CÁC VỊ THUỶ THẦN Ở THĂNG LONG TỨ XỨ

Loading

XỨ ĐÔNG & CÂU CHUYỆN CỦA CÁC VỊ HẢI THẦN
=== === === === === ===
XỨ ĐÔNG
Quê tôi ở xứ Đông. Xứ Đông gồm có
– Hải Dương (và phần phía đông của Hưng Yên). Nhà Nguyễn, đã xây dựng ở Hải Dương một cái thành, gọi là Thành Đông. nằm trong hệ thống thành nhà Nguyễn. Nếu như thành cổ Sơn Tây còn giữ được khá nguyên vẹn, hoàng thành Thăng Long cũng do nhà Nguyễn xây lai còn giữ được cửa Bắc, thì Thành Đông ở Hải Dương chỉ còn còn dấu vết hào nước cũ.
– Hải Phòng (và Quảng Yên, Quảng Ninh) tôi xin được gọi là cửa Đông, mà có hai cửa chính là Bạch Đằng – cửa Đông luồng Bắc và Đồ Sơn – cửa Đông luồng Nam (phần sau sẽ giải thích rõ hơn)
Xứ Đông là cửa biển nên các địa danh toàn là “Hải” như Hải Dương (tỉnh), Hải Phòng (tỉnh), An Hải (huyện), Hải An (huyện), Hải Hà (huyện) và Đông Hải (xã), Nam Hải (xã).
Thời Đinh, xứ Đông được gọi là đạo Hải Đông. Các địa danh có chữ Đông và chữ Hải của xứ Đông nhiều hơn hẳn so với bất kỳ xứ sở nào của nước ta
– Quảng Ninh (tỉnh)
– – – Hải Hà, huyện tỉnh Quảng Ninh
– – – Đông Hải, xã của huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh
– Hải Hưng (tên tỉnh cũ của Hưng Yên và Hải Dương)
– Hải Phòng (tỉnh)
– – – Hải An (tên cũ An Hải và An Dương), huyện tỉnh Hải Phòng
– – – Đông Hải 1, Đông Hải 2, Nam Hải, Đằng Hải : phường của quận Hải An
– – – Đông Hải : phường của quận Lê Chân
– Hải Dương (tỉnh)
– – – Hải Dương, huyện tỉnh Hải Dương
Xứ Đông liên quan đến một thay đổi lớn về lãnh thổ của Tĩnh Hải Quân (tên nước Việt Nam) vào thời Ngô Quyền.
– Sau khi Khúc Thừa Dụ tự xưng là Tiết độ sứ của Tĩnh Hải quân năm 905, Việt Nam bắt đầu thời kỳ độc lập tự chủ. Tĩnh Hải Quân lúc này bao gồm Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ Việt Nam, kéo dài tới phía bắc dãy Hoành Sơn, thêm một phần phía tây nam tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc hiện nay. Lãnh thổ Tĩnh Hải quân gồm 12 châu
– – – Giao Châu : tương đương với vùng phía nam sông Hồng và sông Đuống, thuộc Hà Nội, Bắc Ninh, một phần Hưng Yên
– – – Lục Châu : tương đương gồm một phần phía nam Khâm Châu (Quảng Tây, Trung Quốc) và dải đất dọc biển của tỉnh Quảng Ninh hiện nay.
– – – Phong Châu : ở ngã ba Bạch Hạc, phần dưới thung lũng sông Chảy, sông Thao và sông Đà.
– – – Trường Châu : tương đương miền Nho Quan, Yên Khánh tỉnh Ninh Bình.
– – – Thang : ở gần Ung châu, tức thành phố Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc.
– – – Chi : là huyện Hàn Thành, phủ Khánh Viễn, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.
– – – Vũ Nga : tại phủ Khánh Viễn tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc
– – – Vũ An : tại phủ Thái Bình, Quảng Tây, Trung Quốc
– – – Ái : tương đương tỉnh Thanh Hóa
– – – Diễn : tương đương miền bắc Nghệ An gồm các huyện Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Nghĩa Đàn, Quỳ Châu
– – – Hoan : tương đương các huyện phía nam Nghệ An và một phần tỉnh Hà Tĩnh
– – – Phúc Lộc : phía nam Hà Tĩnh và Quy Hợp, Ngọc Ma phía bắc Hoành Sơn
– – – Các châu ki mi (châu tự trị)
– – – – – – Miền núi tỉnh Quảng Ninh
– – – – – – Vùng Quy Hóa, Cam Đường, Yên Bái, Lào Cai, thượng du sông Đà,
– – – – – – Châu Bình Nguyên ở Hà Giang, Tuyên Quang, Lạng Sơn hiện nay.
– Sau khi Ngô Quyền đánh bại nhà Nam Hán vào năm 938, xưng vương, nhưng tên nước vẫn là Tĩnh Hải Quân.
– – – Lãnh thổ chỉ còn 8 châu: Giao, Lục, Phúc Lộc, Phong, Trường, Ái, Hoan, Diễn.
– – – 4 châu bị Nam Hán chiếm là Thang, Chi, Vũ Nga và Vũ An (đều thuộc Quảng Tây, Trung Quốc, ngày nay). Vấn đề là lịch sử không có bất kỳ sự kiện hay ghi chép nào về cách mà sự kiện này xảy ra.
Sử địa xứ Đông khó hiểu vô cùng. Hai câu hỏi rất cơ bản rằng
– Xứ Đông đi đến tận đâu ngoài biển Đông
– Xứ Đông là cánh cổng dẫn đến những vùng đất nào,
đã rất khó trả lời rồi.
“Hải” có hai nghĩa chính
– hải về hình tướng nghĩa là bể, là biển như hải lưu, hải triều, hàng hải, hải khẩu, hải cảng, hải quân, hải sản ….
– hải về tinh thần nghĩa là đông đảo mà hoà đồng
Xứ Đông là biển mênh mông, và chúng ta là một giọt nước, đừng sợ lạc vì đã có các vị thần biển, con của mẹ xứ sở dẫn đường.
=== === ===
CÁC VỊ THẦN XỨ ĐÔNG – NGŨ VỊ ĐẠI VƯƠNG
Xứ Đông là đất của rất nhiều vị Hải Vương, xếp theo thứ tự thời gian. ​
– Đông Hải Đại Vương Đoàn Thượng, sinh quán và quê quán ở Hải Dương, ông xưng Vương vào giai đoạn loạn lạc cát cứ chuyển giao giữa nhà Lý và nhà Trần
– Nam Hải Đại Thần Vương, tướng của Trần Hưng Đạo, không rõ sinh ở đâu, mất ở cửa Bạch Đằng, hiển linh ở Hòn Dấu Hải Phòng
– Sát Hải Đại Vương, Hoàng Tá Thốn tướng của Trần Hưng Đạo, quê ở Nghệ An, mất và đền thờ đều ở Nghệ An, nhưng chiến công lập ở xứ Đông
– Đông Hải Đại Vương Nguyễn Phục, tướng đời Lê Thánh Tông, sinh quán và quê quán ở Hải Dương
– Nam Hải Đại Vương Phạm Tử Nghi, tướng nhà Mạc sinh ra ở Hải Phòng và an táng ở Hải Phòng
Cụ thể
– Đông Hải Đại Vương Đoàn Thượng
– – – Thánh đản (ngày sinh) : mồng 7 tháng Giêng, tại làng Bổng Độ, huyện Trường Tân, lộ Hồng Châu (nay là thôn Thung Độ, xã Đoàn Thượng, huyện Gia Lộc, Hải Dương), nguyên quán làng Cổ Phục, cựu quán làng Tô Xuyên (nay thuộc xã An Mỹ, Quỳnh Phụ, Thái Bình), cố quán Kẻ Noi Kẻ Cáo, hương Lai Cáo.
