TẾT MÙNG 3 THÁNG 3

Loading

Tết mùng 3 tháng 3 âm lịch được tổ chức rộng rãi bởi nhiều nhóm người, nhiều nhóm dân tộc trên đất nước Việt Nam và Trung Quốc.

THỜI GIAN CỦA LỄ TẾT MÙNG 3 THÁNG 3

Đây là Tết của chu kỳ ngày, nghĩa là nó cần tổ chức đúng vào ngày 3/3.

Về tiết khí, lễ này rơi vào tiết Thanh Minh, nhưng lại không phải là Tết Thanh Minh. Có nơi quy định Tết Thanh Minh là ngày đầu tiên của Tiết Thanh Minh, có nơi quy định Tết Thanh Minh sau ngày mùng 3 tháng 3.

TÊN CỦA LỄ TẾT MÙNG 3 THÁNG 3

Tết này có rất nhiều tên gọi. Mỗi tên gọi của ngày này sẽ ứng với một hoặc một số tích tương ứng. Mỗi tên và tích lại đi cùng với những nghi lễ và phong tục tổ chức Tết rất khác nhau.

Sau đây là một số tên
– Tết mùng 3 tháng 3 : Không có tích tương ứng
– Tết bánh trôi bánh chay : Phong tục làm và ăn bánh trôi bánh chay. Bánh trôi bánh chay là một bộ biểu tượng gốc về âm dương sự sống cực kỳ phức tạp.
– Tết Hàn thực : Tích về Giới Tử Thôi và phong tục ăn đồ nguội
– Tết Tam Nguyệt Tam : Tích về nàng Tiên ca, Nguyệt Ca ứng với lễ hội ca hát
– Tết long tong
– Thượng Tỵ Tiết : Tỵ là con giáp sau Thìn và trước Ngọ.
– Tết pháo hoa
– Lễ sinh thóc lúa
– Lễ phù niệm phù hay ngày yêu đương nam nữ
– Tết khô
– Lễ Địa Tàm hội, tục Tảo mộ

ĐỐI TƯỢNG CỦA LỄ TẾT MÙNG 3 THÁNG 3

Nhìn chung đối tượng của Tết này rất rộng từ cha mẹ, vợ chồng, con cái, từ trong nhà đến ngoài nhà, từ vật chất đến tinh thần
– Đối tượng là lúa gạo thì ngày này được gọi là ngày sinh của lúa và người ta làm rồi ăn các sản phẩm từ lúa gạo đặc biệt là cơm và bánh
– Đối tượng là thanh âm, giai điệu thì ngày này là lễ ca hát và sáng thì người ta hát ngoài nhà và tối về thì người ta hát trong nhà
– Đối tượng là gia tiên thì ngày này gọi là ngày tảo mộ
– Đối tượng là trai gái thì ngày này là ngày trai gái kết đôi

Xin điểm qua một số cách tổ chức ngày Tết này và các sự kiện xảy ra vào ngày này ở các nơi

1. Tết bánh trôi bánh chay.

Bánh trôi bánh chay là một cặp bánh âm dương nam nữ.

Bánh trôi là hình tượng người phụ nữ, còn bánh chay là hình tượng người đàn ông. Bánh chay là người đàn ông đứng vị trí trung tâm trong ngôi nhà, cái bát. Bánh trôi là người phụ nữ ba chìm bảy nổi trong nồi nước luộc, rồi trôi từ nhà mẹ đẻ sang nhà chồng và cuộc đời của người phụ nữ là một sự chảy trôi.

Hồ Xuân Hương có câu tả bánh trôi cũng là tả người phụ nữ
Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Ba chìm bảy nổi với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son

Giải thích từng câu thơ của Hồ Xuân Hương theo cách nấu và ăn bánh trôi như sau
– Thân em vừa trắng lại vừa tròn : bánh trôi làm từ bột nếp màu trắng hình tròn
– Ba chìm bảy nổi với nước non : bánh khi chín sẽ nổi lên và bập bềnh trên mặt nước sôi, sau đó lại được thả nổi trong nước lạnh cho đến khi chìm xuống thì sẽ được vớt ra thành bánh nguội.
– Rắn nát mặt dầu tay kẻ nặn : bánh rắn thì tròn và nhân đường còn nguyên cục, bánh nát thì đường nát bị chảy và vỏ bánh cũng nát ra vừa lấm lem vừa không được tròn
– Mà em vẫn giữ tấm lòng son : nhân bánh bằng đường mật mía tiếp xúc với lòng bánh chính là tấm lòng son.

