BÀN CỔ – PHỤC HY – NỮ OA

Loading

ĐẤNG BÀN CỔ
Theo Lão giáo, Bàn Cổ là thủy tổ của loài người, do Mẹ sinh ra.
Theo Tam Hoàng Thiên Kinh, sự tích Bàn Cổ như sau:
Tại núi có một cục đá lớn đã thọ khí Âm Dương chiếu diệu rất lâu đời, nên đã thâu được các tính linh thông của vũ trụ mà tạo thành thai người. Sau 10 tháng 16 ngày, đúng giờ Dần, một tiếng nổ vang, khối đá linh ấy nứt ra, sinh ra một vị Linh Chân hy hữu, là Thần mang hình hài như con người được gọi là Bàn Cổ.
Vừa sinh ra thì vị ấy tập đi, tập chạy, tập nhảy, hớp gió nuốt sương, ăn hoa quả, dần dần lớn lên, mình cao trăm thước, đầu như rồng, có lông đầy mình, sức mạnh vô cùng. Một ngày kia, Bàn Cổ chạy qua hướng Tây, bắt gặp một cái búa và một cái dùi ước nặng ngàn cân. Bàn Cổ, tay phải cầm rìu tay trái cầm dùi, ra sức mở mang cõi trần.
Thuở đó Trời Đất còn mờ mịt. Ngài ước cho phân biệt Trời Đất thì nhân vật mới hóa sinh được. Ngài ao ước vừa dứt tiếng thì sấm nổ vang, Thiên thanh, Địa minh, vạn vật sinh ra đều có đủ cả.
Ngài liền chỉ Trời là Cha, chỉ Đất là Mẹ, muôn dân là con. Ngài chính là tôn chủ sáng lập thế gian. Ngài tự xưng là Thiên tử, tức là con Trời, cai trị muôn dân. Ngài là vị vua đầu tiên của cõi thế gian nên gọi Ngài là Hỗn Độn thị.
Nhiệm Phưởng, thế kỷ 6, đã viết huyền thoại Bàn Cổ trong quyển Thuật Dị Ký rằng:
“Ngày xưa khi Bàn Cổ chết, đầu biến thành bốn ngọn núi, hai mắt biến thành mặt trời và mặt trăng, mỡ biến thành sông biển, râu tóc biến thành thảo mộc.
Thời Tần và Hán, dân gian kể rằng đầu của Bàn Cổ là Đông Nhạc, bụng là Trung Nhạc, tay trái là Nam Nhạc, tay phải là Bắc Nhạc, và hai chân là Tây Nhạc.
Các văn nhân ngày xưa kể rằng nước mắt của Bàn Cổ là sông, hơi thở là gió, giọng nói là sấm, đồng tử trong mắt là ánh sáng.”
===o===o===
BÀN LÀ GÌ ?
Câu hỏi nghe có vẻ rất là đơn giản, nhưng thật ra không đơn giản, bởi vì nếu hiểu cái gốc cổ xưa, nguyên thuỷ của từ này chúng ta cũng sẽ hiểu về Bàn Cổ, vị thần khai thiên lập địa.
Nghĩa đầu tiên mà từ điển https://chunom.net/Tu-Dien.html đưa ra cho chữ “bàn” là “nặn ra, vọt cho hết”. Như vậy, chúng ta và cả vũ trụ này là kết quả của sự nhào nặn và vọt ra ấy của Bàn Cổ.
Nghĩa thứ hai từ điển đưa ra là bàn thai và bàn xăm. Hai nghĩa này trực tiếp liên quan đến nghĩa bên trên. Bàn thai liên quan đến sự nhào nặn sự sống. Bàn xăm hay bàn thăm liên quan đến sự lựa chọn vừa chủ quan vừa khách quan, vừa ngẫu nhiên vừa tiền định các yếu tố đầu vào cho bào thai cần nhào nặn. Bàn xăm giống như trò chơi rút thăm, mà sẽ có bàn thua bàn thắng.
Hình dung có một cái bàn xoay nặn gốm, trên bàn xoay đó, đấng Bàn Cổ nặn ra vũ trụ này.
