THIỀN : NHẬN THỨC & HÀNH VI

Loading

Thiền là trạng thái nhận thức của chính mình về hành vi của chính mình.
Trong thiền Vipassana, một người phải tự đặt mình vào địa vị chủ thể để tự nhận thức về hành vi của mình như khách thể
– Thiền quán thân : Tự nhận thức về vận hành của cơ thể
– Thiên quán tâm : Tự nhận thức về vận hành của tâm trí, cảm xúc, ý chí
– Thiền quán pháp : Tự nhận thức về cách thức, quy luật vận hành của con người thân và tâm của mình
Hành thiền là đồng hành nhận thức của chính mình và hành vi của chính mình, để tạo nên hiện thực của chính mình.
Cơ bản để có sự “hành thiền” cần cấu trúc thiền và vận hành thiền.
1. Cấu trúc thiền
– Chủ thể thiền : Người không có tính chủ thể, tính tự chủ, tính chủ động, tính tự chịu trách nhiệm thì người này không thể trở thành chủ thể thiền được. Ví dụ : người không tự làm việc để nuôi sống bản thân mà để người khác làm việc nuôi sống mình; người không tự nhận thức chỉ đi theo nhận thức của người khác.
– Đối tượng thiền : Là đối tượng mà chủ thể thiền cần nhận thức và vận hành. Chủ thể nhận thức sẽ tự sinh ra đối tượng nhận thức và ngược lại đối tượng nhận thức sẽ tạo ra một chủ thể nhận thức phù hợp.
Khi tính chủ thể yếu, tính đối tượng mạnh, thì đặt ra 100, 1000 câu hỏi, cái gì cũng muốn biết nhưng không tự biết, chỉ lao đi tìm kiến thức, lúc nào cũng muốn đọc, chỉ lao đi tìm thầy, lúc nào cũng muốn học. Không có tính chủ thể, nên không bao giờ tự đặt câu hỏi cho chính mình để tự trả lời và tự mình làm luôn như tôi phải làm gì hôm nay, với ai, như thế nào, để có tiền 500k chẳng hạn.
Khi tính chủ thể mạnh và tính đối tương yếu, thì không có năng lực đặt ra các câu hỏi về bản chất cuộc đời, chỉ tập trung vào các nhận thức và hành vi thiết thực, cụ thể, trước mắt, làm được ngay, nên thiền, một thứ liên quan đến các tầng nhận thức quá cơ bản và sâu xa trở nên vô giá trị.
2. Vận hành thiền
– Nhận thức thiền
– Hành vi thiền
Vận hành thiền là thứ không định nghĩa chết cứng được mà chỉ có người hành thiền qua mỗi buổi thiền tự hiểu, nhưng cấu trúc thiền thì rõ ràng hơn được.
Khi cấu trúc thiền được tách bạch rõ ràng âm và dương, ví dụ chủ thể thiền là dương và đối tượng thiền là âm, thì sinh ra vận hành thiền và lúc này vận hành thiền mới có giá trị.
Còn nếu cấu trúc thiền đã hỏng âm dương thì vân hành “thiền” thực ra chỉ là
– ngồi nghĩ lung tung từ việc lặt vặt đến các tưởng tượng hoang đường, hôn trầm, mê ngủ …
– khoá thân tâm vào một trạng thái nào đó … như an tĩnh, âm nhạc, chuyển động …
Nhiều người cho rằng khoá thân tâm chết cứng ở một trạng thái nào đó, đặc biệt trạng thái chẳng còn phân biệt được chủ thể và đối tượng là thiền. Khi không khoá thân tâm chặt vào nhau được nữa thì họ rơi lại vào các suy nghĩ lung tung, hoang tưởng, hôn trầm, mê ngủ … Mục đích “thiền” của họ chỉ là kéo dài cái trạng thái khoá này ra. Thiền tốt với họ nghĩa là khoá thân tâm lại được lâu mà không hôn trầm hay mơ ngủ.
CẤU TRÚC : ĐỐI TƯỢNG THIỀN & CHỦ THỂ THIỀN
Chủ thể và khách thể là hai đối tượng cơ bản mang tính âm dương của bất kỳ nhận thức và hành vi nào. Khi một người bị suy âm dương đến mức mất chủ thể nhân thức và đối tượng nhấn thức, hoặc mất chủ thể hành vi và đối tượng hành vi, hoặc chập cheng âm dương vào với nhau, thì họ không có cấu trúc thiền, không có lề lối thiền.