– – – Thánh hoá (ngày giỗ) : mồng 6 tháng Chạp, tại gò Mả Chín thuộc đất làng Trà (xã Giai Phạm, Yên Mỹ, Hưng Yên) thiên táng mối xông thành mộ.
– – – Đoàn Thượng là một trong các vị vương cát cứ tại Hồng Châu trong thời loạn lạc giữa nhà Lý và Nhà Trần.
– Đông Hải Đại Vương Nguyễn Phục
– – – Sinh 1434, quê Thôn Đông, xã Đoàn Tùng (sau đổi là Đoàn Lâm), huyện Trường Tân, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương (nay là Thanh Tùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương)
– – – – – – Đình Thôn Đông, xã Thanh Tùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương
– – – Mất 1470 ở cửa biển.
– – – – – – Đền Tùng Giang ở cửa biển Tư Khách (nay thuộc huyện Phú Vang – Huế), huyện Tư Vinh (hay Tư Vang nay thuộc huyện Phú Vang – Huế)
– – – – – – Một đền nữa ở cửa biển Đà Nẵng thuộc Quảng Nam
– Nam Hải Đại Thần Vương
– – – Đền thờ Nam Hải Đại Thần Vương ở đảo Hòn Dấu, Hải Phòng
– – – Đức Nam Hải Đại Thần Vương là danh tướng tuấn kiệt, dưới chướng Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Trong trận thuỷ chiến chống quân Nguyên – Mông trên Bạch Đằng Giang lịch sử, Nam Hải Đại Thần Vương đã hy sinh và hiển linh tại đảo Hòn Dấu – Đồ Sơn.
– Nam Hải Đại Vương Phạm Tử Nghi
– – – Ông sinh năm 1509 tại giáp Nghĩa Xá, nay là quận Lê Chân, Hải Phòng
– – – Ông mất năm 1551 (giỗ ngày 14 tháng 9 âm lịch) và được an táng tại giáp Đôn Nghĩa, nay là quận Lê Chân, Hải Phòng
– – – Phạm Tử Nghi là tướng của nhà Mạc, phò mã của Mạc Đăng Doanh, ông từng đánh phá đất Trung Quốc, nên khi mất đầu ông theo tài liệu Trung Quốc là bị mang sang Trung Quốc,
– Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn vẫn liên quan đến xứ Đông vì chức danh Sát Hải Đại Vương của ông nhận được là từ công lao trong trận đánh ở cửa Bạch Đằng.
– – – Hoàng Tá Thốn (1254-1339) sinh tại làng Vạn Phần nay là xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
– – – Sau chiến thắng quân Nguyên Mông lần thứ ba năm 1288, nhờ lập được công lớn, được nhà vua phong tước Sát Hải Đại Vương
– – – Ông đến sống ở xứ Thiên Bồng tức làng Vạn Tràng, nay thuộc xã Long Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An và nhà thờ chính thờ ông cũng được xây dựng tại đây.
===
BÀ CHÚA NĂM PHƯƠNG
Chúa Bà Năm Phương hay là Vũ Quận Quyến Hoa Công Chúa là vị Thánh Mẫu thành hoàng bản cảnh của Hải Phòng. Bà giáng sinh vào nhà họ Vũ tại làng cổ Gia Viên (xưa có tên là làng Cấm), thuộc tổng Đông Khê, huyện An Dương, phủ Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, nay thuộc Phường Gia Viên, quận Ngô Quyền, Hải Phòng. Trong cuộc kháng chiến chống quân Nam Hán xâm lược, Đức Ngô Vương Quyền phong bà làm nữ tướng lo việc quân lương trong trận thủy chiến chống quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938. Kháng chiến kết thúc, Đức Ngô Vương phong cho bà tước hiệu Ngô Vương Vũ Quận Chúa; người dân gọi bà là Quyến Hoa Công chúa.
Năm Phương của Ngọc Hoàng Thượng Đế thường được biết đến là Đông – Tây – Nam – Bắc và phương trung tâm, mà cơ bản có thể tạo thành một hình vuông có tâm ứng với phương trời đất. Ngũ quan của Ngọc Hoàng Thượng Đế mà rõ ràng không hề ứng với 5 phương nói trên
– – – Quan lớn Đệ Nhất – Thượng Thiên
– – – Quan lớn Đệ Nhị – Giám Sát
– – – Quan lớn Đệ Tam – Thoải Phủ
– – – Quan lớn Đệ Tứ – Khâm Sai
– – – Quan lớn Đệ Ngũ – Tuần Tranh
Năm phương của Bà Chúa Năm Phương không phải là hình ngũ giác, không phải là hình vuông 4 phương có tâm, cũng không phải là hình tam giác 3 phương có trục phương trời đất. Người ta nói rằng Hải Phòng có năm ngôi miếu cổ, có sắc phong của các triều Vua cho Thánh Chúa Bản Cảnh Hải Phòng
– Chùa Cấm thuộc Phố Cấm, Hải Phòng (tên tự: Cấm Giang Bản Cảnh Linh Từ hay Linh Quang Tự) chùa được xây trên nền nhà của Chúa bà;
– Miếu Chúa tại Cây đa Mười ba gốc, xóm Trại, phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền;
– Đền Tiên Nga (địa chỉ 53 Lê Lợi, phường Máy Tơ, Quận Ngô Quyền)
– Miếu Chúa Bà trong Khách Sạn Harbour View nằm ở đường Trần Phú có ngôi đền Tên chữ là “Bảo Phúc Linh Từ”.
– Miếu Chúa Bà Vườn Hoa Chéo, trên đường Trần Hưng Đạo, Hải Phòng
Tuy nhiên, một miếu là do một me Tây (vợ của ông chủ Nhà máy cơ khí Robert) xây dựng, không thể có sắc phong vua ban. Miếu khác thờ Bà Chúa Năm Phương chỉ là phụ, miếu khác nữa thậm chí không thờ bà Chúa Năm Phương.
Xứ Đông được biết đến như một cái cổng. Câu hỏi là năm phương của một cái cổng là các phương gì.
