Có mà đến Tết
Một cô gái mong chờ người yêu đến hỏi cưới, có người khuyên bảo cô ấy rằng “có mà đến Tết”, nghĩa là cái việc được cô chờ đợi đó rất khó xảy ra, hoặc còn lâu cái việc được cô chờ đợi đó mới xảy ra, nên đừng mong đợi cho mất công.
Có những bài ca dao mô tả các tình huống “có mà đến Tết” như vậy
Mình rằng mình quyết lấy ta
Ðể ta hẹn cưới hăm ba tháng này
Hăm ba nay đã đến ngày
Ta hẹn mình rày cho đến tháng giêng
Tháng giêng năm mới chưa nên
Ta hẹn mình liền cho đến tháng hai
Tháng hai có đỗ có khoai
Ta lại vật nài cho đến tháng tư
Tháng tư ngày chẵn tháng dư
Ta lại chần chừ cho đến tháng năm
Tháng năm là tháng trâu đầm
Ta hẹn mình rằng tháng sáu mình lên
Tháng sáu lo chửa kịp tiền
Bước sang tháng bảy lại liền mưa ngâu
Tháng bảy là tháng mưa ngâu
Bước sang tháng tám lại đầu trăng thu
Tháng tám là tháng trăng thu
Bước sang tháng chín mù mù mưa rươi
Tháng chín là tháng mưa rươi
Bước sang tháng mười đã đãi mưa đông
Quanh đi quẩn lại em đã có chồng
Như chim trong lồng, như cá cắn câu
Không ai hẹn “hăm ba tháng chạp” cho việc cưới xin vì ngày ấy nhà nhà chuẩn bị đón Tết rồi. Thực tế cả năm cho thấy rằng hai người này không thể nào mà cưới nhau được.
Một bài khác tương tự
Cô gái nói
“Ta yêu mình lắm ta thắm mình phai
Xin đừng ăn ở ra hai tấm lòng
Mặc người bẻ lá ngăn sông
Đôi ta cứ giữ tấm lòng chớ phaị”
Chàng trai đáp
“Xin nàng chớ có nghe ai
Chả trong tháng chạp thì ngoài tháng giêng
Đôi ta chẳng mốt thì mai
Chẳng trong tháng chạp thì ngoài tháng giêng”
Chàng trai hẹn cô gái rằng “chẳng trong tháng chạp, thì ngoài tháng giêng”, nghĩa là trong Tết mà duyên đôi ta không tết được thì lại ra giêng đợi một năm nữa. Hẹn cưới xin yêu đương thế này là kiểu “có mà đến Tết” mới thành.
Vậy năm nào cũng có Tết hay Tết là cái gì đó … rất khó xảy ra ?
Chúng ta có một câu tương tự là “30 chưa phải là Tết”.
Thực tế Tết bắt đầu từ 7 đến 10 ngày trước Giao Thừa, bằng lễ cúng ông Công ông Táo (lễ hợp hưởng với cung đình nhà Nguyễn) hoặc lễ dựng nêu (có thể vì nhiều lý do, đến 30 chúng ta dựng nêu cũng được) Người xưa và người nay không ai tính đến Giao thừa mới là đến Tết, mà giai đoạn Tết thường kéo dài trước và sau Giao thừa. Vậy tại sao “30 chưa phải Tết” ?
Lại còn có câu “30 Tết thằng chết cãi thằng khiêng”.
Một cuốn sách lý giải rằng thành ngữ “thằng chết cãi thằng khiêng” bắt nguồn từ một sự việc xảy ra vào thời kỳ tức là thời Lý, Trần ở Thăng Long. Hồi ấy, cứ vào những ngày gần Tết, nhất là đêm Ba mươi, bọn lưu manh lại giở mánh khóe kiếm tiền. Chúng cho một thằng nằm lên cáng, giả vờ là kẻ chết đường chết chợ rồi cùng nhau khiêng đến những phố buôn bán sầm uất. Chúng đặt cáng trước các cửa hàng và xin tiền. Chủ cửa hàng, nhất là các bà, các cô, phần vì mê tín, phần vì muốn chúng mau mau khiêng nhau đi để khách còn vào mua hàng, nên đành phải nhanh chóng cho chúng tiền.
Cuốn sách giải thích thêm rằng bọn lưu manh này cãi nhau chuyện ăn chia tiền. Những đứa khiêng thì cho rằng mình vất vả nên phải được phần nhiều. Đứa nằm giả vờ chết trên cáng, không vất vả gì thì lại cho là mình có công hơn cả, vì không có thằng “chết” thì làm sao thằng sống có cớ để xin tiền! Thằng “chết” còn nghi ngờ rằng, trong lúc nó nằm trên cáng, bọn khiêng cáng đã câu kết với nhau bày trò gian lận, bớt xén, tư túi … Cứ thế, chúng cãi nhau cho đến lúc năm mới khởi điểm thì mới thôi vì sợ giông cả năm.
Có nhiều điều không hợp lý với cách giải thích này
– Nếu câu trên nói về một hiện tượng cá biệt chỉ xảy ra tại kinh thành Thăng Long vào thời Lý, Trần thì địa điểm và sự kiện sẽ được nói rõ ra, như các câu tục ngữ, ca dao khác nói về các lễ hội hay đặc trưng của các vùng miền địa phương
– Không phải cứ bọn xấu là phải cãi nhau, mà rõ ràng là bọn xin tiền kiểu này là bọn thức thời, nhanh nhậy, biết tâm lý người bán hàng ngày Tết, và chúng cũng phải về nhà lo Tết như những người bình khác thôi.
“Thằng chết cãi thằng khiêng” là một trong những câu nói ngược, hiện tượng vô cùng phổ biến trong ca dao tục ngữ của người Việt. Nghe có vẻ ngược nhưng thực tế rất đúng là như thế, chứ không ngược gì cả.
Tết là dịp xảy ra sự việc tết các luồng tiết khí, các dòng nghiệp quả mà có tính âm dương với nhau.
Về mặt hình thức thì cứ hết năm là nhà nhà chuẩn bị đón Tết, nhưng về mặt tinh thần để tạo ra được sự tết âm với dương và đón được Tết không hề dễ dàng như vậy.
Bài ca dao về các đôi nam nữ hen hò Tết nói về những khó khăn trong việc kết nối âm dương dạng nam nữ trong dịp Tết, còn câu “thằng chết cãi thằng khiêng” nói về khó khăn trong kết nối âm dương giữa người sống và người chết trong dịp Tết. Mà âm dương chưa tết lại được thì Tết chưa thể đến và chưa thể được đón, cho nên nếu mà “23 tháng chạp mà anh và em chưa cưới được nhau”, “30 Tết thằng chết còn cãi thằng khiêng” và “30 chưa phải là Tết” thì ra giêng lại càng khó mà có Tết nổi.
Hãy thẳng thắn nói rằng bao nhiêu người đến chùa mà gặp Phật, đến nhà thờ mà gặp được Chúa, đến được đình mà gặp Thành hoàng, đến đền, miếu mà gặp được Thần thánh, đến mộ mà gặp được người đã khuất, vậy chúng ta có thể tự suy luận được đến Tết bao nhiêu người kết nối được âm dương, để thực sự đón được Tết trọn vẹn.
Tết vẫn cứ đều đặn đến với con người hàng năm, mà con người …. thì có mà đến Tết mới đón được Tết thực sự.