NGƯỜI KHỔNG LỒ : ÔNG ĐÙNG, BÀ ĐÀ & ÔNG ĐỔNG, BÀ BẦU

Loading

SỰ TÍCH ÔNG ĐÙNG, BÀ ĐÀ 
Ông Đùng là tên dân gian của người khổng lồ kiến tạo núi sông.
Ông Đùng là ông khổng lồ về hình nên có câu “to đùng”, “lớn đùng”.
Trăng rằm mười sáu trăng lu
Mấy người đi cấy con cu to đùng
Em là con gái Phú Đa
Con người phốp pháp, ngã ba to đùng
Pháo to gọi là pháo đùng.
Gió lớn, giật mạnh là gió đùng đùng.
Gió đùng đùng mưa rung lá hẹ
Cảm thương người có mẹ không cha
Ông Đùng đi đến đâu là gây trấn động và để lại dấu vết nên có câu “giật đùng đùng”, “chạy đùng đùng”, “hét đùng đùng”, “rung đùng đùng”
Đùng đùng ngựa chạy qua truông
Mảng mê con đĩ buông tuồng bỏ em
—o—
Đùng đùng người chạy qua truông
Mải mê nhan sắc buông tuồng bỏ em
—o—
Nắm đuôi chú chệt mà vung
Chú giãy đùng đùng như khỉ mắc toi
—o—
Trèo lên cây khế mà rung
Khế rụng đùng đùng chẳng biết khế ai?
– Khế này khế của ông cai
Khế vừa ra trái, chị hai có chồng
—o—
Cái bống đi chợ Cầu Nôm
Sao mày chẳng rủ cái tôm đi cùng
Cái tôm nổi giận đùng đùng
Nó trôi ra bể lấy chồng lái buôn
—o—
Gái đâu có gái lạ lùng
Chồng chẳng nằm cùng,
Nổi giận đùng đùng ném chó xuống ao
Đến đêm chồng lại lần vào
Vội vàng vác sọt đi chao chó về
—o—
Đầu làng có bụi chuối khô
Trông về xóm bắc, đôi cô chửa chồng
Cây cao gió đập đùng đùng
Ai về hướng ấy nhắn cùng đôi cô
—o—
Hai người cùng họ khác tên
Mua về mới kết nhân duyên vợ chồng
Cưới về để ở trong phòng
Đến khi có giặc, đùng đùng kéo ra
Chồng đi trước phá cửa phá nhà
Vợ đi sau bắt sạch đàn bà trẻ con
Là những cái gì?
—o—
Em về Kẻ Chợ em coi
Kìa dinh quan lớn, kìa chòi bắn cung
Con ngựa hồng bao tiền, bao hậu
Các quan trào áo bậu lưng đai
Súng anh vác vai, hỏa mai anh tọng nạp
Anh bắn mai này đùng đùng dạ dạ
Anh bắn mai này trả nợ nhà vương
Thương anh gối đất nằm sương
—o—
Vào tầng cũng lắm thằng Tây
Thằng kia mũ trắng, thằng đây mũ vàng
Đường goòng bắc dọc bắc ngang
Nào hầm lò, nào xe cộ linh tinh
Trôg lên núi lửa cháy bừng bừng
Mìn nổ đùng đùng, đá chuyển vang vang
Đường tầng như thể bậc thang
Trèo đèo, xuống dốc, ngổn ngang tơi bời
Trông lên những núi cùng trời
Ngoảnh mặt kẻ trước người sau giật mình
Mênh mông ngao ngán một màu
Đường xa cách mấy lần tàu ai ơi.
Cha con ông Đùng còn được gọi là cha con ông Nùng hoặc cha con ông Hùng
Trời mưa trời gió đùng đùng
Cha con ông Nùng đi gánh phân trâu
Gánh về trồng bí trồng bầu
Trồng ngô, trồng lúa, trồng rau, trồng cà
—o—
Trời mưa trời gió đùng đùng
Cha con lão Hùng đi gánh phân trâu
Đem về bón tốt ruộng sâu
Đêm đêm đạp nước, trông mau tới mùa
Phen này lão quyết thi đua
Cấy hai ang giống, thu thừa trăm ang
—o—o—o—
CÁC SỰ TÍCH VỀ ÔNG ĐÙNG
Sự tích ông Đùng có trên khắp nước ta nhưng còn lưu giữ được nhiều dấu vết là
– Nghệ An – xứ Nghệ
– – Sự tích ông Đùng kiến tạo lèn Hai Vai, để chống lại quân giặc
– Hà Tĩnh – xứ Nghệ
– – Sự tích ông Đùng kiến tạo núi Hồng Lĩnh, theo yêu cầu của bà Đùng, 2 ông yêu nhau
– Hoà Bình – xứ Mường :
– – Sự tích ông Đùng bà Đà yêu nhau và cùng nhau kiến tạo sông Đà
– – Sự tích ông Đùng bà Đà ở Lạc Sơn yêu nhau, tạo ra nước và sự trù phú cho cánh đồng Mường Vang, Mường Vó
– Thanh Hoá – xứ Thanh
– – Sự tích ông Đùng bà Đà ở Thanh Chương là anh em ruột, rồi yêu nhau và lấy nhau, vì không gặp được ai tương ứng, nhưng bị vua tử hình
– – Sự tích ông Đùng bà Đà trong lũ lụt, chui vào quả bầu trốn, sau đó cả hai chui ra nhưng chẳng còn ai sống sót, hai người đi vòng quanh quả núi xem gặp ai nhưng chỉ gặp nhau, nên họ phải lấy nhau để duy trì nòi giống
– Hưng Yên – xứ Hồng
– – Sự tích ông Đùng bà Đà ở Đậu An là anh em ruột, rồi yêu nhau, lấy nhau, rồi bị vua xử tử hình
—o—o—
– Ông Đùng bà Đùng & kiến tạo dãy núi Hồng Lĩnh
Tương truyền núi Hồng Lĩnh có tất cả 99 đỉnh được ông Đùng xếp mà thành.