Bánh trôi bánh chay màu trắng mới đúng với ý nghĩa của Tết này, vì bánh trôi là trăng mật. Nếu cẩn thận nữa thì một đĩa bánh trôi sẽ có 12 chiếc bánh trôi ứng với 12 tháng trăng tuần hoàn, tạo thành tuần trăng mật. Bánh trôi nhuộm đủ màu không phải là sự sáng tạo, mà là sự phá hỏng truyền thống vì không hiểu ý nghĩa biểu tượng của bánh Tết.

Làng Gạ đi bán bánh trôi
Làng Sù bán bún dính môi lằng nhằng

Làng Gạ là tên nôm của làng Phú Gia, nay thuộc địa phận phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội. Làng Gạ có nghề truyền thống nấu xôi, rượu nếp, bánh trôi, bánh đa kê… , đều là các sản phẩm làm từ lúa, gạo. Đây là khu vực nằm bên Hồ Tây, sông Hồng và sông Thiên Phù xưa mà đổ vào sông Tô Lịch ở ngã ba sông chợ Bưởi. Vùng Phú Thượng và cả vùng Từ Liêm xưa có lúa chiêm. Riêng Phú Gia là làng có nhiều liên quan đến người Chăm, người đi theo chế độ mẫu hệ và người Chăm trồng lúa chiêm, lúa chiêm cũng là lúa Chăm.

2. Ngày giỗ Mẹ, mẫu Liễu Hạnh

Có câu “Tháng Tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ Mẹ” để nói về ngày này.

Đây là ngày giỗ Đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh, hiện thân của Đệ Nhất Thượng Thiên trong đạo Mẫu Việt Nam.

Mẫu Liễu Hạnh cũng là một trong Tứ bất tử của người Việt, cùng với Tản Viên Sơn Thánh, Phù Đổng Thiên Vương Thánh Gióng và Chử Đồng Tử.

3. Lễ hội đền Quán Thánh vào ngày giỗ của đức Huyền Thiên Trấn Vũ 

Lễ hội đền Quán Thánh được tổ chức vào ngày mùng 3 tháng 3, ngày giỗ của đức Huyền Thiên Trấn Vũ, vị thần trấn Bắc của Thăng Long.

Thực ra Huyền Thiên Trấn Vũ là vị thần rất lớn, của Trái đất chứ không phải chỉ của Thăng Long. Huyền Thiên Trấn Vũ là vị thần của bầu trời, của phương Bắc. Chúng ta cần phải hiểu phương Bắc và phương Nam theo câu ca dao “Chân nam đá chân chiêu”, “Tay nam tay chiêu” thì nam là toả ra, phân ra, đa dạng hoá đi vào vận hành, còn Bắc là thu về cấu trúc, thu về một mối. Xuân phân chính là trạng thái vận hành dạng ra toả, phân ra, đa dạng hoá để đi vào vận hành, thì Thanh minh lại thu vào, và điểm thu vào cân bằng nhất là vào mùng 3 tháng 3.

Đền Quan Thánh được xây vào thời vua Lý Công Uẩn, vị vua cho dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, ngài cũng mất vào ngày mùng 3 tháng 3. Tháng ba cũng là tháng kỷ niệm Lý Công Uẩn dời đô về Thăng Long.

4. Tết Hàn Thực & Sự tích Giới Tử Thôi

Giới Tử Thôi là công thần, đi theo phò vua Tấn Văn Công (sinh năm 697 TCN – chết năm 628 TCN) trong nhiều năm. Khi Tấn Văn Công bị lưu lạc, ông thậm chí có lần cắt thịt đùi cho vua ăn. Khi Tấn Văn Công lên ngôi và ban thưởng cho người có công, lại quên ông nên ông bỏ vào rừng ẩn cư với mẹ. Sau có người báo tin cho vua, vua nhớ ra ông, vào rừng tìm ông không thấy. Vua bèn đốt rừng để bắt ông ra gặp. Giới Tử Thôi cùng mẹ chịu chết trong rừng. Ngày đốt rừng là ngày 3/3. Nên sau vua ra quy định tổ chức lễ vào ngày này. Trong ngày này cấm lửa và ăn đồ nguội, nhưng đồ nguội gì và về sao ăn đồ nguội đó thì không biết.

