Ca dao, tục ngữ, thành ngữ về CHỢ

Loading

ĐI CHỢ & LÀM VỢ

– Đàn bà đi chợ là vợ đàn ông

– Gái chưa chồng trông mong đi chợ
Trai chưa vợ lơ lửng đứng đàng

– Gái chưa chồng hay đi chợ
Trai chưa vợ ruột tợ trái chanh
Ngó lên mây trắng trời xanh
Thương ai cũng vậy, thương anh cho rồi

GẦN CHỢ

– Nhà gần chợ để nợ cho con

– Hay đi chợ để nợ cho con

KẺ CHỢ

– Cái bống mặc xống ngang chân
Lấy chồng kẻ chợ cho gần, xem voi
Trèo lên trái núi mà coi
Thấy ông quản tượng cưỡi voi đánh cồng
Túi vóc mà thêu chỉ hồng
Têm trầu cánh phượng cho chồng đi thi
Một mai chồng đỗ, vinh quy
Võng anh đi trước, em thì võng sau
Tàn quạt, hương án theo hầu
Vinh quy bái tổ, giết trâu ăn mừng

– Cô kia con cái nhà ai,
Mà cô ăn nói dông dài hử cô.
Cô điên cô dại cô rồ,
Cô ra kẻ chợ cô vồ lấy giai.

– Khéo tay nghề, đất lề Kẻ Chợ

– Đói vào kẻ chợ, đừng có vào rợ mà chết

– Nghĩ em đáng lạng vàng mười
Đem ra kẻ chợ đáng người trăm phân

– Mình ơi mình có thương ta
Ta ra kẻ chợ họa ba cái hình
Phòng khi ta nhớ tới mình
Thì ta lại giở cái hình ra xem

Em nay như tấm lụa đào
Đem ra Kẻ Chợ thước nào dám đo
– Thước anh thước ngọc, thước ngà
Vóc còn dám đọ nữa là lụa em!

– Con cá he vảy tròn, đuôi đỏ

Vợ chồng bất hòa nói nhỏ nhau nghe
Phải đâu kẻ chợ, bến xe
Thiên hạ nghe được người chê kẻ cười

– Con cá he vảy tròn, đuôi đỏ
Vợ chồng bất hòa nói nhỏ nhau nghe
Phải đâu kẻ chợ, bến xe
Thiên hạ nghe được người chê kẻ cười

– Ngày ngày ra đứng cửa chùa
Trông lên Kẻ Chợ mà mua lấy sầu
Chợ Cót có bốn cái cầu
Để cho làng xóm mua rau, bán hàng

– Em về Kẻ Chợ em coi
Kìa dinh quan lớn, kìa chòi bắn cung
Con ngựa hồng bao tiền, bao hậu
Các quan trào áo bậu lưng đai
Súng anh vác vai, hỏa mai anh tọng nạp
Anh bắn mai này đùng đùng dạ dạ
Anh bắn mai này trả nợ nhà vương
Thương anh gối đất nằm sương

– Đường ra Kẻ Chợ xem voi
Voi thì chẳng thấy thấy ngôi nhà lầu
Thấy cô chúa tàu bán gương cùng lược
Mặc áo màu chàm bán thuốc nhân sâm
Cái áo tứ thân là năm gấu tách
Anh gửi thư về nửa trách nửa mong
Trách người làm mối không xong.

– Hôm qua anh đến chơi nhà,
Thấy mẹ nằm võng, thấy cha nằm giường
Thấy em nằm đất anh thương,
Anh ra Kẻ Chợ đóng giường kim phong
Giường anh kim phong
Bốn bên bịt bạc
Anh hỏi thật lòng
Có lấy anh không
Để anh mua nón thượng quai thâm
Về cho mà đội
Anh mà nói dối
Đã có quỷ thần
Một trăm việc mần
Anh chăm lo cả … 

– Hôm qua anh đến chơi nhà,
Thấy mẹ nằm võng, thấy cha nằm giường.
Thấy em nằm đất anh thương,
Anh ra Kẻ Chợ đóng giường tám thang.
Bốn góc thời anh bịt vàng,
Bốn chân bịt bạc, tám thang chạm rồng.
Bây giờ phải bỏ giường không,
Em đi lấy chồng phí cả công anh.

ĐI CHỢ QUÊN TIỀN

– Thằng cha con đĩ vô duyên
Đi chợ quên tiền, đi tắm quên khăn

MẸ ĐI ĐI CHỢ

– Anh nói mần sao cho vạc lẽ ra
Để em về đi chợ cho cha mẹ già nghỉ ngơi

– Cái bống là cái bống bang
Thấy mẹ về chợ phùng mang ra mừng
Mẹ giận mẹ quẳng xuống sông
Con ra bãi bể lấy chồng Thanh Hoa
Tháng tám mẹ đẻ con ra
Mẹ đem mẹ bỏ đường xa mẹ về
Mẹ về con cũng theo về
Nào con có biết mô tê đường nào?