Chủ thể thiền và đối tượng thiền là âm dương của nhau, cho nên không có chủ thể nhận thức và đối tượng nhận thức thì một người thiền không được. Họ không thể thiền được, vì họ luôn luôn ở ngoài trạng thái âm dương cơ bản của thiền.
Những người có mục đích tự thân, có phương pháp tự làm và có tính chủ thể tự chịu trách nhiệm rõ ràng trong cuộc đời bình thường của chính họ như những người làm chủ, những người làm sếp, những người tự làm nên sự nghiệp thì sẽ thiền rất giỏi vì cấu trúc thiền của họ quá tốt, giáo viên chỉ cần đỡ phần vận hành thiền.
Nhiều người có tính chủ thể cao lại chẳng quan tâm đến thiền mà lúc nào cũng bận rộn làm ông chủ, bà chủ, làm sếp lớn …, trong khi quá nhiều người muốn thiền kiểu
– người vô công rồi nghề, chả biết làm gì, chả có mục đích gì, chả muốn chịu trách nhiệm gì, thích thiền nhưng không có năng lực chủ thề thiền
– những người chỉ muốn có thêm nhận thức, trải nghiệm, kiến thức về thiền, chứ không thực sự có mục đích gì cho thiền, không có đối tượng thiền nào cả
Người học hành chữ nghĩa, kiến thức, lý thuyết và lý tưởng quá nhiều thường mất năng lực nhận thức tự thân và hành động tự thân. Khi cần tự thân vận động để tự nhận thức về một đối tượng gì đó, thì họ chẳng quan tâm đến đối tương, họ cũng chả tự nhân thức về đối tượng, mà họ vận động theo khuôn mẫu là đi tìm kiến thức, nguyên lý, đi tìm sách hoặc đi tìm thày.
Khi tìm được cả đống kiến thức hay minh sư, giáo chủ gì gì đó, người lý thuyết suông cho rằng là họ đã hoàn thành việc nhận thức và họ quẳng luôn đối tượng nhận thức đi. Ví dụ một người cần hiểu về làng quê nơi ông bà mình sinh ra, thì người này có rất nhiều cách, ví dụ như về làng quê sống một thời gian, nhưng có người đọc mấy bài báo về làng quê đó và thấy rằng họ đã hiểu về làng quê này rồi. Làng quê sống động cụ thể với đất, nước, mây trời, ao hồ, con người, của ông bà sinh ra họ, tự dưng thành vài câu chữ. Người này không phân biệt giữa một làng quê với các liên hệ cá nhân với họ và những câu chữ được viết bởi một người khác với họ.
Khi phân tách âm dương giữa chủ thể nhận thức và đối tương nhận thức quá yếu, quá trình học hành của một người chỉ còn là đóng khung nhận thức và đóng khung hành vi. Một trạng thái khung quá lâu sẽ giết chủ thể nhận thức và đối tượng nhận thức đích thực. Kiến thức và kỹ năng tích luỹ quá nhiều có thể làm suy giảm hành vi tự chủ và năng lực tự nhận thức.
Giáo viên dạy thiền vẫn có thể đỡ người mất tính chủ thể và không có mục đích thiền trên lớp, ví dụ
– giáo viên làm chủ thể
– giáo viên tạo ra đối tượng thiền bằng các đề tài thiền như cơ thể, hơi thở, bệnh tật, không gian sống, thời gian sống …
Nhưng nếu tình trạng mất chủ thể và đối tượng của một người quá nặng, thì
– họ thấy thiền chả hấp dẫn gì vì có thêm kiến thức từ sách vở, từ bạn bè, từ thày cô … nhanh hơn, thú vị hơn, hiệu quả hơn nhiều.
