có hai nghĩa
– Máu được tạo ra từ cơm, từ gạo, từ tiền bạc.
– Những kẻ ăn bám cơm gạo, tiền bạc của cha mẹ, gia đình, dòng họ là một dạng đỉa.
Đổ mắm đổ muối
Đổ chốt hạt tiêu
Đổ niêu cứt gà/nước chè
Đây là những cách dân gian dùng để chống đỉa
– muối biển hoặc mắm (mà cũng làm từ cá ngâm muối biển)
– chốt hạt tiêu
– cứt gà
– nước chè
Trong sự tích Trần Hưng Đạo giết Phạm Nhan, một con đỉa của cây dòng họ ngoại, đã theo giặc Nguyên Mông về xâm lược lại chính quê mẹ, hòng cứu mạng của mình. Để giết tên này, Trần Hưng Đạo đã cho bôi vôi tôi, phân gà sáp với bồ hóng vào lưỡi kiếm mới chém được đầu hắn. Ngài cho quân và dân chúng rải vôi bột và nước biển tiêu diệt chúng. Phạm Nhan chết biến thành con đỉa, con muỗi và con vắt. Trần Hưng Đạo lại cho nuôi cóc khắp nơi để diệt muỗi, nuôi cá chép để ăn đỉa. Vì lẽ đó trong nhà Trần còn có bùa cá chép, bùa cóc. Như vậy Trần Hưng Đạo đã diệt con đỉa hút máu cây dòng họ và quê mẹ Phạm Nhan bằng
– vôi tôi
– phân gà
– bồ hóng
– vôi bột
– nước biển
– cóc
– cá chép
Đổ phải nhà nào
Nhà nấy phải chịu
Câu này có hai nghĩa
– Đỉa ăn bám nhà nào như con cháu của nhà đó thì nhà đó phải chịu
– Diệt đỉa ở nhà nào, mà ảnh hưởng đến nhà đó thì nhà đó phải chịu
—o—
Chúng ta thử phân tích bài đồng dao thứ hai
Thả đỉa ba ba,
Chớ bắt đàn bà.
Phải tội đàn ông,
Cơm trắng như bông,
Gạo tiền như nước,
Gánh ba gánh nước,
Đưa cậu ra đồng,
Đánh ba tiếng cồng,
Cậu ơi là cậu.
Đưa cậu ra đồng,
Đánh ba tiếng cồng,
Cậu ơi là cậu.
“Đưa cậu ra đồng” là đưa người chết đi chôn như trong bài ca dao về thằng Cuội. “Thằng Cuội chết tối hôm qua. Đánh trống, đánh phách đưa ma ra đồng”.
Tại sao cậu chết ? Có hai trường hợp xảy :
– Cậu là con đỉa đội lốt người trên cây dòng họ, không ăn bám được nữa, nên cậu chết. Như vậy trước đó phải có ai đó trên cây dòng họ đã làm điều gì đó để xử được con đỉa này.
– Cậu là người trên cây dòng họ, em của mẹ mà đã bị đỉa ăn đến chết. Như vậy, có thể sẽ có người tiếp theo trên cây dòng họ sẽ bị con đỉa ăn đến chết
—o—
Chúng ta thử phân tích bài đồng dao thứ ba
Thả đỉa ba ba
Con đỉa đeo bà
Con gà tục tác
Mỏ nhát cầm chầu
Con mèo cầm lái
Con rái chạy buồm
Con tôm tát nước
Vọc nước giỡn trăng
Trong bài đồng dao này, con đỉa đeo bà, như vậy nó sẽ phải là cháu của bà. Khi đó xuất hiện một loạt con vật với một loạt hành động để diệt con đỉa và bảo vệ bà