CHỢ TẾT

– Anh Hai anh tính đi mô
Tôi đi chợ Tết mua khô cá thiều

CHỢ TẤT NIÊN & TẤT TOÁN

– Sáng nay đi chợ tất niên
Em đây cầm một quan tiền trong tay
Sắm mua cũng khá đủ đầy
Nào cau, nào thuốc, trái cây, thịt thà
Độc bình mua để cắm hoa
Hột dưa, bánh mứt, rượu trà, giấy bông
Tính hoài mà cũng chẳng thông
Còn ba trăm sáu chục đồng tiền dư

– Vội chi, em cứ thư thư
Anh đây sẽ tính chừ chừ cho em
Sáu mươi đồng tính một tiền
Mà ba trăm sáu chục đồng nguyên vẫn còn
Vị chi em mới tiêu xong
Cho hột dưa, bánh mứt, giấy bông, rượu, trà
Trái cây, cau, thuốc, thịt thà
Độc bình cùng với hương hoa là bốn tiền
Ba trăm sáu chục đồng nguyên
Tính ra chính thị sáu tiền còn dư

Cô gái đi chợ Tất Niên nhưng cô lại không tất toán được, cô bị loạn.

CHỢ PHIÊN TẾT

– Bỏ con bỏ cháu
Không ai bỏ hai mươi sáu chợ Yên
Bỏ tổ bỏ tiên
Không ai bỏ chợ Viềng mồng tám

– Gia Lạc chỉ mở ngày xuân
Quanh năm suốt tháng khó lần tìm ra

– Mồng một chơi cửa, chơi nhà
Mồng hai chơi xóm, mồng ba chơi đình
Mồng bốn chơi chợ Quả Linh
Mồng năm chợ Trình, mùng sáu non Côi
Qua ngày mồng bảy nghỉ ngơi
Bước sang mồng tám đi chơi chợ Viềng
Chợ Viềng năm có một phiên
Cái nón em đội cũng tiền anh mua

CHỢ PHIÊN

– Anh về hái đậu trẩy cà
Để em đi chợ kẻo mà lỡ phiên
Chợ lỡ phiên tốn công thiệt của
Miệng tiếng người cười rỡ sao nên
Lấy chồng phải gánh giang sơn
Chợ phiên còn lỡ, giang sơn còn gì?

CHỢ CHÙA

– Chợ chùa một tháng sáu phiên,
Mời anh đi chợ thăm miền quê ta.
Xanh mắt là chị hàng na,
Mặn mà hàng muối, ngọt hoa hàng đường.
Thơm ngát là chị hàng hương,
Tanh tao hàng cá phô trương hàng vàng.
Bộn bề là chị hàng giang,
Bán rổ bán rá bán sàng bán nia.
Nghênh ngang là chị hàng cua,
Hàng ếch nhấp nhổm người mua cũng nhiều.
Hàng khoai đêm suốt sớm chiều,
Người quen kẻ lạ cũng đều ngợi khen.

CHỢ TRƯA

Ca dao tục ngữ rất nhiều bài về chợ trưa và ví việc ngồi bán hàng chợ trưa và đi chợ trưa với việc bị quá lứa lỡ thì.
– Lủi thủi như hủi đi chợ trưa
– Anh trưa chợ gặp ả lỡ đò
– Bán hàng thì bán sớm mai
Chợ trưa người vãn còn nài làm chi
– Trắng da là bởi phấn dồi
Đen da là bởi em ngồi chợ trưa
– Vỗ vai cô bán khế, vỗ vế cô bán chanh
Lòng anh chỉ sợ mỗi cô bán hành chợ trưa
– Lúc trông mưa thấy nắng, hồi trông nắng gặp mưa
Buổi xuân xanh không gặp bạn, buổi chợ trưa hết người
– Ba bà đi chợ mua bốn quả dưa
Chia đi chia lại đã trưa mất rồi
May sao lại gặp một người
Ba bà ba quả phần tôi quả này
– Em về giục mẹ cùng cha
Chợ trưa dưa héo kẻo mà buồn thay
Em về giục mẹ cùng thầy
Cắm sào đợi nước biết ngày nào trong?
– Cậu cai buông áo em ra
Để em đi bán kẻo mà chợ trưa
Chợ trưa rau nó héo đi
Lấy gì nuôi mẹ, lấy gì nuôi con?