– Phương theo không gian của cổng là phương trong, phương ngoài. Phương trong/ngoài có thể phân theo phương Đông, Tây, Nam, Bắc của cổng
– Phương theo luồng vận hành qua cổng là phương vào, phương ra. Luồng/phương vào là từ ngoài vào trong qua cổng hoặc từ ngoài vào cổng. Luồng/phương ra là từ trong ra ngoài qua cổng, hoặc từ cổng đi ra
– Phương cổng, cụ thể là phương cánh cổng hoặcvà phương bản lề
Lưu ý
– Thăng Long Tứ xứ nằm bên trong cổng
– Biển Đông nằm ngoài cổng
Trong một số điểm thờ cúng Bà Chúa Năm Phương/Ngô Quyền tại Hải Phòng, có các vị Đông Hải và Nam Hải đứng chầu xung quanh. Ở đền Cấm Hải Phòng
– Bà Chúa Năm Phương ở ban trung tâm
– Ngô Quyền ở chính giữa phía sau Bà Chúa Năm Phương
– Ban bên trái phía trước là Đào Nhuận (tướng đánh trận Bạch Đằng của Ngô Quyền), phía sau là Đông Hải Đại Vương Đoàn Thượng
– Ban bên phải phía trước là Nguyễn Tất Tố (tướng đánh trận Bạch Đằng của Ngô Quyền); phía sau là Nam Hải Đại Vương Phạm Tử Nghi
Bà Chúa Năm Phương là thành hoàng bản cảnh của Hải Phòng. Theo thế giới trực quan của người đời, bà Chúa Năm Phương là một vị tướng và con nuôi của Ngô Quyền, nhưng về mặt xứ sở, bà Chúa Năm Phương lại đại điện cho xứ sở và Ngô Quyền cùng các vị đại vương đại diên cho những người bảo vệ xứ sở. Ở đền Cấm, Bà Chúa Năm Phương đứng giữa 5 vị, ứng với 5 phương, trong đó một phương do Ngô Quyền giữ.
Xin quay lại với các vị Đại Vương
– Đông Hải Đại Vương Đoàn Thượng giữ Hồng Châu, đánh lại các vị vương cát cứ ở các khu vực khác xung quanh Thăng Long, vậy Đông Hải Đại Vương Đoàn Thượng trấn giữ phương Đông và luồng từ trong ra
– Đông Hải Đại Vương Nguyễn Phục mất ở biển Quảng Nam, đánh Chiêm Thành phương Nam, vậy Đông Hải Đại Vương Nguyễn Phục vẫn trấn giữ biển Đông và luồng từ ngoài vào
– Nam Hải Đại Vương Phạm Tử Nghi đánh ngược, lên phương Bắc, vậy ông trấn giữ phương Nam
– Sát Hải Đại Vương tuy không sinh ra và lớn lên ở xứ Đông, cũng không được thờ ở xứ Đông, nhưng cùng đánh giặc Nguyên Mông dưới chướng của Trần Hưng Đaọ như Nam Hải Đại Thần Vương ở cửa biển Bạch Đằng. Danh hiệu Sát Hải Đại Vương của ông được phong sau trận Bạch Đằng. Tuy nhiên cuối đời ông lại về phương Nam. Giám sát là một trong ngũ vị tôn quan trong đạo Mẫu mà làm việc cho Ngọc Hoàng Thương Đế. Đền thờ của ông ở Nghệ An nơi có đền gốc của bà Đại Càn Nam Hải (mà xin nói ở phần sau)
Ngô Quyền là người giữ cổng Bạch Đằng. Cùng với Lê Hoàn và Trần Hưng Đạo, Ngô Quyền đã chặn đứng các luồng tấn công của giặc phương Bắc xuống nước ta qua cửa biển này.
– – – Lê Hoàn là người xứ Sơn Nam, khi mất đền thờ chính của ông ở xứ này. Xứ Sơn Nam và xứ Đông là một cặp, mà Hưng Yên là cầu nối rõ ràng nhất.
– – – Ngô Quyền là người xứ Đoài, nhưng được thờ chính ở Hải Phòng xứ Đông
– – – Trần Hưng Đạo là người xứ Đông, ông được thờ ở ban Trần Triều Trần trong các đền thờ đạo Mẫu. Tuy nhiên, đền Trần chính thờ ông nằm ở Chí Linh, Hải Dương.
Bà chúa Năm Phương là người giữ cánh cổng xứ Đông, không chỉ đối xứng với Ngô Quyền mà ở giữa tất cả các vị Hải Vương.
===
NAM HẢI ĐẠI THẦN VƯƠNG
Nam Hải Đại Thần Vương thực sự không tương đương với các vị đại vương trên, mà ít nhất tương đương với Ngô Quyền.
Ông là một vị thần tối cao giữ cổng Đồ Sơn, đối xứng với cổng Bạch Đằng, mà Ngô Quyền giữ.
Đồ Sơn là một cảnh cổng lớn, giữ các luồng chi viện và bảo vệ phương Nam. Vai trò của Đồ Sơn có thể thấy rất rõ qua sơ đồ các tuyến đường Hồ Chí Minh Trên biển đi xuống phía Nam mà đều xuất phát từ Đồ Sơn đi về phía Nam.
– Có 4 tuyến trong đó tuyến gần nhất đi sát bờ biển, các tuyến xa hơn đi vòng qua các đảo như Trường Sa, Hoàng Sa, Côn Đảo
– Các căn cứ và bến bãi của tuyến đường này đều lấy Đồ Sơn làm gốc và nối được với Đồ sơn, và qua đó nối được với nhau. Đây là 1 dạng cấu trúc rốn. K15, hay bến Vạn Xét tại thôn Vạn Hoa và Vạn Sơn (Đồ Sơn, Hải Phòng) là Km0 của tuyến đường. Tất cả các cửa biển còn lại đối xứng với Đồ Sơn là :
– – – Cửa Hội (sông Lam, Nghệ An)
– – – Cửa Sót (Hà Tĩnh)
– – – Cửa Gianh (Quảng Bình)
– – – Cửa Nhật Lệ (Quảng Bình)
– – – Hố Chuối
– – – Sa Huỳnh (Quảng Ngãi)
– – – Quy Thiện (Quảng Ngãi)
– – – Ba Làng An (Quảng Ngãi)
– – – Lộ Diêu (Bình Định)
– – – Rạch Cỏ
– – – Cồn Tàu (cửa Cung Hầu, sông Hậu, Trà Vinh)
– – – Khâu Lầu
– – – Thạnh Phong (Bến Tre)
– – – Vàm Lũng (Cà Mau)
– – – Cảng Sihanoukville (Campuchia)
Ngoài ra còn có tích rằng Nam Hải Đại Thần Vương là một trong các người con của Lạc Long Quân và Âu Cơ, đối xứng với Đông Hải Long Vương – người con thứ 25 trong bọc trứng của Lạc Long Quân và Âu Cơ. Có khả năng, ông chính là vị Nam Hải Đại Thần Vương ở Đồ Sơn, mà đời Trần đã hiện thân giúp đỡ Trần Hưng Đạo đánh giặc.
===
ÔNG NAM HẢI
Ở phía Nam không thờ Nam Hải Đại Thần Vương, nhưng suốt dọc bờ biển, người dân các làng chài đều thờ cá ông Nam Hải. Những nơi đặt xác cá voi dạt vào bờ được gọi là Lăng Ông (tức nhiên có cả Lăng Bà). Những con cá voi là hiện thân cụ thể của các vị thần biển, nên khi cá voi dạt lên bờ, người dân trân trọng thờ cúng y như các nghi thức thờ cúng ông bà tổ tiên. Và có thể trong tâm thức rất sâu thẳm của người dân miền biền, họ biết rằng họ sinh ra từ biển. Lăng cá voi được gọi là Lăng ông, Lăng bà, bởi vì cá voi là hiện thân của tổ tiên.
