CÁC LỄ TRƯỞNG THÀNH TRONG TRUYỆN TẤM CÁM

Loading

CÁC LỄ TRƯỞNG THÀNH CỦA NGƯỜI NỮ
Mẹ nói với tôi rằng khi nào con hiểu được truyện Tấm Cám, câu chuyện về cuộc đời của chính con là lúc con trưởng thành.
Đời người con gái có ba lễ trưởng thành quan trọng nhất là
– Lễ dứt căn của bé gái,
– Lễ mở cổng sinh (khai nguyệt) của thiếu nữ
– Lễ mãn nguyệt của phụ nữ
Lễ dứt căn của cả bé trai và bé gái là vào năm 12 tuổi. Lễ dứt căn là lễ mụ cuối cùng trong chuỗi lễ bà mụ kể từ ngày em bé ra đời. Lễ bà mụ đầu tiên là lễ chôn nhau cắt rốn, sau đó đến lễ đầy tuổi, lễ đầy tháng, lễ thôi nôi… Trước lễ dứt căn có lễ 6 tuổi và lễ 9 tuổi. Lễ dứt căn có thể gia hạn đến 15, 16, 17 hoặc 18 tuổi âm hay tuổi mụ, nhưng nhiều người sau mấy lần gia hạn vẫn không qua được lễ này.
Số 12 là số hàng tá. Dứt căn đúng năm 12 tuổi là “chuẩn tá”, dứt căn năm 15 tuổi là “trung tá”, dứt căn năm 16 tuổi là “thượng tá”, dứt căn năm 17 tuổi là “đại tá”, dứt căn năm 18 tuổi là “đại tướng”, còn sau 18 tuổi thì khỏi cần dứt căn, được phong làm bố tướng luôn. Bố tướng nhìn cha mẹ, nhìn anh chị em, nhìn hàng xóm làng giềng, nhìn xã hội đâu đâu cũng thấy ngứa mắt muốn chỉnh sửa. Bởi vì họ không có tính nữ thuần và cái tôi thuần, do bị chập cheng bóng hình của mình vào bóng hình của người khác, nên họ không tự soi chiếu được mình mà toàn đi soi mói người khác.
Lễ trưởng thành của thiếu nữ là lễ thứ hai. Nam thanh nữ tú khi trưởng thành là đã sẵn sàng để sinh những đứa con của chính mình. Lễ trưởng thành xảy ra vào lễ mùa mới, mà chính là một mùa sinh sản mới.
Lễ mùa mới với nam nữ bắt đầu bước vào độ tuổi sinh sản là lễ mở cổng sinh. Lễ mở cổng sinh phải được thực hiện trước lễ kết hôn thì hai vợ chồng mới có con, còn lễ mở cổng sinh thực hiện sau lễ kết hôn thì hai vợ chồng sẽ chỉ có con sau khi hoàn thành lễ đó. Có những trường hợp không làm được lễ này thì sẽ vô sinh.
Lễ mở cổng sinh cũng là lễ bến nước, do mỗi đứa con được sinh ra là một lần dòng máu cha và dòng máu mẹ cùng cập vào một bến.
Lễ mùa mới và lễ bến nước thường được tổ chức vào tháng 10 âm lịch.
Quan hệ chính được thay đổi trong lễ dứt căn là quan hệ với bản thân và cha mẹ, trong khi quan hệ chính của lễ trưởng thành của thiếu nữ là quan hệ với chính mình và người hôn phối. Phải làm được lễ dứt căn thì mới làm được lễ thiếu nữ.
Ở Phương Tây một số người tổ chức lễ độc thân trước khi kết hôn để tạm biệt thời kỳ độc thân. Thực ra lễ độc thân chỉ là lễ dứt căn trá hình, vì dứt căn được nghĩa là độc lập được về thân thể.
Khỏi phải giải thích thêm là lễ trưởng thành khó như thế nào khi mà lễ dứt căn còn khó đến như vậy.
Phụ nữ vô sinh có nhiều nguyên nhân, trong đó có một nguyên nhân lớn là vợ, chồng hoặc cả hai chưa làm xong lễ trưởng thành. Vô sinh vì chưa xong lễ trưởng thành có hai dạng là vô sinh hình và vô sinh bóng.
– Vô sinh hình là vô sinh hiện, nghĩa là không sinh được con.
