Có thể nói hình tượng con cò trong ca dao tục ngữ chính là một người Việt tiêu biểu, với các tính cách tiêu biểu và ứng xử tiêu biểu cho các quan hệ tiêu biểu của xã hội người Việt.
Người con gái thường được ví là giọt nước. Người con gái cái cò là giọt mưa sa, là giọt máu của cha trời mẹ biển. Người con gái cái bống là giọt nước giữa dòng, của cha trời mẹ đất.
Thân em như hạt mưa rào
Hạt rơi xuống giếng hạt vào vườn hoa
Thân em như như hạt mưa sa
Hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày
– Thân em như giọt nước giữa dòng
Thấy anh là thấy mặt biết đâu lòng cạn sâu?
– Qua đây cũng như sợi dây dài
Lòng sông sâu cạn dò hoài phải thông!
“Con cò đi đón cơn mưa” vì con cò là một giọt mưa sa.
“Tối tăm mù mịt ai đưa cò về” : Cá bống lặn mất tăm trong nước, không còn thấy cá bống, ấy là “tối tăm”. Con cò biến mất tăm trong bầu trời mưa, ấy là “mù mịt”. “Tối tăm mù mịt” là trạng thái của âm thuỷ, mà đưa con cò về trạng thái gốc, trạng thái nền của tính nữ, tính âm, thoát khỏi dương hình bề nổi.
Con cò đi đón cơn mưa là con cò sống xa gia đình, xa quê hương, quay về thăm quê quán và họ hàng. Trong cơn mưa, con cò về được với nguồn cội, con cò nhớ ra mình là ai.
Cái cò đi đón cơn mưa
Tối tăm mù mịt ai đưa cò về
Cò về thăm quán cùng quê
Thăm cha thăm mẹ cò về thăm anh.
Con cò là con con hướng ngoại, hướng trời và thường xuyên ở tình trạng bỏ quê hương, bỏ gia đình, sống ở xứ người.
Cò bay lả bay la
Bay từ cửa tổ bay ra cánh đồng
Con cò là con Việt kiều xa xứ, con chim lạc lạc đàn. Có lúc con cò kiều xa xứ, con cò lạc lạc đàn bị coi như kẻ xa lạ ở quê hương và bị xua đuổi bởi chính người thân nhất trong gia đình, mà cò chỉ còn quan hệ họ hàng xa xôi.
Cái cò đi đón cơn mưa,
Tối tăm mờ mịt ai đưa cò về.
Cò về đến gốc cây đề,
Giương cung anh bắn, cò về làm chi.
Cò về thăm bá, thăm dì,
Thăm cô xứ Bắc, thăm dì xứ Đông.
Đường xa xứ, đường đi lạc là thiên hướng tự nhiên của cò còn đường trở về thì “tối tăm, mù mịt” và ít nhiều đơn côi.
Con cò đi đón cơn đưa chúng ta về với các kỷ niệm của những ngày mưa.
Con cò đi đón cơn mưa cho chúng ta thấy một khía cạnh bơ vơ của mỗi chúng ta, trên mảnh đất xứ người, trong gia đình Việt kiều.
Con cò đi đón cơn mưa cho chúng ta thấy một khía cạnh lạc đàn của mỗi chúng ta ngay trên mảnh đất quê hương, ngay trong gia đình mà chúng ta từ bao giờ đã trở nên xa cách.
Con cò đi đón cơn mưa là một giọt mưa, trong một cơn mưa, là một người Việt như bao người Việt.
Con cò đi đón cơn mưa cho chúng ta về với trạng thái giọt máu Lạc Hồng.