– Tôi là con gái bán dưa

Tôi đi đến chợ, chợ trưa mất rồi
Buồn này chẳng phải mình tôi
Trên trời có chú Cuội ngồi nhe răng

– Đôi gióng mây anh ra tay thắt nút
Để em đi về lên xuống chợ trưa
Tình anh đã thấy được chưa
Mà sao em đợi sớt sưa đủ điều

– Con cò lặn lội bờ sông
Ngày xuân mòn mỏi má hồng phôi pha
Em về giục mẹ cùng cha
Chợ trưa, dưa héo nghĩ mà buồn tênh

– Trai làng có thiếu gì đâu
Sao em vỏng vảnh như cau cuối mùa
Em còn kén chọn nơi mô
Làm chi như bún chợ trưa hỡi mình?

– Hai tay em bưng hộp thuốc, khay trầu
Miệng mời chú lái ăn trầu với tui
Bây giờ thuyền chạy, ghe lui
Trai anh lui về vợ cũ, gái em lùi về chồng xưa
Chớ anh đừng ngọt miệng đãi đưa
Cầm duyên em lại buổi chợ trưa em phải ngồi

Có mấy lý do cho việc này
– Giờ trưa là giờ chợ sáng kết thúc và chợ chiều chưa mở nên rất vắng
– Giờ trưa là giờ nấu cơm và ăn cơm, chứ không phải giờ đi chợ để chuẩn bị nấu cơm
– Giờ trưa là giờ nghỉ của cả người bán hàng và người mua hàng. Trưa, người bán hàng nghỉ tại chỗ, dọn đồ ăn cơm, cố bán hết hàng để đi về, hoặc đã đi về nhà, đã ở nhà. Người lao động khác cũng vậy, nghỉ ngơi tại chỗ, dọn đồ ăn cơm, cố làm xong việc để đi về nhà, hoặc đã đi về nhà, đã ở nhà.

CHỢ XỨ

– Xứ Nam: nhất chợ Bằng Gồi
Xứ Bắc: Vân Khám, xứ Đoài: Hương.

CHỢ THÀNH, CHỢ DÃ, CHỢ DINH, CHỢ HUYỆN 

Chúng ta hãy cùng đọc câu ca dao nghe cứ như ca ngợi bốn khu chợ nổi tiếng của đất nước ta mà đúng là có thật ở Bình Định
Muốn ăn đi xuống
Muốn uống đi lên
Dạo khắp bốn bên
Chợ Thành, chợ Giã
Chợ Dinh bán chả
Chợ Huyện bán nem
“Muốn ăn đi xuống” & “Muốn uống đi lên” cần được hiểu chính xác theo vận hành thức ăn và nước uống trong cơ thể chúng ta
– Muốn ăn thì phải tự đi xuống theo đường tiêu hoá từ miệng về hậu môn theo luồng tiêu hoá thức ăn.
– Muốn uống thì đi lên vì nước chảy xuống đường tiêu hoá sẽ không đi một mạch xuống hậu môn mà ngấm vào ruột, rồi đi vào máu và theo dòng máu chảy đi lên tim.
Muốn ăn chả, ăn nem phải đi chợ Thành, chợ Giã, chợ Dinh, chợ Huyện.
– Chợ Huyện, chợ Dinh là chợ lớn, chợ đầu mối, chợ tổng, nơi thường xuyên có bán đồ ăn chế biến sẵn, đặc biệt dùng cho mâm cỗ vào các ngày lễ tết, như nem hay chả. Chợ Dinh ở Bình Định nổi tiếng về chả, chợ Huyện ở Bình Định nổi tiếng về nem.
– Chợ Thành là chợ mà đóng gói hết mọi thứ, chợ bán đồ ăn chín, đồ ăn sẵn đã đóng thành gói, đóng thành hộp, đóng thành khối chặt như nem hay chả.
– Chợ Giã, là chợ bán đồ chế biến sẵn, vì muốn có chả và nem là phải giã thịt. Giã là hành động chế biến thức ăn như giã lạc, vừng, tiêu, thịt, của … Giã hay rã cũng là hành động làm tơi xốp, làm rời rạc từng phần của một tảng hay một khối thực phẩm như rã đông hay rã mớ rau trước khi nhặt. Chặt, thái bản chất cũng là làm thức ăn rã ra. Giã do đó đại diện cho hành động chế biến thực phẩm, nên chợ Giã là chợ bán đồ ăn chế biến sẵn.
Bài ca dao nói về những người muốn mua đồ ăn ngon, có sẵn, mà không phải tự làm, thì đi chợ lớn, chợ đầu mối, thì một bữa ăn đi bốn cái chợ. Người muốn mua đồ ăn thức tươi sống về, để tự chế biến hàng ngày cho gia đình thì chỉ đi một cái chợ vừa vừa phải phải, tự nhiên, bình thường ở gần nhà mình thôi.
Siêu thị hiện đại và siêu thị online chính xác là sự tổng hợp của chợ Thành, chợ Giã, chợ Dinh, chợ Huyện, mà người đi chợ mua thức ăn đóng gói sẵn, chế biến sẵn như mua buôn, cho vào tủ lạnh, ăn dần cả tuần. Cho nên, các bạn cũng đừng bảo các cụ ngày xưa không cảnh báo về việc đi siêu thị hoặc mua đồ ăn đóng gói sẵn online rồi để tủ lạnh cả tuần nhé. Các cụ ngày xưa sâu cay lắm các bạn ạ, các cụ biết trước hết vấn nạn của xã hội hiện đại mà con cháu sẽ vưỡng phải từ cả trăm năm trước rồi 🙂
Chợ Thành, chợ Giã, chợ Dinh bán nem, chợ Huyện bán chả về tinh thần là gì ?
– Chợ Thành là thành hôn, thành công, thành tựu, thành quách, thành trì. Chợ Giã là giã từ, giã biệt, giã đám, giã gạo, giã cua, giã tôm, giã thịt, giã đông ….
– Chợ Dinh bán chả, chợ Huyện bán nem chả liên quan đến chuyện ông ăn chả, bà ăn nem.
– – – Quan hệ vợ chồng là bữa cơm ăn hàng ngày, trong khi đó người tình của ông là chả, người tình của bà là nem, lâu lâu ông bà ăn đổi bữa, ăn nem, ăn chả, thay cho cơm nhà mình, thì ông bà cũng bỏ chợ thường ngày vẫn đi ở gần nhà, sang chợ Dinh, chợ Huyện.
– – – Chợ Dinh là chợ đầu mối, tập trung mọi thứ về đó, không bán lẻ, mà đi chợ Dinh là rinh cả đống đồ về dinh. Chợ Huyện là chợ tổng, chợ trấn, rất đông người đến, cho nên người ta nói cả huyện người.
– – – Chợ Dinh bán chả, chợ Huyện bán nem không phải nơi để đi chợ cho bữa cơm hàng ngày, mà là chốn đông người, dành cho các bữa ăn xã hội và quan hệ kiểu ông ăn chả và bà ăn nem mà thôi.
Cả bài ca dao có ý nghĩa rằng người muốn cái gì sẽ tự tìm đến nơi chốn và các quan hệ cho họ thoả mãn điều đó, cụ thể là
– muốn ăn đi xuống, muốn uống đi lên
– muốn thành hôn, thành công, thành tựu, thành quách, thành trì … thì đi chợ Thành
– muốn giã từ, giã biệt, giã đám, giã gạo, giã cua, giã tôm, giã thịt, giã đông … thì đi chợ Giã
– muốn ông ăn chả thì đi chợ Dinh bán chả,
– muốn bà ăn nem đi chợ Huyện bán nem
Tổng hợp tất cả các ý trên, bài ca dao nói rằng
– Người ăn uống, tiêu hoá kiểu nào, sẽ chế biến và đi chợ kiểu nấy.
– Người ăn uống và đi chợ kiểu nào sẽ gia đình và cuộc đời như thế nấy.

