ĐẠO BA – BA SINH
===
Cóc lại đến hỏi Ếch :
– Mày ơi, đạo ba là cái đạo gì ?
Ếch ngâm nga
– Làm người giữ trọn đạo ba
Sau dầu có thác cũng là thơm danh
Cóc phục lăn, chưa nói mà ếch đã biết. Cóc thỏ thẻ hỏi Ếch rằng cái đạo ba đó có phải là đạo sinh tử có nhau không.
– Cùng nhau cho trọn đạo ba
Thà là lìa thác, chẳng thà lìa sinh
Ếch thú thật rằng
– Tao ngâm thế thôi chứ tao cũng ếch lắm. Tao đoán mò Đạo Ba cũng như Đạo Cha, Đạo Phật, Đạo Thiên Chúa, Đạo Mẫu….
Cóc rụt rè xin ý kiến Ếch
– Tao nghĩ Đạo Ba chắc là đạo của Ba ông bà Đầu nhau. Chúa sinh ra tất cả, cũng như ba ông bà Đầu Nhau sinh ra tất cả, nên đã có đạo Chúa thì chắc phải có Đạo Ba ông bà Đầu nhau. Mày thấy có đúng không ?
Ếch gật gù
– Ba ông bà đầu nhau ấy vừa đồng sinh ra tất cả vừa đồng tử trong ngọn lửa của Tết ông Công ông Táo.
Cóc nghĩ thầm lần trước đã có kỳ hạn “Ba năm phải chết, ba năm cóc chết là toi”, giờ lại có vụ “Ba sinh ra tất cả”. Cóc về nhà tìm hiểu về cái “Đạo Ba sinh ra tất cả”, thì ôi thôi lại ra một rừng ca dao tục ngữ.
HẸN ƯỚC BA SINH
Chim quyên hút mật bông quỳ
Ba sanh còn đợi, huống gì ba năm
—o—
Ghi lời hẹn ước ba sinh
Theo nhau trong trọn nghĩa tình phu thê
—o—
Gặp em đây anh dặn mấy lời
Ba sanh hương lửa muôn đời chớ quên
—o—
Nhớ lời nguyện ước ba sinh
Xa xôi ai có biết tình chăng ai?
Khi về nhắn liễu Chương Đài
Cành xuân đã bẻ cho ai một cành
Có yêu thì bẻ quách cho anh!
—o—
Dẫu rằng đá nát vàng phai
Ba sinh phải giữ lấy lời ba sinh
Duyên kia có phụ chi tình
Mà toan sẻ gánh chung tình làm hai
Bây giờ người đã nghe ai
Thả chông đường nghĩa, rắc gai lối tình
Nhớ lời hẹn ước đinh ninh
Xa xôi ai có thấu tình cho ai?
Cóc ghi vào sổ
– Hẹn ước ba sinh = Hẹn ước vợ chồng
Cóc thốt lên “Đúng là chuyện ông bà Đầu nhau mà”
DUYÊN NỢ BA SINH
Chẳng qua duyên nợ ba sinh
Mơ màng ngó xuống cõi trần làm chi
—o—
Cũng vì duyên nợ ba sinh
Sáng trăng câu hát huê tình mà theo
—o—
Trăng tà tà như hoa phải lứa
Duyên ba sinh hương lửa mơ màng
Cho phần gần gũi tấc gan
Gạ niềm thương nhớ để cho nàng tỏ hay
—o—
Cóc lại ghi vào sổ
– Duyên nợ ba sinh = Duyên nợ vợ chồng
Cóc lẩm bẩm “Duyên nợ vợ chồng vẫn là câu chuyện ông bà Đầu nhau mà”
NGHĨA BA SINH
Dãy dọc tòa ngang
Giàu sang có số
Kim Long, Nam Phổ
Nước đổ về Sình
Đôi đứa mình chút nghĩa ba sinh
Có làm răng đi nữa, cũng không đành bỏ nhau
—o—
Cóc ghi tiếp vào sổ
– Nghĩa ba sinh = Nghĩa vợ chồng
Cóc kết luận vẫn là câu chuyện Ba ông bà đầu nhau
Nghiên cứu xong xuôi đâu đấy, Cóc đến nhà Ếch, chìa ghi chép của mình ra.
Ếch đọc rồi bảo Cóc
– Đạo gì thì đạo, cũng phải thực hành. Mày gặp công chúa, bảo anh là hoàng tử của em, sinh con rồi chết cùng nhau.
Cóc buồn phiền nói
– Đời tao toàn là kiện với tụng, phân trần đúng sai, đòi hỏi công bằng, nào có biết yêu đương hoàng tử công chúa gì đâu.
Ếch gợi ý
– Mày cóc chết được thì sau khi tìm hiểu “Ba sinh” mày tìm hiểu “Ba tử” đi
Cóc đồng ý, rồi tạm biệt Ếch để về nghiên cứu tiếp sự kỳ diệu của Đạo Ba.
ĐẠO BA – BA TỬ
==============
===
Sau khi nghe Ếch gợi ý, cần tìm hiểu hai khía cạnh của Đạo Ba là “Ba sinh” và “Ba tử”, Cóc ta tiếp tục miệt mài nghiên cứu Ba Tử
Câu đầu tiên của đạo Ba Tử mà Cóc ghi vào sổ chính là
Cóc chết ba năm quay đầu về núi
—o—
Cáo chết ba năm quay đầu về núi
Cóc thấy bọn chim chết rất khác giống loài của mình. Bọn nó thác đi, thân xác tan trong nước, rồi vèo một cái đi tái đầu thai để đi tìm người yêu luôn. Hoá ra không chỉ bọn ếch mà cả bọn chim này sống hay chết cũng chỉ quan tâm đến anh yêu với cả em yêu.
