TAM VỊ CHÚA MƯỜNG

Loading

TAM VỊ CHÚA MƯỜNG
Tam vị Chúa Mường là ba bà Chúa của người Mường
– Chúa Đệ Nhất Tây Thiên
– Chúa Đệ Nhị Nguyệt Hồ
– Chúa Đệ Tam Lâm Thao.
Cả ba bà chúa Mường đều có tài bói toán, mặc dù chỉ có chúa Nguyệt Hồ thường được gọi là chúa Bói.
Các nhầm lẫn về bà Chúa Mường
– Mẫu Đông Cuông, La Bình Công Chúa, Lê Mạt Đại Vương liên quan đến Đền Mẫu Đông Cuông
– Bà Chúa Then
Ngoài ra các sự tích về Tam vị Chúa Mường cũng còn nhiều dị bản và nhiều nghi vấn, nhưng cứ xin chép tạm để tham khảo như bên dưới
—o—o—o—o—o—
ĐỀN THỜ TAM VỊ CHÚA MƯỜNG
Đền Niệm Tam Vị Chúa Mường (dân gian gọi là Ba Cô), ở chân núi Niệm, thôn Chùa, xã Phú Thành, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình.
Núi Niệm nằm trong dãy núi Ba Cô, với 3 di tích liền kề nhau : đền Niệm, động Thông Linh, di tích khảo cổ học thời tiền sử ở núi Niệm. Ngoài ra còn có đình làng chùa, lễ hội vào ngày 5/1.
Tương truyền, người dân trong vùng thấy những ánh hào quang trên dãy núi cùng đáp xuống và biến mất. Đó được cho là hiện thân của tam vị chúa Mường đến giúp khai dân, lập ấp. Để tưởng nhớ công lao, người dân đã lập đền thờ dưới chân núi. Mỗi khi có việc đại sự của làng, tổng, quan chức địa phương và người dân lại đến ngôi đền để khấn, niệm được phù hộ, cái tên núi Niệm được gọi từ đó.
—o—o—o—o—o—
Sự tích & Đền thờ riêng của Chúa Đệ Nhất Tây Thiên
Kể về sự tích Chúa Đệ Nhất Tây Thiên, trong nhân gian vẫn còn lưu truyền câu truyện kể rằng vào đời Hùng Chiêu Vương ở đạo Sơn Tây có một ông hào trưởng họ Linh (hoặc Lăng) là người đức độ, phu nhân của ông là bà Đào Thị Liễu đã tứ tuần mà chưa có con, chồng bà lo âu chẳng có người nối dõi. Một đêm thanh tĩnh bà nằm mộng thấy mình lên núi Tam Đảo chiêm bái thánh thần, quanh bà hiện ra mây lành năm sắc có các tiên cô ca hát rộn ràng, múa điệu Nghê Thường. Ít lâu sau đó bà cấn động bào thai, tận mười bốn tháng mới hạ sinh cô con gái hảo tướng vô cùng. Nàng tên Linh Thị Tiêu, là tiểu thư khuê cát nên được cha cho học kinh thư, văn phú thông tường, cầm kỳ thi hoạ hơn người, lớn lên lại có tài nắm bắt binh cơ, võ nghệ xuất chúng.
Duyên tiền định, Hùng Chiêu Vương gặp được nàng trên núi Tam Đảo, mới gặp đã chớm nở tình duyên. Nàng được Vua đưa về sắc phong làm chính phi. Uyên ương mặn nồng không bao lâu, ác tặc quấy nhiễu bờ cõi, vua Hùng rao tin tìm hiền tài giúp nước. Vị cung phi họ Linh cũng thân chinh về quê nhà chiêu binh hợp mã, nàng cởi phụng bào, khoác giáp tướng xông pha trận mạc. Tài thao lược xuất chúng, lại được tiên thánh các phương phù trợ nên nàng lập đại thắng, Vua ban phong là Tam Đảo Sơn Trụ Quốc Mẫu Đại Vương. Từ đó mà Hùng Chiêu Vương càng thiết tha yêu người con gái vừa kiều diễm lại tài ba ấy, muốn được bên nàng trọn đời trọn kiếp.
Một ngày kia bên cung của Thị Tiêu chợt có ngũ sắc tường vân lượn quanh, nàng biết mình đã hoàn thành sứ mệnh nay phải trở lại Thiên Cung. Nàng bước vào áng mây rồi về Trời, mối tình giữa người và tiên cũng kết thúc. Vua lại phong là Tam Đảo Sơn Trụ Quốc Mẫu Đại Vương Đệ Nhất Thượng Đẳng Phúc Thần. Muôn dân suy tôn là Chúa Mường Đệ Nhất ngự trên sơn trang.