– họ học thiền rồi cũng không có năng lực tự hành thiền và chẳng có đối tượng nào để tự thiền
Khi không có tính chủ thể hành thiền và cũng không quan tâm đến đối tượng nhận thức trong thiền, một người tạo ra một trạng thái thiền không có đối tượng nhận thức và không có chủ thể nhận thức, chỉ là một trạng thái thân tâm chung chung ví dụ tâm bất tịnh, tâm thanh tinh, tâm an tĩnh, tâm không hay chú tâm… Ừ thì tĩnh tâm, ừ thì chú tâm nhưng mà để nhận thức cái gì thì họ không quan tâm, với họ câu chuyện thiền đến đây là chấm dứt. Họ cứ ngồi trong cái khung định nghĩa này, trong trạng thái thân tâm khoá vào nhau này, rồi bảo rằng họ đang thiền, cho nên ngày qua ngày họ chả nhận thức thêm chút nào về chính mình lẫn thiền. Trạng thái phủ nhận cả đối tượng thiền và chủ thể thiền của họ mâu thuẫn với cấu trúc của thiền.
VẬN HÀNH THIỀN & HÀNH VI, NHẬN THỨC CHỐNG LẠI THIỀN
Vận hành thiền là thứ mà chỉ có người hành thiền mới hiểu. Cho nên chúng ta sẽ thử nói về hành vi và nhận thức chống lại thiền.
Một người có thể chú, tâm chuyên tâm, làm một việc với thân thể mình mà họ không hiểu cả thân, tâm và hành vi này của chính mình, có thể cho rằng họ đang thiền.
– Có người gọi trang thái mất nhận thức về hành vi và thân thể của mình là thăng hoa trong thiền.
– Có người gọi việc chuyên tâm và chăm chú làm một hành vi nào đó là thiền chú tâm.
– Có người coi việc khoá thân tâm trong tư thế và trạng thái nào đó là thiền am tĩnh
– Có người gọi truyền phát năng lượng, điều hơi thở …. là thiền chữa lành.
Trong Vipassana chúng ta phải tự nhận thức về hơi thở, về thân thể và về suy nghĩ của chính mình, chứ không thể dùng cái này để kiểm soát cái kia, trong khi không nhận thức được bất kỳ cái nào cả. Trạng thái chăm chú và quyết tâm nhưng không hiểu thấu đáo được bất kỳ điều gì từ sự chăm chú và quyết tâm này là trạng thái chống lại thiền.
Nhiều người không dám cho con cái thiền vì sợ con cái điên và hoang tưởng. Cách đây nhiều năm, tôi có dự định thiền nên thử đi một vòng mấy lớp thiền. Đầu tiên, tôi qua mấy lớp khí công và thiền chữa lành, thấy các thày nói toàn chuyện ngoại cảm và hoang tưởng không kiểm chứng được, tôi sợ quá nên không dám đi học nữa mà tự thiền. Sau khi đã tự thiền nhiều rồi, tôi mới gặp được lớp Vipassana của thày Goenka và sau đó tôi sang Myanmar cũng thiền Vipassana.
Thiền là một dạng tự chủ về nhân thức và hành vi, trong khi điên là trạng thái mất tự chủ về hành vi và nhận thức. Cho nên, không thể điên vì thiền, mà chỉ có thể điên ở trạng thái ẩn, điên ở trạng thái nhẹ, nên tưởng là mình đang thiền mà thôi.
Thiền không phải là trò chơi và cần có năng lực chịu trách nhiệm cá nhân, người thiền cần có năng lực hành vi và nhận thức nhất định, còn khi hành vi và nhận thức ở dưới ngưỡng thì chỉ có ảo tưởng thiền. Thực tế là một người phải tự nhận thức được bản thân họ đang có vấn đề về nhân thức, tình cảm, ý chí và sức khoẻ, nghĩa là điên thể nhẹ, thì lúc này họ mới có mục đích thiền và mới có động lực thiền được.
Vận hành điên, chống lại vận hành thiền, và vận hành điên phổ biến hơn và dễ giải thích hơn nhiều so với vận hành thiền. Có ba dạng điên ứng với ba dạng không thiền được hoặc hoang tưởng thiền.
– Điên rồ dại : các nhân thức và các hành vi đều cực đoan và mâu thuẫn với hiện thực
– Điên ngây dại : nhận thức và hành vi tách rời nhau, hành vi không có nhận thức nên ngây dại
– Điên mâu thuẫn giữa hành vi và nhận thức ví dụ như đa nhân cách hoặc hoang tưởng
1.
