MỘT ĐẰNG & MỘT ĐÀNG

—–o—o—o—–
MỘT ĐẰNG
Nói một đằng, làm một nẻo
Ví dụ : Mẹ bảo con đi học, con nói vâng, nhưng con lại đi chơi
Nghĩ một đằng, nói một nẻo
Ví dụ : Em hỏi anh “váy em mặc đẹp không ?”, anh bảo “em mặc thế này đẹp lắm”, nhưng trong bụng nghĩ “trông như con dở hơi”
MỘT ĐÀNG
Nói một đàng, bắt quàng một nẻo
—o—
Nói một đàng, bắt quàng bắt xiên
—o—
Nói một đàng, nghĩ quàng nghĩ xiên
Ví du : Mẹ bảo con đi học, con lại suy diễn ra ra là mẹ chê con lười nhác, ngu dốt
—o—
Phân biệt “đàng” và “đằng”
– Đằng có tính kim, tính định, tính phân tách, tính cụ thể, tính chính xác, tính định hình, tính chốt hạ về đối tượng và hoàn cảnh
– Đàng có tính mộc, tính tổng quan, tính trừu tượng, tính liên kết, tính thanh âm, tính tình thần, tính liên kết và tính chuyển hoá

HAI ĐÀNG & HAI ĐẰNG

– HAI ĐÀNG : THIÊN ĐÀNG – ĐỊA ĐÀNG

Hai đàng nổi tiếng nhất là Thiên đàng & Địa đàng

Khôn thế gian làm quan địa ngục
Dại thế gian làm quan thiên đàng

—o—

Tai nghe trống đánh trên lầu,
Tay cầm tràng hạt ngâm câu thiên đàng
Phen ni bỏ họ, bỏ hàng,
Theo cha với cố nhẹ nhàng tấm thân

Địa ngục là một trạng thái cụ thể của cá nhân mà ở trạng thái đó cơ bản cá nhân này không thực nhận thức được mình ở đâu và cũng không nhận thức được về những người khác, vậy thì người này ở đâu cũng vậy và trong mối quan hệ nào cũng vậy, vì người này vẫn chỉ luôn trong ngục tù do chính người này tạo ra cho chính mình mà thôi.

Tại sao người khôn thế gian lại làm quan địa ngục ? Vì những người này có xu hướng ở trong trạng thái toan tính để đạt được mục đích của chính mình, thì cả thế gian bị thu hẹp thành các tham số trong các tính toán của họ. Họ ám ảnh về việc quản trị thông qua các tính toán, nên họ là quan của địa ngục của chính họ, bởi vì ho đánh mất đi tương tác tự nhiên và thế giới khách quan bên ngoài các tính toán.

Tại sao người dại thế gian lại làm quan thiên đàng ? Vì những người này có xu hướng quan sát và thuận theo hoàn cảnh khách quan, thay vì tính toán và quản trị.

Địa đàng đối xứng với thiên đàng, còn địa ngục thì đối xứng với thiên đình.

Có hai lưu ý
– địa ngục, mang tính cá thể, tính kim và tính chia rẽ, khác với địa đàng, mang tính mộc với các trải nghiệm kết nối, nên thường được gọi là vườn địa đàng
– thiên đàng, mang tính cảm xúc với các trải nghiệm cá nhân, khác với thiên đình mang tính ý chí thống nhất

Ví dụ :
– yêu đương và sinh con đàn cháu đống yêu thương gắn bó là trải nghiệm địa đàng
– thả hồn vào nhạc và thơ, không bị bất kỳ ai làm phiền là trải nghiệm thiên đàng

Đôi khi chúng ta dùng “thiên đàng” và “thiên đường” thay thế cho nhau, nhưng chúng ta không thể dùng “địa đường” thay cho “địa đàng” được.