Thủa hồng hoang khai thiên lập địa, vùng đất Hà Tĩnh và Nghệ An bây giờ núi non mọc ngổn ngang, ngăn cách vùng này với cùng kia. Khi ấy có hai người khổng lồ được dân gian gọi bằng cái tên thân thuộc là ông Đùng và bà Đùng, nhiều lần đã giúp đỡ nhân dân trong vùng.
Một ngày nọ, ông Đùng tới gặp bà Đùng ngỏ ý kết duyên cùng. Bà Đùng thấy núi non vùng này ngổn ngang, nhân dân không có chỗ trông lúa liền thách ông Đùng rằng: ”Trước khi gà gáy ngày mai, nếu ông Đùng xếp được 100 ngọn núi thì bà sẽ đồng ý làm vợ”. Nghe xong ông Đùng một mình cặm cụi kéo núi khắp vùng xếp lại đến quên cả ăn quên cả nghỉ. Đến mờ sáng hôm sau, khi đã xếp được 99 ngọn thì đúng lúc bà Đùng tỉnh giấc, thấy ông Đùng đang cặm cụi xếp núi nên đùa vui bằng việc giả tiếng gà gáy. Ông Đùng đang kéo một ngọn núi về cho tròn 100 ngọn, đến bên bờ bắc sông Lam nghe thấy “gà” gáy tưởng thật, nên đứng dậy phủi tay mà đi.
Cuối cùng thì bà Đùng cũng chấp nhận đấng phu quân, nhưng do bà Đùng giả tiếng gáy sớm mà dãy núi Hồng Lĩnh chỉ có 99 ngọn núi, còn một ngọn núi đã bị bỏ quên ở bờ bắc sông Lam được người dân gọi là núi Quyết.
—o—o—
– Ông Đùng & lèn Hai Vai
Trèo lên chót vót Hai Vai
Ra tay khoát gió khoác vai ông Đùng.
Hai Vai Còn có tên là lèn Dặm hoặc núi Di Lĩnh, một ngọn núi đá vôi (lèn) nằm giáp ranh giữa 3 xã Diễn Bình, Diễn Minh, Diễn Thắng của huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Lèn Hai Vai có chiều dài 800m, nơi rộng nhất 120m, nơi cao nhất 141m.
Theo truyền thuyết, ông Đùng đánh giặc ngoại xâm đã đứng từ trên cao ném đá vào quân thù, tạo ra lèn Hai Vai, lèn Cờ, và lèn Trống : lèn Hai Vai có hình dạng một ông tướng cụt đầu, lèn Cờ có hình cờ rách, và lèn Trống nhìn như cái trống thủng.
Kìa Di Lĩnh đó mây tà
Bước đi một bước lòng đà quặn đau,
Đường xuống bến kẻ sau người trước
Thuyền cập bờ cứ bước mà lên.
—o—
Làng ta phong cảnh hữu tình,
Đôi bên khéo đẻ ra mình ra ta
Trưa nồng nằm gốc cây đa,
Chiều về tắm mát ngã ba sông Bùng
Sớm mai vừa hửng đằng đông,
Rủ nhau lấy đá non bồng Hai Vai
—o—
Tiền Tam Thai
Hậu cũng Tam Thai
Tả Di Lĩnh Hai Vai
Hữu Kỳ Giang ba ngả
Trai trong làng trong xã
Đều rả rích giao hiền
Trai đèn sách luyện rèn
Gái tằm tơ bông vải
—o—
Núi Di Lĩnh mây bay
Sông Bùng con cá lượn
Núi cao cao nghìn trượng
Sông uốn khúc dặm dài
Gái lịch sánh trai tài
Muôn dân đều náo nức.
—o—
Lạch Vạn có lèn Hai Vai
Trên thời Phủ Diễn, dưới thời xóm Trang.
—o—o—
– Ông Đùng bà Đùng ở xứ Mường Bi kiến tạo sông Đà
Ngày xửa ngày xưa, ở xứ Mường Bi xuất hiện một đôi vợ chồng cao lớn khác thường. Họ đứng cao hơn năm lần đỉnh núi cao nhất. Người Mường hay gọi họ là ông Đùng, bà Đùng, nghĩa là ông bà khổng lổ.
Hồi ấy, đất thì cao thấp, lồi lõm. Cây cối hoang dại mọc chằng chịt. Nước thì chảy từ lòng đất, ngập lênh láng khắp nơi. Thấy vậy, ông Đùng, bà Đùng liền ra tay. Chỉ một ngày, ông bà đã nhổ cây, san đất, làm thành cánh đồng bằng phẳng, rộng rãi, lấy chỗ cho dân ở và cày cấy.
Ông Đùng bàn với vợ làm một con đường dẫn nước đi, tránh để nước tràn lênh láng. Ông Đùng lom khom dùng tay bới đất đằng trước, bà Đùng hì hụi vét đất đằng sau. Họ làm việc suốt ngày đêm, cùng trò chuyện vui vẻ. Thế rồi, theo con đường ông bà Đùng đào bới, nước đã chảy thành dòng, vượt qua đồi núi, đổ về xuôi. Đó chính là sông Đà ngày nay.