Người điên rồ dại đương nhiên không thể thiền.
Người tâm trí quá cứng, quá nhiều khung nhưng chưa bị mâu thuẫn tâm trí đến phát điên thì cũng chẳng thiền được, vì thiền phải thư giãn, để mở rộng cả tâm trí, lẫn hành vi, chứ thiền không phải là khoá chết cả tâm trí và hành vi lại với nhau lại.
Có những người muốn thiền để giải quyết mâu thuẫn tâm trí, thế là chỉ cần vào lớp thiền họ sẽ điên tiết lên, cãi nhau về định nghĩa thiền, về phương pháp thiền, về môi trường thiền, về giáo viên thiền, về bạn thiền, về ngồi thiền, về ánh sáng thiền …. rồi bảo chính vì không có được tất cả những thứ phù hợp và đúng đắn cho thiền, nên họ không thể thiền được.
Trạng thái mâu thuẫn tâm trí này cần nghỉ ngơi, chơi bời, hát hò, vân động thì hiệu quả hơn nhiều, vì làm vậy tâm trí sẽ được giải toả và mâu thuẫn có thể sẽ qua, còn cho vào kỷ luật kỹ thuật hay phân tích tâm trí sẽ rất nguy hiểm, làm cho điên nhẹ có thể thành điên nặng, điên tạm thời có thể thành điên vĩnh viễn luôn.
Thiền là chống chỉ định với các cá nhân có kiểu nhận thức thân tâm chết cứng trong các khung dạng bắt buộc, đặc biệt là các khung về thiền
– Thiền là phải ngồi kiết già, là phải không suy nghĩ, là phải tuyệt đối tĩnh lặng ….
– Giáo viên thiền phải là cao nhân đắc đạo, bạn thiền phải là người có cơ duyên kỳ ngộ …
– Học thiền là phải, phải, phải, lớp thiền là phải, phải, phải …
Nếu bạn đang ở Việt Nam mà bạn cứ khăng khăng rằng nước Mỹ phải thế này rồi phải thế kia và khi nước Việt Nam không được như ý tưởng của bạn về nước Mỹ thì bạn điên tiết lên thì trong các hoàn cảnh khó khăn và mơ hồ hơn của cuộc sống, ví dụ như thiền, bạn cũng rất dễ nổi điên.
Khi có quá nhiều khung về thiền thì một người sẽ liên tục phản ứng gay gắt với những sự việc, hiện tượng khác khung hoặc cứ loay hoay vận hành theo khung, họ không thể nào thả lỏng để vào trạng thái thiền được.
Tư duy khung không phải là điên, mà tư duy khung chỉ là một vận hành chống lại thiền.
– Nếu một người vào thiền với hàng đống định nghĩa và nguyên tắc về chính thiền thì gần như chắc chắn là họ không thiền được. Trạng thái chưa làm mà đã cho rằng làm rồi, chưa biết đã cho rằng biết rồi, chưa ở Mỹ đã bảo Mỹ là gì rồi … chính là một trạng thái ngược với thiền.
– Một người vào thiền với hàng đống định nghĩa về nguyên tắc về tình yêu, về công việc … thì có cơ hội thiền để thấy được hành vi của mình trong tình yêu và công việc.
2.
Người điên ngây dại bản chất là những người thiếu tính chủ thể, suy nghĩ tuỳ hứng, hành vi vô mục đích. Họ có thể được dẫn dắt vào trạng thái gần như thiền hoặc hoang tưởng về thiền rất dễ, nhưng bản chất là họ không thể làm chủ trạng thái thiền được, vì thiền là hành vi có chủ thể và có đối tượng rõ ràng, trong khi họ có muốn làm chủ và có làm chủ nổi cái gì đâu.
Nhóm bình thường đã ngây dại hoặc tuỳ hứng này có nguy cơ điên cực kỳ cao, đặc biệt là phụ nữ. Khi bị kích động tâm trí hay bị thất vọng tình cảm, họ có thể bị điên tạm thời từ nặng đến nhẹ.