– Vô sinh bóng là sinh được con nhưng dòng máu của đứa con không thực sự là thuần chủng của cha mẹ, mà là dòng máu của tổ tiên dòng họ đỡ xuống cho. Vấn đề là tổ tiên dòng họ không phải lúc cũng đỡ nổi cho con cháu mãi không trưởng thành, mà tổ tiên dòng họ chỉ kéo dài thời gian cho con cháu trưởng thành.
Có con bằng các thủ thuật trong tình trạng vô sinh do không trưởng thành sẽ chỉ làm cho sự không trưởng thành của cặp cha mẹ trở thành sự không trưởng thành của thế hệ sau vì dòng máu gốc bị lệch và suy. Không những thế thủ thuật sinh bản chất là để người khác phá cổng sinh của chính mình mà mình phải có trách nhiệm bảo vệ, còn không sinh được con thì cổng sinh có thể vẫn còn là của mình, chỉ là mình chưa đủ trưởng thành để mở.
Lễ mãn nguyệt là lễ trưởng thành của người mẹ dứt ra được khỏi đứa con mình nuôi nấng để cả mẹ và con được sống cuộc đời riêng độc lập của mình. Người mẹ không còn phủ bóng sang con nữa mà thu được bóng về với mình và người con cũng không còn núp bóng mẹ.
Có những người mẹ sinh đứa con sau là rút được bóng của mình ra khỏi đứa con trước. Có những người mẹ phủ bóng lên tất cả các đứa con, con lớn đến đâu vẫn là con bé bỏng của mẹ. Có những người mẹ đến chết vẫn làm bóng ma đi theo con. Có những người mẹ núp bóng ông bà, núp bóng thày cô hay những người họ ngưỡng mộ trong xã hội rồi phủ cả đám bóng ấy lên các con mình. Tất cả phụ thuộc vào sự trưởng thành của người mẹ trong quan hệ mẹ con mà cũng là một khía cạnh khác của quan hệ của người phụ nữ với chính mình.
—o—
LỄ KHOÁ BÓNG HÌNH
Tất cả các lễ tưởng thành đều là lễ khoá bóng hình.
Lễ dứt căn là lễ khoá bóng hình lần thứ nhất, dành cho người con gái ở tuổi thiếu niên. Lễ dứt căn thể hiện sự độc lập như một cá thể của người con gái với cha mẹ của mình. Đứa con ra được khỏi bóng hình cha mẹ.
Lễ trưởng thành là lễ khoá bóng hình lần thứ hai, dành cho người thiếu nữ. Trong lễ trưởng thành này, người phụ nữ khoá các bộ bóng mình của chính mình và khoá bóng sang với người hôn phối. Người nữ có thể lần đầu thấy bóng hình người yêu trong lễ trưởng thành của mình, cho dù họ còn chưa gặp được người ấy trong thực tế.
Lễ mãn nguyệt là lễ khoá bóng hình lần thứ ba, dành cho người phụ nữ. Người phụ nữ cần khớp bóng hình với người chồng như khi còn đang yêu nhau chưa sinh con, thay vì khớp bóng hình với con, mà không thực sự đối xứng âm dương với mình. Lễ mãn nguyệt sẽ khó khăn hơn khi người phụ nữ là mẹ đơn thân.
Nếu không qua được các lễ này, thì bóng hình của người nữ sẽ ngày càng lệch nhau, ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính thần, khả sinh sản và tính nữ của họ.
—o—
LỄ DỨT CĂN CỦA BÉ GÁI TRONG TRUYỆN TẤM CÁM
Trong câu truyện Tấm Cám, bóng của người con gái là Tấm và hình vẫn của người con gái ấy là Cám.
Tấm Cám kết hợp với nhau là một cô gái trọn vẹn về hình bóng. Cô gái Tấm Cám ấy đối xứng với Bống Bang trong đó
– Cám là hình hình
– Tấm là hình bóng
– Bống là bóng bóng
– Bang là bóng hình.
Lễ dứt căn còn gọi là lễ hợp bào, nghĩa là tìm lại nguồn cội bào thai của mình. Trong lễ dứt căn, bốn giáo chủ cái bang Tấm, Cám, Bống, Bang, mà trước đó đã từng chung một bào thai Thân, Rốn, Ối, Nhau cuối cùng có thể thống nhất lại thành một liên bang gọi là Tây Lương Nữ Quốc.