Xin xem thêm
https://vtcnews.vn/cau-chuyen-bi-tham-lien-quan-den-nguon-goc-tet-han-thuc-ar606366.html

Tích này sau bị ghép vào đồ ăn nguội là bánh trôi bánh chay. Điều này là không có căn cứ gì cả, vì bánh trôi bánh chay cũng không phải là đồ ăn nguội tiêu biểu và rõ ràng nấu bánh trôi bánh chay vẫn phải cần lửa. Người Việt Nam trước đến nay vẫn ăn bánh trôi bánh chay mà chả quan tâm đến Giới Tử Thôi, cũng chẳng phải vì ông vua nào bảo phải làm thế, thậm chí người Trung Quốc cũng vậy.

Sự tích này có thể là sự dàn dựng để ghép nó vào tục ăn bánh trôi bánh chay vì một số lý do nào đó. Hàn vừa là lạnh như hàn khí mùa đông, vừa là nóng như hàn điện, hàn xì. Hàn là hàn gắn, kết nối, bao gồm hàn gắn và kết nối âm dương, thân thể, tinh thần, gia đình. Hàn là một dạng vận công cần đến tính hoả nhưng nhằm vào các đối tượng bên trong như Giới Tử Thôi làm, hơn là phóng lửa bên ngoài theo cách Tần Văn Công đã làm.

Tết Hàn Thực là Tết hàn gắn âm dương bằng cách đưa âm vào trong dương, hơn là Tết ăn đồ lạnh, hay Tết kiêng lửa.

Các cái tên được đưa ra trong tích lại thực sự có ý nghĩa. Giới Tử có nghĩa là Bầu trời hay giới hạn bầu trời, và Hàn thực lúc này có ý nghĩa là hàn gắn bởi Bầu trời, còn ông vua trong tích này là Mặt trời, Công có nghĩa là mặt trời và ông dùng quá lửa, nên gây hoạ.

Hàn thực chỉ là tên của bánh chay mà thôi, còn nguyệt thực là tên của bánh trôi. Bánh trôi và bánh chay là biểu tượng của hệ vũ trụ trong đó có Bầu trời, Sao kim, Mặt trăng, Trái đất và Mặt trời.
Bánh trôi là trăng mật, với mật là mật mía của nhân và trăng là vỏ bánh. Bánh trôi là Mặt trăng ôm cả Mặt trời thông qua Trái đất, theo mô hình Mặt trăng quay quanh Trái đất theo hệ Địa tâm, rồi Trái đất lại quay quanh Mặt trời, nên Mặt trăng cũng quay quanh Mặt trời theo hệ Nhật tâm. Bánh chay là Bầu trời ôm lấy sao Kim và sao Kim ôm lấy Mặt trời, trong cả mô hình hệ Nhật tâm và Địa tâm mà trong hệ Địa Tâm, Trái đất ở giữa rồi đến chu vi của Mặt trời sau đó mới đến chu vi của Sao Kim và Bầu trời.

Bánh trôi liên quan đến nguyệt thực, hiện tượng mặt trăng ăn mặt trời, trong chu kỳ của hệ Mặt trời, còn bánh chay liên quan đến hàn thực, nghĩa là hệ bầu trời bao chứa cả trái đất, mặt trăng, sao kim và mặt trời. Bánh trôi là biểu tượng của nguyệt thực, mặt trăng ôm mặt trời hay Mặt trăng ăn Mặt trời. Bánh chay là biểu tượng của Bầu trời, sao Kim và Trái đất, hay hàn thực, hay Hậu Nghệ giương cung tên Kim, bắn xuyên tim chín Mặt trời, để cứu Hằng Nga là cặp Trái đất và Mặt trăng.

5. Lễ hội mùng 3 tháng 3 được tổ chức bởi các dân tộc thiểu số phía Nam Trung Hoa mà có chung nguồn gốc với người Việt

http://thanhdiavietnamhoc.com/tu-le-hoi-long-tong-tam-nguyet-tam-cua-dan-toc-choang-ban-ve-tet-mung-3-thang-3-o-viet-nam/