Hình dung có một cái bàn viết, trên bàn viết đó, chúng ta nhào nặn nên tác phẩm.
Hình dung có một bàn họp, trên bàn họp đó, chúng ta nào nhặn các vấn đề, đưa ra các kết luận và giải pháp.
Nếu cái bàn họp đó hình tròn, chúng ta nào nhặn vấn đề vòng tròn trong hội nghị bàn tròn.
Trong ngôi nhà phần linh thiêng nhất là bàn thờ. Bàn thờ không đứng yên, rất nhiều thứ được nhào nặn trên đó, đặc biệt là các quan hệ giữa ta – chủ nhân ban thờ và ngôi nhà, mảnh đất, gia đình, dòng họ.
Trong một buổi lễ ví dụ lễ dứt căn, khi ta thắp hương và đứng trước bàn thờ, rất nhiều thứ được thảo luận trên đó, giữa ta và các vị thần linh, thần tài, thổ địa, ông bà đầu nhau, bà cô ông mãnh và gia tiên,
Không có âm dương thì không thể có bàn. Bàn thai có phần dương của cha và phần âm của mẹ, để nhào nặn nên bào thai.
Hình dùng có hai người ngồi hai bên bàn để bàn bạc. Nếu hai người này không có hai ý kiến khác nhau thì bàn bạc không có ý nghĩa gì cả. Bạc có nghĩa là phân tách. Bàn bạc là tương tác giữa hai trạng thái âm dương phân tách.
Bàn cờ không có ý nghĩa gì nếu không có quân đen và quân trắng. Bàn cờ không có bàn thua bàn thắng, mà lúc thì quân đen thắng và lúc thì quân trắng thắng.
Đấng Bàn Cổ không kiến tạo vũ trụ một lần rồi biến mất mà đấng Bàn Cổ kiến tạo theo các chu kỳ, giống như thiết lập nên một bàn cờ, mà trên bàn cờ ấy vạn vật tự tạo nên các ván cờ của mình.
===o===o===
ĐẤNG BÀN CỔ – MẪU CỬU TRÙNG THIÊN (MẪU TIÊN THIÊN)
Đấng Bàn Cổ được mô tả hai tay cầm hai mảnh trứng hỗn mang Âm Dương, hai tay đạp lên bàn đá. Trứng âm dương là biểu tượng của hỗn mang và hư vô. Bàn đá đại diện cho cấu trúc và trật tự thống nhất, đối xứng với hỗn mang và hư vô. Hỗn mang và Hư Vô không phải là không có trật tự mà trật tự của nó là âm dương liên tục trung hoà, liên tục chuyển hoá, liên tục sinh ra, mất đi, rồi lại tái sinh.
Bàn đá mà đấng Bàn Cổ đạp lên gọi là bàn đạp. Bàn đạp là âm còn cái đạp lên bàn đạp là dương.
Hình dung có một chiếc bàn đặt lên mặt đất, thì mặt đất đối với cái bàn là bàn đạp, sau đó có một vật đặt lên mặt bàn, thì mặt bàn đối với vật này là bàn đạp. Vật ở dưới không nhất thiết là bàn đạp cho vật ở trên. Ở góc độ nào đó, vật đặt trên mặt bàn là sức bật của cái bàn, và cái bàn là sức bật của mặt đất. Cho nên mặt đất và cái bàn, cái bàn và vật trên bàn, cái này là bàn đạp cho cái kia và ngược lại. Trong một cuộc bàn luận bàn tròn, bàn không nhất thiết phải nằm ngang, tương tác xảy ra đa chiều. Chồng chập các tương tác âm dương trời đất như vậy là trạng thái cửu trùng.
Mẫu Cửu Trùng Thiên hay Mẫu Thiên Tiên là đối xứng của Bàn Cổ.
Đấng Bàn Cổ và Mẫu Cửu Trùng Thiên là cặp đôi thiên địa Mẹ Trời – Cha Đất, trong đó Mẫu Cửu Trùng Thiên ẩn và Đấng Bàn Cổ hiện.
===o===o===o===
NỮ OA
Nữ Oa là vị thần sáng thế.