Lễ dứt căn của Tấm mà cũng là lễ dứt căn của Cám phải xảy ra cùng với Bống Bang.
Cá Bống có gốc là rốn. Khi sinh ra rốn đã được cắt làm bốn ứng với các phần của bào thai là rốn thân, rốn rụng, rốn ối và rốn nhau, cho nên khi các phần này ráp lại được thì bào thai cũng ráp lại được như sau
– Rốn rụng hoá thân thành Bống
– Rốn thân kết nối với Cám
– Rốn ối kết nối với Tấm
– Rốn nhau kết nối với Bang
Sự kiện tái hợp của nhóm này bắt đầu khi Tấm tìm thấy cá Bống, mà đi cùng với Bang chứ không chỉ đi một mình, cho nên khi Tấm gọi Bống thì Tấm sẽ gọi Bống Bống Bang Bang.
Cá Bống được tách ra thành bốn mảnh
– Thịt : gốc rốn thân, về với Cám, gốc là thân, đứng hình hình
– Máu : gốc rốn ối, về với Tấm, gốc là ối, đứng hình bóng
– Xương : gốc rốn nhau, về với Bang, là xứ sở trụ đất – nước – khí – lửa ở bốn chân giường, đứng bóng hình nên chúng ta có câu bóng hình đất nước
– Hồn cá Bống mà thường được gọi trong ca dao là Bống Bồng Bông là rốn rụng
Xương và Hồn cá bống, là Bống Bang khi được chôn ở bốn chân giường tiếp tục tách ra thành bốn mảnh
– Lọ 1 chôn ở chân giường trụ trên xứ sở Khí, nối với Rốn của bào thai, là Bống và lại tách tiếp thành bốn phân như cấu trúc gốc của rốn
– – – Một bộ áo mớ ba
– – – Một cái xống lụa
– – – Một cái yếm lụa điều
– – – Một cái khăn nhiễu.
– Lọ 2 chôn ở chân giường trụ trên xứ Nước, nối với Ối của bào thai, chính là Tấm nên nối với Tấm
– – – Một đôi hài thêu, đi vừa như in bởi vì đôi hài này đủ cả bóng lẫn hình của chân, khoá lại với nhau nên chẳng ai có thể xỏ vào được
– Lọ 3 chôn ở chân giường trụ trên xứ sở Lửa, nối với Thân của bào thai, chính là gốc của Cám nên nối với Cám
– – – Con ngựa
– Lọ 4 chôn ở chân giường trụ trên xứ sở Đất, nối với Nhau của bào thai, chính là gốc của Bang, nên nối với đất nước trong đó hoàng tử là đại diện
– – – Yên cương
Khi Tấm mắc áo xống, đeo yếm lụa, quàng khăn nhiễu, thắng yên cương, nhảy lên lưng ngựa, phóng đi như bay đến lễ hội, thì lúc đó cả bộ Thân Cám – Rốn Bống – Ối Tấm – Nhau Bang đã tập hợp đủ.
Lễ hội ấy chính lễ dứt căn của cả nhóm này.
Người đọc thì nghĩ Tấm Cám đi lễ hội để gặp hoàng tử, nhưng mà trước đó Tấm Cám đi lễ hội để gặp Bống Bang vì Bống Bang mới là nhân vật quyết định sự thành bại của lễ dứt căn này.
LỄ TRƯỞNG THÀNH CỦA THIẾU NỮ TRONG TRUYỆN TẤM CÁM
Trong truyện Tấm Cám, lễ thiếu nữ bắt đầu khi Tấm và Cám cùng đến được lễ hội, ở đó Tấm tìm lại được chiếc hài bị rơi mà chính là hoá thân của Bống Bang ở chỗ hoàng tử, đại diện cho Đông Hải Nam Quốc.
Chìa khoá mở lễ thiếu nữ là chiếc hài, có hình con thuyền, liên quan đến chân sóng, chân đi trên nước. Chiếc hài là biểu tượng của năng lực tự định hướng, tự tìm đường, tự chọn đường, tự đi đường trong biển đời. Chiếc hài này là kim chỉ nam cho cuộc đời của người con gái trong biển đời.
