KỲ HẠN BA NĂM
===
Cóc phát hiện ra có một rừng ca dao tục ngữ về các kỳ hạn ba năm của ty ty tỳ tỳ tỷ tỹ thứ.
Khôn ba năm, dại một giờ
—o—
Kiếm củi ba năm, đốt một ngày
—o—
Anh ở đợ ba năm, không tiền dư ăn miếng kẹo,
Em lại thân nghèo, chọc ghẹo làm chi?
—o—
– Anh chết ba năm sống lại một giờ
Để xem người ngọc phụng thờ ra sao?
– Thờ chàng đĩa muối đĩa rau
Thờ cha kính mẹ mâm cao cỗ đầy
Câu hỏi là
– Đối tượng nào có chu kỳ ba năm ? Xem ca dao tục ngữ, thì nhiều vô kể, sức khoẻ, tình yêu, tâm trí, tang lễ, sống chết …
– Ba năm tính từ thời điểm nào ? Cóc không trả lời được, nên cái kỳ hạn ba năm kỳ diệu này buồn thay chẳng dùng được
Lại phát hiện ra câu “Cóc chết ba năm quay đầu về núi”, chả hiểu gì, Cóc đành chịu nhục đi hỏi Ếch.
– Ếch ơi, mày ngồi đáy giếng sâu sắc, thâm trầm, mày giải thích hộ tao câu “Cóc chết ba năm quay đầu về núi”.
Ếch ta rất ân cần bảo
– Ai cũng có kỳ hạn ba năm, sau ba năm là phải chuyển hoá hoàn toàn, chuyển hoá hoàn toàn là chết cái A, chuyển sang cái B, chuyển hoá hoàn toàn là chết là A, tái sinh là B. Giờ mày cóc chịu chết, mày cứ trơ trơ như cũ sau ba năm thì mày đâm đầu vào tường, mày quay đầu về núi, mày khác vì vật vô tri, khác gì sỏi đá.
Núi nghe thấy câu chuyện của Cóc và Ếch tức quá chửi cho một trận
– Ai bảo chúng mày rằng tao vô tri, tao trơ trơ, tao cóc thay đổi, cái bà Trăng kia mới trơ trơ vĩnh hằng, còn tao lúc nào cũng non trẻ, cũng sẵn sàng thay đổi
Ếch không thèm đáp trả, ngâm ngay bài thơ
Trăng bao nhiêu tuổi trăng già
Núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non
Trăng bao nhiêu tuổi trăng tròn
Núi bao nhiêu tuổi núi còn trơ trơ
Từ đó, Cóc cóc còn tin vào mấy cái luận điệu
– Dự án 5 năm, kế hoạch 10 năm
– Bảo hiểm ba thế hệ gia đình, ông bà con cháu
– Bảo hành trọn đời,
Từ đó, Cóc cóc còn tin vào mấy lời thế non hẹn biển, non thì chưa gìa, biển thì thay đổi theo bà mặt trăng.
Cóc suy nghĩ lắm, rằng tên mình như thế thì mình chết sao được, thế thì sớm muộn mình cũng bế tắc thôi, bế tắc mà kéo dài vĩnh viễn thì khủng khiếp quá. Cóc tự dưng nhận ra vẻ đẹp của cái chết, một thứ tường rằng dành cho tất cả mọi giống loài mà riêng nó không với tới được.
Ếch thấy Cóc sầu thảm quá mới bảo sao mày ngốc thế, bà Trăng vĩnh hằng nên để đỡ chán, bà thay đổi xoành xoạch hàng tháng, hết tròn lại méo, thàng thì dài, tháng thì ngắn, không biết đằng nào mà lần. Ba năm mày cóc chết được nhưng mỗi ngày mày đều có thể nhảy cóc được, bỏ bước được, vô nguyên tắc được, thế là quý rồi.
Dù chưa ngộ ra vô thường, Cóc ta từ đó bắt đầu thấy vẻ đẹp ở
– Thiên tai
– Bão lụt
– Tắc đường
– Cãi vã
– Chập mạch
– Bỏ bước
Ngờ đâu một ngày Cáo xuất hiện bảo Cóc rằng “Mày nhầm rồi” và ngâm nga “Cáo chết ba năm quay đầu về núi”
Cóc ta lại đến gặp Ếch xin lời khuyên. Cóc hỏi sao cái câu này lại dành cho cả Cóc và Cáo, Cóc và Cáo thì có điểm gì chung. Ếch ta lại thủng thẳng “Cáo là cáo từ”, “Cóc là cóc thèm, cóc cần, cóc được”, “cóc thèm chết, cóc chết được sau ba năm” và “cáo từ, từ chối cái chết ba năm” thì khác quái gì nhau.
Cóc hỏi Ếch rằng
– Mày có chết được không, sao mày biết nhiều thế ?
Ếch bảo
– Người ta có sao câu mày “ếch” thế, nghĩa là sao mày ngây thơ, mày tươi trẻ thế, trong khi người ta bảo là “cóc cụ”. Cóc cụ thì mới cần chết, vì cụ vừa bảo thủ, vừa già cỗi mà lại cụ lại cóc chết được, còn ếch thế thì nay va vấp chuyện này, hiểu ra chuyện này, mai va vấp chuyện khác, hiểu ra chuyện khác, lúc nào cũng có cái chưa hiểu, lúc nào cũng ếch. Ếch chết khi còn trẻ, còn bao điều còn muốn biết và phải biết thì thật đáng tiếc lắm thay
===o===o===o===