TRUYỀN THỐNG TẾT

Loading

Tết là một truyền thống.
Truyền thống là cái được truyền thừa một cách có hệ thống, và chỉ có cái cốt lõi nhất của Tết mới có thể được truyền thừa có hệ thống qua hàng nghìn năm tính từ thời Hùng Vương.
Nhiều người chê Tết là mệt mỏi, rườm rà, tốn kém … nhưng không có ông thần nào tên là Tết ra cái nghị định bắt chúng ta đón Tết như thế nay hay như thế khác, nếu không sẽ phạt nặng; mà mỗi chúng ta nên tự chịu trách nhiệm về cách hiểu và cách đón Tết của mình.
Nhiều người kêu gọi đơn giản hoá Tết, vì bỏ thì thiếu mà giữ thì thừa. Giữ, bỏ hay đơn giản hóa thì vẫn phải hiểu bản chất Tết là cái gì để tự mình giữ lấy Tết, còn ai thích giữ cái gì và bỏ cái gì là việc riêng của họ.
Một số người kêu gọi khôi phục Tết cổ truyền, nhưng một khi không biết bản chất của Tết thì cũng chẳng biết cổ truyền là thế nào. Tết đâu phải là một sự kiện chết đứng trong quá khứ, Tết vẫn đến và đi hàng năm, chẳng cần ai khôi phục.
Một số người cố gắng làm những thứ rườm rà, cầu kỳ, phức tạp bề ngoài vào dịp Tết để cho mình ảo giác cổ xưa, khác thường, huyền bí, thiêng liêng mà họ từ lâu đã không còn được trải nghiệm.
Một số người cổ vũ việc mặc áo dài, đội khăn xếp hay viết chữ thư pháp trong dịp Tết. Việc này chẳng có gì sai, nhưng đừng gọi bất kỳ cái gì không còn phổ biến hiện nay là truyền thống Tết.
Có thể chúng ta không biết được Tết đúng là thế nào, nhưng chúng ta có thể suy luận ra rằng để ai cũng được đón Tết, không phân biệt giàu nghèo sang hèn, không phân biệt hiện tại hay cách đây 3000 năm, miễn là còn có cơm ăn, khố mặc, vậy thì
– Áo dài, khăn xếp hay tất cả các loại quần là áo lượt để chưng ra, có được thì tốt, thích thì mặc nhưng chẳng liên quan nhiều đến bản chất của Tết là chuyển giao chu kỳ thời gian và chu kỳ sự sống. Quần áo phản ánh hiện trạng thân thể, thời tiết, hoàn cảnh sống, nhu cầu sức khoẻ và cái tôi của một người. Mặc cái gì thì mặc nhưng đừng đánh mất những hiện thực cơ bản ấy, nhất là vào một dịp ý nghĩa như Tết.
– Hoa là truyền thống của Tết, nhưng không phải theo cách mà chúng ta hiểu. Với người nghèo, cả trời đất là nở hoa vào mua xuân, chỉ cần người ấy cảm nhận được trạng thái này là người ấy có hoa Tết, còn người giầu cắm hoa trong nhà mà không cảm nhận được sự nở hoa của đất trời cũng là không có Tết. Tuy nhiên, một khi đã mang hoa, mang cây vào nhà, là mà mang theo biểu tượng hơi thở mùa xuân, thì không phải cây hoa nào cũng phù hợp, như đào và mai thì hợp, mà lê và mận lại không, cây quất bầy trong nhà, còn quả bưởi chỉ để trên mâm ngủ quả.
– Hái lộc không phải truyền thống của Tết. Cây của mình tự trồng mình, hái lộc thì mình tự làm hại cây, hại mình. Cây của người khác trồng, mình hái lộc là ăn trộm. Cây ngoài tự nhiên và cây đi mua là mình mở cửa mang rác, dính mắc và những luồng vô thừa nhận vào nhà. Người trưởng thành và chắc chắn không ai có hành vi vẩn vơ và tai hại như vậy vào đầu năm mới.
– Thư pháp không phải truyền thống Tết. Năm mới người thích khai bút, người vui sướng vì quẳng được sách vở đi. Năm mới, ai thích viết gì thì viết, mà không viết cũng chẳng sao. Nhưng một khi ta phải nhờ hay mua một thứ chữ người khác viết cho mình vì tự mình chả hiểu, rồi chưng nó lên giữa nhà để thể hiện thì đó là sự tiếp nối truyền thống hay là sự xấu hổ của cá nhân có tự chủ, thiết nghĩ ta tự trả lời được. Cái tên tiếng Việt do cha mẹ đặt riêng cho ta liệu có thiêng liêng và đáng giữ gìn hơn cái chữ đi xin, đi mượn, đi chưng đó không, điều này ta cũng nên tự nghĩ.
– Cũng là để chưng ra nhưng cây nêu có giá trị tinh thần và phản ánh đặc trưng Tết rất rõ ràng. Nêu được dựng lên, là biết Tết đã đến, nêu được hạ xuống là biết Tết đã qua. Ở bất kỳ quận huyện nào của Hà Nội, ở bất kỳ tỉnh thành nào của cả nước, chúng ta vẫn có thể dễ dàng tìm thấy cây nêu, được dựng lên trước cửa đình, đền, nghè, miếu làng và trước cửa một số nhà dân vào dịp Tết.