– HAI ĐÀNG : ĐÀNG TRỜI – ĐÀNG ĐẤT

“Thiên đàng” & “Địa đàng” là những cảnh giới hoặc một trạng thái tồn tại, trong khi “đằng trời/đàng trời” và “đằng đất/đàng đất” gắn với phương hướng vận hành cụ thể hơn. Ví dụ
– Lên thiên đàng là cá nhân đi vào trải nghiệm thiên đàng
– Chạy đằng trời là cá nhân chạy bất kỳ hướng nào cũng không thoát

Muốn lên trời, trời không có ngõ
Muốn xuống đất, đất nỏ có đàng
Phải chi em hóa đặng con chim vàng
Tìm lên chín cõi, xem dạ chàng thử sao

– HAI ĐÀNG : ĐÀNG TRONG – ĐÀNG NGOÀI

Mình như quả cà sứt tai
Đàng Trong thì có, Đàng Ngoài thì không
Là bánh gì?

Đáp án : Bánh trôi
– Đàng Trong là nhân mật mía
– Đàng Ngoài là không khí
– Giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài là vỏ bánh

Bánh trôi mô tả Trái đất ở trạng thái Đàng ngoài/ban đêm và Đàng Trong/ban ngày
– Đàng Trong : ban ngày Trái đất (vỏ bánh) hướng vào bên trong về tâm quỹ đạo của Trái đất quay quanh Mặt trời (nhân mật mía)
– Đàng Ngoài : ban đêm Trái đất (vỏ bánh) hướng về bên ngoài của quỹ đạo của Trái đất quay quanh Mặt trời, là không gian mở của bầu trời đêm với các chòm sao của cung hoàng đạo

Em là con gái Đàng Trong
Em đi thuyền dưới mất lòng thuyền trên
Ba năm ăn ở trên thuyền
Bởi anh hàng muối cho nên mặn mà
Xuống thuyền nhịp bảy nhịp ba
Trách anh hàng trứng ở ra hai lòng

Đàng Trong hay Nam Hà là tên gọi vùng lãnh thổ Đại Việt do chúa Nguyễn kiểm soát, xác định từ sông Gianh (Quảng Bình) trở vào Nam.

Người ta nói
– Vào trong ra ngoài
– Vào Nam ra Bắc

Như vậy không cần đến thời Nguyễn thì miền Nam mới là đàng trong.

Cách nói này chứng tỏ miền Nam luôn là đất gốc của Việt Nam, Miền Nam là bên trong của đất Việt, chứ miền Nam không phải là sự mở rộng của miền Bắc.

Điều này khiến chúng ta cần suy nghĩ lại rằng phải chăng dân Chăm là dân Việt, Bách Việt gốc và Chiêm Thành cũng như các vương quốc thuộc Chămpa là một phần của đất gốc của Hồng Bàng, Xích Quỷ.

– HAI ĐÀNG : ĐÀNG NÀY – ĐÀNG KIA

Ai làm nên nỗi nước này
Vợ ở đàng này, chồng lại đàng kia

– HAI ĐÀNG : ĐÀNG ĐIẾM – ĐÀNG HOÀNG

Đàng điếm và đàng hoàng là hai trạng thái đối xứng
– Đàng điếm : điếm là cái điếm canh ở ngoài cánh đồng hoặc ngoài bờ đê, mang tính thuỷ thổ mộc, tương ứng với đàng ngoài
– Đàng hoàng : hoàng là mặt trời trung tâm và cũng là ông hoàng, mang tính hoả khí kim, tương ứng với đàng trong

– Đàng điếm

Anh về bớt công bớt việc
Bớt hoa bớt nguyệt
Bớt điếm bớt đàng
Thảnh thơi có thuở, thanh nhàn có khi

“Anh” trong bài ca dao trên có tính hướng ra “đàng ngoài”, bỏ bê và phủ nhận “đàng trong”, như ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng, ăn cơm vợ nấu rồi ra ngoài hoa nguyệt.

Xe ngựa lướt bụi tuôn bờ
Bánh niềng sắt cứ khua rột rột
Tui ra chợ mua đường thốt nốt
Tui mua cân bột cùng gói đậu xanh
Tui về nấu chè trôi nước đặt lại tên anh
Để cho trong trào ngoài quận
Biết tiếng thằng Sở Khanh điếm đàng

Bài này liên quan đến câu đố về bánh trôi bên trên. Người đàn ông trong bài không phân biệt và không cân bằng được đằng trong và đàng ngoài.