Xong mọi việc, ông bà Đùng ngẩng đầu nhìn lại mới biết: Do vét đất ban đêm, không nhìn rõ, dòng sông đã không thẳng. Nơi chưa được vét, đất đá cản trở dòng chảy và tạo thành thác ghềnh. Vì thế, sông Đà mới ngoằn ngoèo, có tới “trăm bảy mươi thác, trăm ba mươi ghềnh” như bây giờ.
—o—o—
– Sự tích ông Đùng bà Đà ở Lạc Sơn tạo nước và sự trù phú cho cánh đồng Mường Vang, Mường Vó
Chuyện kể rằng xưa kia, ở vùng đất Lạc Sơn (tỉnh Hoà Bình ngày nay) xuất hiện một người đàn ông “cao to, vạm vỡ khác thường” nên được gọi là Ông Đùng. Ông đi khắp các tỉnh miền núi phía Bắc thì gặp được một người phụ nữ là Bà Đà. Tuy không cao lớn như ông nhưng cũng khá tương xứng để thành cặp vợ chồng xứng đôi. Họ yêu thương nhau rồi kết duyên vợ chồng.
Đêm “động phòng” trong hang đá làm rung chuyển cả trời đất tạo ra bão táp, mưa sa… Mưa lớn tạo dòng nước chảy ra từ trong hang đã gây ngập cả cánh đồng Mường Vang, Mường Vó (thuộc huyện Lạc Sơn của tỉnh Hòa Bình ngày nay). Nhưng lạ kì thay, kể từ đấy những cánh đồng ở đây luôn trù phú, tốt tươi, mùa màng bội thu. Bởi thế đến ngày nay vẫn còn câu tục ngữ: “Cơm Mường Vó, ló Mường Vang” (ló: lúa).
Núi Đúng (Đùng) bên dòng sông Đà là một dấu tích còn lại của câu chuyện thần thoại trên.
—o—o—
– Chuyện “Ông Đùng, bà Đà”, theo tiếng Mường là “Ôông Tùng, pà Tà” của người Mường ở Phú Thọ
Xưa kia, trời đất sinh ra con người, nhưng con người lại nhỏ bé mà đất đai vô cùng rộng lớn và chỗ cao, chỗ thấp; nước thì lai láng chỗ nông, chỗ sâu, cây cối rất to, dây dợ chằng chịt nên con người không đủ công cụ, sức lực để khai phá làm ăn nên luôn đói khổ. Nhà trời trông thấy cảnh tượng này đã sai ông Đùng, bà Đà là hai người khổng lồ xuống giúp dân Mường.
Ông Đùng thì ở đất huyện Thanh Sơn, bà Đà ở đất huyện Yên Lập rồi hai người lấy nhau.
Ngày ngày, ông Đùng, bà Đà mải miết nhổ cây cổ thụ để giúp dân mở những cánh đồng rộng lớn; lấy tay bới đất cho nước lai láng dồn về một dòng và những vết bới ấy bỗng trở thành sông Đà, sông Hồng… Nơi đất thấp hoặc sâu trũng, ông Đùng, bà Đà bốc đất đắp thành gò, núi để lạc dân cư trú mà không sợ lũ lụt. Bà Đà còn chuyên tâm dạy dân trồng cấy, chăn nuôi nên dân Mường được sống sung túc.
Đến một ngày, vua Hùng kinh lý lên mạn Thanh Sơn, Yên Lập tìm đất đóng đô và vua quyết định chọn vùng Nga Mỹ ở Yên Lập định đô, bởi nơi ấy có đất rộng để cày cấy, có núi sông bao bọc như thành lũy và lại có núi Nả cao vút nên đứng ở trên đó sẽ nhìn khắp ra bốn cõi. Bà Đà thấy vậy mừng lắm. Bà ra sức chuẩn bị nhà xe cho vua, nuôi cả bầy rùa đông đúc để vua xem quẻ, sắm sửa cỗ lớn để thết đãi vua cùng các lạc hầu, lạc tướng.
Tuy nhiên, lạc hầu, lạc tướng cùng các con của vua khuyên vua Hùng nên về vùng núi Nghĩa Lĩnh để đóng đô, vì nơi ấy rất thuận lợi cho mở mang bờ cõi và vua đã thuận lòng. Những thứ bà Đà chuẩn bị cho vua như nhà xe, bầy rùa… sau đó đều hóa đá và bây giờ tại nơi ấy vẫn còn những địa danh như núi đá Nhà Xe, khe Suối Rùa.
Khi vua về định đô ở Nghĩa Lĩnh, đã khiến những con yêu quái ở đây như diều hâu tinh, thằn lằn tinh, giao long tinh, xà tinh phải dạt xa ra bốn hướng xung quanh kinh đô và chúng luôn quấy phá ác liệt dưới sông, trên núi, ăn thịt lạc dân. Vua Hùng bao lần sai quân lính đi trừng trị bọn yêu quái nhưng vẫn không thành. Biết được chuyện đó, ông Đùng tâu với vua xin được diệt trừ yêu quái và những con yêu tinh khổng lồ kia đã bị ông tiêu diệt.
Khi đất nước bị bọn giặc từ phương Bắc tràn xuống cướp phá, ông Đùng, bà Đà đã gác chân qua dòng sông Thao, sông Đà cho dân kéo lên mạn Thanh Sơn, Yên Lập lánh nạn và sau đó ông dùng đá to ném chết hết quân giặc.