Nữ Oa được mô tả có hình dáng đầu người và thân con rắn.
Theo truyền thuyết, một ngày nọ, bà tưởng nhớ Bàn Cổ khai thiên tích địa, tạo ra những ngọn núi và hồ nước, động vật, thay đổi sự tĩnh lặng của thế giới. Tuy nhiên, Nữ Oa luôn luôn cảm thấy rằng thế giới này vẫn còn thiếu một cái gì đó, nhưng không thể nhớ những gì. Trong khi Nữ Oa suy niệm, nhìn xuống dưới nước Hoàng Hà, lúc đó, nước trong xanh, mặt nước tựa như gương, in bóng hình của bà. Khi đó đã ngộ ra thế giới thiếu một “người” như bà. Nữ Oa đã tham chiếu tướng mạo bản thân sử dụng bùn của Hoàng Hà tạo ra một thân hình con người sau đó sử dụng pháp thuật để cho bùn đất sét đó có sự sống thành con người thật thụ.
Nhưng Nữ Oa không thể cứ mãi mãi nặn hình con người như thế này, cần phải ban cho họ khả năng sinh sản để họ tự phát triển giống nòi. Thế là Nữ Oa tạo những tượng đất sét cho thân thể khỏe, thổi dương khí vào những tượng đó, những bức tượng đó trở thành đàn ông, thổi âm khí vào những bức tượng trông yếu mềm hơn, thành đàn bà. Nữ Oa còn ban cho hai giới tính đó bộ sinh thực khí để sinh sản. Nữ Oa còn nghĩ cách để con người phân bố nhiều rải khắp nơi trên thế giới, liền dây ngoáy bùn dưới sông, cho bắn tung tóe lên khắp nơi trên mặt đất, tạo thành những lớp người phân bố khắp nơi.
Theo truyền thuyết sau khi tạo ra con người, Nữ Oa luôn chiếu khán họ. Nhưng sau đó nhận thấy con người sinh ra lúc bấy giờ ăn ở với nhau không có luân lý nên Nữ Oa đã giáng thế và dạy con người luân lý hôn nhân vợ chồng và vì thế bà trở thành vị thần của hôn nhân. Bà trở thành hình tượng quan trọng trong việc thiết lập chế độ hôn nhân, căn bản của xã hội loài người.
Vậy Nữ Oa và Bàn Cổ là hai đấng sáng thế, nhào nặn ra con người. Về bản chất sự sáng tạo phải có âm dương, nhưng Nữ Oa đang được cho là đối xứng với Phục Hy và Bàn Cổ được đứng riêng.
Nữ Oa đội đá và vá trời bằng đá ngũ sắc là truyền thuyết nổi tiếng. Vá trời là giai đoạn sau của nhào nặn sự sống, hay “bàn thai”.
Dân gian có câu
Khéo thay cho mụ Nữ Oa
Lỗ mình không vá, vá qua lỗ trời!
===o===o===o===
TỨ TƯỢNG – NỮ OA
Phục Hy là tên chữ, tên dân gian là Tứ Tượng, hay Ông Đực. Nữ Oa là tên chữ, tên dân gian là Bà Cái. Đây là một cặp đôi âm dương.
Dân gian có câu truyện về Tứ Tượng – Nữ Oa như sau :
Ngày xưa, có hai thần đực, cái thân hình hết sức to lớn, thần đực gọi là Tứ Tượng hay Khổng lồ, thần cái gọi là Nữ Oa. Tứ Tượng muốn kết duyên với Nữ Oa, nữ thần bắt nam thần phải thi tài với mình, hẹn trong vòng ba ngày mỗi người xây một hòn núi thật cao, có thể đứng lên trên mà nhìn khắp cả mặt đất. Nếu núi của nam thần cao hơn thì nữ thần mới bằng lòng làm vợ chồng.
Nam thần ở Bắc, nữ thần ở Nam, hai bên đua nhau đắp núi. Tứ Tượng có một đôi thúng vĩ đại, có thể chứa được hàng nghìn đồi đất. Một chuyến thần đang gánh, thúng đứt dây làm đất đổ xuống thành chín cái đồi lớn.
