CÁ BỐNG CÓ DỄ ĂN KHÔNG ?
Chúa ăn cá bống, cá thiều
Phận tôi hạt muối để chiều khô khan
Chúa mặc áo lát áo đan
Thân tôi miếng giẻ vá ngang vá chằng
Cá bống dành cho Chúa, người thường “tôi” chả được ăn.
—o—
GAN CÁ BỐNG CÓ TO KHÔNG ?
Thứ nhất gạo lúa can
Thứ nhì gan cá bống
Cá bống bé xíu, thân toàn nước và khí, vậy kiếm sao được gan cá bống, bộ phận hoả thổ nhất của cơ thể ?
—o—
BẮT CÁ BỐNG BẰNG CÁCH NÀO ?
Muốn ăn cá bống, cá hiên
Chạy về bảo mẹ đóng thuyền mà đi
Mẹ (chứ không phải cha) phải đóng thuyền đi biển chỉ để đánh cá bống thì mới có cá bống để ăn thì đủ biết “ăn cá bống” là chuyện “khó như bắc thang lên trời”.
—o—o—o—
CÁ BỐNG CỦA TẤM BỊ ĂN THẾ NÀO ?
Cá bình thường thì dùng để làm thức ăn, ăn với cơm, riêng cá bống của Tấm thì được ăn cơm, mà phải ăn “cơm vàng cơm bạc nhà ta”, không ăn “cơm hẩm cháo hoa nhà người”.
Cá của Bống bị mẹ con Cám ăn thịt, phần xương bị vứt đi, khi Tấm cho gà ăn thóc, thì con gà này tìm được xương cá Bống. Xương cá Bống chôn vào 4 cái lọ ở chân giường của Tấm.
– Đào lọ thứ nhất lấy ra được một bộ áo mớ ba, một cái xống lụa, một cái yếm lụa điều và một cái khăn nhiễu.
– Đào lọ thứ hai lấy được một đôi giày thêu, đi vừa như in.
– Đào lọ thứ ba lên thì thấy một con ngựa bé tí, nhưng vừa đặt con ngựa xuống đất bỗng chốc nó hí vang lên và biến thành ngựa thật.
– Đào đến lọ cuối cùng thì lấy ra được một bộ yên cương xinh xắn.
Dường như ai cho cá Bống cái gì thì nhận lại được từ cá Bống chính cái đó
– Mẹ con Cám cho cá Bống ăn cơm để lừa Bống thì cũng chỉ ăn được cái xác của cá Bống tương ứng với cái họ cho cá Bống ăn
– Các tinh tế của cá Bống đã chuyển hết vào xương nằm trong đất đợi gặp lại Tấm, các phần này được tạo ra từ cơm vàng cơm bạc mà Tấm cho cá bống ăn lại quay trở lại với Tấm.
—o—o—o—
CÁ BỐNG – CÁI BỐNG BANG
Cái Bống là hình tượng lớn trong ca dao nói về người con gái vẫn đang tuổi ăn tuổi lớn, sống cùng cha mẹ đẻ, chưa đi lấy chồng.
Cái bống là cái bống bang
Ăn cơm bằng sàng, bốc muối bằng vung
Mẹ giận mẹ vứt xuống sông
Bơi ra cửa biển lấy chồng lái buôn
Khát nước thì uống nước nguồn
Lạc đường thì bảo lái buôn đưa về
Người ta nói nuôi con gái là nuôi báo cô, nghĩa là nuôi cho con gái lớn, rồi nó đi lấy chồng. Người con gái ăn nhờ, ăn xin ở nhà bố mẹ là cái Bống cái bang, hay cái Bống Bang.
—o—o—o—
CÁI BỐNG – CÁI BÓNG CỦA MẸ
Cái Bống chính là cái Bóng của người mẹ, mà khi chưa đi lấy chồng cũng đã từng là cái Bống, cái Bóng của bà, mà khi chưa đi lấy chồng cũng đã từng là cái Bống, cái Bóng của cụ.
Cái Bống, cái Bóng này xuất hiện trong gia đình cho đến khi đi lấy chồng, sang ở với nhà chồng, nói cách khác là biến mất khỏi gia đình cha mẹ đẻ. Nếu cha mẹ sinh con trai, thì người con trai sẽ ở lại trụ trong gia đình. Khi cái Bống sinh con, là sinh con cho chồng, cho gia đình chồng, thì đứa con mang họ của nhà chồng.
—o—o—o—
CÁI BỐNG – GIỌT MÁU CỦA MẸ
Cái Bống là giọt máu của người mẹ, người mẹ lại là giọt máu của người bà.
