NGHỀ KIM KHÍ
– NGHỀ HÀN – THỢ HÀN
Nồi nát chẳng khỏi tay thợ hàn
—o—
Nồi đồng có lủng thì hàn
Nồi đất có bể quăng ngang hàng rào
—o—
Cất tiếng kêu lão thợ hàn
Thuyền em chảy nước có hàn được không?
—o—
Bấy lâu ta vẫn đi hàn
Gánh rương gánh bễ gánh than gánh đồng
Hàn từ xứ bắc xứ đông
Bao nhiêu khí dụng ta cùng hàn cho.
—o—
Thợ may ăn giẻ
Thợ vẽ ăn hồ
Thợ bồ ăn nan
Thợ hàn ăn thiếc
—o—
Ngày ngày anh vẫn đi làm,
Đi qua nhà máy nhặt ngầm bù loong
Đem về anh bỏ vào hòm,
Bắc cân bắc lạng còn non một vài
Cẩm Phả xem thợ nào tài,
Thì anh kéo nhẫn, hoa tai cho nàng,
Người ta kéo bạc kéo vàng,
Anh nay kéo xích sắt cho nàng, nàng ơi!
—o—
Đầu làng cây duối,
Cuối ngõ cây đa
Đàng cái ngã ba,
Anh đây thợ hàn
Con gái mười bảy hăm ba
Hai mươi, hăm mốt đem ra anh hàn
Nụ này lớn lỗ hao than
Đồng đâu anh đổ cho tràn lỗ ni
Hết đồng, thì anh pha chì
Anh hàn cho một chặp chì ì mặt ra
—o—
– NGHỀ RÈN – THỢ RÈN
Đồ mặc thì đến phó may
Bao nhiêu đồ nát tới tay thợ rèn
—o—
Thợ rèn không dao ăn trầu
—o—
Thợ rèn có đe
Ông nghè có bút
—o—
Thợ rèn, thợ bạc ngồi co
Kẻ kềm, người búa biết thò vào đâu?
Là cây gì?
—o—
Nghề rèn đỏ lửa còn tiền
Nguội lò tắt lửa phụt đèn hết tiêu
—o—
Lấy chồng Hòe Thị nhọc nhằn
Ngày mỏi quai búa, đêm nằm đau lưng
Lấy anh ăn trắng mặc trơn
Quai búa anh nhận, sướng hơn vợ người
Hòe Thị Địa danh nay là một thôn thuộc phường Xuân Phương, huyện Nam Từ Liêm, Hà Nội. Làng còn có tên là Canh Chợ, nối tiếp làng Thị Cấm, nằm trên con đường cổ từ kinh thành Thăng Long – Cầu Giấy – Cầu Diễn vào bến đò Cổ Sở ven sông Đáy (bến Giá, nay là xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây). Ngoài nông nghiệp, làng Hòe Thị còn có hai nghề thủ công nổi tiếng trong vùng là nghề ren và nghề hàn thiếc. Cuối thế kỷ 19, khi Hà Nội được mở rộng, thợ rèn và thợ thiếc Hòe Thị ra phố Sinh Từ (nay là phố Nguyễn Khuyến) và phố Lò Rèn để làm nghề. Riêng phố Lò Rèn, tập trung chủ yếu người làng Hòe Thị.
Đọc thêm về làng Hòe Thị.
—o—
Muốn ăn cơm trắng, cá thèn
Thì về Đa Bút đi rèn với anh
Một ngày ba bữa cơm canh
Tối về quạt mát cho anh ngồi rèn
Đa Bút Một thôn thuộc xã Tân Vinh, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Đây chính là nơi đầu tiên tìm được những di vật của nền văn hóa Đa Bút – nền văn hóa Việt Nam có niên đại sau các nền văn hóa Hòa Bình và Bắc Sơn, cách đây khoảng 5000 – 6000 năm.
—o—
Ai về ngoài Huế cho tôi nhắn với ông thợ rèn
Rèn cho tôi một trăm cái đục
Một chục cái chàng
Về tôi đốn một cây huỳnh đàn
Tôi cưa làm tư, tôi xẻ làm tám
Tôi đóng một cái thang một trăm ba mươi sáu nấc
Bắc từ dưới đất lên trời
Hỏi thăm duyên nợ đổi dời về đâu
—o—
Em về ngoài Huế
Mướn ông thợ mộc
Đủ đục đủ chàng
Mần một cái thang
Ba mươi sáu nấc
Bắc tự trời đất
Lên tới trên Trời
Hỏi thăm duyên nợ đổi dời về đâu?