Bánh trôi nước là biểu tượng của phụ nữ, mang tính kim thuỷ dứt khoát và trôi chảy. Người phụ nữ làm bánh trôi để khẳng định sự rõ ràng về tính đàng trong và đàng ngoài của quan hệ hôn nhân gia đình, cũng như sự dứt khoát của mình, trong quan hệ với người đàn ông dính mắc với phụ nữ đàng ngoài.

—o—

Chẳng thà em lấy chồng khờ, chồng dại
Lo kinh thương mãi mại
Tính công nghệ nông tang
Không ham nhiều bạc lắm vàng
Mai sau sanh chuyện điếm đàng bỏ em
– Qua đây muốn kiếm một nàng
Thạo thông đường buôn bán
Rao cùng thôn quán mà chưa đáng chỗ nào
Thiếu chi những chị má đào
Họ mê bài phé, bài cào, anh thất kinh

—o—

Chịu oan mang tiếng bán vàm
Bán vàm tôi bán điếm đàng tôi không

—o—

Dừa tơ bẹ dún, tốt tàng
Giàu sang có chỗ, điếm đàng có nơi

Cây dừa tơ vừa tốt bẹ mà nối với gốc và thân, vừa tốt tàng mà là tán và ngọn, nghĩa là cân bằng cả đàng ngoài, mà mang tính điếm đàng, và đàng trong mà sẽ đem lại sự tích luỹ vật chất bên trong hay giàu sang

– Đàng hoàng

Mâm trầu, hũ rượu đàng hoàng
Cậy mai đến nói phụ mẫu nàng thì xong

—o—

Chèo mau cho thiếp gặp chàng
Hai ta hiệp lại đàng hoàng một đôi

—o—

Ngó lên cây mít ít trái, nhiều xơ
Con gái lẳng lơ, trai kia bậy bạ
Con gái đàng hoàng, trai nọ dám đâu

—o—

Làm người phải biết cương thường
Xem trong ngũ đẳng quân vương đứng đầu
Thờ cha kính mẹ trước sau
Anh em hòa thuận mới hầu làm nên
Vợ chồng đạo nghĩa cho bền
Bạn bè chung thủy, dưới trên đàng hoàng

Trải nghiệm địa ngục và thiên đàng được tạo ra do sự kết hợp cân bằng và thông suốt, hay tắc nghẽn và cực đoan của đàng điếm và đàng hoàng mà thôi.

– HAI ĐÀNG : ÂM DƯƠNG CỦA CẶP ĐÔI

Phụng với loan hai đàng phân rẽ
Tui với nàng không lẽ tới lui

—o—

Chiều nay tôi cắt cổ gà vàng,
Để chi khuya nó gáy, hai đàng biệt li

—o—

Ra về đàng rẽ phân đôi,
Gánh anh anh gánh, gánh tôi tôi gồng.
Bao giờ nên vợ nên chồng,
Gánh anh tôi gánh, tôi gồng cho anh.

—o—

Ôm mình dẫu có la làng
Thì tui la xóm hai đàng phạt chung.
Ôm mình dẫu có làm hung
Nhơn cùng tắc biến, tui chun xuống sàn

—o—

HAI ĐẰNG

“Hai đằng” mang tính phân biệt chính xác, cụ thể và rạch ròi, và tương đối dễ hiểu hơn so với “hai đàng”

– Đằng kia >< Đằng đây

Khói về đằng kia ăn cơm với cá
Khói về đằng đây lấy đá đập đầu

– Đằng đầu >< Đằng đít

Đom đóm sáng đằng đít

Da trắng như màu thiếc,
Ruột rối tợ rau câu
Bính đinh hỏa đánh trên đầu,
Nhâm quý thủy thân đằng đít

– Đằng trước >< Đằng sau

Ngó đằng trước thấy bình tích nước
Ngó đằng sau thấy bộ kỷ trà,
Anh thấy em còn một mẹ già,
Muốn vô phụng dưỡng biết là đặng không?