– Chiếc hài bị rơi là chiếc hài nằm ở chân nam, chân thuận, chân bước, chân chạy, chân lạc, chân khởi phát, chân vận hành,
– Chiếc hài không bị rơi là nằm ở chân chiêu, chân chiêu mộ, chân quy tụ, chân lê theo, chân đứng trụ, chân cấu trúc.
Chiếc hài là biểu tượng của gái thuyền quyên, sóng đôi với trai anh hùng. Sự kiện rơi hài xảy ra khi chiếc hài chân nam tự đi tìm hoàng tử theo cách của mình. Khi vừa bắt sóng được luồng vận hành của hoàng tử, gái thuyền quyên bèn lướt sóng đi tìm trai anh hùng luôn. Có thể nói không có sự kiện mất hài thì cả Tấm và Cám chẳng gặp được hoàng tử. Chiếc hài đích thị là khía cạnh của người con gái mê giai đầu thai không hết, là người con gái cọc đi tìm trâu, nhưng giả vờ là trâu va phải cọc.
Trong truyện Lọ Lem, cô Tấm trở thành Lọ Lem, chiếc hài của cô Tấm trở thành chiếc giày thuỷ tinh của Lọ Lem. Chiếc giày thuỷ tinh trong chân nam của Lọ Lem cũng tự động ở lại trên bậc thềm của hoàng cung để tiện rơi vào tay hoàng tử, trong lúc Lọ Lem ba chân bốn chẳng chạy về nhà cho kịp 12h đêm.
Chính vì bóng chiếc hài này đã cố tình rơi vào tay hoàng tử, còn hình của nó được được khoá lại vào chân của Tấm rồi, cho nên cuối cùng ngoài Tấm ra chẳng ai đi vừa hài. Chuyện tương tự xảy ra với Lọ Lem.
Lễ trưởng thành của thiếu nữ phức tạp không kém gì lễ dứt căn của bé gái. Nhân vật trung tâm của lễ dứt căn là Bống Bang, còn nhân vật trung tâm của lễ thiếu nữ là Tấm Cám, nhưng thực ra cả bộ bốn nhân vật Tấm – Cám – Bống – Bang đều phải trưởng thành qua lễ thiếu nữ này.
Tấm chết đi và sống lại qua bốn hoá thân, được đỡ bởi bốn xứ sở
– Chim vàng anh
– – – Xứ sở Nước : Lưới bóng gương nước bóng trăng bạc (dệt bằng bụi tiên kim thuỷ)
– – – Ối : Cái ao đỡ Tấm rơi xuống khi mẹ Cám chặt cây cau.
– Cây xoan đào :
– – – Xứ sở Đất : Lưới xơ (dệt bằng rễ cây)
– – – Nhau : Mặt đất đỡ tro xác của chim vàng anh
– Khung cửi :
– – – Xứ sở Lửa : Lưới thiết sơn (dệt bằng sợi tinh thể)
– – – Rốn : Khung cửi
– Quả thị
– – – Xứ sở Khí : Lưới bị bà (dệt bằng hương lượng tử)
– – – Thân : Cây thị (cây thị tộc là cây dòng máu)
Chết rồi tái sinh, đó là cách Tấm đã đi qua lễ trưởng thành của mình. Mỗi một lần tái sinh là một lần thay máu, một lần cập bến và một mùa mới bắt đầu.
Một người con gái đích thực đều phải có khả năng chết cái tôi ở xứ sở này, chuyển sang một cái tôi khác ở xứ sở khác, cứ xoay vòng như vậy cho nên đúng trở nên trọn vẹn đầy đủ, ví dụ
– Quá bay bổng, họ rơi tõm xuống xứ sở Nước từ xứ sở Khí
– Quá tình cảm sướt mướt, họ lao vào công việc cho quên thất tình, rồi lên bờ vào xứ Đất
– Quá thất tình và mất việc, họ quyết đinh theo đường tâm linh, họ sa xuống xứ Lửa
– Quá lầm lạc trên đường tâm linh, họ quay về với giá trị tinh thật bên trong chính mình, chỉ là hương hồn
Tấm trưởng thành qua chuyển hoá liên tục, còn Cám thì trưởng thành thế nào ? Qua chuyển hoá đứt đoạn. Cám đợi Tấm chết đủ bốn lần, sống lại đủ bốn lần rồi Cám chết một lần cả bản thể của mình – Thế là xong. Chết được như Cám không hề dễ tẹo nào vì năng khiếu của con gái là thay đổi sáng nắng chiều mưa liên miên, còn điểm yếu của con gái là chả kết thúc được việc gì, đừng nói là kết thúc cả một cái tôi bản thể của mình.