CHỢ Ô CHỢ DINH

– Đố anh con rết mấy chân,
Cầu ô mấy nhịp, chợ dinh mấy người
Chợ dinh bán nón quan hai,
Bán tua quan mốt, bộ quai năm tiền,
Năm tiền một giạ đỗ xanh,
Một cân đường cát, đưa anh lên đường.
– Thôi thôi đường cát làm chi
Đỗ xanh làm gì, có ngãi thì thôi.

Cầu ô không phải là cầu có ô như ở Hội An hay cầu có nhịp như ở Huế mà là một loại cầu nối âm dương. Ví dụ nổi tiếng nhất của cầu ô là câu Ô Thước để Ngưu lang – Chức nữ gặp nhau. Cây cầu ô là cầu nối hai đầu Âm Dương.

Con ngựa ô bài ca dao trên cũng y như cái cầu ô, để nối âm dương, chỉ là cầu đứng yên bắc qua hai bờ của dòng sông chảy, còn ngựa thì chạy.

Chợ dinh cũng không phải chợ Dinh ở Quy Nhơn, Bình Định. Chợ dinh là chợ gì mà nón quai thao sắt ra ba phần là nón, tua và quai, và phần nào cũng bán đắt khủng khiếp và chè đỗ xanh bán bán riêng từng cân đỗ và từng cân đường. Bởi vì chợ dinh là chợ đầu mối, chợ bán buôn cả lô cho người sản xuất, chứ không bán lẻ từng sản phẩm cho người tiêu dùng.

Đỗ cũng có thể hiểu là đỗ đạt nên đỗ xanh là đỗ chưa đạt, đỗ còn xanh. Đường này cũng được hiểu là đường đi, cho nên nếu anh muốn ra đường, muốn lên đường, mà ra chợ dinh thì người ta không có đường mà mà người ta bán đường cát hay cát làm đường.