Trong quá trình dạy thiền, tôi đã ngừng dạy cho ba học sinh vì những người này làm theo hướng dẫn thiền rất dễ, nhưng họ coi thiền như một trò chơi mới, một thứ thích thì làm, không thích thì bỏ, không cần hiểu và không cần theo nguyên tắc căn bản. Kiểu tâm tính này, khi gặp hoàn cảnh phức tạp hay chuyện không vừa ý, khả năng họ hoá điên là rất cao. Những người này không phải điên vì thiền mà có xu hướng xuất hồn xuất vía, thích gì làm nấy, mang sẵn tiềm năng điên quá cao mất rồi, chỉ là chưa có điều kiện để điên thật mà thôi.
Những người ví không có công ăn việc làm cũng không muốn làm ăn gì, những người bình thường đã sống ảo, thích gì làm nấy, cư xử bậy bạ, bừa bãi, vô trách nhiệm, rồi bảo trái tim em nói thể, chưa làm đã bỏ dở rồi bảo duyên số chưa tới … thì họ không có năng lực và không muốn chịu trách nhiệm về hành vi cá nhân, nên họ không thể làm chủ thể, trong đó có chủ thể thiền.
Những trường hợp hoá điên vì không hài lòng với cuộc sống tôi đều khuyên nhập viện chữa điên. Chữa trị điên trong bệnh viện là điều cần thiết, để đưa những người tuỳ tiện đến mức điên quay lại hiện thực. Họ phải học sống có kỷ luật rõ ràng và có trách nhiệm cụ thể trong bệnh viện, chứ họ không cần học thiền. It nhất người điên phải chấp nhận rằng mình bị điên và phải chịu trách nhiệm cá nhân về trạng thái điên của mình, chứ không thể cứ hoang tưởng rằng mình thông minh, tài năng, đau khổ, oan ức …. nên mình cần được chữa lành.
Thiền là chống chỉ định với các cá nhân thần trí và cảm xúc bay lung tung dạng này.
3.
Dạng điên thứ ba là hành vi mâu thuẫn với nhận thức.
Dạng điên này liên quan rất nhiều đến các thực hành tâm linh, cầu cúng, chữa lành …, dẫn đến phá giác quan và hoang tưởng.
Vì thiền Vipassana là tự nhận thức về hành vi của mình, nên nhóm có dạng hành vi và nhận thức không phù hơp với nhau
– hoặc sẽ không thiền được vì hành vi và tâm trí đạp lên nhau.
– hoặc sẽ thiền được rất tốt để tự mình hoà hợp nhận thức và hành vi hơn
Nhiều người trong nhận thức thì tràn ngập định nghĩa, nguyên tắc … trong khi hành vi của chính mình không phù hợp với các định nghĩa và nguyên tắc này thì họ không tự nhận thức được. Ngược lại, người thiền thì tự quan sát hành vi chính mình để hiểu ra cái gì đó, dù họ không định nghĩa nổi cả thiền lẫn hành vi của mình.
Người có tư duy khung có thể thường thích học, học rất nhiều thứ và học khá giỏi, rồi thích định nghĩa, thích phân tích, thích so sánh các kỹ thuật trong đó có thiền. Nói chung đây là những người luôn ám ảnh về con đường, kỹ thuật, phương pháp nhưng lai không quan tâm đến đích của con đường (nhận thức và đối tượng thiền) và việc anh phải tự đi trên đường (chủ thể thiền). Trong khung, một người không có đối tượng và mục đích tự thân : họ định nghĩa họ theo khung và họ định nghĩa đời theo khung, nên họ chỉ biết cái khung mà không biết cả họ lẫn đời là gì, tuy nhiên họ khăng khăng là càng nhiều khung họ sẽ càng hiểu rõ mình và đời hơn. Người có tư duy khung khi gặp các cú sốc rất lớn trong cuộc đời thì hoặc họ phát điên trong khung hoặc họ ra được khỏi khung. Khi bị thất bại năng nề, một người mới có động lực muốn hiểu được cái gì thực sự đang xảy bên ngoài những cái khung mà họ vơ lấy trong cả cuộc đời. Lúc này chủ thể nhận thức và đối tượng nhận thức phát sinh, và họ có thể có cơ duyên đến với thiền.