Dân Mường hai bên bờ sông Đà luôn kêu than vì việc đi lại giữa hai bờ rất khó khăn, nên ông Đùng lấy chân mình bắc qua sông cho mọi người đi lại rồi sai bà Đà đi lấy đá bắc cầu qua sông. Người người đi lại qua chân ông Đùng nườm nượp và trẻ thì đi nhanh, người già, em nhỏ đi chậm hơn nên đêm tối phải đốt đuốc rồi rụi tàn lửa khiến chân ông Đùng bị cháy loang lổ. Bà Đà đi lấy đá gặp cảnh người dân bị đau ốm đã nán lại lấy thuốc trị bệnh cho dân. Khi về, thấy chân ông Đùng bị cháy khiến bà hoảng hốt vứt hết đá xuống sông và nơi ấy chính là ghềnh đá Thác Bờ bây giờ.
Khi đất nước bình yên, ông Đùng, bà Đà lại trở về Thanh Sơn, Yên Lập cày ruộng làm nương, chăn nuôi. Những con trâu, bò, lợn, dê… của ông Đùng, bà Đà to lớn khác thường với gia súc, gia cầm của dân Mường; rau thì như cây cổ thụ, hạt lúa to như cái đấu bảy nên phải bổ nhỏ ra mới nấu được. Gặp năm dân vùng thấp bị ngập lụt không cày cấy được, ông Đùng, bà Đà chia cho mỗi nhà vài bông lúa nên qua được nạn đói.
—o—o—
– Lễ Hội ông Đùng bà Đà làng Đậu An, Hưng Yên
Theo Thần tích của làng, vào thời Ngô Quyền làng Đậu An có ông Đùng bà Đà là hai chị em ruột, đã đến tuổi trưởng thành mà không có ai lấy, bởi dị dạng to béo quá cỡ. Một hôm nảy ra ý định cùng đi quanh một quả núi, hễ gặp ai thì lấy người đó. Sau khi đi vòng quanh núi, hai chị em không gặp ai cả mà lại gặp nhau. Cho đó là số trời định nên họ lấy nhau.
Nhưng trước khi động phòng,
– Bà Đà bỏ đi đến một nơi khác, nay là đền Bến, ông Đùng phải đi tìm chị về.
– Hôm sau bà Đà lại đi đến một nơi khác nay là đền Căn, ông Đùng lại đi đón chị về.
– Đến hôm thứ ba bà Đà lại đi sang một nơi khác nay là đền Võ, ông Đùng lại đến đón chị về.
Lần thứ ba này hai chị em về
– Đến nửa đường bỗng có một con cọp chạy ra chặn lại.
– Ông Đùng được một lực sĩ giúp sức đánh cọp, cọp vẫn không thua.
– Một bà lão nghèo và đứa con trai câu ếch cạnh đó, thấy thế chạy ra giúp sức đánh đuổi, cọp mới bỏ chạy.
Sau lần này trở về, ông bà thành thân với nhau.
Tin đồn đi khắp nơi, đến tai vua, vua kết hai người vào tội loạn luân và xử chém.
Lễ hội ông Đùng bà Đà rất hoành tráng hào hứng, sôi nổi và linh đình, cờ quạt rợp trời, người đi xem chen lấn nhau chật đường, chật bãi. Ngày trước có nhiều làng tổ chức, nay hầu như chỉ còn một vài làng phục hồi lại, trong đó có làng Đậu An ở sát tỉnh lỵ tỉnh Hưng Yên, mở hội từ ngày mồng 6 đến ngày 10 tháng 3 âm lịch.
Đây là dòng lễ hội tục hèm, được tiến hành như sau: hai hình nộm thật to được đan bằng nan tre, tô mặt dán quần áo. Ông Đùng râu ba chòm, bà Đà khuôn mặt bầu bĩnh, má hồng phinh phính sắc xuân, hớn hở như nàng dâu sắp về nhà chồng.
Tối ngày mồng 6, ban lễ cáo tế dâng sớ xin thổ thần và mời ông Đùng bà Đà về dự. Sáng hôm sau đội rước gồm trai gái trẻ, khoẻ mạnh, chia làm hai tốp, nam khiêng nộm ông Đùng, nữ khiêng nộm bà Đà. Hai nộm được khiêng rước đi qua các ngả, đến các đền (nơi bà Đà đến ở trước khi thành thân), sau cùng rước đi quanh làng, bằng hai hướng để rồi gặp lại nhau. Khi gặp nhau các người khiêng nộm vận động để cho các tay nan vùng vẫy tỏ sự vui mừng. Sau đó người ta khiêng ông Đùng bà Đà cho đụng chạm nhau, ôm nhau trông như tư thế giao hoan. Thế là cờ quạt của đội rước phe phẩy như điệu múa cờ, âm nhạc của đội rước nổi lên một điệu riêng và dân làng đứng ngoài reo hò. Một lát sau, hai hình nộm rời nhau. Đám rước tiếp tục lộ trình trở về đình. Trong đám rước có lực sĩ, hai mẹ con kẻ khó câu ếch và con hổ.
Rước xong, tượng nộm ông Đùng bà Đà được thờ trong đình làng từ ngày mồng 6 đến đêm mồng 9. Đêm đó sẽ diễn lại việc xử tử hai ông bà. Cuộc xử kín do ban tổ chức tiến hành, dân làng không được tham dự.
– Nửa đêm, đội thực hiện án mặc áo dấu, bôi mặt đen thành quỷ dữ, vây quanh hai hình nộm.
– Ông tiên chỉ đọc bản cáo trạng về tội loạn luân và nhắc lại lời phán quyết của nhà vua.
– Tiếp đó bọn đao phủ vật ngửa nộm ra, khoét mắt, cắt mũi, cắt tai, cuối cùng chặt đầu.
– Đặc biệt, người ta đút đầu ông Đùng vào cửa mình bà Đà.
Hành hình xong hai hình nộm được khiêng ra ngâm xuống cái ao trước cửa đình, lấy nước tưới ruộng để diệt trừ sâu rầy và mùa màng tốt tươi.