—o—

Lớp bình dân mở không xa
Cách một lối rẽ cách ba dặm trầu
Đàng trước nương dâu
Đàng sau ruộng mạ
Ta học quốc ngữ cho thông,
Kẻo mai hổ thẹn cùng chồng ai ơi!

—o—

Lưng đằng trước
Bụng đằng sau
Đi bằng đầu
Đội bằng gỗ
Dấm thì ngọt
Mật thì chua
Nhanh như rùa
Chậm như thỏ
Quan khốn khổ
Dân giàu sang
Vua bần hàn
Dân sung túc
Cứng bánh đúc
Mềm gỗ lim
To như kim
Bé như cột
Lợn nhảy nhót
Chim ù lì
Trắng như chì
Đen như bạc
Chó cục tác
Gà gâu gâu

– Đằng trai >< Đằng gái

Trong hôn lễ, sẽ có đằng trai và đằng gái. Trong đối đáp giao duyên, cũng có đằng trai và đằng gái, cho nên gọi là “đối đặng”.

– Bánh cả mâm răng gọi là bánh ít
Trầu cả chợ răng nói trầu không
Trai nam nhơn đối đặng sẽ làm chồng nữ nhi
– Chuối không qua Tây răng gọi là chuối sứ
Cây không biết chữ răng gọi là thông
Nam nhơn đà đối đặng quyết làm chồng nữ nhi

– Con cá đối nằm trên cối đá
Con mèo đuôi cụt nằm mút đuôi kèo
Anh mà đối đặng dẫu nghèo em cũng ưng
– Con chim mỏ kiến đậu trên miếng cỏ
Con chim vàng lông đáp tại vồng lang
Anh đà đối đặng, vậy nàng tính sao?

– Trên thượng cầm thú, con chi có vú?
Dưới hạ cầm thú, con chi không đầu?
Anh mà đối đặng, em dâng trầu hai tay
– Trên thượng cầm thú, có vú là con dơi
Dưới hạ cầm thú, con cua không đầu
Anh đà đối đặng, em dâng trầu anh đi

– Em lên lưng voi em hỏi cái đường vạn tượng
Tay em lại dắt dê hỏi chốn lan dương
Đố anh mà đối đặng em cho soi gương vàng.
– Dây bí ngô trèo trên cây trụ tàu
Cờ thượng mã phất sau đuôi ngựa
Anh đối đặng rồi lật ngửa gương ra.

—–o—o—o—–

Tóm lại

Hai đằng là hai thái cực vừa phân tách vừa tương tác đối lập tạo nên trạng thái thứ ba ở giữa hai trạng thái đó và kết hợp hai trạng thái đó
– Ở giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài là sông Gianh, và kết hợp Đàng Trong và Đàng ngoài là nước Đại Việt
– Ở giữa hai người yêu nhau là tình yêu, và kết hợp bao trùm ai người yêu nhau cũng là tình yêu.
– Ở giữa nửa đen và nửa trắng của lưỡng nghi là chữ S và bao trùm lưỡng nghi là hình tròn.

Hai đàng là hai cảnh giới, hai trạng thái tồn tại song hành, chồng chập mà không tương tác
– Hai đằng muốn tương tác được với nhau nghĩa là cả hai phải ở trong cùng một đàng
– Hai vợ chồng không yêu nhau và không con cái là tình trạng thân thể của hai người nằm về hai đằng của cái giường (đồng sàng) mà tinh thần của hai người thì ở hai đàng khác nhau (dị mộng)

Khi hai đàng muốn tương tác với nhau sẽ cần có đàng thứ ba, mà tồn tại vừa song hành vừa độc lập với hai đàng đã có
– Ở giữa hai người yêu nhau là đứa con, và kết hợp bao trùm hai người yêu cùng đứa con là gia đình.
– Hai nửa lưỡng nghi khi tương tác với nhau sẽ sinh ra tứ tượng, chấm đen trong nửa trắng và chấm trắng trong nửa đen chính là đàng thứ ba sinh ra từ tương tác (hai đằng) của hai nửa (hai đàng) lưỡng nghi.

