NÚI TAM THAI XỨ THANH
Tam Thai là một cụm núi ở làng Đan Nê, xã Yên Thọ, H.Yên Định, Thanh Hóa,
– Tam Thai là ba ngọn núi, núi Xuân, núi Nghễ, núi Đổng nối liền nhau thành hình cánh cung. Núi Tam Thai nằm ở ngã ba sông Chu và sông Mã, nơi có bến Triều Châu
– Các di tích chính của Tam Thai : Trên sườn núi Tam Thai có quán Triều Thiên. Dưới chân núi Tam Thai có Đền Đồng Cổ và chùa Thanh Nguyên. Trong lòng núi có hang Ích Minh, mà được cho là thông ra bến Triều Châu.
– Sự tích
– – – Tương truyền, đời vua Hùng thứ nhất, khi nhà vua dẫn quân chinh phạt giặc Hồ Tôn ở phương nam đã cho quân dừng lại ở chân núi Tam Thai. Đêm đến, nhà vua được một vị thần tự xưng là thần miếu Khả Lao ở núi Tam Thai báo mộng, xin được mượn trống đồng và dùi đồng để giúp nhà vua đánh giặc. Khi tỉnh giấc, nhà vua sai quân lính mang trống đồng và dùi đồng ra trận. Quả thực, khi đang xung trận, tiếng trống đồng từ không trung vang lên văng vẳng và đầy khí thế khiến cho quân giặc hoảng loạn, hồn xiêu phách lạc. Thắng trận trở về, vua Hùng tìm lại núi Tam Thai tạ lễ và ban phong cho thần là Đồng Cổ Đại vương (tức thần Trống Đồng), và là vua của các thần. Sau đó, nhà vua cho đúc trống đồng, dùi đồng để thờ tại miếu ở chân núi.
– – – Sử còn ghi chép, năm 986, Thập đạo tướng quân Lê Hoàn đem quân đi đánh giặc Chiêm Thành ở phương nam, khi đi đến sông Ba Hòa (nay là khu vực TX.Nghi Sơn, Thanh Hóa) thì gặp trời mưa to, gió lớn, thuyền bè không thể đi được. Lúc này, thần Đồng Cổ đã báo mộng và giúp sức, Lê Hoàn chắp tay tế lạy, trời liền quang mây, gió liền ngưng thổi. Đoàn quân của Lê Hoàn tiếp tục hướng về phương nam và đánh thắng giặc. Khi trở về, Lê Hoàn đã đến núi Tam Thai vào đền tạ lễ và ghi câu đối: Long Đình hiển tích Tam Thai lĩnh/Mã Thủy thanh lai bán nguyệt hồ.
– – – Đến năm 1020, thái tử Lý Phật Mã phụng mệnh vua cha Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn) đem quân đi đánh giặc Chiêm Thành. Tương truyền, khi đến bến Trường Châu (nằm ở chân núi Tam Thai) thì thái tử Lý Phật Mã cho quân sĩ dừng chân nghỉ qua đêm. Canh ba đêm ấy, đang trong giấc ngủ, thái tử được một người thân cao 8 thước, mắt sáng, râu rậm, mặc chiến bào, tay cầm kim khí, đến trước cúi đầu tâu rằng: “Tôi là thần Đồng Cổ, nghe tin thái tử đi đánh giặc phương nam, tôi xin theo giúp để phá giặc lập công”. Thái tử Lý Phật Mã vỗ tay khen ngợi rồi tỉnh giấc. Quả nhiên, theo lời thần, vua cho quân tiến đánh giặc Chiêm Thành và giành thắng lợi. Khải hoàn, về qua bến Trường Châu, thái tử sai quân sĩ sửa sang miếu thần thành đền thần, rồi tạ lễ và rước bài vị về kinh đô để dựng đền thờ cầu cho quốc thái dân an. Đền Đồng Cổ chính thức có từ đây. Thần Đồng Cổ không chỉ giúp các vị vua đánh thắng giặc ngoại xâm, còn báo mộng giúp thái tử Lý Phật Mã dẹp loạn Tam Vương. Sau sự kiện này, vua Lý Phật Mã lấy hiệu là Lý Thái Tông lên ngôi và xây dựng đền Đồng Cổ ở Thăng Long ở gân ngã ba sông Tô Lịch và sông Thiên Phù. Hội thể Đồng Cổ gắn liền với đền Đồng Cổ Thăng Long.
—o—
NÚI TAM THAI XỨ HUẾ
Tam Thai là tên một ngọn núi thấp thuộc phường An Cựu (Huế).
– Tam Thai nằm bên tả của núi Ngự Bình nên còn gọi là Tả Phụ Sơn, cùng với núi Bân (Hữu Bật Sơn) nằm bên hữu của núi Ngự Bình, tạo nên thế “Đệ nhất án sơn” cho kinh thành Huế.
– – – Núi Ngự Bình còn tên là Bằng Sơn hay Bình Sơn, cùng với sông Hương là biểu tượng của Huế.