Sau khi nhận được câu đố kiểu này từ em, anh mới bảo em rằng

“Thôi thôi đường cát làm chi
Đỗ xanh làm gì, có ngãi thì thôi”

Một đối tượng, một từ ngữ đặt trong một hoàn cảnh, một ngữ cảnh cụ thể, sẽ tạo ra nghĩa, ra ngãi phù hợp. Vợ chồng cũng thế, là đối tương, là hoàn cảnh, là âm dương của nhau, lúc đó quan hệ vợ chồng mới có nghĩa. Tóm lại, đôi ta hợp nhau, có tình và có nghĩa là được, không cần mua thêm hàng đống mang thêm hàng đống việc thứ không hợp với hai ta trong khi hai ta chưa biết có thành nghĩa thành tình với nhau hay không.

CHỢ DINH XUÂN

– Đố eng con tít mấy chân
Núi Đầu Mâu mấy trượng chợ Dinh Xuân mấy ngài
– Em ơi con tít trăm chân,
Núi Đầu Mâu ngàn trượng, chợ Dinh Xuân vạn ngài.

Eng là anh. Con tít là con tôm tít, có thể đếm được chân, mà cũng là con gì đi tin tít, cái gì quay tin tít, vân hành quá nhanh như trăm cái chân cùng chạy. Núi Đầu Mâu là ngọn núi cụ thể ở Lệ Thuỷ Quảng Bình, mà chợ Dinh cũng là cái chợ cụ thể ở Quy Nhơn, Bình Định, mà cũng là cái núi, cái chợ ước lệ. Một cái đầu cao và dài mấy vẫn tới được, một ngọn núi cao và dài mấy vẫn đo được, nhưng Đầu Mâu là cao không đếm được. Chợ Dinh Xuân là chợ đầu mối của mùa xuân, chợ đầu năm thì không thể nào đếm được có bao nhiêu ngài. Ngài là quý ông mà cũng là con ngài, nở vào mùa xuân.

ĐI NHIỀU CHỢ MỖI CHỢ MUA MỘT THỨ

– Ru em em théc cho muồi
Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu
Mua vôi chợ Quán chợ Cầu
Mua cau Nam Phổ mua trầu chợ Dinh
Chợ Dinh bán áo con trai
Triều Sơn bán nón, Mậu Tài bán kim

Các địa danh ở bài ca dao này đều có thật mà cũng đều là ẩn dụ.

Để ăn được miếng trầu thì phải đi qua ba, bốn cái chợ : vôi ở chợ Quán, chợ Cầu, cau chợ Nam Phổ, trầu chợ Dinh. Rồi chợ Dinh lại bán quần áo con trai, rồi lại sang chợ Triều Sơn bán nón và chợ Mậu Tài bán kim, toàn những thứ không quá thiết thực phải dùng hàng ngày, không phải đồ thực phẩm.

CHỢ DINH

– Ngó lên hòn tháp chợ dinh
Biết ai còn tưởng nghĩa mình hay không?

ĐI CHỢ ĂN QUÀ

– Đi chợ phải thói ăn hàng,
Mua ba đồng mắm, chợ tan mới về

– Đi chợ ăn quà,
Về nhà đánh con

– Lỗ mũi mười tám gánh lông,
Chồng yêu chồng bảo râu rồng trời cho.
Đêm nằm thì ngáy o o,
Chồng yêu chồng bảo ngáy cho vui nhà.
Đi chợ thì hay ăn quà,
Chồng yêu chồng bảo về nhà đỡ cơm.
Trên đầu những rác cùng rơm,
Chồng yêu chồng bảo hoa thơm giắt đầu.

– Từ khi em về làm dâu
Thì anh dặn bảo trước sau mọi lời
Mẹ già dữ lắm em ơi
Nhịn ăn, nhịn mặc nhịn lời mẹ cha
Nhịn cho nên cửa nên nhà
Nên kèo nên cột nên xà tầm vông
Nhịn cho nên vợ nên chồng
Thì em coi sóc lấy trong cửa nhà
Đi chợ thì chớ ăn quà
Về chợ thì chớ rề rà ở trưa
Dù ai bảo đợi bảo chờ
Thì em nói dối: con thơ em về

Chợ là nơi có nhiều luồng, vào chợ là việc chính không làm, mua thực phẩm thì ít mà ăn vặt thì nhiều, thì cuộc đời cũng vậy, gặp nơi giao luồng là mục đích không giữ, làm lung tung ngay.

ĐI CHỢ MUA MÀN

– Chồng chị chị để trên bàn
Phòng khi đi chợ mua màn về che
Thân em như cái chổi để đầu hè
Phòng khi mưa gió đi về chùi chân

ĐI CHỢ MUA GIA VỊ

– Con gà cục tác lá chanh
Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi
Con chó khóc đứng khóc ngồi
Mẹ ơi đi chợ mua tôi đồng riềng
Con trâu nằm ngửa nằm nghiêng
Xin chớ mua riềng, mua tỏi cho tôi!