===
ĐẠI CÀN NAM HẢI
Nếu như dọc bờ biển miền Trung và miền Nam nước ta đều thờ Cá ông Nam Hải, thì vị nữ thần cũng được thờ dọc biển miền Trung và miền Nam là Đại Càn quốc gia Nam hải tứ vị thánh nương, hay còn được gọi là Bà Đại Càn.
Bà được thờ chính ở các địa danh mà đều liên quan chặt chẽ đến các vị Đại Vương nêu trên. Đó là
– Đền Mẫu Hưng Yên
– Đền Đại Lộ, Thanh Trì, Hà Nội
– Đền Cờn, Nghệ An
Sự tích của bà cũng cùng xảy ra vào cùng thời kỳ với các với các vị Đại Vương nêu trên
Sách Đại Nam nhất thống chí ghi chép về ngôi đền Mẫu Hưng Yên như sau:
“- Đền Dương Quý Phi nhà Tống: ở thôn Hương Dương, huyện Kim Động. Tương truyền, khoảng đời Thiệu Bảo, có người Nội thị ở triều đình Bắc quốc, theo thuyền buôn của người châu Hoan ra đến khúc sông thuộc xã Xích Đằng làm nhà ở trên bãi cát, lại dựng một gian đền, thờ Dương thị là Quý Phi nhà Tống, cầu đảo thường được linh ứng, từ đấy người đến tụ họp mỗi ngày một đông, thành một thôn xóm, lập thành thôn Hoa Dương, đền miếu được sửa sang thêm rộng rãi đẹp đẽ. Bỗng một hôm, người Nội thị họp người trong thôn nói rằng: “Tôi là Thái giám nhà Tống, năm Tường Hưng thứ 1, theo Bính hoàng đế nhà Đại Tống chạy ra bãi biển, bị Hoành Phạm nhà Nguyên đuổi sát, đế Bính cùng thái hậu, phi tần đều nhảy xuống biển tự vẫn. Tôi nhảy sang một chiếc thuyền chài mới được thoát thân, lưu lạc đến bãi biển Chà Bàn, hơn một năm trời. Một hôm, tôi nằm mộng thấy Thái hậu Dương thị, cùng em là Quý Phi, mỹ nhân là Kim thị và Liễu thị từ trong biển bước ra, tôi đi vội đến trước mặt sụp lạy. Thái hậu bảo tôi rằng: “Chị em ta sau khi nhảy xuống biển, thượng đế khen là người trinh liệt, phong cho làm Hải thần các cửa biển ở châu Hoan và Sơn Nam đều thuộc chị em ta quản lãnh. Ông là tôi con bản triều, nay lưu lạc đất khách quê người, nên đến cửa Cờn ở châu Hoan thăm hỏi một lần, rồi lại đến chỗ thượng lưu là Đằng giang, hạ lưu là Hoàng giang ở huyện Kim Động, thuộc Khoái Châu, trấn Sơn Nam mà phụng thờ Quý Phi, chỗ ấy non nước thanh tú, sau này người nước ta đến đấy tụ họp không phải là ít, nhân vật đông đúc thịnh vượng, hậu thân ông cũng được nương tựa lâu dài”. Lúc tôi tỉnh giấc, chợt có thuyền buôn đi Hoan châu buôn bán, nhân đấy tôi đáp thuyền ấy đến cửa Cờn, đã thấy một ngôi đền mới dựng ở phía tây – bắc cửa biển. Tôi rảo đến trước cửa đền vừa lạy vừa khóc, người bản thổ nghe tiếng, kéo đến hỏi chuyện, tôi nói rõ lai lịch duyên do, người bản thổ vui lòng cấp cho hành lý và thuê cho một chiếc thuyền cho tôi đến trú ngụ ở đây. Vì thế, tôi đặt tên thôn là Hoa Dương. Chữ “Hoa” chỉ người Trung Hoa, chữ “Dương” là họ của Quý Phi. Nội thị nói xong, người trong thôn đều lấy làm lạ. Sau người Nội thị không ốm đau gì mà chết, người thôn dựng ngôi đền riêng để thờ. Còn đền Quý Phi, thì các triều đại đều có phong tặng. Thôn Hoa Dương sau đổi tên là Hương Dương.”
Nhà Tống chia làm 3 giai đoạn
– 960–976 : Thái Tổ sáng lập Bắc Tống
– 1127–1162 : Cao Tông sáng lập Nam Tống
– 1278–1279 : Triệu Bính là vua Nam Tổng cuối cùng
Theo lịch sử nhà Nam Tống, Dương Thái hậu được tuyển vào cung thời vua Tống Độ Tông (1265-1274), được phong là Dương Thục phi, sinh ra Triệu Cương. Khi Triệu Cương (Tống Đoan Tông) lên ngôi, sách phong bà làm Thái hậu. Sau khi Triệu Cương chết năm 1278, khi quân Nguyên tấn công truy đuôi nhà Nam Tống ở, em của Triệu Cương, là Triệu Bính lên ngôi, là Tống Đế Bính. Lúc này Dương Thái Hậu vẫn phải cùng nghe chính sự (nhiếp chính). Triều Đình Nam Tống lúc này ở tình trạng lưu vong. Năm 1279, Tống Đế Bính tự vẫn, Dương Thái Phi cùng rất nhiều người cũng nhảy xuống biển chết theo.
Đền Cờn là một trong 4 ngôi đền nổi tiếng của xứ Nghệ xưa. Theo sách Đại Nam nhất thống chí cho biết: “Khoảng niên hiệu Tường Hưng (1278 – 1279) nhà Tống, quân Tống bị quân Nguyên đánh vỡ ở Nhai Sơn, Thái hậu họ Dương cùng ba công chúa chạy ra biển, chợt bão nổi bị chết đuối, xác trôi giạt vào cửa Cờn, nhan sắc vẫn như lúc sống, người dân địa phương lập đền thờ.”
Có mấy điều lưu ý
– Hưng Yên gắn chặt với Hải Dương, trong lịch sử gọi chung là Hồng Châu và Đông Hải Đại Vương Đoàn Thương (cuối thời Lý) trấn giữ vùng Hồng Châu này. Sự kiện nhà Nguyên chấm dứt tồn tại của nhà Tống xảy ra vào thời Trần của nước ta. Việc mẫu Đại Càn Nam Hải đã báo mộng ở đây và báo trước rằng vùng này sẽ thành vùng sầm uất sau này. Hưng Yên vào khoảng thế kỷ 15 đến 17 đã trở thành cảng biển sầm uất bậc nhất.
– Triệu Đế Bính và Dương Thái Hậu tự vẫn ở Quảng Đông. Xác của bà Dương Thái Hậu phải trôi qua gần như đủ 12 châu của Tĩnh Hải Quân, bao gồm 4 châu mà nhà Nam Tống lấy của Tĩnh Hải Quân vào thời Ngô Quyền. Luồng này đi qua cả cửa Bach Đằng mà Ngô Quyền quản lý và cửa Đồ Sơn mà Nam Hải Đại Thần Vương quản lý, rồi qua xứ Sơn Nam đến xứ Nghệ.