Truyện Tấm Cám kể rằng :
“Cám thấy Tấm trở về (từ quả thị) được vua yêu như xưa thì nó không khỏi sợ hãi. Một hôm Cám hỏi chị :
– Chị Tấm ơi chị Tấm, chị làm thế nào mà đẹp thế?
Tấm không đáp, chỉ hỏi lại:
– Có muốn đẹp không để chị giúp!
Cám bằng lòng ngay. Tấm sai quân hầu đào một cái hố sâu và đun một nồi nước sôi. Tấm bảo Cám xuống hố rồi sai quân hầu dội nước sôi vào hố. Cám chết.
Tấm sai đem xác làm mắm bỏ vào chĩnh gửi cho mụ dì ghẻ, nói là quà của con gái mụ gửi biếu. Mẹ Cám tưởng thật lấy mắm ra ăn, bữa nào cũng nức nở khen ngon. “
Hành động vào hố nước sôi của Cám không hề vì mẹ kế bảo, vì bố, vì hoàng tử … như Tấm. Đây là hành động tự thân, với mục đích tự thân – là để chính mình đẹp lên. Tấm cũng đã sống chết qua bốn xứ sở ấy rồi thì Cám sợ gì không sống chết như Tấm, chỉ có điều Cám vào một lần cả bốn xử sở luôn.
– Nước sôi là Lửa trong Nước
– Hố rỗng đào dưới đất là Khí trong Đất
Thế Cám chết xong thì thành gì ? Cám chết xong sẽ rút hồn ra nhập vào thân Tấm. Thế là bên ngoài thì là Tấm giết Cám nhưng bên trong là Tấm bị Cám chiếm thân. Tóm lại, là Tấm và Cám hợp nhất, cả hai được tái sinh.
Sau khi hồn Cám nhảy vào thân Tấm, Cám làm mắm chính thân thể cũ của mình để gửi cho mẹ, để báo cho mẹ rằng mình đã thành công, không cần theo đuổi giết Tấm hết lần này đến lần khác mà để Tấm giết mình. Rõ ràng sự trường thành của con là món quà lớn nhất cho mẹ.
Nước mắm được làm từ xương thịt của cá ngâm nước muối biển, nước muối biển sẽ chuyển hoá hết thịt cá thành nước mắm. Đây là quá trình đi ngược lại quá trình mẹ dùng máu của mình để chuyển thành xương thịt cho con. Người mẹ ăn mắm của con nghĩa là người mẹ nhận lại phần đã máu thịt mình đã chuyển cho con. Chỉ khi làm như vậy thì nghiệp quả của mẹ và con mới cân bằng.
Chỉ khi thân thể của Cám được mẹ cho mượn quay hết được về với mẹ, thì lễ trưởng thành của thiếu nữ Tấm Cám mới kết thúc.
Trong truyện Tấm Cám, mẹ Cám được coi như nhân vật phản diện, gần như duy nhất đi từ đầu đến cuối câu chuyện. Mẹ Cám tìm mọi cách lo cho con đẻ và hại con riêng đời vợ trước của chồng. Mẹ Cám chỉ lăn ra chết khi thấy cái đầu ngâm mắm của Cám bị Tấm gửi đến sau giết Cám. Cám không thực sự là nhân vật phản diện, vì Cám chỉ đi làm theo mẹ, sống trong cái bóng của mẹ.
Nếu coi trưởng thành là mục đích sống cao nhất thì người mà Tấm và Cám phải vô cùng cảm ơn người mẹ “độc ác” của mình, vì không có người mẹ ấy, thì hai người con này sẽ không thể nào có đủ trải nghiệm và tương tác chéo với nhau để mà trường thành. Cả hai lễ trưởng thành đầu tiên của Tấm và Cám đều chỉ có thể xảy ra nhờ sự ra tay của người mẹ “độc ác” này.
Khi mẹ Cám chết thì truyện Tấm Cám cũng kết thúc. Mẹ Cán chính là người kết thúc câu truyện Tấm Cám. Vì Tấm Cám là câu chuyện về cuộc đời của một người phụ nữ, cho nên truyện chỉ có thể kết thúc khi người phụ nữ ấy trưởng thành.