—o—o—
– Ông Đùng bà Đà ở làng Quang Lang, Thái Bình
Làng Quang Lang xưa thuộc huyện Thụy Vân, phủ Thái Bình, trấn Sơn Nam Hạ thời Trần, ngày nay là một làng thuộc xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình là nơi nổi tiếng với lễ hội ông Đùng, bà Đà được tổ chức vào ngày 14-4 âm lịch hàng năm – đúng vào mùa hoa Đùng nở rộ.
Chuyện kể rằng, có hai chị em sinh đôi, khi sinh ra đã có tầm vóc cao to khác người. Do bị hàng xóm chê bai, bố mẹ họ đã bỏ họ ngoài bìa rừng. Càng trưởng thành, họ lại càng cao lớn khác thường nên không tìm được ai để kết hôn. Hai chị em buồn bã, chia tay nhau bỏ đi xa và hẹn rằng nếu gặp ai có cùng vóc dáng ở trên đường thì sẽ lấy người đó. Số phận run rủi cho họ cuối cùng lại vẫn gặp nhau mà không gặp được ai khác nên cho rằng, đó là định mệnh mà lấy nhau. Tin đồn về hai chị em lấy nhau đến tai vua, vua liền xử chém họ vì tội loạn luân. Sau khi chết, hai người rất linh thiêng và luôn phù hộ cho bà con trong làng nên được dân làng lập đền thờ và hàng năm làm hình nộm cúng tế nhằm ngày mất của họ.
Cũng có dị bản khác kể thêm hai anh em nhà nọ được thần linh báo trước về một trận đại hồng thủy nên chui vào quả bầu mà sống sót. Khi nước rút đi, họ chui ra nhưng không tìm thấy ai xung quanh, bèn chia tay nhau đi hai hướng vòng quanh quả núi, hẹn rằng nếu gặp ai trên đường đi thì sẽ kết hôn với người đó. Hai người đi quanh quả núi không gặp một ai mà cuối cùng lại gặp nhau nên đành phải lấy nhau để duy trì nòi giống. Sau này, chết đi được con cháu lập đền thờ phụng và hàng năm mở hội vào ngày mất của họ, làm hình nộm để tưởng nhớ, gọi là ông Đùng, bà Đùng/bà Đà.
Trước ngày hội làng, người dân Quang Lang chuẩn bị cho tục múa ông Đùng, bà Đà khá công phu. Họ lấy nia vẽ mặt ông Đùng, bà Đà, rồi làm thân ông bà bằng những rọ tre đan sơ sài theo kiểu mắt cáo, thân hình cao từ 1,2 đến 1,5m, đường kính phía dưới rộng đủ cho một người chui vào. Ngoài ra còn có một số hình nộm trẻ con, có trai có gái tượng trưng cho con cái của ông Đùng bà Đà. Trên tai của bà Đùng và con gái được đeo hoa mò màu đỏ, dân làng Quang Lang vẫn gọi là hoa ông Đùng.
Trong các nghi lễ của lễ hội thì lễ rước ông Đùng và phá Đùng được người dân đặc biệt thích thú. Lễ rước ông Đùng và phá Đùng thường thường diễn ra vào xẩm tối ngày 14/4. Dân làng quây kín trước cửa đền để xem người lớn vào vai ông Đùng, bà Đà, trẻ con đóng Đùng con cùng nhảy múa.
Khi múa, các hình nộm lúc thì nghiêng ngả, hết quay sang phải rồi lại quay sang trái, cho ông bà có cơ hội bày tỏ tình cảm với nhau. Đoàn múa rời sân đền đi một vòng quanh làng, các Đùng con quấn quýt xung quanh bố mẹ. Dân làng nhộn nhịp theo sau, vừa đi vừa hát múa.
Khi đoàn rước Đùng quay trở lại sân đền cũng là lúc phá Đùng, dân làng vội vã xô nhau vào để lấy một nan tre trên hình nộm ông bà. Tất cả mọi người ở Quang Lang đều quan niệm: nếu ai may mắn lấy được nan tre đem về gối đầu giường thì các cháu nhỏ ngủ khỏi giật mình, không bị bệnh tật, cắm vào ruộng, vườn thì cho cây sai quả, mang lên trên thuyền đi ra khơi thì sẽ đánh bắt được nhiều tôm cá…
—o—o—o—
HUYỀN SỬ ĐẺ ĐẤT, ĐẺ NƯỚC QUA HÌNH TƯỢNG ÔNG ĐÙNG BÀ ĐÀ
Ông Đùng là ông địa, bà Đà là lực đà, tạo nên bộ lục địa. Ông Đùng là ông đất, bà Đà là bà nước, tạo nên bộ đất nước. Ông Đùng và bà Đà tạo nên thanh âm tiếng pháo lan đi mở đầu một chu kỳ “đì đà đì đùng”.
Các sự tích về ông Đùng – bà Đà có thể tạm chia thành 4 nhóm
1. Đẻ đất : đất – thân
– Sự tích kiến tạo dãy núi Hồng Lĩnh : Ông Đùng gánh đất tao núi, bà Đà là động lực khởi phát cũng như kết thúc. Trong sự tích này hai ông bà là người yêu, sau là vợ chồng. 100 ngọn núi trong dãy núi Hồng Lĩnh là bầy con, như là bọc 100 trứng của Âu Cơ và Lạc Long Quân. Bọc trăm trứng của Âu Cơ và Lạc Long Quân nở thành 100 người con, trong đó 50 người theo mẹ lên núi và 50 người theo cha xuống biển, còn 100 ngọn núi của Hồng Lĩnh chia ra 99 ngọn ở nam sông Lam và 1 ngọn ở bờ Bắc sông Lam. Mã 99-1 này còn xuất hiện ở rất nhiều nơi trên đất nước ta.