– Đại Càn Nam Hải là thần biển từ Sơn Nam đến Hoan Châu, nghĩa là từ xứ Sơn Nam, qua xứ Thanh, sang xứ Nghệ, tương đương với vùng biển Thái Bình, Nam Định, Ninh. Bình, Thanh Hoá, Nghệ An và phía Bắc Hà Tĩnh hiện nay.
– Người thường chúng ta nói rằng bà là người Trung Quốc, nhưng bà chắc chắn là người gốc Việt, nếu tính theo quê hương bản quán và dòng máu. Trong cuộc đời bà lưu lạc sang Trung Quốc, rồi khi mất, xác bà lại trôi về quê hương và bà được phong thần ở trên mảnh đất quê hương.
– Hiện nay, đền Cờn trong thì thờ bà Đại Càn, còn đền Cờn ngoài thì thờ Tống Đế Bình (được coi là ông hoàng Chín trong đạo Mẫu Việt Nam). Mẫu Đại Càn Nam Hải là mẹ của ông hoàng Chín, vậy bà ít nhất phải tương đương với Vua Cha Bát Hải Động Đình người sinh ra các ông Hoàng. Điều này phần nào lý giải vì sao toàn bộ quãng đường xác bà trôi qua đất Tĩnh Hải Quân xưa đều là cửa biển do Vua Cha Bát Hải Động Đình quản lý (đền Đồng Bằng, đền chính thờ Vua Cha Bát Hải Động Đình là ở tỉnh Thái Bình, xưa là nơi bắt đầu xứ Sơn Nam, nếu tính theo đường biển)
===
QUÁN ÂM NAM HẢI
Phật Bà Quán Âm, mẫu Mẹ của toàn bộ sơ đồ đạo Mẫu Việt Nam.
Phật Bà Quán Âm Nam Hải chính là một hoá thân của Phật bà Quán Âm. Phật Bà Quán Âm Nam Hải chính là tổ của tất cả các vị thần Nam Hải.
Phật Bà Quán Âm Nam Hải được thờ chính ở
– Chùa Hương Tích trên núi Hương Sơn, Hà Tĩnh, thuộc dãy núi Hồng Lĩnh, nằm ngay ở cửa Hội sông Lam thuộc cửa biển, nằm trong quản lý của Đại Càn Nam Hải.
– Chùa Hương Tích trong động Hương Tích, nay thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, xưa thuộc xứ Sơn Nam Thượng.
Nhiều người cho rằng biển Nam Hải tức Biển Đông, nhưng hai khái niêm này không thể tương đương nhau. Chúng ta cần tường minh rằng Nam Hải, Đông Hải và Biển Đông là ba khái niệm khác nhau.
Nam Hải trong tên của Nam Hải Đại Vương, Nam Hải Đại Thần Vương, Cá ông Nam Hải, Đại Càn Nam Hải và Quán Âm Nam Hải có thể là
– Đại Càn Nam Hải : Nam Hải là biển từ Đồ Sơn đến Hoành Sơn, mà có thể tương đương với một số cửa biển của vua cha Bát Hải Động Đình
– Nam Hải Đại Thần Vương : Nam Hải là biển của toàn cõi nước Việt dọc từ Bắc xuống Nam
– Cá Ông Nam Hải : Nam Hải là biển của toàn cõi nước Việt dọc từ Bắc xuống Nam
– Quán Âm Nam Hải : Biển Nam Hải
Chúng ta hãy tìm một tài liệu cổ về nước Văn Lang có nói về Nam Hải. “Lĩnh Nam chích quái” quyển 1, “Hồng Bàng thị truyện” ghi giới hạn lãnh thổ của nước Văn Lang như sau :
– đông giáp biển Nam Hải,
– tây đến đất Ba Thục
– bắc đến hồ Động Đình
– nam giáp nước Hồ Tôn Tinh (sau này là nước Chiêm Thành)
Theo tài liệu trên thì Nam Hải là vùng biển thuộc Thái Bình Dương tính từ phía nam sông Dương Tử.
Nhận thức về Nam Hải là cực kỳ quan trọng vì nó liên quan đến tên nước Việt Nam mà Gia Long lựa chọn và nước Nam Việt của Triệu Đà. Lưu ý rằng
– Lãnh thổ nước Việt liên tuc từ thời Văn Lang, đến thời Nam Việt của Triệu Đà đến thời Hai Bà Trưng, đều là từ phía Nam sông Dương Tử. Bản đồ của thời Văn Lang và Hai Bà Trưng vì nhiều lý do không có hoặc quốc gia thời đó là bộ lạc phân quyền, nhưng thời nhà Triệu Nam Việt là phong kiến tập quyền nên biên giới rất rõ ràng, không thể phủ nhận, cho nên để phủ nhận lịch sử của lãnh thổ Việt thì người ta phải tìm cách phủ nhận nhà Triệu, nhét nó vào Trung Quốc.
– Về Gia Long : Gia Long là người chính thức thống nhất Việt Nam từ Bắc vào Nam tao nên hình chữ S nước ta như hiện nay. Hiếm có vị vua nào có sự hiểu biết sâu sắc lịch sử, địa lý vùng miền nước ta, đặc biệt là phương Nam như Gia Long. Gia Long cương quyết lựa chọn tên Việt Nam để đại diện cho cả vùng đất chữ S vì Đại Việt chỉ đại diện cho phía Bắc. Đây là tên đất nước mà chúng ta vẫn dùng đến bây giờ.
===
LONG VƯƠNG
Cần phải nói thêm về các vị Hải Vương dù là Nam Hải, Đông Hải hay Sát Hải, đều là vị thần của Long Cung, mà đứng đầu là các vị Long Vương
Các vị Long Vương theo dòng máu Âu Cơ, Lạc Long Quân
– – – Động Đình Quân, ông ngoại của Lạc Long Quân, ông cai quản và cư ngụ ở Hồ Động Đình, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc.
– – – Lạc Long Quân, là thủy tổ của người Việt và bản thân ông cũng là một vị Long Vương.
– – – Bát Hải Long Vương (hay Vua Cha Bát Hải Động Đình), ông là con trai của Lạc Long Quân.
– – – Đông Hải Long Vương – người con thứ 25 trong bọc trứng của Lạc Long Quân và Âu Cơ
Theo chức danh này, thì vua cha Bát Hải quản lý Bát Hải và ngự ở Động Đình. Bát Hải cơ bản là cấu trúc còn Động Đình là vận hành.
Long Vương có thể phân theo không gian như
– Ngũ Phương Long Vương
– Tứ hải Long Vương
– – – Đông Hải Long vương – Ngao Quảng;
– – – Tây Hải Long vương – Ngao Nhuận;
– – – Nam Hải Long Vương – Ngao Khâm;
– – – Bắc Hải Long vương – Ngao Thuận.