Mẹ Cám là ai ? Câu hỏi nghe có vẻ ngớ ngẩn. Mẹ Cám là mẹ Cám, nhưng Cám như chúng ta có tận 4 bà mẹ.
– Cha mẹ xứ sở
– – – Mẹ xứ sở (bóng) : Bị Bà, là lưới xứ sở đỡ quả Thị rụng xuống
– – – Cha xứ sở (bóng) : Ông Bụt
– Cha mẹ hợp tử (dòng máu gốc)
– – – Mẹ trứng (hình) : Bà hàng nước
– – – Cha tinh trùng (hình) : Tứ trụ Đất – Nước – Khí – Lửa tượng trưng bởi bốn chân giường nơi chôn xương cá Bống
– Cha mẹ đẻ (bào thai)
– – – Mẹ mang thai (bóng) : Mẹ Tấm
– – – Bố đẻ (hình) : Bố Tấm, tượng trưng là cây cau soi bóng xuống ao mà Tấm trèo lên hái quả làm giỗ bố
– Cha mẹ nuôi
– – – Mẹ nuôi (hình) : Mẹ Cám
– – – Bố dạy dỗ (bóng) : Bố Cám
Mỗi cấp độ cha mẹ lại có cấp độ con tương ứng
– Cha mẹ xứ sở : Bang (hình)
– Cha mẹ hợp tử (dòng máu gốc) : Bống (bóng)
– Cha mẹ đẻ (bào thai) : Tấm (bóng)
– Cha mẹ nuôi : Cám (hình)
Khi Cám chết, rút hồn ra được như Bống, thân về được với xứ sở như Bang, chuyển từ hình sang bóng như Tấm, Cám đã hợp nhất được với cả bốn người con và lúc này mẹ của Cám cũng là bà mẹ hợp nhất cả bốn bà mẹ.
Mẹ Cám ở cuối truyện Tấm Cám là Mẫu Địa Nguyệt, Mẫu Sinh Hoá hay Mẫu vô diện. Không ai có thể thấy mặt mẫu Vô Diện trừ khi người ấy thấy được đầy đủ các bộ mặt và cả sự vô diện của chính mình. Trong dân gian Mẫu Địa Nguyệt còn được biết đến như là bà Đanh (hay bà Đinh vì đanh cũng là đinh), bà Đen (hay bà Điên vì Đen là sắc thái không nhìn được còn Điên là vận hành không hiểu được). Câu “vắng như chùa bà Đanh” cũng vì bà Đanh là bà Vô diện, nên đến chùa bà Đanh thì chả thấy mặt ai cả. Mẫu Vô Diện cũng được thờ ở các bộ đền Sinh – Hoá.
Mẹ của Thánh Gióng, bà Đinh Thị Điên hay Đinh Thị Đen chính là Mẫu Địa Nguyệt, bà mẹ hợp nhất cả các bà mẹ “không thể thấy được” của đứa con. Bà trao cho Tản Viên sự sống còn bà mẹ nuôi của đức Thánh Tản Viên Ma Thị Cao Sơn mà trao đất đai và núi Tấn Viên cho ông thì hiện hữu hơn.
Việc Cảm gửi xác mình về lại cho mẹ Hoá Sinh là để chuyển hoá hoàn toàn bản thể cũ của mình khi hợp nhất với Tấm, và cũng để thực hiện cân bằng nghiệp quả với mẹ theo nguyên tắc “Của Thiên trả Địa.
Sau khi bản thể cũ của Cám mà mượn từ máu thịt của mẹ Hoá Sinh lại trở về với mẹ Hoá Sinh thì thân thể của Tấm Cám lúc này hoàn toàn là thân thể của chính Tấm Cám do chính Tấm Cám tự tổng hợp và xây dựng nên từ năng lượng xứ sở, như là một cái cây tự lấy năng lượng từ đất xây dựng lên thân thể mình vậy. Một vòng chuyển hoá như vậy gọi là “của Thiên trả Địa”.