Sau kỳ hạn làm xong, hai thần bèn trèo lên núi của nhau để xem núi nào cao hơn. Đứng trên núi của thần đực trông thấy được ra ngoài biển Đông xa đến các nước láng giềng. Còn đứng trên núi của thần cái, thì thấy rõ cả bốn phía chân trời. Nam thần thua cuộc, nữ thần bèn đạp đổ núi của Tứ Tượng xuống mà bảo hãy làm lại núi khác.
Núi của nữ thần ngày nay tương truyền còn dấu tích là núi Nam Giới ở Hà Tĩnh.
Thần đực lại ra sức đắp nhiều núi khác cho nữ thần bằng lòng. Do đó mà nhiều ngọn núi mọc lên từ Bắc chí Nam. Có những dấu chân lớn còn lưu lại trên đá ở vài núi miền Bắc và miền Trung mà về sau người ta cho đó là dấu chân của nam thần Khổng lồ.
Trước sự theo đuổi chí tình của nam thần, rốt cuộc nữ thần cũng vui lòng kết hôn.
Nói về sự vĩ đại của thân thể của hai vị thần đực cái, trong dân gian có câu ví
… bà Nữ Oa bằng ba mẫu ruộng
… ông Tứ Tượng mười bốn con sào
Hai vị Tứ Tượng – Nữ Oa được coi là thủy tổ của loài người.
Hình tượng tương tự bên phương Tây là Adam và Eva. Cả Nữ Oa và Eva được gắn với con rắn.
===o===o===o===
PHỤC HY
Chúa tạo ra hỗn mang từ bóng tối hư vô. Lúc này ngài chính là Đấng Bàn Cổ. Từ hỗn mang và hư vô, vũ trụ đã được hình thành. Khi vũ trụ hình thành, Đấng Bàn Cổ chuyển hoá thành Đấng duy trì trật tự của vũ trụ, là Phục Hy.
Đối xứng của Phục Hy là Nữ Oa. Nữ Oa và Phục Hy thường được tạo hình quyện vào nhau. Nữ Oa và Phục Hy trong một hình vẽ cổ được mô tả là đầu người mình rắn với thân dưới là rắn quấn vào nhau. Đây là cặp đôi thiên địa Cha Trời – Mẹ Đất.
Ngoài ra, Nữ Oa được tạo hình đang cầm Viên Quy, còn Phục Hy cầm Củ Xích, tượng trưng cho trật tự âm dương, đối xứng với trạng thái hư vô và hỗn mang mà Bàn Cổ đại diện.
Trong thần thoại Hy Lạp, Bàn Cổ là Thần Hỗn mang (Chaos, tiếng Hy Lạp : χάος/khaos), được nhắc đến và tôn thờ như một đấng toàn năng. Theo miêu tả thì Chaos là khoảng không vô cùng vô tận, trống rỗng, mơ hồ, vật vờ, phiêu bạt trong khoảng không gian bao la. Như vậy, về mặt khoa học, có thể coi Chaos như là khoảng không hư vô chẳng có gì và cũng là nơi sinh ra các hành tinh và vô tận vũ trụ. Chaos sinh ra Gaea (Gaia). Gaia chính là Nữ Oa, Mẹ Đất hay Mẫu Địa.
Cổ Lôi Ngọc Phả truyền thư viết rằng : “Buổi sơ khai tên nước là Cực Lạc, phật hiệu là Di Đà, sinh ra ở Hòa Bình, ở tại núi Tản Viên, hóa ở Tây Phương Cực Lạc, mộ ở mặt trước núi. Giỗ ngày mùng 1 tháng Tư. Đế Thiên (Phục Hy), mộ tại Thiên Thị núi Sài, Quốc Oai, Sơn Tây. Ngày giỗ mùng 4 tháng Tư. Địa Mẫu mộ tại Cực Lạc, bên trái chân núi. Ngày giỗ mùng 1 tháng Tư. Địa Mẫu dạy dân cầy cấy, chuyện nghề nông tang, cứu khổ chúng sinh nên đời sau truy tôn là Địa Mẫu Chân Tiên.”