Truyện Tấm Cám viết rằng
– Tối hôm ấy mụ dì ghẻ bảo Tấm sáng mai dậy sớm chăn trâu, và dặn: Con ơi con! Làng đã bắt đầu cấm đồng rồi đấy. Mai con đi chăn trâu, phải chăn đồng xa, chớ chăn đồng nhà, làng bắt mất trâu
– Tấm vâng lời, sáng hôm sau đưa trâu đi ăn thật xa. Ở nhà mẹ con Cám mang bát cơm ra giếng, cũng gọi bống lên ăn y như Tấm gọi. Nghe lời gọi, bống ngoi lên mặt nước. Mẹ con Cám đã chực sẵn, bắt lấy bống đem về làm thịt.
– Đến chiều Tấm dắt trâu về, sau khi ăn uống xong Tấm lại mang bát cơm để dành ra giếng. Tấm gọi mãi nhưng chẳng thấy bống ngoi lên như mọi khi. Tấm gọi mãi, gọi mãi, cuối cùng chỉ thấy một cục máu nổi lên mặt nước.
Tấm kết nối với giọt máu của cá Bống, trong khi xương thịt của cá Bống đã bị mẹ con Cám ăn mất và vứt đi.
Trong lưỡng nghi tính nữ Tấm Cám, Tấm là dòng máu tính nữ, Cám là cấu trúc thân thể tính nữ. Cho nên, Cám sẽ ăn được cấu trúc thân thể của cá Bống mang tính nữ là cơ, là thịt, còn Tấm sẽ nhận được dòng máu thân thể của cá Bống, theo đúng bản chất trong lưỡng nghi tính nữ của mình.
—o—o—o—
CÁ BỐNG & CÁ BÓNG
Người mẹ cho đi dòng máu mình vào đứa con gái mà mang họ của cha. Cứ như thế dòng máu tính nữ vận hành, như một cái bóng bên cạnh dòng máu bố mà hiện ra theo tên họ, theo cây dòng họ.
Thế là chúng ta không bao giờ thực sự ăn được con cá Bống, mà chỉ ăn lại được cái mà chúng ta cho cá Bống ăn, vì cá Bống chỉ là một cổng chuyển hoá cái mà ta cho đi để nhận lại về theo một cách khác. Con cá Bống này thực chất vẫn cứ là một con cá Bóng. Chúng ta không ăn được bóng, mà chỉ nhận được cái bóng phản chiếu từ chính chúng ta ra mà thôi.
Chúng ta là ai chúng ta sẽ nhận được cái bóng, cá Bóng và cá Bống đúng như vây. Chúng ta cho đi cái gì, chúng ta sẽ nhận về được chính cái đó, qua cái bóng cuộc đời của chính chúng ta.
Quay lại các câu ca dao đã nói ở trên
Chúa ăn cá bống, cá thiều
Phận tôi hạt muối để chiều khô khan
Chúa mặc áo lát áo đan
Thân tôi miếng giẻ vá ngang vá chằng
Chúa ăn được cá bống, bởi Chúa là cha sinh của tất cả. Chúa sinh ra Bống nên Chúa nhận lại được Bống về. “Tôi” là đại từ nhân xưng có tính định trụ, không cho không nhận, không sinh không tử, không chuyển hoá, cho nên tôi không thể có cá bống mà ăn.
Muốn ăn cá bống, cá hiên
Chạy về bảo mẹ đóng thuyền mà đi
Chỉ có mẹ mới bắt được cá Bống, vì mẹ sinh ra Bống, nên mẹ có Bống bên trong mẹ.
Thứ nhất gạo lúa can
Thứ nhì gan cá bống
Lúa can là giống lúa đặc trưng của tỉnh Quảng Nam. Lúa can là lúa can trường, lúa có sức sống rất mạnh, có thể phát triển ở những vùng đất khô cằn hoặc ngập úng. Theo kinh nghiệm dân gian, mì Quảng ngon nhất là làm từ bột lúa can, vì vậy cứ đến những dịp lễ tết, giỗ chạp là người dân lại xay lúa can làm mì đãi khách quý.
Cái gì trơ trơ, không chịu đổi thay trước tác động ngoại cản là “gan lỳ”. Cái gì trơ trơ, không chịu thay đổi theo tháng năm là “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Người phụ nữ, nhận được dòng máu nào từ người đàn ông thì mang thai rồi sinh ra đứa con đúng như vậy mà thôi. Cá bống bé, cái bóng nhẹ nhưng gan nó to vì nó cân bằng cho và nhận cho nên sau bao nhiêu thay đổi, nó vẫn chỉ là nó mà thôi.