– – – Núi Bân còn có rất nhiều tên gọi khác nhau theo dân gian và qua từng giai đoạn lịch sử như Đông Tầng, Ba Tầng, Tam Tầng, Ba Vành, Hòn Thiên… Núi Bân chính là nơi Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ đã cho lập đàn tế cáo trời đất lên ngôi hoàng đế lấy niên hiệu là Quang Trung và tiến quân ra Bắc đánh tan 20 vạn quân Thanh xâm lược. Núi Bân có tính Dương, tính Thiên.
– – – Núi Tam Thai đối xứng với núi Bân, mang tính âm, tính đất. Dưới chân núi Tam Thai có nhiều mộ cổ.
– Chuyện rằng, thuở xưa trên núi Tam Thai có nhiều cây xanh và ngôi chùa cổ. Thời Trịnh – Nguyễn giao tranh, chúa Nguyễn nhiều lần đưa cung quyến lên ẩn núp nơi chùa này. Lần nọ, bị quân của Hoàng Ngũ Phúc tấn công thình lình lúc nửa đêm, chúa Nguyễn và bà phi cùng cận thần bí mật bỏ trốn vào miền trong. Cung quyến còn lại bơ vơ, không nơi nương tựa.
– Tên của núi Tam Thai được dùng để đặt tên cho một con đường chạy Đông Tây từ khu vực đàn Nam Giao sang Đông Nam, qua nhiều khu mộ cổ trong đó có Tháp sư Liễu Quán.
Trông lên hòn núi Tam Thai
Thấy đôi chim quạ ăn xoài chín cây
Quạ kêu ba tiếng quạ bay
Để bầy chim én đêm ngày chắt chiu
—o—
NÚI TAM THAI XỨ NGHỆ
Tiền Tam Thai – Hậu Tam Thai : Theo phong tục nhiều làng quê Nghệ Tĩnh, người ta đắp trước làng 3 cồn đất (Tiền Tam Thai), sau làng 3 cồn đất (Hậu Tam Thai), tượng trưng những cái thai sinh nở bất tận.
Tiền Tam Thai
Hậu cũng Tam Thai
Tả Di Lĩnh Hai Vai
Hữu Kỳ Giang ba ngả
Trai trong làng trong xã
Đều rả rích giao hiền
Trai đèn sách luyện rèn
Gái tằm tơ bông vải
Di Lĩnh Hai Vai là một ngọn núi đá vôi (lèn) nằm ở xã Diễn Bình, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Núi này còn có tên là lèn Dặm, lèn Hai Vai hoặc núi Di Lĩnh. Theo truyền thuyết, ông Đùng đánh giặc ngoại xâm đã đứng từ trên cao ném đá vào quân thù, tạo ra lèn Hai Vai, lèn Cờ, và lèn Trống.
Kỳ Giang là ngã ba sông nơi sông La đổ vào sông Lam. Kỳ Giang còn được gọi là ngã ba Phủ hay ngã ba Tam.
Bà ca dao trên mô tả xứ Nghệ trải từ Bắc (lèn Hai Vai) xuống nam (ngã va Kỳ Giang). Trên khung cảnh đó, Tiền Tam Thai và Hậu Tam Thai không còn là ba hòn đất đắp lên mà là ba dãy núi của Xứ Nghệ mà chạy từ cửa Lạch Vạn xuống cửa Hội.
—o—
NÚI TAM THAI HAY THUỶ SƠN THUỘC NGŨ HÀNH SƠN ĐÀ NẴNG
Chùa Tam Thai nằm trên đỉnh núi Thuỷ Sơn, trong dãy Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng.
Xưa một lần khi chúa Nguyễn Ánh (vua Gia Long sau này) thất trận chạy ra biển gặp một hòn đảo, nguyện nếu được nước ngọt thì sẽ tạ ơn Trời Phật. Nước ngọt tuôn ra, thoát chết, mọi người tìm vào đất liền thì gặp giữa cảnh núi non u tịch một thiền sư đang thuyết giảng trong động. Chúa phát nguyện, nếu thắng Tây Sơn sẽ về lập cảnh chùa. Về sau, khi phục quốc xong, vua Gia Long mải lo việc triều chính nên di ngôn cho vua Minh Mạng lo hoàn thành đại nguyện. Năm Minh Mạng thứ sáu (1825), vua cho xây dựng lại chùa Tam Thai. Chuyện này, dân gian còn nhắc: Gia Long phát nguyện, Minh Mạng lập chùa. Cùng với đó, vua cho đúc 9 pho tượng và 3 quả chuông lớn, cho xây gần chùa một hành cung để vua và các quan lại triều đình có chỗ nghỉ ngơi mỗi khi vãng cảnh…
Khi hoàn nguyện, khánh thành chùa, vua Minh Mạng ban một tấm biển ghi (phiên âm theo nguyên văn Hán tự): “Ngự chế Tam Thai tự, Minh Mạng lục niên phụng tạo”. Tạm dịch: Ngự chế chùa Tam Thai, lập năm Minh Mạng thứ sáu. Kèm theo đó là một phiến đồng (gọi là tấm kim bài) hình chiếc lá đề, chiều rộng nhất 45cm, chiều hẹp nhất 35cm, chung quanh có hình tượng tia lửa đang cháy nên được gọi là “Quả tim lửa”. “Quả tim lửa” hiện được đặt ở Nhà Tổ phía sau chánh điện. Mặt trước ghi: “Ngã Như Lai dĩ pháp vương ngự thế, hoằng tế nhân thiên biến hiện thập phương hư không thường trú, tác thập đại công đức nhi viêm phương độc hậu yên”. Tạm dịch: “Đức Như Lai của ta đã cai quản thế gian này bằng pháp môn vô thượng, rộng lòng tế độ cho trời người, thoắt ẩn thoắt hiện khắp mười phương hư không thường trú, tạo ra mười công đức lớn mà không chỉ riêng nước Nam ta chịu ân huệ sâu dày này”. Mặt sau ghi: “Minh Mạng lục niên kiết nhật tạo”. Tạm dịch: Làm vào ngày tốt năm Minh Mạng thứ sáu. Tấm kim bài lửa này hiện là bảo vật của chùa Tam Thai.