ĐI CHỢ MUA DỪA

– Ẵm em lên võng mà đưa
Để mẹ đi chợ mua dừa về ăn

ĐI CHỢ MUA HOA

– Ngày rằm đi chợ mua hoa
Phải chờ thấy gánh Ngọc Hà mới mua

CHƠI CHỢ

– Mồng một chơi cửa, chơi nhà
Mồng hai chơi xóm, mồng ba chơi đình
Mồng bốn chơi chợ Quả Linh
Mồng năm chợ Trình, mùng sáu non Côi
Qua ngày mồng bảy nghỉ ngơi
Bước sang mồng tám đi chơi chợ Viềng
Chợ Viềng năm có một phiên
Cái nón em đội cũng tiền anh mua

ĐI CHỢ ĐÔNG CHỢ TÂY

– Chích chòe chích chòe
Mày hót tao nghe
Mày ru tao ngủ
Tao ngủ cho say
Mẹ tao đi chợ tây
Mẹ tao đi chợ đông
Mua về cho tao ba quả hồng
Tao cho chích chòe một quả

ĐI CHỢ ĐƯỜNG TRONG ĐƯỜNG NGOÀI

– Mẹ em đi chợ đường trong
Mua em cây mía vừa cong vừa dài
Mẹ em đi chợ đường ngoài
Mua em cây mía vừa dài vừa cong.

ĐI CHỢ BỐN MÙA

– Cô Xuân đi chợ Hạ, mua cá thu về chợ hãy còn đông
Trai nam nhi đối được, gái má hồng xin theo.
– Anh ở bên Nam sang bán hàng thuốc Bắc
Chữa cho cô gái Đông phòng cảm bệnh miền Tây
Ông tơ hồng bà Nguyệt lão nhủ anh sang đây kết nguyền

CHUYỂN ĐỔI CÙNG VỚI VIỆC ĐI CHỢ

– Chị Xuân đi chợ mùa hè
Mua cá thu về, chợ hãy còn đông
Anh Hươu đi chợ Đồng Nai
Bước qua Bến Nghé ngồi nhai thịt bò

Anh Hươu đi chợ Đồng Nai vì hươu nai cùng một nhóm động vật móng guốc ăn cỏ gần gũi với nhau. Tương tự nghé và bò cũng là bộ trâu bò, nghé bê. Nhưng sông Bến Nghé ngày xưa toàn là cá sấu, một động vật ăn thịt lớn và rất dễ miền sông nước, cái sấu ăn được cả hươu nai, bò bê, nên anh Hươu đến Bến Nghé anh lại đổi tâm tính, anh thành động vật săn mồi, động vật ăn thịt, anh nhai thịt bò.

BÀ CÒNG ĐI CHỢ TRỜI MƯA

– Bà Còng đi chợ trời mưa
Cái Tôm cái Tép đi đưa bà còng
Đưa bà qua quãng đường đông
Đưa bà về tận ngõ trong nhà bà
Tiền bà trong túi rơi ra
Tép Tôm nhặt được trả bà mua rau

BA BÀ ĐI CHỢ VỚI NHAU

Ba bà đi chợ với nhau
Một bà đi trước kể chuyện nàng dâu
Một bà đi sau tu tu lên khóc
Nhà bà có phúc cưới được dâu hiền
Nhà tôi vô duyên cưới cô dâu dại
Việc làm thì rái, chỉ tưởng những ăn
Hễ bảo quét sân đánh chết ba gà
Bảo đi quét nhà, đánh chết ba chó
Có mâm giỗ họ miếng ra miếng vào
Rửa bát cầu ao liếm dĩa quèn quẹt … 

– Ba bà đi chợ mua bốn quả dưa
Chia đi chia lại đã trưa mất rồi
May sao lại gặp một người
Ba bà ba quả phần tôi quả này

Bốn quả dưa không chia được cho ba bà, nhưng quả dưa cũng có nghĩa là dây dưa, làm mãi không xong.

