THỜI TIẾT CỰC ĐOAN CỦA THÁNG BA ÂM LỊCH QUA CA DAO, TỤC NGỮ

Loading

Hôm nay là ngày thứ hai của tiết Cốc Vũ, mưa không quá to nhưng sấm ầm ầm, chớp có lúc sáng hết cả một góc nhà và gió rít rất mạnh. Chúng ta hãy cùng điểm lại ca dao, tục ngữ về thời tiết có phần rất cực đoan của tháng ba âm lịch
BÃO LŨ
– Tháng ba, mười ba còn ghi
Nhựt thực giờ Ngọ, vậy thì tối tăm
– Năm Thìn mười sáu tháng ba
Gặp một trận bão cửa nhà tan hoang
– Không ai mà rõ thiên cơ
Bước qua mười sáu giông chơi một hồi
Tưởng là một lát mà thôi
Ai dè đến tối nổi trôi cửa nhà
Các câu trên đều nói về trân bão lũ kinh hoàng vào năm Giáp Thìn 1904 gây thiệt hại nặng nề về người và của, gây vỡ đê và đổi dòng chảy của các dòng sông, cho các tỉnh từ miền Trung đến miền Nam. Có nơi đỉnh điểm là 13 tháng 3 âm lịch, có nơi đỉnh điểm vào 15 hoặc 16 tháng 3 âm lịch, nói chung đều vào tiết Cốc Vũ.
VỠ ĐÊ
– Tháng ba tháng tám đi đâu
Bỏ đê không đắp rồi sau kêu trời
Chém cha lũ kiến vô loài
Dám đem đê đó làm mồi kiến ăn
Một mai nước vỡ đến chân
Chẳng qua chỉ lũ nông dân thiệt thòi
KHÔ HẠN
– Tháng ba cày vỡ ruộng ra
Tháng ba là mùa khô hạn, đồng ruộng nứt nẻ
– Khó thay công việc nhà quê
Quanh năm khó nhọc dám hề khoan thai
Tháng chạp thì mắc trồng khoai
Tháng giêng trồng đậu tháng hai trồng cà
Tháng ba cày vỡ ruộng ra
Tháng tư bắc mạ thuận hòa mọi nơi
Tháng năm gặt hái vừa rồi
Bước sang tháng sáu lúa trôi đầy đồng
Nhà nhà vợ vợ chồng chồng
Đi làm ngoài đồng sá kể sớm trưa
Tháng sáu tháng bảy khi vừa
Vun trồng giống lúa bỏ chừa cỏ tranh
Tháng tám lúa giỗ đã đành
Tháng mười cắt hái cho nhanh kịp người
Khó khăn làm mấy tháng trời
Lại còn mưa nắng thất thời khổ trông
Cắt rồi nộp thuế nhà công
Từ rày mới được yên lòng ấm no.
– Anh ơi! phải lính thì đi
Cửa nhà mọi việc em thì chẳng sai
Tháng chạp là tiết trồng khoai
Tháng giêng trồng đậu, tháng hai trồng cà
Tháng ba cày vỡ đất ra
Tháng tư gieo mạ, thuận hòa mọi nơi
Tháng mười gặt hái vừa rồi
Trời đổ mưa xuống, nước trôi đầy đồng
Anh ơi, hãy giữ việc công
Để em cày cấy, mặc lòng em lo
RÉT LẠNH
– Tháng giêng rét đài,
Tháng hai rét lộc,
Tháng ba rét nàng Bân
– Rét tháng ba bà già chết cóng
– Bao giờ cho hết tháng 3.
Hoa gạo rụng xuống, bà già cất chăn.
GIÓ
– Tháng mười lất phất gió nam
Tháng ba Đông Bắc có làm không ăn
– Tháng tám trời thổi gió nồm
Tháng ba Đông Bắc có làm không ăn
– Tháng giêng là gió hây hây
Tháng hai gió mát, trăng bay vào đền
Tháng ba gió đưa nước lên
Tháng tư gió đánh cho mềm ngọn cây
Tháng năm là tiết gió tây
Tháng sáu gió mát cấy cày tính sao
Tháng bảy gió lọt song đào
Tháng tám là tháng tạt vào hôm mai
Tháng chín là tháng gió ngoài
Tháng mười là tháng heo may rải đồng
Tháng một gió về mùa đông
Tháng chạp gió lạnh gió lùng, chàng ơi
Mười hai tháng gió tôi đã họa rồi
Mưa đâu, chàng họa một bài cùng nghe!