Chùa Tam Thai cổ thờ phật Di Lạc ở trung tâm Đại diện, bên tả của Phật Di Lặc là Quan Thánh và bên hữu là Tổ Sư.
Chùa Tam Thai hiện nay được xây dựng với kiến trúc gồm 3 tầng uy nghiêm, tráng lệ. Tầng thứ nhất ở về phía Bắc gọi là Thượng Thai, tầng thứ hai ở về phía Nam gọi là Trung Thai, tầng thứ ba ở về phía Đông gọi là Hạ Thai.
Ngũ Hành Sơn là quần thể 5 ngọn núi là Kim Sơn, Thủy Sơn, Mộc Sơn, Dương Hỏa Sơn, Âm Hỏa Sơn và Thổ Sơn.
Thuỷ Sơn của Ngũ Hành Sơn nơi có chùa Tam Thai còn được gọi là núi Tam Thai. Dân gian có câu đố về chữ Thuỷ như sau
Con gái mà đứng éo le
Chồng con chưa có kè kè mang thai.
Là chữ gì? Chữ thủy 始 bao gồm có chữ nữ 女 chỉ con gái và chữ thai 台.
Thủy Sơn là hòn núi nằm về phía bắc trong Ngũ Hành Sơn, ở vị trí đầu tiên trên con đường chạy từ Đà Nẵng đến Hội An. Trong dãy nầy, đây là hòn núi lớn nhất và đẹp nhất, thường được du khách đến viếng thăm quanh năm. Thủy sơn nằm trên môt dải đất hình thuẩn, theo hướng đông – tây, rộng khoảng 15 mẫu tây. Đỉnh núi có ba ngọn nằm ở ba tầng, trống giống như ba ngôi sao Tam Thai ở chuôi chòm sao Đại Hùng Tinh, cho nên, thường được gọi tên là núi Tam Thai.
– Ngọn cao nhất trong hệ thống nầy là 106 mét ở phía tây bắc, gọi là Thượng Thai;
– Ngọn phía nam thấp nhất gọi là Trung Thai;
– Ngọn phía đông ngô cao hơn môt chút gọi là Hạ Thai.
Trong vùng Thủy Sơn có nhiều chùa chiền và hang động, có thể phân chia ra làm 3 cụm, theo ba ngọn núi của Tam Thai
– Cụm Thượng Thai phía tây bắc có Vọng Giang Đài, tháp Phổ Đồng, chùa Từ Tâm, chùa Tam Tôn, chùa Tam Thai, hành Cung, động Hoa Nghiêm, động Huyền Không, động Linh Nham và động Lăng Hư.
– Cụm Trung Thai nằm ở giữa, có hai cổng Động Thiên Phước Địa và Vân Căn Nguyệt Quật, các động Vân Thông, động Thiên Long và hang sáng vân Nguyệt.
– Cụm Hạ Thai ở phía đông có Vọng Hải Đài, chùa Linh, động Thàng Chân (với các động Tam Thanh, động Chiêm Thành, hang Ráy, hang Gió, động Bàn Cờ, chùa Linh Ứng, động Chơn Tiên), động Ngũ Cốc và phía dưới núi Giếng Tiên và động Âm Phủ.
Tài liệu tham khảo
https://thanhnien.vn/nhung-ngon-nui-thieng-nui-tam-thai-noi-than-trong-dong-ngu-tri-185240925225238435.htm
https://baothuathienhue.vn/thua-thien-hue-cuoi-tuan/dien-dan/tren-dinh-tam-thai-9650.html
https://baodanang.vn/channel/5433/nhung-cai-nhat-o-da-nang/201503/qua-tim-lua-o-quoc-tu-tam-thai-2402833/index.htm
https://www.tuvienquangduc.com.au/vietnam/64chuaonguhanhson.html