Điều hơi thở chính là một dạng tạo khung suy nghĩ và tạo khung vận hành. Bởi vì vận hành hơi thở vi tế và sâu sắc vô cùng so với bất kỳ cái khung nào mà người điều hơi thở tạo ra, nên người điều hơi thở mới còn thở để sống tiếp được. Tuy nhiện, việc điều hơi thở thường gây ra loạn khí, bởi hơi thở tự nhiên đi một đằng còn ý nghĩ dẫn hơi thở thì thô thiển và ngô nghê chạy theo một nẻo. Loạn khí có thể dẫn đến phá giác quan trước khi có nhận thức nền vững, khiến một người nhìn thấy ma quỷ Phật Chúa và rất dễ bị hoang tưởng.
Như vậy những người điên kiểu hoang tưởng khi thực hành các dạng tâm linh, cầu cúng, chữa lành … thường là do hành vi phức tạp của họ mâu thuẫn với vận hành sống vi tế của chính họ mà họ không nhận thức được cả hai, chứ họ không điên vì thiền.
ĐỐI CHIẾU & HOÀ HỢP GIỮA NHẬN THỨC & HÀNH VI
Thiền Vipassana cho chúng ta tự đối chiếu hành vi của chúng ta và nhận thức của chúng ta với nhau. Cho nên Vipassana là thiền minh sát hay thiền tỉnh thức.
Có câu “nhận thức hiện thực như nó chính là”.
Minh sát chả dễ dàng gì và tỉnh thức chả vui vẻ, vinh quang gì mà ai ai rồi cũng thấy mình bệnh, mình điên, mình rồ, mình dại.
Cuộc sống là một ẩn số, từng hơi thở, từng bước đi, thân và tâm của chúng ta đều rất khó hiểu, thà mình cứ nhận luôn là mình không hiểu, thì khi nào mình cần hiểu, mình phải hiểu thì lúc đó chúng ta vào thiền.
Người trực tiếp và đơn giản thì dễ thiền hơn vì họ có xu hướng chấp nhận hiện thực như nó chính là hơn. Không biết thì họ bảo rằng họ không biết, họ không phủ nhận sự không biết này bằng các lý luận. Làm được thì họ làm, không làm được thì họ không làm, họ không lý luận thay cho làm.
Thiền Vipassana cho chúng ta tự đối chiếu hành vi của chúng ta và nhận thức của chúng ta với nhau, và khi đối chiếu được thì nhận thức và hành vi của chúng ta sẽ có sự hoà hợp tốt hơn với nhau và với hiện thực.
Vấn đề nghiêm trọng nhất xảy ra khi một người không phân biệt nhận thức & hành vi, nhận thức và hiện thực, thì thiền Vipassana là bất khả thi với họ.
– Suy nghĩ của tôi về A khác với hiện thực của A. Ví dụ
– – – Tôi nghĩ rằng Trái đất quay quanh Mặt trời khác với việc Trái đất quay quanh Mặt trời.
– – – Tôi nghĩ anh ấy yêu tôi khác với sự thật là anh ấy yêu tôi.
– – – Suy nghĩ về thiền của bất kỳ ai không liên đến bản chất của thiền. Thiền là thiền, nghĩ là nghĩ.
– Nhận thức của tôi khác với hành vi của tôi. Ví dụ
– – – Chúng ta thiền quan sát suy nghĩ, hơi thở, cảm xúc của mình, thì suy nghĩ, hơi thở và cảm xúc của chúng ta là hành vi mà chúng ta cần nhận thức.
Một người cho rằng mình đã hiểu bản thân mình, hành vi của mình, họ rằng tôi là người như thế này, như thế kia … thì thiền là vô nghĩa, bởi vì người này đồng hoá
– “ý nghĩ về bản thân” với “nhận thức về bản thân”
– “nhận thức của bản thân” với “hiện thực của bản thân
Một người càng chắc chắn rằng mình đã hiểu thiền là xyz rồi bây giờ chỉ việc thiền theo đúng cái định nghĩa này thôi, thì thiền là vô nghĩa, bởi vì người này đồng hoá
– “suy nghĩ về thiền” với “nhận thức về thiền”
– “nhận thức về thiền” với “hiện thực của thiền”
Chỉ cần người này hiểu rằng suy nghĩ của mình về thiền chưa chắc đúng, rằng mình chưa thiền được và mình cần trải nghiệm thiền, thì lúc đó họ sẽ có cơ hội thiền.
Chia sẻ:
Scroll to Top