Long Vương có thể phân theo đối tượng quản
– – – Chư Thiên Long Vương,
– – – Giang Hà Long Vương
– – – Vạn Thánh Long vương
Phải lưu ý một điều là sông Hồng nằm trong đới đứt gãy sông Hồng giữa hai lục địa, phía Bắc gắn với Trung Hoa và phía Nam gắn với Ấn Độ, cho nên sông Hồng có thể nói vừa là Hồng Hà vừa là Hải Hà. Dưới lòng sông Hồng có mạch nước thông ra biển, bởi vì dưới đó vãn là rãnh đứt gãy sông Hồng, mà có từ thời khai thiên lập địa, trước khi có sông Hồng. Ở giữa hoàng thành Thăng Long, có hồ nước mặn. Người ta khen vua chúa ngày xưa muốn gì được nấy, mang cả nước mặn vào đây. Ấy là người ta không biết, hoàng thành là nơi nghiêm trong ảnh hưởng đến vận hành quốc gia, mà vua chỉ là người đại diện trong một thời kỳ. Hoàng thành không phải là nơi vua bày trò ăn chơi. Nếu như ở ngay gần biển dân Chămpa vẫn đào được giếng nước ngọt, qua cả nghìn năm không cạn, thì mạch nước biển ngay bên dưới hoàng thành Thăng Long cũng là một trường hợp ngược lại mà thôi. Long Cung của Long Vương có thể ở ngay giữa lòng Thăng Long. Con rồng Thăng Long chẳng có lý do gì mà không phải là rồng biển, như là rồng của Lạc Long Quân. Xứ Đông ngày xưa toàn là biển, cho nên mới có tên là Hải Dương và Hải Phòng. Hưng Yên cũng là cảng biển. Long Biên xa xưa cũng có thể là biển. Mạch biển của Thăng Long từ Hoàng Thành chúng ta thấy quá rõ là đi qua Long Biên, Hưng Yên rồi về Hải Dương và Hải Phòng của xứ Đông.
===
MẪU THOẢI – LONG NỮ hay THUỶ TINH CÔNG CHÚA CỦA LONG CUNG
Theo đạo Mẫu, Vua cha Bát Hải Động Đình nằm trong nhóm 4 vị vua cha quản lý 2 đình và 2 phủ
– Vua cha Bát Hải Động Đình, Động Đình, chủ về vận hành và sinh dưỡng
– Vua cha Ngọc Hoàng Thượng Đế, Thiên Đình chủ về cấu trúc và trật tự
– Vua cha Tản Viên Sơn Thánh, Nhạc Phủ, chủ về âm thanh và thời gian
– Vua cha Diêm Vương, Diêm Phủ, chủ về hình tướng và không gian
Trong đạo Mẫu, các mẫu Tứ Phủ và Tam Phủ đều là con của vua cha
– Mẫu Thoải, được cho là con của Vua cha Long Vương (hoặc vua cha Long Vương Bát Hải Động Đình)
– Mẫu Thượng Ngàn, La Bình công chúa, là còn của Vua cha Tản Viên Sơn Thánh (hoặc vua cha Nhạc Phủ)
– Mẫu Thượng Tiên, được cho là con của Vua cha Ngọc Hoàng Thượng Đế (hoặc vua cha Thiên Đình)
– Mẫu Địa rất ẩn. Thủa khai thiên lập địa bà có thể là tiền thân của cả ba vị Mẫu trên, nói cách khác ba Mẫu trên tách ra từ bà, mẫu địa cầu, mẫu xứ sở. Bà cũng có thể phân ra để làm con của vua cha Diêm Phủ, một vị vua cha cũng rất ẩn.
Đối xứng với các thánh mẫu là các thánh ông. Đối xứng với Mẫu Thoải là thánh mẫu Liễu Nghị, theo sự tích Liễu Nghị truyền thư. Liễu Nghị Truyền Thư là tích duy nhất về Mẫu Thoải mà nơi duy nhất trên cả đất nước ta có tích này và thờ cả hai người theo đúng tích này là Thanh Miện, Hải Dương
– Chùa Ông Sộp ở xã Tân Trào, Thanh Miện, Hải Dương, xưa là xã Ngọc Lạp thờ đức thánh Liễu Nghị, người sau khi cứu con gái Long Vương được ban một chức quan ở Long Cung.
– Chùa Nhữ Xá, nay là xã Hồng Quang của huyện Thanh Miện. Chùa còn có tên là chùa Dựa, thờ đức Thánh Bà Động Đình Thủy Tinh Công chúa, Mẫu Đệ Tam.
Trong sự tích Liễu Nghị Truyền Thư, mà xảy ra đời Đường có nhắc đến Liễu Nghị kết bạn với Cao Biền. Cao Biền là tiết độ sứ đầu tiên của Tĩnh Hải Quân và ông được thờ ở Nam Trì, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên, phía Tây của chùa Sộp và chùa Nhữ Xá. Làng Nam Trì thờ cả Tả Ao, Lữ Gia và Cao Biền, và ba người ấy đều là thuỷ thần cả.
Ngoài ra, ở Hải Dương, Mẫu Thoải được phối thờ với Tiên Dung. Cơ bản ở Hải Dương, các di tích về Mẫu thoải đều gắn với các nhân vật lịch sử với thần tích rõ ràng.
Như vậy các tích gốc của các Mẫu đang phân bổ theo các xứ của Thăng Long tứ xứ như sau
– Xứ Đông : Mẫu Thoải (con của Vua cha Bát Hải Động Đình) kết đôi với Kinh Xuyên – Liễu Nghị (tích gốc Liễu nghị Truyền thư, ở Thanh Miện, Hải Dương)
– Xứ Sơn Nam : Mẫu Thượng Thiên, Liễu Hạnh (con của Ngọc Hoàng Thượng Đế) kết đôi với Trần Đào Lang (tích lần giáng thứ 1 ở Phù Quảng Cung, lần thứ 2 ở Phủ Dầy, đều ở Nam Định, lần thứ 3 ở phủ Sòng Sơn, Thanh Hoá)
– Xứ Kinh Bắc : Mẫu Thượng Ngàn (đền Suối Mỡ, Bắc Giang)
– Xứ Đoài : Tôi cho rằng tích của Mẫu Địa nằm ở xứ Đoài (xin dành một bài viết khác cho xứ Đoài)
===
BÀ CHÚA THÀNH ĐÔNG
Tiên Dung là con của vua Hùng thứ 18, vợ của Chử Đồng Tử được biết đến là Thánh bà bản cảnh Hải Dương tức Chúa bà Thành Đông.
Tiên Dung sau khi hóa về trời Khoái Châu, Hưng Yên, thường xuyên linh hiển ở đất Hải Dương. Có khi bà biến hiện ra người mĩ nữ mặc áo trắng, cốt cách thanh tân, đầu đội nón dâu, chân đi hài cườm, gọi phu xe đi khắp đất Hải Dương, Tứ Kỳ, Cẩm Giàng, ….
Đặc biệt đất Hải Dương có nhiều người mang họ Chử, một họ còn rất hiếm ở nước ta, trong khi ở Hưng Yên nơi có các đền gốc thờ Chử Đồng Tử ngay gần đó lại không có họ Chử.