– Bà ba đi chợ đường quai
Vừa đi vừa tỉa lá khoai bưng lồn
Bà ba đi chợ đường cồn
Vừa đi vừa tỉa lông lồn bán trăm

BA BÀ ĐI BÁN LỢN SỀ

– Ba bà đi bán lợn con
Bán đi chẳng được lon ton chạy về
Ba bà đi bán lợn xề
Bán đi chẳng được chạy về lon ton

– Đàn ông bán nhà
Đàn bà bán lợn

BA CON ĐI CHỢ

– Ba con đi chợ long nhong
Một con đi giữa bị ong đốt lồn
Một con đi chợ mua cồn
Một con ở lại xoa lồn con kia

SÁU CÔ ĐI CHỢ

– Sáu cô đi chợ một xuồng
Tôi chèo theo chính giữa sợ mích lòng sáu cô
Phải chi tôi có lúa bồ
Tôi xin cưới hết sáu cô một lần
Cô hai mua tảo bán tần
Cô ba sắc thuốc dưỡng thân mẹ già
Cô tư nấu nước pha trà
Cô năm coi cửa coi nhà ngoài trong
Cô sáu trải chiếu, giăng mùng
Cô bảy san sẻ tình chung với mình
Phải chi cả sáu cô thuận tình
Trai năm thê bảy thiếp, vợ mình đông vui

– Lang thang một dãy sáu cô
Cưới cô chính giữa mích lòng năm cô
Phải chi tôi có lúa bồ
Tôi ra tôi cưới sáu cô một lần
Cô hai mua tảo bán tần
Cô ba xách nước dưỡng nuôi mẹ già
Cô tư dọn dẹp trong nhà
Cô năm phân nước pha trà uống chung
Cô sáu trải chiếu giăng mùng
Cô bảy là nghĩa tình chung với mình
Cô bảy phân hết sự tình
Trai năm thê bảy thiếp vợ của mình rất đông

– Ai bì anh có tiền bồ
Anh đi anh lấy sáu cô một lần
Cô hai buôn tảo bán tần
Cô ba đòi nợ chỗ gần chỗ xa
Cô tư dọn dẹp trong nhà
Cô năm sắc thuốc, mẹ già cô trông
Cô sáu trải chiếu giăng mùng
Một mình cô bảy nằm chung với chồng.

BÀ GIÀ ĐI CHỢ CẦU ĐÔNG

– Sáng ngày đi chợ cầu Đông
Xem một quẻ bói lộn chồng được chăng
Thầy bói gieo quẻ nói rằng
Lộn thì lộn được nhưng năng phải đòn
Mồ cha đứa có sợ đòn
Miễn là lấy được chồng giòn thì thôi.

– Bà già đi chợ Cầu Đông
Bói xem một quẻ lấy chồng lợi chăng?
Thầy bói gieo quẻ nói rằng:
Lợi thì có lợi nhưng răng chẳng còn!

BÀ GIÀ ĐI CHỢ CẦU NÔM

– Ba bà đi chợ Cầu Nôm
Bà đi sau rốt luôn mồm “Nhanh lên!”
Bà đi trước thì thiếu hàm trên,
Bà đi giữa thì thiếu hàm dưới,
Chỉ bà đi cuối là đủ hai hàm!

CHỢ CẦU CHỢ QUÁN

– Tôi lạy ông Cầu bà Quán
Phù hộ cho mẹ đĩ nhà tôi
Nó ăn nó chơi
Như con ngựa ngáp
Việc làm thì nhác
Lại hay nỏ mồm
Củ từ khoai môn
Bao nhiêu cũng chứa
Vớt bèo thì ngứa
Xay thóc nhức đầu
Chăn trâu ngã nắng
Chồng giận có mắng
Thì lại hờn cơm
Ra chân đống rơm
Cắn chắt trừ bữa
Nhà có đám giỗ
Luộc gà quăng mề
Thổi cơm thì khê
Rang vừng thì cháy
Con mắt nhấp nháy
Ăn vụng thành thần
Lấy giẻ chùi chân
Lấy rơm lau bát…

– Ru em em théc cho muồi
Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu
Mua vôi chợ Quán chợ Cầu
Mua cau Nam Phổ mua trầu chợ Dinh
Chợ Dinh bán áo con trai
Triều Sơn bán nón, Mậu Tài bán kim

– Tôi lạy ông Cầu bà Quán
Phù hộ cho mẹ đĩ nhà tôi
Nó ăn nó chơi
Nó tươi nó cười
Như con ngựa ngáp
Làm ăn chậm chạp
Có tí nỏ mồm
Đi chợ bao nhiêu khoai lang củ từ cũng chứa
Vớt bèo thì ngứa
Xay lúa nhức đầu
Chăn trâu ngã nắng
Chồng giận chồng mắng
Có tính hờn cơm
Ra chân đống rơm
Cắn chắt trừ bữa
Nay lần mai lữa
Mày giống tính ai?

CHỢ HÀ ĐÔNG

– Cô kia đi chợ Hà Đông
Để anh kết ngãi vợ chồng cùng đi
Anh đi anh chẳng mua gì
Anh mua chỉ thắm đem về xe dây

– Cô kia đi chợ Hà Đông
Để anh kết nghĩa vợ chồng cùng đi
Anh đi chưa biết mua gì
Hay mua con lợn phòng khi cheo làng

CHỢ BƯỞI

– Chợ Bưởi một tháng sáu phiên
Rủ nhau đi chợ nên duyên đèo bòng
Ngày tư, ngày chín em mong
Buồng cau, con lợn bận lòng anh lo.