THÁC BA NĂM
Thác ba năm thịt đã thành bùn
Đầu thai con chim nhạn đậu nhánh tùng chờ em
—o—
Em thác ba năm xương tàn cốt rụi
Em đầu thai con nhạn bạch về đậu bụi chanh
Cất tiếng kêu anh đi nói vợ
Đứng chờ đợi em như hồi buổi xuân xanh không còn.
So sánh giữa các giống loài, cóc thấy loài của mình chết ba năm quay đầu về núi, còn bọn chim thác theo nước. Cóc kết luận rằng họ hàng nhà mình chết khô, chết thành đất, thành đá còn, còn bọn chim chết thành khí, thành nước. Vậy là loài cóc, không phải là cóc chết được, chỉ là không về với cát bụi ngay thôi. Mừng phát khóc.
Cóc thấy cái chết của loài người là phức tạp nhất, vì phải làm đám tang và có kỳ hạn mãn tang là ba năm
BA NĂM TANG
Ba năm tang chế mãn nguyền,
Đầu dơ em gội, chuỗi chuyền em đeo.
—o—
Ba năm tang khó mãn rồi,
Vườn hoang cỏ rậm, bậu ngồi chờ ai.
BA NĂM HAI BẢY THÁNG
Ba năm hai mươi bảy tháng chàng ơi
Xin chàng ở lại ăn xôi nghe kèn
Đã về kiếp ấy đừng ghen
Để cho người khác cầm quyền thay anh
—o—
Ông chết thì thiệt thân ông
Bà tôi sắp sửa lấy chồng nay mai
Ba năm, hai mươi bảy tháng ông ơi
Người thương lấy người, ai có thương ma
—o—
Loài người có phong tục rằng con để tang cha mẹ, vợ để tang chồng ba năm, sau rút lại thành hai năm ba tháng, tổng là hai bảy tháng gọi là đại tang. Như vậy, ba năm hai mươi bảy tháng là thời hạn vợ để tang chồng.
Cóc thấy bọn người không chung thuỳ như bọn chim, bọn người không đi tìm kiếm và chờ đợi người yêu xuyên kiếp của mình xuất hiện trên cành cây như bọn chim, mà chỉ nhăm nhăm ra đời tìm vợ chồng mới.
Bọn người còn có một hiện tượng mà Cóc chịu không hiểu là “chết ba năm sống dạy một giờ”
CHẾT BA NĂM SỐNG DẬY MỘT GIỜ
– Thiếp đưa chàng một nắm bắp rang
Chàng kiếm nơi mô tỉa được thiếp theo chàng về không
– Em chết ba năm rồi sống dậy đi lấy chồng
Bắp rang anh tỉa mọc tràn đồng cho em coi!
—o—
– Anh chết ba năm sống lại một giờ
Để xem người ngọc phụng thờ ra sao?
– Thờ chàng đĩa muối đĩa rau
Thờ cha kính mẹ mâm cao cỗ đầy
Cóc vô cùng ân hận vì cả tuổi trẻ nông nổi đã cóc thèm quan tâm đến ai ngoài mình, nên đành tìm đến Ếch để hỏi “chết ba năm sống dạy một giờ” là cái gì, có giống hiện tượng “ba năm cóc chết được” của loài cóc không.
Ếch giải thích cho Cóc là loài người sau khi chết thường không siêu thoát luôn mà sau hạn mãn tang nếu có vương vấn, vướng mắc hoặc trách nhiệm phải làm, sẽ có cơ hội quay về gặp con cháu, vợ chồng hoặc cha mẹ vẫn còn đang sống trên dương gian. Đó là lý do loài người có phong tục thờ cúng tổ tiên.
Cóc há hốc như nuốt từng lời của Ếch, bỗng nổi lên khao khát cũng được gặp tổ tiên. Cóc rụt rè hỏi Ếch rằng
– Cóc cũng muốn gặp tổ tiên như loài người và sau khi chết đi cũng muốn đi quay về gặp con cháu thì làm thế nào.
Ếch suy nghĩ một lúc rồi trầm ngâm
– Có lẽ hãy nguyện ước làm người, với loài Ếch chuyện này không hề hiếm nên mới có cổ tích Hoàng tử Ếch
Cóc băn khoăn làm cách nào mà trong hiện tại có thể nhớ được các kiếp làm người của mình
Ếch trả lời không do dự
– Hãy thực hành thiền Vipassana
Thấy Cóc trố cả mắt, Ếch bèn giải thích
– Lý do mà Ếch có thể trả lời các câu hỏi của Cóc là vì trước đó Ếch đã tìm được câu trả lời ấy trong thiền
Cóc về nhà buồn phiền vô cùng, vì Cóc nhận ra thằng bạn Ếch cũng sống một cuộc đời quá phong phú vừa yêu đương, vừa gia đình tổ tiên, vừa bè bạn, vừa học tập, vừa thiền, còn mình thì chỉ biết nhảy ra nhảy vào tìm thức ăn, sống đơn điệu như thế khác nào đã chết.
Cuối cùng Cóc đã hiểu ra
– Nếu mày cóc sống cho ra sống trong ba năm, thì mày cũng cóc chết được sau ba năm, mà mày cóc chết được thì mày cũng chẳng có đời sau, chu kỳ sau mà sống