– Làm mâm cơm đủ món Tết niên, mùng 1, mùng 2, mùng 3 là mong muốn của một số gia đình và chừng nào mong muốn ấy còn phù hợp với năng lực thì tự nó còn tồn tại như một truyền thống, nếu không nó sẽ bị chuyển hoá
– Con gà cúng giao thừa cũng không cần thiết nếu chúng ta đã hiểu được bản chất của Tết rồi. Người ăn chay hay người nghèo chả có gà mà ăn thì vẫn được đón giao thừa và có khi giây phút giao thừa ấy với họ còn linh thiêng và tinh khiết hơn giao thừa của người giàu.
– Đốt pháo Tết, nghe tiếng pháo Tết, nhìn xác pháo Tết, ngửi mùi pháo Tết là ký ức rất đẹp trong lòng nhiều người Việt. Pháo không còn nữa, nhưng giao thừa vẫn là khoảnh khắc thiêng liêng. Vào khắc giao thừa, người dân một số nơi có thể nghe tiếng trống đình làng, thấy tiếng chuông chùa, tiếng mõ làng, tiếng cồng chiêng, tiếng chày. Không còn được đốt pháo, một số nhà nổi lửa để nghe tiếng củi nổ tý tách vào khắc giao thừa. Pháo hoa và biểu diễn ánh sáng cũng là cách báo hiệu và chúc mừng Giao thừa của chính phủ cho nhân dân. Nhưng đừng nhăm nhăm đón pháo hoa, mà quên mất cái ta cần đón là khắc giao thừa, nhưng đừng mải ngắm pháo hoa mà đánh mất tiếng lòng mình đáp lại giao thừa. Trong giao thừa, ta cần những âm thanh mang hồn của đất và hồn người sống trên đất, không phải tiếng vô tuyến. Quá nhiều thời gian ngồi trước vô tuyến khiến con người ta vô hồn, người ta buồn vui với vô tuyến, người ta đáp lại vô tuyến, thay ở trong hiện thực và đáp lại hiện thực, trong đó có hiện thực giao thừa.
– Làm bánh chưng bánh dầy là một truyền thống Tết rõ ràng nhất bởi vì nó được phản ánh trong sự tích Lang Liêu và vẫn còn tìm thấy ở thời hiện đại. Gạo là cây lương thực cơ bản của người Việt. Người ăn mặn, người ăn chay, người thích vị này, người thích hình kia, người giàu, người nghèo, người miền núi, người miền xuôi, chừng nào còn là người Việt, chừng nào còn ăn gạo thì đều có thể làm bánh chưng, bánh dầy.
Tết dành cho tất cả người dân Việt, ai không đón Tết người ấy thiệt.
Tết Nguyên Đán dành cho tất cả mọi người dân Việt dù giàu hay nghèo, dù độc thân hay con đàn cháu đống, dù sống từ thời Hùng Vương hay ở thời hiện đại, vậy thì Tết cần phản ảnh hiện thực rất cơ bản và cần diễn ra theo một cách rất là cơ bản mà thôi. Không hiểu được cái cơ bản ấy và làm những thứ bên ngoài cái cơ bản ấy là không có Tết.
Để chạm được vào truyền thống Tết, một người cần có tính hệ thống và cần chạm được vào tính truyền thừa sự sống trong con người mình. Nếu không được sinh ra bởi các thế hệ trước, nói cách khác là ta được truyền thừa, thì liệu ta có còn tồn tại ? Nếu ta không phải là một hệ sự sống, nói cách khác là ta có tính hệ thống, thì liệu ta có còn tồn tại ? Nếu tính hệ thống và tính truyền thừa trong chính con người mình mà ta con u mê, thì ta lấy cái nền tảng gì ra để hiểu được về tính truyền thừa và tính hệ thống của Tết.
Tết đã xuất hiện ít nhất từ thời Hùng Vương thứ 6 qua sự tích bánh chưng bánh dầy. Ăn Tết là ăn cái bánh chưng bánh dày mà tự tay chúng ta làm lấy sau khi cúng ông bà đầu nhau và gia tiên tiền tổ. Đó chính là tính truyền thừa.
Tiễn ông Công ông Táo về trời trước Tết và đón ông Công ông Táo quay về sau Tết là một truyền thống Tết. Đón ông bà về nhà ăn Tết với con cháu và hoá vàng tiễn ông bà đi sau Tết là một truyền thống Tết. Còn cụ thể mỗi người, mỗi gia đình, mỗi vùng miền tiễn và đón như thế nào là sự thích nghi với truyền thống. Có những sự thích nghi đúng đắn và có những sự thích nghi lệch lạc.
Tết liên quan là sự chuyển giao các chu kỳ thời gian mà đi cùng với nó là các chu kỳ sư sống. Tết là giai đoạn chuyển giao giữa các chu kỳ trong đó có chu kỳ năm âm lịch cũ và chu kỳ năm âm lịch mới. Giao thừa là khắc chuyển giáo ấy. Giao thừa rõ ràng là một hệ thống mà không Tết nào không có. Đón giao thừa từ năm này qua năm khác. Đó chính là tính hệ thống.
Lắng nghe khắc giao thừa và đáp lại bằng cả con người mình là một truyền thống Tết. Ta có thể đáp lại bằng pháo, bằng củi lửa, ta cũng có thể đáp lại bằng sự yên lặng trong tim, điều quan trọng là ta thiết tha muốn đáp lại bằng cách nay hoặc bằng cách khác của riêng ta.
Chia sẻ:
Scroll to Top