– Sự tích kiến tạo lèn Hai Vai
2. Đẻ nước : nước – ối
– Sự tích kiến tạo sông Đà
3. Đẻ người : khí – rốn
– Sự tích đại hồng thuỷ, 2 anh em ông Đùng bà Đà chui vào quả Bầu, lênh đênh mãi đến lúc nước rút ra khỏi quả bầu, thì không còn thấy ai, nên hai người lấy nhau để duy trì nòi giống. Đời sau thờ hai ông bà là thuỷ tổ.
4. Đẻ xứ sở : lửa – nhau
– Sự tích ông Đùng và bà Đà là hai người khổng lồ sinh đôi, không gặp ai phù hợp để kết đôi, cho nên bàn nhau đi vòng quanh quả núi, nếu gặp ai sẽ kết đôi, tuy nhiên không gặp ai mà chỉ gặp nhau, nên họ quyết định lấy nhau. Nhà vua biết tin xử tử cả hai.
– Sự tích này nói về chuyển đổi thời kỳ từ quan hệ âm dương song hành sang quan hệ hạt nhân trung tâm. Trong mô hình nguyên tử sự tích này ứng với một chu kỳ của electron
– – Ông Đùng : proton
– – Bà Đà : electron
– – Quả núi : hạt nhân gồm neutron và proton
– – Nhà vua : neutron
– Tích này xuất hiện ở rất nhiều điểm, nhưng một trong các sự tich chi tiết nhất là sự tích ông Đùng, bà Đà ở làng Đậu An, Hưng Yên, thời Ngô Quyền. Phân tích theo mô hình xứ sở 4 vua cha và 4 hạt cơ bản như sau
– – 2 người khổng lồ sinh đôi, ông Đùng Diêm Vương/proton và bà Đà electron, đi quanh quả núi hạt nhân, để tìm bạn đời, nhưng chẳng găp ai, đã quyết đinh lấy nhau
– – Trước khi động phòng, bà Đà chạy 3 nơi, mỗi nơi ông Đùng đều đến đón bà về
– – – đền Bến (Long Vương/votron)
– – – đền Căn (Tản Viên/photon)
– – – đền Võ (Ngọc Hoàng/neutron)
– – 2 người đi cùng nhau
– – – con hổ (Ngọc Hoàng) đánh chặn
– – – dũng sỹ (Tản Viên) đến giúp không xong
– – – bà goá (năng lượng đối xứng ẩn của bà Đà) và con trai câu ếch (Long Vương) cũng giúp, chiến thắng hổ
– 2 ông bà lấy nhau
– Vua (Ngọc hoàng) biết tin, ra lệnh xử tử 2 người (trong lễ hội sự kiện này diễn ra ở đình làng, vào ngày mùng 9)
– – – Đêm quỷ sứ (Diêm Vương) đến
– – – Tiên ông (Tản Viên) đọc cáo trạng
– – – Đao phủ (Long Vương) cắt mắt, mũi, tai, đầu của ông Đùng, bà Đà
– Đầu của ông Đùng vào cửa mình của Đà : ngược lại sinh là đầu chui ra khỏi cửa mình
– Ông Đùng, bà Đà (hình nộm) được vứt xuống giếng, nước giếng dùng để tưới cây sẽ tốt tươi và diệt trừ được sâu hại
ĐÙNG : ĐỊA DANH
– Núi Đùng, bên sông Đà, Hoà Bình gắn với sự tích ông Đùng
– Hồ Tà Đùng trên sông Đồng Nai
– Đá ông Đùng và đền thờ ông Đùng ở xã Thanh An, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An
– Đồi ông Đùng, thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hoá
– Núi Nùng, trong Hoàng Thành Thăng Long, trên đó có điện Kính Thiên
—o—o—o—o—o—
ÔNG ĐỔNG 
Ông Đổng là vị thần khổng lồ, đầu đội trời, chân đạp đất, thân hình vạm vỡ, mồm hét ăn ra lửa, thở ra mây đen gió bão mưa giông và đôi mắt loé sáng.
Ông đào mương, rẽ đường, đắp núi.
Ông Đổng thường để lại các dấu chân, dấu chân của ông làm nứt cả lún cả đất, nứt cả đá.
Ông Đổng là ông khổng lồ về thanh âm (ông Đùng là ông khổng lồ về hình), nên có từ “chửi đổng” nghĩa là chửi lớn tiếng cho tất cả cùng nghe, cùng biết chuyện, chứ không chửi đích danh, mặc dù có thể đối tượng bị chửi là một người cụ thể.
