Một người không thờ cúng ông bà, tổ tiên sẽ luôn là người mất gốc. Một người có sự thờ cúng ông bà, tổ tiên đích thực cuối cùng cũng cần phải biết cái gì là gốc.
Một số người chỉ thờ gia tiên nhà chồng, mà không thờ gia tiên nhà mình. Câu hỏi cũng là người ta được sinh ra trước hay lấy chồng lấy vợ trước.
Một số người chỉ ra sức chăm lo cho con cháu mình, còn thờ cúng cha mẹ, ông bà thì thôi đã có anh chị em, cô chú, bác dì lo. Câu hỏi cũng là con cháu người ấy và người ấy có trước hay ông bà có trước, và rồi con cháu người ấy có đối xử lại với người ấy như vậy hay không.
Một người phát hiện ra ban thờ ở nhà bị thày mời về làm ban thờ trấn yểm, bằng tóc và máu của chính người thân trong gia đình mình, thì sợ hãi muốn ngừng thờ cúng tổ tiên một thời gian. Vấn đề là gia tiên của người này có trước hay thày tà thuật có trước, tổ tiên có trước hay ban thờ tổ tiên có trước, máu thịt của người này có trước hay bùa ngải của thày bà có trước ? Nếu người này biết gìn giữ những cái gốc này thì tại sao phải sợ ? Còn nếu những cái gốc này không biết giữ thì có đốt hết bùa ngải đi, lánh mặt thày bà, lập ban thờ mới cũng chẳng ích lợi gì.
Có người dành hết tiền bạc, của cải, ngưng trệ hết công việc kiếm sống và công việc gia đình, lao tâm khổ tứ, nhờ thày này, thày nọ để tìm mộ người thân liệt sỹ đã mất, coi đó như mục đích cuộc đời. Thân mình là gốc để mình lo thân người khác, nhà mình là gốc để mình lo nhà người khác. Câu hỏi là họ đã làm hết trách nhiệm cá nhân với cái gốc của mình, mà cho rằng có thể lao đi lo cho người khác những thứ mình lo cho mình còn chẳng xong ?
Một số người coi việc thờ cúng ông bà tổ tiên như thể đó là văn hoá tốt đẹp của dân tộc và coi ngày giỗ tết như một phong trào tốt đẹp mà nhiều người tham gia vào nên họ cũng sẵn sàng tham gia vào. Họ hoàn toàn không hiểu được cái gốc của thờ cúng tổ tiên là thờ cúng người sinh ra mình, những người mà không có họ thì không có mình và đương nhiên cũng chẳng có con cháu mình. Chính bởi vì mất gốc như vây nên ngày mai thấy Phật sâu sắc hơn họ đem luôn tượng và ảnh Phật đặt vào giữa ban thờ gia tiên, ngày kia thấy Chúa tốt đẹp hơn người thân, nên họ về đập ban thờ gia tiên, xin Chúa cứu vớt cho người thân của họ, và họ cho rằng việc họ theo Phật theo Chúa là hoàn toàn vì gia đình.
Có người tiền ăn chưa đủ, cha mẹ già chưa chăm, nhưng cũng phải làm cái cổng nhà thật to, cái lăng mộ to đẹp cho các cụ. Câu hỏi là thân thể là gốc hay cái nhà chứa thân là gốc.
Một người chọn thuê nhà và mua nhà, với tiêu chí là gần cơ quan và gần bệnh viện và gần siêu thị. Mục đích cuộc sống không phải là để lúc ốm chỉ cần đặt hàng online là có đồ ăn, trời mưa dạy muộn vẫn không muộn giờ làm và chạy sang đường là vào được bệnh viện. Cái gốc của cuộc sống an bình là ngôi nhà của mình và gia đình của mình, không phải là bệnh viện, cơ quan hay siêu thị. Cái gốc của căn nhà là để cho cả gia đình sinh sống yên vui và để cho gia tiên về được ban thờ cùng con cháu. Cái gốc của căn nhà không phải là những tiện ích liên quan đến công việc, bệnh viện, trường học hay buôn bán.