LỄ TRƯỞNG THÀNH CỦA PHỤ NỮ TRONG TRUYỆN TẤM CÁM
Truyện Tấm Cám kể rằng
“Một con quạ ở đâu bay đến đậu trên nóc nhà kêu rằng:
– Ngon ngỏn ngòn ngon! Mẹ ăn thịt con, có còn xin miếng?
Mẹ Cám giận lắm, chửi mắng ầm ĩ rồi vác sào ra đuổi quạ. Nhưng đến ngày mắm gần hết, khi dòm vào chĩnh, mụ thấy đầu lâu của con thì lăn đùng ra chết.”
Truyện Tấm Cám kết thúc với việc mẹ Cám nhìn thấy chiếc đầu lâu của Cám trong lọ mắm và lăn ra chết. “Đầu lâu trong lọ mắm” là một biểu tượng cực kỳ quan trọng và đương nhiên không dễ hiểu. Lưu ý rằng Tấm Cám là cổ tích phổ biến nhất trên toàn thế giới với hơn 500 bản, nghĩa là gần như dân tộc nào cũng có truyện Tấm Cám, trong 64 dân tộc Việt có nhiều phiên bản Tấm Cám. Các chi tiết của truyện Tấm Cám đặc biệt chi tiết kết thúc phải truyền tải một giá trị cơ bản có tình toàn cầu và toàn nhân loại.
Khi nhìn thấy cái đầu lâu của Tấm Cám, bà mẹ biết nhiệm vụ làm mẹ của mình đã hoàn thành. Cái chết của bà mẹ chính là lễ trưởng thành của người phụ nữ, rút được cái bóng ra khỏi đứa con đã trưởng thành, khi đứa con ấy đã trả lại hết được xương máu nó đã mượn của cha mẹ từ khi sinh ra đến thời điểm của lễ trưởng thành.
Vấn đề là đứa con không chỉ trả xương máu mượn từ mẹ để xây dựng và vận hành thân thể mà phải trả lại cho cả cha. Cái đầu là biểu tượng của quá trình lại xương máu cho cha. Trách nhiệm của người mẹ đến lúc này là hết.
Trong lễ trưởng thành này có một nhân vật quan trọng là con quạ. Con quạ là một biểu tượng lớn có thể nói là toàn cầu.
Con quạ được biết như là một con vật ăn xác chết, giống như con chó. Cả hai con vật này đều có năng lực nhìn được bóng, ăn được bóng, đuổi được bóng và tham gia vào quá trình chuyển hoá hình về bóng. Chính vì thế con quạ xin một miếng thịt của Cám nếu bà mẹ có còn.
Khả năng nhìn được bóng khiến cho chó được coi như biểu tượng của Thần chết hay còn Quạ lại được coi như xứ giả báo tin về Sự sinh.
Lý con quạ hát rằng
Quạ kêu nam đáo nữ phòng
Người dưng khác họ đem lòng nhớ thương
Chỉ điều ai khéo vấn vương
Mỗi người mỗi xứ mà thương nhau đời.
Quan họ Bắc Ninh hát rằng
Trông lên hòn núi Tam Thai
Thấy đôi chim quạ ăn xoài chín cây
Quạ kêu ba tiếng quạ bay
Để bầy chim én đêm ngày chắt chiu
Sự tích Ngưu Lang Chức Nữ kể rằng đến ngày Thất Tích 7/7, Tết Ngâu, quạ sẽ bắc cầu Ô Thước cho Ngưu Lang Chức Nữ gặp nhau
Con quạ xuất hiện báo về việc “nam đáo nữ phòng” và “quạ đậu núi Tam Thai”, nghĩa là cổng sinh giữa người nam và người nữ đã mở và thai kỳ đã bắt đầu. Tấm Cám lúc này đã hoàn thành lễ mở cổng sinh với hoàng tử, nghĩa là hai người ấy sẽ có con.
– Hũ mắm : Chính là biểu tượng của chuyển hoá đất nước bên trong vùng xương chậu của người mẹ
– Đầu là khởi đầu, ban đầu và đầu nhau
– Lâu là lâu đài, lâu dài và luy lâu
– Đầu lâu là khởi đầu dài lâu và lâu đài của đầu nhau
– Thấy đầu lâu ở tận cùng của hũ mắm là thấy được rõ ràng sự sinh ở tận cùng của sự hoá, nói cách là đứa con của Tấm Cám và hoàng tử đã hình thành.
Chia sẻ:
Scroll to Top