—–o—o—o—–

BỐN ĐÀNG & BỐN ĐẰNG : ĐÔNG – TÂY – NAM – BẮC

—–o—o—o—–
ĐẰNG + trạng thái khá cụ thể và định hình rõ ràng trong không thời gian
Cơn đằng đông vừa trông vừa chạy
Cơn đằng nam vừa làm vừa chơi
—o—
Đồn rằng chợ Thọ vui thay
Bên đông thì giếng, bên tây thì hồ
Bên bắc có miếu thờ vua
Dưới sông nước chảy, đò đưa dập dìu
—o—
Chợ Lường họp lại vui thay
Đàng đông lúa gạo, đàng tây tru bò
—o—
Đồn rằng chợ Bỏi vui thay
Đằng đông có miếu, đằng tây có chùa
Giữa chợ lại có đền thờ
Dưới sông nước chảy, đò đưa dập dìu
—o—
Đằng đông hừng sáng mất rồi
Xin chào cô bác, giã người tôi thương
—o—
Làng ta phong cảnh hữu tình,
Đôi bên khéo đẻ ra mình ra ta
Trưa nồng nằm gốc cây đa,
Chiều về tắm mát ngã ba sông Bùng
Sớm mai vừa hửng đằng đông,
Rủ nhau lấy đá non bồng Hai Vai
—o—
ĐÀNG + một trạng thái khá tổng quan, trừu tượng, mang nhiều tính thanh âm hoặc tinh thần, đặc biệt vẫn còn đang vận hành và chuyển hoá chính nó trong không thời gian
Rung kêu đàng nam, cá vàng cá bạc
Rung kêu đàng bắc, bốc muối ra ăn
Rung kêu là tiếng sóng biển hay vận động ngoài khơi
—o—
Mống mọc đàng đông, bồ không lại có
Mống mọc đàng tây bồ đầy lại lưng
Mống ở đằng đông, đằng tây là cái mống đã định hình rõ ràng
Trên trời có cả cầu vồng,
Có cái mống cụt đằng đông sờ sờ.
Mống mọc, hay mống đang hình thành và còn biến đổi thì sẽ ở đàng đông, đàng tây.
—–o—o—o—–

ĐẰNG & ĐẰNG : MỘT – MỖI – MỌI – TRĂM

—–o—o—o—–
ĐÀNG – MỘT
Chưa chồng đi dọc đi ngang
Có chồng cứ thẳng một đàng mà đi.
—o—
Đường Hòa An đi thẳng một đàng
Gái Hòa An rất dịu dàng dễ thương
—o—
Hồi nào anh xuống anh lên
Một đàng hai ngõ quyết nên vợ chồng
Đến bây giờ người bạn phụ lòng
Hết nhân hết nghĩa hết đạo đồng phu thê
Bởi em nghèo nên bạn lại chê
Phải chi em giàu có, anh cũng mê anh về
—o—
Hỡi cô yếm thắm lòa lòa
Yếm nhiễu, yếm vóc hay là trúc bâu?
Hay là lụa bạch bên Tàu?
Người cắt cũng khéo, người khâu cũng tài
Một đàng anh thêu nên nhạn
Hai đàng anh mạng nên hoa
Yếm ấy anh để trong nhà
Khen ai mở khóa đem ra cho nàng!
—o—
ĐÀNG – MỖI
Tức mình con nhền nhện lăng loàn
Mấy trăm sợi chỉ mỗi đàng mỗi giăng
—o—
ĐÀNG – MỌI
Yêu nhau thì nói là sang
Ghét nhau tìm đủ mọi đàng mà chê
—o—
Gần chùa phong cảnh mọi đàng
Ở gần thợ nhuộm vẻ vang mọi màu
—o—
ĐÀNG – TRĂM
Khi chưa cầu lụy trăm đàng
Được rồi thì lại phũ phàng làm ngơ
—o—
Trăm đàng, ngàn ngõ, muôn dân
Kẻ có áo ở lại, người ở trần ra đi
Là việc gì? Đáp án : Sàng gạo
—o—
Tàu Sài Gòn chạy xuống Gò Công
Một trăm đàng nhịp, tôi theo không kịp
Tôi gọi bớ mình ơi!
Vậy chớ nghĩa tào khang sao chàng vội dứt
Đêm tôi nằm thao thức, nghĩ uất ức phận mình.
—–o—o—o—–
ĐẰNG – MỘT ĐẰNG
Nói một đằng, làm một nẻo
—o—
Nghĩ một đằng, nói một nẻo
—o—
Em là con gái nhà quê
Ham bên tài sắc nhiều bề ái ân
Chẳng ham tham phú phụ bần
Duyên rằng duyên phải nợ nần nhau đây
Chàng có sang, chàng phải chọn ngày
Mối manh cho rõ xe dây xích thằng
Cầm cân chàng nhấc cho bằng
Một bên cối đá một đằng tiền cheo
—–o—o—o—–