Một người được cha mẹ sang tên cho cái nhà mà ông bà anh ta và các em anh ta đang ở, anh ta liền tìm cách bán cái nhà của gia đình đi, rồi mua cái chung cư rẻ tiền cho bố mẹ và các em chuyển đến ở. Anh ta làm thế thì bản thân mình rảnh nợ, khỏi phải tự mình chăm lo cho ông bà và các em, và lại có tiền dư để đầu tư kinh doanh. Anh ta nghĩ bố mẹ già rồi cần gì đâu, nhà cửa tiền bạc cuối cùng đều để cho con trai (là anh ta). Dù anh ta bố mẹ, anh em còn sống nguyên trong cái nhà ấy, nhưng cơ hội kinh doanh đến rồi, sổ đỏ cha mẹ đã sang tên cho, vậy anh ta bán nhà là hoàn toàn hợp lý. Anh ta không hiểu rằng không có ông bà, cha mẹ thì làm gì có nhà, không có gia đình thì bao nhiêu tiền bạc cũng sẽ trôi sông, việc kinh doanh của anh ta thì anh ta phải tự thân mà vân động, không được đụng đến đất đai của gia đình. Anh ta cho rằng cái nhà nào chả là cái nhà, nhưng cái nhà có bố mẹ anh em sống, cái nhà nơi anh ta sinh ra không giống cái nhà hoang, cái nhà mua đi bán lại theo lô. Gốc của cái nhà không phải là cái hộp sắt thép, mà là mảnh đất và các thành viên gia đình.
Có một người đang chữa phong thuỷ cho đất nhà mình thì được chỉ cho một trấn yểm cả trăm năm trên đất, thế là người này lao vào tìm hiểu, chữa trị, rồi xin bán đất và căn nhà trên đất đó luôn. Rõ ràng cái đất phải có trước cái trấn yểm ở trên đất, nên anh ta chỉ cần sống hoà hợp với cái gốc của đất nhà mình là được, anh ta chẳng cần vội chữa mà cũng chẳng cần vội chạy đi đâu hết. Còn một khi anh ta chạy trốn thì chạy đâu cũng không thoát đất trấn yểm và sự mất gốc của chính bản thân mình.
Một số người cho rằng họ sẽ chỉ chọn các công việc phù hợp với đam mê cá nhân, chỉ chọn các công ty có cùng tầm nhìn và các sếp có cùng lý tưởng. Một số người thì coi cơ quan là nhà, bữa ăn là cơ hội giao dịch với đối tác, giấc ngủ là lúc tính toán tranh giành địa vị. Người đi làm không vì tiền mà vì đam mê và người coi công việc là mục đích sống, đều là người mất gốc về đồng tiền và lao động. Sinh tồn của cá nhân và gia đình, với các nhu cầu về thức ăn, nơi ở, phương tiện đi lại và tiền, là động lực gốc của việc chúng ta làm việc. Nếu vững vàng trong cái gốc của lao động, chúng ta sẽ tự biết cách sống với đồng nghiệp, làm việc với sếp cho phù hợp, và hoàn thành công việc thế nào cho đúng lúc và đúng chỗ.
Một người cứ hễ ốm là tìm hết thuốc này đến thày nọ. Thuốc hay thức ăn mới là gốc của cơ thể, rồi thày thuốc hay cơ thể mới là cái gốc của sức khoẻ ?
Một người bị thương gãy chân, cứ ai đến thăm anh ta là anh ta lại rên rỉ về việc từ ngày gặp tai nạn, anh ta mất hết, mất sức khoẻ, mất công việc. Anh ta coi ngày gặp tai nạn như là ngày sinh và cái chân què mới là cái chân đích thực, cho nên dù chạy chữa đến mức nào, anh ta cũng không bao giờ có thể còn đi lại được bằng đôi chân của chính mình trên mặt đất và trong cuộc đời. Anh ta đánh mất cái gốc không thời gian của cuộc đời – là thân thể mà anh ta được sinh ra với nó và thân thể mà anh ta lớn lên cùng nó.
Trong mỗi hoàn cảnh và quan hệ cuộc sống, một người phải tự biết cái gì là gốc và phải biết bất kỳ cái gì cũng có gốc, bao gồm sinh mệnh của mình.