Nếu như Bà chúa Năm Phương được phối thờ với Ngô Quyền và các vị Nam Hải, Đông Hải, các vị tướng đánh trận Bạch Đằng các thời kỳ, thì bà chúa Thành Đông cũng luôn được phối thờ
– với Chử Đồng Tử, với tên là Tiên Dung vợ Chử Đồng Tử ví dụ như ở đền Dạ Trạch và đền Hoá ở Hưng Yên. Ở đền Dạ Trạch, bà được phong là Đông Cung, cụ thể là “Từ Hạnh Phương Nghi Ý Phạm Tĩnh Chính Đoan Thanh Đông Cung Tả Thiện Tiên Thần Hoá Tiên Dung Công Chúa Trang Huy Thượng Đẳng Thần.”
– với Mẫu Thoải ở đền Đông Giang, lúc này bà lại được phong là Đông Giang, cụ thể là “Đông Giang Thủy Cung Hồng Phi Quý Đức Tiên Dung Công Chúa Dực Bảo Trung Hưng Thượng Đẳng Thần.”
– với tướng của Hai Bà Trưng, ví dụ tại đền Bảo Sài
Qua những người được phối thờ cùng bà, chúng ta sẽ cảm nhận được phần nào sứ mệnh của bà.
Bà chúa Thành Đông còn đối xứng với Bà Chúa Năm Phương ở rất nhiều điểm khác
– Bà chúa Thành Đông là thành hoàng bản cảnh của Hải Dương, còn Bà Chúa Năm Phương là thành hoàng bản cảnh của Hải Phòng, đều thuộc xứ Đông.
– Thành Đông là nơi chứa đựng nhiều thứ, còn Năm Phương là ngũ hành, là vận hành qua muôn trạng thái.
– Ở Xứ Đông, Hải Phòng và Hải Dương cùng giữ cổng, nhưng Hải Dương giữ phần nhận vào để ra cổng, hoặc xứ lý sau khi vào cổng, Hải Phòng giữ phần cánh cổng. Đó cũng là phân chia vai trò của bà Chúa Năm Phương và bà Chúa Thành Đông
===
TĨNH HẢI QUÂN
Tĩnh Hải Quân (866–967) là tên nước Việt Nam từ năm 866 đến năm 967 thời Đường (618-907) và thời Nam Hán (917-971).
Các tên nước ta trước đó là
2879–2524 TCN Xích Quỷ – Thời Kinh Dương Vương
2524–258 TCN Văn Lang – Thời Vua Hùng
257–179 TCN Âu Lạc – Thời An Dương Vương
204–111 TCN Nam Việt – Thời nhà Triệu
111 TCN–40 CN Giao Chỉ (thời thuộc Hán)
40–43 Lĩnh Nam – Thời Hai Bà Trưng
203–544 Giao Châu
– Năm 203 theo tờ biểu của thứ sử Trương Tân và Thái thú quận Giao Chỉ là Sĩ Nhiếp, vua Hán Hiến Đế đã cho bộ Giao Chỉ được lập thành Giao Châu, coi ngang hàng như các đơn vị hành chính ở Trung Quốc. Sĩ Nhiếp do đó trở thành Sĩ Vương.
544–602 Vạn Xuân – Thời Tiền Lý Nam Đế – Triệu Việt Vương – Hậu Lý Nam Đế
602–679 Giao Châu
– Quay lại tên Giao Châu thời Sĩ Nhiếp
679–757 An Nam
757–766 Trấn Nam
768–866 An Nam
866–967 Tĩnh Hải quân
– Ban đầu, nhà Đường gọi Việt Nam là An Nam đô hộ phủ, Trấn Nam Đô hộ phủ, với người đứng đầu là các quan Đô hộ hoặc Kinh lược sứ. Đây là sự phân biệt giữa trấn nội thuộc và ngoại thuộc của nhà Đường vì các đơn vị hành chính tại chính quốc Nhà Đường khi đó là các “quân” với người đứng đầu có chức danh là Tiết độ sứ. Năm 866, sau 3 năm bị quân Nam Chiếu chiếm đóng, An Nam đô hộ phủ trở về tay Nhà Đường vì tướng Cao Biền có công đánh dẹp. Đường Ý Tông theo thỉnh cầu của Cao Biền, thăng An Nam đô hộ phủ làm Tĩnh Hải quân. Lúc này An Nam đô hộ phủ trở thành Tĩnh Hải quân cũng giống như các “quân” (đơn vị hành chính) ở Trung Quốc với người đứng đầu có chức danh là Tiết độ sứ.
Những người về danh nghĩa đại diện cho nhà nước cai trị đến cai trị nước ta vào các thời kỳ, nhưng lại được phong thánh và được thờ tại nước ta, tiêu biểu là
– Sĩ Nhiếp (137-226)
– Cao Biền (821-887)
Nỗ lực để đưa nước ta thành một xứ độc lập với tên gọi, chế độ và thành trị riêng, của Sĩ Nhiếp và Cao Biền là sự thật lịch sử. Tên gọi Giao Chỉ bắt đầu từ Sĩ Nhiếp và tên gọi Tĩnh Hải Quân bắt đầu từ Cao Biền.
Sĩ Nhiếp là một nhà cai trị xuất sắc, ông có công lớn trong việc phát triển ngôn ngữ và Phật giáo ở nước ta, không chỉ tiếng Hán mà cả tiếng Nôm, không phải đạo Phật du nhập từ Ấn Độ sang mà đạo Phật của Việt Nam đi từ các khái niệm gốc rễ của đạo Phật. Việc phát triển hệ thống chùa Tứ Pháp ở vùng Kinh Bắc và Hưng Yên, liên quan rất lớn đến ông. Ngay khi còn sống, Sĩ Nhiếp đã rất được trọng vọng. Đền thờ Sĩ Nhiếp ở thôn Tam Á, xã Gia Đông, Thuận Thành, Bắc Ninh, nơi ông đóng trị sở xưa. Sự gắn bó của Sĩ Nhiếp với đất nước ta là rất sâu sắc, có thể nói là hơn Cao Biền rất nhiều.
Lý do thứ nhất mà tôi Cao Biền vào danh sách các vị thuỷ thần của xứ Đông là bởi vì ông gắn với cái tên Tĩnh Hải Quân. Tĩnh Hải Quân là một cái tên không dễ hiểu, nhưng chắc hắn là liên quan đến biển. Những nhân vật trong yếu của lịch sử nước ta có tên Tĩnh Hải Quân đều là người xứ Đông, hoặc gắn với xứ Đông, xứ biển của Thăng Long tứ xứ.
– Cao Biền (sinh 821 – mất 887) : Cao Biền là người tạo nên cái tên Tĩnh Hải Quân và ông là tiết độ sứ Tĩnh Hải Quân đầu tiên. Điểm chính thờ ông ở xứ Đông là làng Nam Trì, Ân Thi, Hưng Yên.
– Khúc Thừa Dụ (sinh 830 – mất 907) là tiết độ sứ người bản địa đầu tiên của Tĩnh Hải quân. Ông người đặt nền móng cho thời kỳ tự chủ của Việt Nam. Ông sinh ra ở Hải Dương và đền thờ ông là ở thôn Cúc Bồ, xã Kiến Quốc, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương.