SỰ TÍCH ÔNG ĐỔNG
Trong sự tích Thánh Gióng ông Đổng có những tính chất sau
– Ông Đổng được gọi là Cha khổng lồ. Ông Đổng là cha của Thánh Gióng, mẹ Gióng ướm chân vào
– Ông Đổng được gọi là thần mưa, ông xuất hiện khi trời có mây mưa, sấm chớp
– Dấu chân Ông Đổng : làng Bình Tân (xã Thị Cầu, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh), núi Đạm (xã Nam Sơn, huyện Quế Võ), núi Khám (xã Việt Đoàn, huyện Tiên Sơn), bờ giếng làng Bưởi – nồi (xã An Bình, huyện Gia Lương), đỉnh Sóc (huyện Đa Phúc, tỉnh Vĩnh Phú) và đặc biệt là làng Gióng (còn gọi là Vườn Đổng, Đổng Viên hay Cố Viên), được nhận là vườn quê bà mẹ Gióng
– Ông Đổng rất thích ăn cà, ông thường xuất hiện vào ngày mưa dông khi cà chín. Từ lâu người dân đã thờ Ông Đổng – Cha khổng lồ ở một cái miếu cổ và cúng Ông bằng bát cơm đĩa cà (cúng chay vào tiết mưa giông đầu hè mồng 9 tháng 4 Âm lịch). Theo các cụ, trước và trong ngày ấy bao giờ cũng có gió bão sấm chớp mưa to. Các cụ nói: đó là “Ông Đổng về hái cà” hay “Gió hái cà”. Cũng từ lâu làng Gióng được gọi là Kẻ – Đổng và có tục trồng riêng một sào cà dành cho Ông Đổng về hái. Ở các ruộng khác, người ta thường cắm cạnh mỗi cây cà một “que bông”, tức là những que tre dài, ở một đầu có vót thành xơ xoắn xuýt dính vào thân que như hoa cà, ngụ ý để dành cho Ông Đổng, kẻo Ông trảy cà, gây thiệt hại đến mùa cà.
Các địa danh Đổng trong khu vực có sự tích sinh Thánh Gióng
– Làng Phù Đổng : làng được phù hộ bởi ông Đổng, làng phù trợ ông Đổng
– Làng Đổng Viên : vườn cà của ông Đổng
– Làng Đổng Xuyên
– Làng Đổng Lâm, xã Quỳnh Phú, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh
– ÔNG ĐỔNG, CHA CỦA THÁNH GIÓNG
Tục truyền đời Hùng Vương thứ sáu, ở làng Gióng Mốt có một bà lão chăm chỉ làm ăn và có tiếng phúc đức, nhưng tuổi đã cao mà vẫn cô đơn. Một đêm Ông Đổng – thần mưa về hái cà ở làng, khiến trời mưa to gió lớn. Khi đi ông để lại một vết chân to kì lạ ở ruộng cà của bà lão.
Sáng hôm sau bà ra ruộng vô tình giẫm phải vết chân ấy, tự nhiên thấy tâm thần rung động, về nhà thì thụ thai. Bà xấu hổ vì đã già rồi còn mang tiếng hoang thai, sợ dân làng dị nghị bèn bỏ lên rừng Trại Nòn ở. Sau 12 tháng bà sinh ra một bé trai, đặt tên là Gióng.
Trời bỗng cho nhiều cua ốc để bà ăn lấy sữa nuôi con, cho bà liềm đá, thống đá, chõng đá để bà cắt rốn, tắm rửa và đặt con nằm. Chú bé rất bụ bẫm, khôi ngô nhưng ba năm cứ nằm trơ trơ chẳng biết nói năng gì khiến bà mẹ rất buồn phiền.
Bấy giờ có giặc Ân xâm phạm bờ cõi nước ta. Vua lo lắng, bèn sai sứ giả đi khắp nơi cầu người tài giỏi cứu nước. Nghe tiếng sứ giả rao, Gióng bỗng nhiên cất tiếng nói “Mẹ ra mời sứ giả vào đây”.
Khi gặp sứ giả, chú bé bảo: “Ông về tâu với vua sắm cho ta một con ngựa sắt, một cái gậy sắt, một tấm áo giáp sắt, ta sẽ phá tan lũ giặc này”. Sứ giả vừa kinh ngạc vừa vui mừng vội về tâu vua. Nhà vua liền xuống lệnh cho dân hai làng, làng Na và làng Mòi thuộc bộ Vũ Ninh (nay là Quế Võ, Bắc Ninh) rèn vũ khí theo như lời Gióng.
Lạ lùng hơn, ngay sau khi gặp sứ giả, Gióng lớn nhanh như thổi, cơm ăn bao nhiêu cũng không no, áo vừa may xong đã chật. Bà mẹ nghèo không thể nuôi nổi Gióng vì mỗi bữa Gióng ăn “bảy nong cơm, ba nong cà, uống một hơi nước cạn đà khúc sông”.
Dân làng kìn kìn gánh gạo gánh cà đến phụ với bà mẹ nuôi Gióng. Các cô gái ra sông gánh nước về nấu cơm, muối cà cho Gióng ăn; còn các bà mẹ suốt ngày ngồi bên khung cửi dệt vải may áo cho Gióng.
Khắp làng tiếng nói cười tíu tít, tiếng thoi dệt lách cách, lách cách. Hai làng được vua giao rèn vũ khí cho Gióng cũng xẻ núi lấy sắt, nổi lửa suốt ngày đêm, tiếng búa gõ vào đe vang động cả rừng núi Vũ Ninh, còn cứt sắt thì văng tứ tung khắp làng.
Ngựa sắt rèn xong lần đầu mang đến, Gióng mới vỗ nhẹ đã bẹp dí. Mọi người lại mang về, lấy thêm nhiều sắt, rèn một con ngựa khác to lớn hơn, có đủ cả ruột gan tim phổi. Xong rồi, họ hè nhau đánh cho ngựa chạy thử, vết chân ngựa tạo thành 99 hồ ao san sát quanh làng.
Khi vũ khí được mang đến, Gióng vươn vai thành một tráng sĩ to lớn khác thường, mặc giáp sắt, cầm gậy sắt, oai phong lẫm liệt. Áo may to rộng là thế mà không đủ che kín mình, bọn trẻ chăn trâu trong vùng vội chạy đi bẻ bông lau bồn sậy giắt thêm quanh người Gióng. Gióng nhảy lên mình ngựa, hô to “Có ai đi giết giặc với tôi không?”.