CHỢ GIANG

– Nón em mua ở chợ Giang
Hôm nay đi chợ gặp chàng cùng vui
Nón em che gió che trời
Che sao Bắc Đẩu, che người tri âm

CHỢ TẦM VU

Chiều chiều mượn ngựa đi chơi
Mượn ba chú lính đưa cô tôi về
Đưa về tới chợ Tầm Vu
Mua một cây dù che nắng che mưa.

CHỢ GÒ VẤP

– Sớm mai anh đi chợ Gò Vấp
Mua một xấp vải đem về
Cho con hai nó cắt
Con ba nó may
Con tư nó đột
Con năm nó viền
Con sáu đơm nút
Con bảy vắt khuy
Anh mới bước cẳng ra đi
Con tám nó níu
Con chín nó trì
Bớ em mười ơi!
Sao em để vậy
Còn gì áo anh.

CHỢ GÒ CHÀM

– Bớ chị em ơi! Đi chợ
Chợ nào bằng chợ Gò Chàm
Tôm tươi cá trụng thịt bò thịt heo
Còn thêm bánh đúc bánh xèo
Bánh khô bánh nổ bánh bèo liên u
Những con cá chép cá thu
Cá ngừ cá nục cá chù thiệt ngon
Ngó ra ngoài chợ
Nẫu bán thịt phay
Nem tươi chả lụa
Rượu trà no say
Ngó ra ngoài chợ
Nẫu bán trạnh cày
Roi mây, lưỡi cuốc
Nẫu bày nghinh ngang
Ngó ra ngoài chợ
Nẫu bán sàn sàn
Khoai lang, bắp đỗ
Ðục, chàng, kéo, dao
Xem ra chẳng sót hàng nào
Quảng Nam, Quảng Ngãi cũng vào đây mua

CHỢ GÒ CÁT

– Sớm mai đi chợ Gò Cát
Cây cao bóng mát, cát nhỏ dễ đi
Gái như em, mặt tròn như bông hoa lý
Trai như anh, thấm ý vừa lòng
Em với anh thương thiệt, sao ông tơ hồng không xe?

CHỢ LƯỜNG

– Chợ Lường họp lại vui thay
Đàng đông lúa gạo, đàng tây tru bò
Xã đã khéo lo
Lập lều hai dãy
Hàng sồi hàng vải
Thì kéo lên đình
Hàng xén xung quanh
Hàng thịt hàng lòng ở giữa
Ngong vô trửa chợ
Chộ thị với hồng
Dòm ngang xuống sông
Chộ thuyền với lái
Ngong sang bên phải
Chộ những vịt gà
Hàng nhãn, hàng na
Hàng trầu, hàng mấu
Hàng ngô, hàng đậu
Hàng mít, hàng cà
Hàng bánh, hàng quà
Hàng chi có cả
Rồi nào hàng cá
Hàng bưởi, hàng bòng …  

VÈ CHỢ

– Nghe vẻ nghe ve
Nghe vè cái chợ
Sáng mơi xách rổ
Đi giáp một vòng
Hàng hóa mênh mông
Kêu bằng Chợ Lớn
Thiên hạ phát ớn
Là chợ Bình Đông
Ấm bụng no lòng
Kêu bằng Chợ Gạo
Thiệt là huyên náo
Là chợ Bến Thành
Xúm nhau giựt giành
Là chợ Bến Tranh
Ăn ở hiền lành
Đi chợ Thủ Đức

CÁI BỐNG ĐI CHỢ CẦU

– Cái bống đi chợ Cầu Cần
Thấy ba ông bụt cởi trần nấu cơm
Ông thì xới xới, đơm đơm
Ông thì ứ hự, nồi cơm không còn

– Cái bống đi chợ Cầu Cần
Thấy hai ông bụt ngồi vần nồi cơm
Ông thì xới xới, đơm đơm
Ông thì giữ mãi nồi cơm chẳng vần

Chợ Cầu Cần là chợ Cần Câu, cái bống đi chợ Cầu Cần là cái bống bị mắc cần câu. Cần câu cá cũng là cần câu cơm.

– Cái bống đi chợ Cầu Canh
Cái tôm đi trước củ hành theo sau
Con cua lạch bạch theo hầu
Cái chày rơi xuống vỡ đầu con cua

Chợ Cầu Canh là chợ cành cao. Đi chợ cành cao là kiêu kỳ, sang chảnh, không hoà đồng.

– Cái bống đi chợ Cầu Nôm
Sao mày chẳng rủ cái tôm đi cùng
Cái tôm nổi giận đùng đùng
Nó trôi ra bể lấy chồng lái buôn

Chia sẻ:
Scroll to Top