—o—
Cốc cốc, keng keng
Bà Rèn đi chợ
Bà Rớ ở nhà
Bắt gà làm thịt
Bắt vịt chặt đuôi
Bắt ruồi chặt cánh
Đòn gánh có mấu
Con sấu có tai
Con nai có gạc
Thợ giác có bầu
Hàng trầu hàng cau là hàng chồm hổm
—o—
Cốc cốc, keng keng
Mụ rèn đi chợ
Mụ vợ ở nhà
Bắt gà làm thịt
Bắt vịt về nuôi
Con ruồi có cánh
Đòn gánh có mấu
Con sấu có tai
Con nai có gạc
Thợ giác có bầu
Hàng trầu hàng cau là hàng chồm hổm
—o—
Bớ này anh nó ơi
Số phận em giao phó cho trời xanh
Lấy anh em không lấy, nhưng dạ cũng không đành làm ngơ
Vốn em cũng chẳng bơ thờ
Em đã hằng chọn trong lóng đục, nhưng vẫn còn chờ nợ duyên
Vốn em muốn lấy ông thầy thuốc cho giàu sang, nhưng lại sợ ổng hay gia hay giảm
Em muốn lấy ông thầy pháp cho đảm, nhưng lại sợ ổng hét la ghê gốc
Em muốn lấy chú thợ mộc, nhưng lại sợ chú hay đục khoét rầy rà
Em muốn lấy anh thợ cưa cho thật thà, nhưng lại sợ trên tàn dưới mạt
Em muốn lấy người hạ bạc, nhưng lại sợ mang lưới mang chài
Em muốn lấy anh cuốc đất trồng khoai, nhưng lại sợ ảnh hay đào hay bới
Em cũng muốn chọn anh thợ rèn kết ngỡi, nhưng lại sợ ảnh nói tức nói êm
Bằng lấy anh đặt rượu làm men, thì lại sợ ảnh hay cà riềng cà tỏi
Em muốn lấy ông nhạc công cho giỏi, nhưng lại sợ giọng quyển giọng kèn
Em muốn lấy thằng chăn trâu cho hèn, nhưng lại sợ nhiều điều thá ví
Em muốn lấy anh lái buôn thành thị, nhưng lại sợ ảnh kêu mắc rẻ khó lòng
Em muốn lấy anh thợ đóng thùng, nhưng lại sợ ảnh kêu trật niền trật ngõng
Em muốn lấy ông Hương ông Tổng, nhưng lại sợ việc trống việc gông
Em muốn lấy anh hàng gánh tay không, nhưng lại sợ đầu treo đầu quảy
Em muốn lấy chú hàng heo khi nãy, nhưng lại sợ chú làm lộn ruột lộn gan
Em muốn lấy anh thợ đát thợ đan, nhưng lại sợ ảnh hay bắt phải bắt lỗi
Em muốn lấy anh hát bè hát bội, nhưng lại sợ giọng rỗi giọng tuồng
Em muốn lấy anh thợ đóng xuồng, nhưng lại sợ ảnh hay dằn hay thúc
Mấy lời trong đục chẳng dám nói ra
Có thầy giáo tập dạy trong làng xa, hay dạy hay răn
So đức hạnh chẳng ai bằng, lại con nhà nho học
Sử kinh thầy thường đọc, nên biết việc thánh hiền
Gặp nhau em kết nghĩa liền,
Không chờ chẳng đợi, phỉ nguyền phụng loan
—o—o—o—
NHGỀ RÀO – THỢ RÀO
Còn duyên yếm thắm dải đào
Hết duyên vú đét, thợ rào vồ đe
—o—
Ngồi banh ba góc
Tay thụt liên hồi
Lỗ trống thiệt sâu
Rút ra đỏ đầu
Hai người đập chát
Là nghề gì?
—o—
Mèo già ăn trộm
Mèo ốm phải đòn
Mèo con phải vạ
Con quạ đứt đuôi
Con ruồi đứt cánh
Đòn gánh có mấu
Củ ấu có sừng
Bánh chưng có lá
Con cá có vây
Ông thầy có sách
Thợ ngạch có dao
Thợ rào có búa
Xay lúa có giàng
Việc làng có mõ
Cắt cỏ có liềm
Câu liêm có lưỡi
Cây bưởi có hoa
Cây cà có trái
Con gái có chồng
Đàn ông có vợ
Kẻ chợ có vua
Trên chùa có Bụt
Cái bút có ngòi
Ông voi có quản
—o—o—o—
NGHỀ KIM HOÀN – THỢ KIM HOÀN
Làng anh có thợ kim hoàn
Để anh đánh nhẫn cho nàng đeo tay
—o—
– THỢ VÀNG
Lĩnh hoa Yên Thái
Đồ gốm Bát Tràng
Thợ vàng Định Công
Thợ đồng Ngũ Xã
—o—
Thiếp trao lông nhím cho chàng
Chàng trao cho thợ bịt vàng đơm bông
Đơm bông rồi lại đơm hoa
Đơm con bướm bạc xinh đà quá xinh
—o—
– THỢ BẠC
Thông ngôn kí lục bạc chục không màng
Lấy chồng thợ bạc đeo vàng đỏ tay
—o—o—o—
NGHỀ ĐÚC ĐỒNG
Lĩnh hoa Yên Thái
Đồ gốm Bát Tràng
Thợ vàng Định Công
Thợ đồng Ngũ Xã
—o—
Nồi đồng đúc lại nên niêu
Gió to gió cuốn đưa diều lên mây
—o—
Làng Chè vui lắm ai ơi
Một ngày hai bữa chỉ ngồi ăn không
Việc làm đã có ông chồng
Đúc một nồi đồng nuôi chín miệng ăn.
—o—
Chợ Chè một tháng sáu phiên,
Phường buôn, phường bán khắp miền về đây.
Cảnh chợ buôn bán vui thay,
Tiếng đồn Trà Đúc xưa nay vẫn truyền.
—o—
Chùa cao đúc tượng tốn đồng
Công chi em đó mà gánh gồng mỏi vai
—o—
Đàn bà chơi với đàn bà
Một đồng tiền gián đúc ra chuông kềnh
—o—
Chì khoe chì nặng hơn đồng
Sao chì chẳng đúc nên cồng nên chiêng
—o—
Năm voi anh đúc năm chuông
Năm cô anh đóng năm giường bình phong
Còn một cô bé chửa chồng
Lại đây anh kén cho bằng lòng cô
Một là ông Cống, ông Đồ
Hai là ông Bát, ông Đô cũng vừa
Giả tên bà Nguyệt, ông Tơ
Sớm đi cầu Thước, tối mơ mộng hùng
Rồi ra, cửa lại treo cung
Để cho cô đẻ, cô bồng cô ru
Ru rằng: con bú, con nô
Con lẫy, con bò, con chững, con đi
Ngày sau con lớn kịp thì
Con học, con viết, con thi cùng người