Ngựa hí vang mấy tiếng, phun ra lửa, đưa tráng sĩ xông thẳng đến núi Trâu Sơn, vùng Vũ Ninh, nơi có bọn giặc đóng quân. Những người nông dân đang đập đất dưới ruộng nghe tiếng Gióng gọi liền xách vồ theo chân Gióng ra trận.
Những người đi câu mang cả cần câu chạy theo Gióng. Một bọn trẻ chăn trâu nghe tiếng Gióng gọi và thấy đoàn quân của Gióng ào ào ra trận liền cột trâu lại rồi nhập vào đội quân Gióng. Những người thợ săn cũng cầm tên nỏ chạy theo Gióng.
Đến cả hổ báo nghe tiếng gọi của Gióng cũng quay đầu ào ào theo Gióng đi đánh giặc. Đội quân của Gióng ngày càng đông đảo và khí thế vô cùng hăng hái. Bọn giặc bị đánh tơi bời, tướng giặc bị giết chết, ngựa của hắn bị một gậy của Gióng đứt lìa đầu khỏi cổ, cái đầu văng đến tận chân dãy núi Phả Lại, nay ở đó còn một hòn núi độc gọi là hòn đầu ngựa.
Gậy sắt gẫy, Gióng liền nhổ một bụi tre bên đường quật vào quân giặc khiến chúng chết như rạ. Những tên còn lại giẫm đạp lên nhau chạy tháo thân. Nơi bụi tre bị nhổ tạo thành một đầm rộng bằng bảy gian nhà lớn nên nay đầm vẫn được gọi là đầm Thất Gian.
Bụi tre quật vào quân giặc bị tung ra thành nhiều nhánh, văng khắp ruộng đồng vùng Vũ Ninh, nên ngày nay ta còn thấy trên những cánh đồng Quế Võ, Gia Lương, Thuận Thành thỉnh thoảng còn có những bụi tre nho nhỏ mọc lúp xúp bên bờ ruộng, đó là những nhánh tre bị văng ra từ bụi tre khổng lồ kia.
Ngựa Gióng đi đến đâu, vết chân để lại thành hồ ao san sát đến đó, ngựa phun lửa dữ dội làm cháy cả một làng nên làng đó giờ vẫn mang tên Làng Cháy. Những bụi tre bên đường bị lửa táp vàng tạo thành giống tre ngà nay còn nổi tiếng khắp vùng trung châu Bắc Bộ.
Giặc đã dẹp yên. Những người dân theo Gióng đánh giặc từ biệt chàng trở về quê hương. Bọn trẻ chăn trâu cũng trở về cởi dây buộc trâu mà chăn dắt chúng. Tráng sĩ thanh thản trở về.
Chàng ghé thăm làng Mòi (tên chữ là Mai Cương), nơi dân làng đã rèn ngựa sắt cho mình. Khát nước, chàng quỳ gối, rướn mình uống nước ở giếng làng Bưởi Nồi (Gia Lương, Bắc Ninh). Chàng vừa ăn trầu nên nước quết trầu còn làm giếng làng có màu đỏ đến tận bây giờ.
Uống nước xong, chàng phi ngựa đến bến Bồ Đề, dừng lại nghỉ chân bên bờ sông Hồng. Dấu chân ngựa Gióng còn in trên một phiến đá lớn tại thôn Phú Viên (Gia Lâm).
Từ nơi đó, chàng phóng ngựa qua sông Hồng, lại ngồi nghỉ bên Hồ Tây nghe gió hồ mát rượi. Rồi chàng ngả nắm cơm khổng lồ bà mẹ và dân làng gói cho ra ăn, xong đánh một giấc ngon lành. Tỉnh dậy, chàng một mình một ngựa ra đi, bỏ quên lại nửa thanh gậy sắt.
Dân làng bên hồ hè nhau khiêng nửa thanh gậy ấy về, lập đền thờ. Nay đền vẫn còn ở đầu làng Xuân La, bên bờ Hồ Tây. Tráng sĩ qua vùng Đông Anh, lại qua Phủ Lỗ rồi phi ngựa lên núi Sóc. Hai bên đường Gióng đi qua, đất nước đã thanh bình, đồng ruộng xanh tươi, dân cư yên ổn làm ăn, vết chân ngựa của chàng để lại ao chuôm san sát.
Trước khi lên núi, chàng còn ngồi nghỉ với bọn trẻ chăn trâu ở Kẻ Khốn. Bọn trẻ lấy nón vục nước dưới khe mát rượi mời Gióng uống. Chàng hỏi tên làng, biết tên là Kẻ Khốn, chàng bảo: “Làng mát và đẹp thế này, sao lại tên là Khốn, về nói với các cụ trong làng đổi tên là Kẻ Mát nhé”. Từ đó làng có tên là Kẻ Mát.
Từ Kẻ Mát, Gióng phi ngựa lên núi Sóc. Chàng ghìm cương ngựa, cởi áo giáp vắt lên cây trầm già (cây đó nay vẫn còn trên đỉnh núi, người dân gọi là “Cây cởi áo”), chàng quay mình nhìn lại quê hương rồi một người một ngựa bay thẳng lên trời, mất hút trong mây xanh như mãi mãi hóa thân vào non sông đất nước.
Dân lập đền thờ người anh hùng ngay dưới chân núi Sóc, quanh năm hương khói. Nhà vua nhớ công ơn phong Người là Phù Đổng Thiên Vương và cho lập đền thờ ngay tại quê nhà.
Từ đó, mỗi khi trời hạn, dân thiếu nước làm ăn lại lên đền Phù Đổng hay đền Sóc cầu đảo thì đều ứng nghiệm. Đặc biệt, bọn trẻ chăn trâu mà cầu đảo thì trời bao giờ cũng cho mưa lớn.
Chia sẻ:
Scroll to Top