– Người Choang (dân tộc thiểu cư trú chủ yếu tại Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Vân Nam, Tứ Xuyên, Hồ Nam, Quảng Đông của Trung Quốc) tổ chức lễ hội mùng 3 tháng 3, hay lễ hội Tam Nguyệt Tam. Đây lễ hội ca hát ban ngày ngoài đồng và ban đêm trong nhà. Dân tộc Choang có nhiều tích cho ngày này như
– – – Sự tích của dân tộc Choang kể rằng, ngày xưa có một cô gái thông minh, tên là Lưu Tam Tỷ. Nàng hát hay, được phong là ca tiên. Nàng thường ca hát ca ngợi lao động và tình yêu. Một số thổ ty giàu có trong làng ganh ghét, tìm cách hại Tam Tỷ. Ngày 3 tháng 3 năm ấy, Lưu Tam Tỷ lên núi lấy củi, thổ ty sai người phá vách núi, làm cho núi lở và đè chết nàng. Người đời sau kỷ niệm nàng, chọn ngày 3 tháng 3 mở hội ca hát.
– – – Chuyện kể rằng chàng L”mao và nàng L”qiao yêu nhau tha thiết, còn gia đình nàng L”qiao thì lại quyết gả con gái cho một ông già. Chẳng bao lâu, L”qiao chạy trốn tìm tình nhân để kể hết nỗi niềm. Gia đình L”qiao và gia đình chồng ra sức tìm đôi tình nhân để hỏi tội. Đến bước đường cùng, cả hai tự vẫn. Hôm ấy là ngày 3 tháng 3. Dân gian Choang tưởng nhớ hai người, hễ ngày 3 tháng 3 hàng năm tổ chức ca hát.

– Tam Nguyệt Tam còn có tên là long tong. Tam Nguyệt Tam được cho là cùng gốc với lễ hội lồng tồng của các dân tộc Tày, Nùng vùng Việt Bắc, Việt Nam.

– Người Xá cho rằng 3 tháng 3 âm lịch là sinh nhật của thóc lúa, nhà nhà thổi cơm gạo đen ăn.

– Dân tộc Lê gọi ngày này là “phù niệm phù”, là ngày hội săn bắt và nam nữ ca hát kết tình, dân gian còn gọi là “ngày yêu đương”.
– – – Truyền thuyết “Bách linh điểu” của người Lê kể rằng, khu vực Thất Chỉ Sơn (Hải Nam) gặp hạn hán, Á Ngân dũng cảm lên núi thổi sáo bằng mũi, thổi ba ngày ba đêm. Một con chim bách linh bay ngang qua, Á Ngân đuổi theo, chim biến thành người đẹp, cùng Á Ngân kết thành chồng vợ. Hai người trú trong hang động. Lãnh chúa ganh ghét sai gia đinh đốt hang. Núi lở đè chết lãnh chúa và gia đinh. Á Ngân cùng vợ biến thành đôi chim bay lên trời. Người trong làng hay tin đều đến, ai cũng vui mừng ca hát, nhảy múa, chúc phúc cho đôi chim.
– – – Một thuyết khác cho rằng đây là ngày hai anh em trong truyền thuyết đại hồng thuỷ gặp nhau, kết thành vợ chồng và sinh ra người Lê. Xưa, hồng thuỷ dâng lên, hai anh em trốn trong chiếc hồ lô thoát nạn. Hai anh em chia tay đi tìm người phối hôn, hẹn ngày 3 tháng 3 năm sau gặp lại. Đi mãi không gặp người, hai anh em dùng trúc khắc hoa văn lên mặt, lên thân để không nhận ra nhau. Ngày 3 tháng 3, họ gặp nhau và thành chồng thành vợ. Hai anh em, hai vợ chồng này đã sinh ra dân tộc Lê.

– Dân tộc Đồng gọi ngày 3/3 này là “Tết pháo hoa”

– Người Bố Y gọi ngày này là Địa tàm hội (Địa tàm là sâu đất)
Người Bố Y ở Quý Dương gọi đây là ngày tảo mộ.

– Dân tộc Dao thì gọi là Tết khô (Cán ba tiết), mọi người đánh bắt cá tập thể và cùng vui hưởng số cá thu được.

– Người Hán thì gọi ngày Tết 3 tháng 3 là Thượng Tỵ tiết

===

Như vậy có thể chắc chắn đây là một ngày Tết cực kỳ quan trọng khi nó được tổ chức bởi nhiều dân tộc và được giải thích ý nghĩa bằng rất nhiều tích và có nhiều phong tục trong ngày này trong đó có tục làm bánh trôi bánh chay.

Chia sẻ:
Scroll to Top