– Ngô Quyền (sinh 898 – mất 944) xưng vương những vẫn giữ tên Tĩnh Hải Quân. Ông là vua chính thức đầu tiên của Tĩnh Hải Quân. Cuộc đời gắn với xứ Đông nơi ông đánh quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng và Hải Phòng là nơi thờ ông nhiều nhất. Không những thế ông còn được phối thờ với thành hoàng bản cảnh của Hải Phòng, Bà Chúa Năm Phương, nên vai trò của ông chẳng khác nào đối xứng với thành hoàng bản cảnh Hải Phòng.
Lý do thứ hai bởi vì Cao Biền được phong thánh và được thờ ở nước ta. Cao Biền được thờ ở rất nhiều nơi, nhưng một số người làng không biết vị thánh được thờ là Cao Biền, hoặc biết thì lại sợ, thờ dấu diếm hoặc thôi không thờ nữa cho lành. Bời vì xung quanh ông có quá nhiều đồn đại. Trong sự tích Liễu nghị Truyền thư, ông chính là bạn của Liễu Nghị. Lễ hội Nam Trì thờ Cao Biền, Tả Ao, Lữ Gia là lệ hội lớn của Hưng Yên. Về bản chất, người dân hay vua chẳng thể phong thần theo ý muốn, mà ai sau khi đầu thai được phong thần, là bởi vì cái gốc trước khi đầu thai của họ đã là thần rồi. Người được phong thần ở xứ ta tất là người xứ ta và/hoặc có vai trò, sứ mệnh nhất định với xứ ta.
Lý do thứ ba là vì ông cũng một vị Hải Vương. Chức danh của ông theo các vị trí ông được thờ là khác nhau, tuy nhiên đối với xứ Đông, tôi muốn nói đến tước vị của ông Bột Hải quận vương. Bột Hải Quân vương đương nhiên khác với Đông Hải Đại Vương, Nam Hải Đại Vương, Sát Hải Đại Vương. Bột Hải là vùng biển cửa sông Hoàng Hà. Câu hỏi là tước vị ở Trung Quốc và vùng biển Bột Hải này thì liên quan gì đến nước ta ? Có liên quan bởi vì xứ Đông là một cái cổng, mà nhân luồng và phần luồng sang các vùng biển khác, từ gần đến xa, như chúng ta đã thấy ở Đồ Sơn. Đông Hải Đại Vương Nguyễn Phục hiển linh ở vùng biển Quảng Nam, Sát Hải Đại Vương đánh ở Bạch Đằng rồi về Nghệ An, Nam Hải Đại Vương Phạm Tử Nghi đánh sang tận vùng cửa biển Châu Giang, và Đài Càn Nam Hải đi suốt từ nam Trung Quốc về biển Nghệ An là các ví dụ ở các phần trước. Bột Hải là một cửa biển cực kỳ quan trọng với xứ Đông nói riêng và Thăng Long nói chung.
Lý do cuối cùng mà tôi muốn đưa Cao Biền vào bài viết về xứ Đông này là vì câu chuyện giữa Cao Biền và thần Long Đỗ thờ ở đền Bạch Mã – trấn Đông của Thăng Long.
Thăng Long có tứ trấn Đông – Tây – Nam – Bắc và tứ xứ Đoài – Kinh Bắc – Sơn Nam và Đông. Cõ lẽ có sự liên hệ nào đó giữa xứ Đông và Trấn Đông. Trong các vị thần Thăng Long đều liên quan đến sông nước rất rõ. Thần Long Đỗ còn được gọi là thần sông Tô Lich. Đền Bạch Mã nằm ở cửa sông Tô Lịch, ngày xưa chỗ ấy ngay bờ sông Hồng. Linh Lang Đại Vương cũng là Dâm Đàm Đại Vương, tên hồ Tây và ông là vị thần chuyên cai quản các vùng sông nước. Ngay bên hồ Tây là đền Quán Thánh của Huyền Thiên Trấn Vũ, vị thần trấn Bắc. Đền Trấn Nam tên là Kim Liên và nằm ở vùng Đại Hồ của Thăng Long xưa, này là hồ Ba Mẫu và bảy Mẫu, và miếu thờ mẫu, mẹ của thần Cao Sơn trấn Nam vẫn còn giữa hồ Bảy Mẫu.
Trong sách Việt Điện U Linh có một giai thoại kể rằng: Khi Cao Biền đang cho đắp thành Đại La thì thấy trời đất tối đen lại, một vị thần ngồi trên lưng rồng vàng lượn quanh thành mới đắp một vòng. Y rất là run sợ, vội đem vàng và đồng đúc thành một tượng theo hình dáng vị thần trong mơ rồi dùng bùa để trấn yểm. Đêm đó, Cao Biền nằm mơ thấy vị thần ấy nói rằng: Ta là thần Long Đỗ, tinh anh của khí thiêng sông núi nơi đây việc gì mà phải trấn yểm. Sáng hôm sau, Cao Biền sai người đi xem lại những chỗ đã trấn yểm thì thấy đồng sắt đều tan nát cả. Sau đó, Cao Biền sợ hãi lập đền Long Đỗ thờ thần ở trong thành.
Thần Long Đỗ là thành hoàng bản cảnh của Thăng Long. Sự nghiêp của Cao Biền rực rỡ nhất là ở Thăng Long, ở Tĩnh Hải Quân này với việc đánh thắng quân Nam Chiếu và xây thành Đại La, mà sau này làm nền tảng để Lý Công Uẩn dời đô về Thăng Long thuận lợi gần 200 năm sau.
Có một giai thoại nữa liên quan đến thần Long Đỗ. Khi Lý Công Uẩn đi thuyền từ Hoa Lư ra đến thành Đại La, thuyền vừa cập bến thì thấy rồng vàng bay lên bèn đổi tên Đại La thành Thăng Long. Việc đầu tiên Thái Tổ quan tâm là xây dựng Thăng Long thành một trung tâm kinh tế, chính trị của cả nước. Triều đình đã xuất nhiều tiền của, huy động nhiều sức dân để đắp thành Thăng Long. Nhưng quái lạ là thành cứ đắp xong thì lại bị sụt lún. Nghe tiếng thần Long Đỗ linh thiêng, nhà vua đến cầu khấn. Sau đấy, vào một buổi sáng từ đền thờ thần Long Đỗ hiện ra một con ngựa trắng đi từ đền ra quanh khu vực thành đang đắp. Ngựa đi một vòng để lại dấu chân rồi trở về đền và biến mất. Nhà vua y dấu chân ấy xây thành thì thành không bị sụt nữa. Từ đấy đền có tên nữa là đền Bạch Mã.
Hai tích trên về thần Long Đỗ còn rất nhiều dị bản. Nhưng có một điều rõ ràng rằng thần Long Đỗ cho Cao Biền thấy ai mới là chủ của mảnh đất này và Cao Biền đã quy phục. Làm người, không thể mong yên ổn trên một mảnh đất mà không quy phục thánh thần của đất đó, cũng như trật tự trời đất mà mình chỉ là một phần của nó. Hải Vương là chức danh bên dưới Long Vương. Thần Long Đỗ có phải là một vị Long Vương không, câu hỏi này để cho chúng ta tự trả lời.
Chia sẻ:
Scroll to Top