Như vậy, Phục Hy cũng chính là Đế Thiên hay Vua Trời. Phục Hy – Đế Thiên – Vua Trời đối xứng với Bàn Cổ – Đế Thích – Vua Đất.
===o===o===o===
THIÊN ĐỊA LINH LINH
Trạng thái đôi Cha trời mẹ đất (Phục Hy Nữ Oa) – Cha đất mẹ trời (Bàn Cổ Thiên Tiên) là Thiên địa linh linh. Khi hai trạng thái này cân bằng và chuyển hoá thông suốt sang nhau có Thiên Địa Minh Minh.
Người khổng lồ nam trong dân gian được gọi là ông Đùng hoặc ông Đổng, còn người khổng lồ nữ được gọi là bà Đùng hoặc bà Đà. Có nhiều sự tích về ông Đùng bà Đùng kiến tạo sông núi như dãy núi Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh), lèn Hai Vai (Nghệ An), hoặc ông Đùng bà Đà kiến tạo sông Đà.
Đây là cấp thấp hơn so với Bàn Cổ – Phục Hy – Nữ Oa.
– Ông Đổng là cấp thấp hơn của Bàn Cổ
– Ông Đùng là cấp thấp hơn của Phục Hy
– Bà Đùng là cấp thấp hơn của Nữ Oa
– Bà Đà là cấp thấp hơn của Mẫu Tiên Thiên
Thần Câu Mang là cấp thấp hơn của Bàn Cổ và Tiên Thiên. Các thần Câu Mang thường được thờ ở đền Nhà Bà.
Bộ ông bà đầu nhau và bộ thần tài thổ địa được sinh ra từ bộ Bàn Cổ – Phục Hy – Nữ Oa, và có cùng cấu trúc 2 ông 1 bà.
Bộ thần Khổng lồ liên quan đến kiến tạo cấu trúc. Bộ thần Câu Mang liên quan đến vận hành. Cấu trúc và vận hành đi đến tận cùng lại chuyên hoá được cho nhau.
Các trật tự kiến tạo với các vị thần trên phổ biến trong huyền sử của các dân tộc trên toàn thế giới bao gồm các dân tộc trên đất nước Việt.
Hình tượng tương tự người khổng lồ trong thần thoại Hy Lạp là các Titan. Các Titan là con của Gaia hay Mẫu Địa.
===o===o===o===
Hình âm dương
VÒNG TRÒN ÂM DƯƠNG
Vòng tròn âm dương dạng lốc xoáy là hỗn mang và hư vô, chính biểu tượng của Bàn Cổ. Vòng tròn tứ tượng là trật tự, biểu tượng của Phục Hy. Giữa hai trạng thái này là lưỡng nghi của Nữ Oa – Mẫu Địa và Mẫu Cửu Trùng – Mẫu Tiên Thiên, mà gọi chung là Mẫu Địa Tiên.
Mẫu Địa và Mẫu Đia Tiên là lưỡng nghi của nhau, vừa chung gốc vừa chuyển hoá được cho nhau. Đó là quá trình
– nước chuyển thành đất
– đất chuyển thành nước
Đất nước hoán chuyển đó chính là nguyên lý cốt lõi trong Đẻ đất đẻ nước của người Mường.
Thái Cực sinh Lưỡng Nghi. Lưỡng Nghi sinh Tứ Tượng. Tứ tượng sinh bát quái
– Đấng Bàn Cổ và Mẫu Tiên Thiên cùng trạng thái hỗn mang – hư vô liên quan đến Tiên Thiên Bát Quái,
– Tứ Tượng – Nữ Oa và trạng thái trật tự liên quan đến Hậu Thiên Bát Quái.
– Mẫu Địa Tiên là Lưỡng Nghi
Các chu kỳ của lịch sử vũ trụ, nhân loại và dân tộc đều được phân chia theo Bát quái
– Giai đoạn tiền sử là Tiên Thiên Bát Quái,
– Thời kỳ Hùng Vương là Lưỡng Nghi,
– Công nguyên là Hậu Thiên Bát Quái.
Chúng ta đang ở cuối của Công nguyên, cuối Hậu Thiên Bát Quái.
Chia sẻ:
Scroll to Top