NẮNG
– Nắng tháng ba chó già lè lưỡi
– Nắng tháng ba, hoa chẳng héo
– Tháng giêng là nắng hơi hơi
Tháng hai là nắng giữa trời nắng ra
Thứ nhất là nắng tháng ba
Tháng tư có nắng nhưng mà nắng non
Tháng năm nắng đẹp nắng giòn
Tháng sáu có nắng bóng tròn về trưa
Tháng bảy là nắng vừa vừa
Tháng tám là nắng tờ ơ thế này
Tháng chín nắng gắt nắng gay
Tháng mười có nắng, nhưng ngày nắng không
Tháng một là nắng mùa đông
Tháng chạp có nắng nhưng không có gì
– Tháng giêng thì nắng hơi hơi
Tháng hai thì nắng tuyết giời nắng ra
Tháng ba được trận nắng già
Tháng tư có nắng nhưng mà nắng non
Tháng năm nắng đẹp nắng ròn
Tháng sáu có nắng bóng tròn về trưa
Tháng bảy vừa nắng vừa mưa
Tháng tám còn nắng nhưng chưa ngắn ngày
Tháng chín nắng ớt, nắng cay
Tháng mười có nắng nhưng ngày ngắn hơn
MƯA
– Mưa tháng tư, hư đất
Mưa tháng ba, hoa đất
– Tháng ba mưa đám
Tháng tám mưa cơn
– Tháng bảy ngó ra
Tháng ba ngó vào
Câu này nói về hướng nhìn để thấy mây mà đón mưa theo tháng.
NẮNG LỬA, MƯA DẦU
– Tháng giêng xuân tuyết mau mưa
Nhớ chàng những lúc sớm trưa vui cười
Tháng hai hoa đã nở rồi
Nhớ chàng em phải đứng ngồi thở than
Tháng ba nắng lửa mưa dầu
Nhớ chàng em những âu sầu chả tươi
Tháng tư sấm giục mưa rơi
Nhớ chàng thơ thẩn ra chơi vườn cà
Tháng năm gặt hái rồi rà
Nhớ chàng như thể nhớ hoa trên cành
– Buồn về một nỗi tháng Giêng
Con chim, cái cú nằm nghiêng thở dài
Buồn về một nỗi tháng Hai
Ðêm ngắn, ngày dài thua thiệt người ta
Buồn về một nỗi tháng Ba
Mưa rầu, nắng lửa người ta lừ đừ
Buồn về một nỗi tháng Tư
Con mắt lừ đừ cơm chẳng muốn ăn
Buồn về một nỗi tháng Năm
Chửa đặt mình nằm gà gáy, chim kêu.
Bước sang tháng Sáu lại đều
Thiên hạ cày cấy râm riu ngoài đồng.
MÙA GIÁP HẠT
– Ếch tháng ba, gà tháng bảy
Câu này nói về ếch và gà hai tháng này gầy vì giáp hạt.
– Tháng ba đói hoa con mắt
– Tháng bảy chưa qua, tháng ba đã tới
– Tháng tám đói qua, tháng ba đói chết
– Tháng ba trong nước ai ơi
Nhịn cơm nhường mặc mà nuôi bạn cùng
– Bao giờ cho hết tháng ba,
Bồ nông no ấm ở nhà nghỉ ngơi
– Tháng ba ngày tám rỗi ràng
Làm sao đủ gạo mùa màng khỏi lo
– Giời làm chết đói tháng ba
Người thì bán cửa bán nhà để ăn
Người thì bán áo bán khăn
Bán đi cho sạch, cốt ăn sống người
Người thì bán mâm bán nồi
Người thì bán cả đồ chơi trong nhà
Người thì bán đất bán nhà
Người thì bán cả mâm xà bát hương
Người thì bán sập bán giường
Có người bán chĩnh làm tương độ chầy
Giời ơi đất hỡi có hay?