TẠI SAO KHÔNG CÓ MỖI, MỌI, TRĂM ĐẰNG NHƯ ĐÀNG ?

—–o—o—o—–
ĐẰNG : Kéo căng một đối tượng ra theo hai đầu của nó
—o—
ĐẰNG THẲNG : Nối hai điểm có một đường thẳng, vận hành từ điểm này đến điểm kia trên đường thẳng đó là “đằng thẳng”.
Đằng thẳng mà nói rằng
—o—
Cứ đằng thẳng mà làm
—o—
Một mình đi dọc đi ngang
Có chồng, có vợ thẳng đàng mà đi
—o—
Đường Hòa An đi thẳng một đàng
Gái Hòa An rất dịu dàng dễ thương
—o—
ĐÃI ĐẰNG : Tâm sự giãi bày để được sáng tỏ đúng sai, phải trái và có phương án hành động rõ ràng, khi đang ở trong tình trạng đang rối như tơ vò
Cá buồn cá lội thung thăng
Người buồn người biết đãi đằng cùng ai
Phương Đông chưa rạng sao Mai
Đông hồ chưa cạn lấy ai bạn cùng?
—o—
Yêu nhau xin quyết một lòng
Đậu ngâm ra giá đãi đằng nhau chi?
—o—
ĐẰNG HẮNG : Hắng giọng, để thằng khác thường là cấp dưới sợ mà không dám làm quàng làm xiên, chỉnh đốn lại cho đằng thẳng
—o—
ĐẰNG ĐẰNG : Những đường thẳng song song không giao nhau, ví dụ cùng vuông góc với một mặt phẳng
Sát khí đằng đằng.
Sát khí đằng đằng là các luồng khí năng lượng bao gồm ánh mắt mang tính sát thương phi như những mũi tên song song sang đối tượng, như muốn giết chết ngay đối tượng đó.
—o—
Tháng giêng chân bước đi cày
Tháng hai vãi lúa ngày ngày siêng năng
Thuận mưa lúa tốt đằng đằng
Tháng mười gặt lúa ta ăn đầy nhà.
Lúa tốt đằng đằng, và cây lúa lúc non vươn ngọn thẳng san sát nhau.
—o—
ĐẰNG ĐẴNG : Đường thằng nối nhiều đoạn thẳng.
Người về bỏ bạn sao đành
Người về em vẫn đinh ninh tấm lòng
Người về bỏ vắng phòng không
Người về em vẫn nay trông mai chờ
Người về ra ngẩn vào ngơ
Đêm năm canh em vẫn đợi chờ sầu âu
Người về cởi áo cho nhau
Người về cởi áo gối đầu lấy hơi
Người về đằng đẵng xa xôi
Xin người nghỉ lại với tôi bên này
Khi nối 3, 4, 5 … điểm trên một đường thẳng thì nó vẫn là đường thẳng nối hai điểm mà thôi. Khi các đường này nằm theo các phương, các mặt phẳng, các trường khác nhau thì sẽ có các đàng.
—–o—o—o—–