MÙA LÚA
– Tháng giêng thì lúa xanh già
Tháng hai lúa trổ, tháng ba lúa vàng
Tháng tư cuốc đất trồng lang
Tháng năm cày cuốc tiếng nàng hò lơ
Tháng sáu làm cỏ dọn bờ
Tháng bảy trổ cờ, tháng tám chín thơm
Gặt về đạp lúa phơi rơm
Mồ hôi đổi lấy bát cơm hàng ngày
Lúa khô giê sạch cất ngay
Chỗ cao ta để phòng ngày nước dâng
Mùa đông mưa bão nhiều lần
Nàng xay, chàng giã cùng ngân tiếng hò
Tháng mười cày cấy mưa to
Trông trời, trông đất cầu cho được mùa
MÙA GIÁP HẠT PHẢI LÀM NGHỀ PHỤ
– Quê anh ngày tám tháng ba
Quay vào làm rọ, quay ra đan lờ
Nhờ trời mưa gió thuận hòa
Rọ lờ bán được, cả nhà yên vui
– Nhà giàu mua vải tháng ba
Bán gạo tháng tám mới ra nhà giàu
– Con ơi con ở với bà,
Má đi mần mắm tháng ba má về
Má về có mắm con ăn
Có khô con nướng có em con bồng
MÙA CÁ CHÉP VƯỢT VŨ MÔN TIẾT CỐC VŨ
– Nhớ ngày hăm ba tháng ba
Dân trại ta vượt Nhị Hà thăm quê
Kinh quán, cựu quán đề huề
Hồ Tây cá nhảy đi về trong mây
Câu này viết về hội Lệ Mật, một làng ở quận Long Biên, tả ngạn sông Hồng, quê gốc sinh ra Thập Tam Trại, là 13 trại quanh kinh thành Thăng Long, nằm ở hữu ngạn sông Hồng. Kinh quán là Thập Tam Trại. Cựu quán là Lệ Mật. Hội làng có tục bắt cá chép, xuất hiện ở ao làng nằm trước mặt đình. Cá này tương truyền là cá Hồ Tây, nhảy đi nhảy về qua Nhị Hà để xuất hiện ở Lệ Mật. Làng Lệ Mật có huyệt nước, liên quan đến sông Đuống, mà vào đầu thời Lý thành hoàng làng, đã nhờ huyệt này vợt được Công chúa Cả, con vua Lý chết đuối mất xác dưới sông Thiên Đức (sông Đuống) khi đang đi chơi trên sông. Am thờ Công chúa được dựng ngay cạnh ạo, trước chếch trước cửa đình làng.
MÙA RAM
– Tháng chín động rươi
Tháng mười động ra
Tháng ba động rạm
MÙA NÁ ĐANH
– Ná tháng ba hơn tre già tháng tám
MÙA ĐỖ
– Thiếu tháng hai mất cà
Thiếu tháng ba mất đỗ
MÙA ĐẬU
– Tháng Giêng là tháng ăn chơi
Tháng Hai trồng đậu, trồng khoai, trồng cà
Tháng Ba thì đậu đã già
Ta đi ta hái về nhà phơi khô
Tháng Tư đi tậu trâu bò
Để ta sắm sửa làm mùa tháng Năm
Sáng ngày đêm lúa ra ngâm
Bao giờ mọc mầm ta sẽ vớt ra
Gánh đi ta ném ruộng ta,
Đến khi lên mạ thì ta nhổ về
VÈ NÓI NGƯỢC
Như vậy thời tiết tháng ba và mùa vụ tháng ba là sự kết hợp của những trái ngược kiểu hoả thuỷ
– gió mưa đồng thời khô hạn
– đất nứt nẻ, cầy đến vỡ ruộng, rồi mưa bão và lũ lụt khủng khiếp đến mức vỡ đê
– nắng to, nắng già đồng thời rét cóng
– nắng lửa và mưa dầu
Và chúng ta hãy cùng đọc lại bài bài vè nói ngược nổi tiếng của tháng Ba âm lịch
Bao giờ cho đến tháng ba,
Ếch cắn cổ rắn tha ra ngoài đồng.
Hùm nằm cho lợn liếm lông,
Một chục quả hồng nuốt lão tám mươi.
Nắm xôi nuốt trẻ lên mười,
Con gà, be rượu nuốt người lao đao.
Lươn nằm cho trúm bò vào,
Một đàn cào cào đuổi bắt cá rô.
Lúa mạ nhảy lên ăn bò,
Cỏ năn, cỏ lác rình mò bắt trâu.
Gà con đuổi bắt diều hâu,
Chim ri đuổi đánh vỡ đầu bồ nông.
Chia sẻ:
Scroll to Top