Sự tích Chúa Đệ Nhất Tây Thiên ghi chép tại đền Tây Thiên
Thời Vua Hùng trị vì quốc gia, tại Đông Lộ Có một trưởng ông họ Lăng tuổi gần 40 và trưởng bà họ Đào tuổi hơn 40 mà không có con. Trong một ngày ông bà nằm mộng được đi du ngoạn Tam Đảo, đến chùa Tây Thiên hành hương cầu con. Đến khoảng ngoài canh ba, bà Đào chợt thấy có mây ngũ sắc trong trong chùa hiện lên rồi thấy 7, 8 người đều mặc mũ áo đẹp đẽ. Người thì ca hát, người thì nhảy múa, người thì gảy đàn, ngâm thơ. Bà tỉnh lại thì biết đây là mộng lành. Y như rằng bà có thai nhưng phải tới 14 tháng sau bà mới hạ sinh. Một bé gái đã ra đời vào ngày mùng 10 tháng 5, năm Giáp Thân và đặt tên là Tiêu. Cô bé lớn lên xinh đẹp, mặt mày sáng sủa, tính lại nết na, thùy mị. Tuổi 5, 6 mà đã hiểu âm, biết luật. Năm 11 – 12 tuổi đã biết võ nghệ, binh thư. Đến 20 tuổi đã là một nữ anh hùng, hào kiệt. Thực là bậc quần thao hào kiệt bậc nhất.
Thời bấy giờ, giặc phương Bắc xâm lăng. Dân tình hoang mang, hoảng sợ. Vua Hùng ngay lập tức sai người đi loan báo khắp nơi nhằm tìm người tài giúp vua đánh giặc. Khi nghe thấy tin cầu, nàng đã đứng ra phân bổ, kêu gọi các tràng trai khỏe mạnh, đủ sức đánh giặc trong vùng. Tất cả được 3000 người tướng sỹ về tại Phong Châu, Việt Trì yết kiến Hùng Vương. Hùng Vương thấy nàng là một vị anh hùng hào kiệt tài năng liền giao cho chỉ huy 10 vạn tinh binh và 3000 kỵ binh đi đánh giặc. Quân giặc đại bại, nàng cùng các binh sĩ khải hoàn về kinh. Nhà vua vô cùng vui mừng liền phong thưởng nàng là “Tam Đảo Sơn Trụ Quốc Mẫu Đại Vương”.
Một ngày đẹp trời, bỗng có đám mây ngũ sắc hạ xuống đền Tây Thiên, sứ giả xuất hiện và rước nàng về trời. Ngày đó đúng vào ngày 15/2. Người dân thấy sự việc này bèn tâu vua, Vua Hùng Vương liền truyền lệnh phong nàng là “Tam Đảo sơn trụ Quốc Mẫu Đại vương đệ nhất thượng đẳng thần”.
Ngày 10/5 âm lịch hàng năm nhân dân cung nghinh khánh tiệc Chúa Đệ Nhất Tây Thiên. Lễ hội Chúa Đệ Nhất Tây Thiên được tổ chức vào dịp này. Theo tương truyền đây là ngày chúa giáng hạ trần phàm. Do đó, ngày này người dân thường rước kiệu và làm lễ khấn chúa bà vô cùng long trọng.
Tóm tắt thông tin về bà Chúa Đệ Nhất Tây Thiên
– Tên : Lăng Thị Tiêu
– Bà là dòng dõi vua Hùng Vương, cha của bà là trưởng ông họ Lăng, mẹ của bà là trưởng bà họ Đào, tên là Đào Thị Liễu.
– Sinh : 10/5 âm lịch năm Giáp Thân
– Hoá : 15/2 âm lịch
– Thời vua Hùng Chiêu Vương (vua Hùng Vương thứ 7),
– Vùng Tây Thiên, Tam Đảo
Thỉnh mời Quốc Mẫu Tiên Nương
Hoàng phi đệ thất Hùng Vương trị vì
Cổ triều Đinh, Lý, Trần, Lê
Sắc phong thượng đẳng hiệu đề tối linh
Tây Thiên, Tam Đảo địa linh
Thạch Bàn, Chúa ngự cảnh thanh nhiệm mầu
Bản văn Chúa Đệ Nhất Tây Thiên thứ nhất
Nước Việt Nam có ngàn Đông Lộ
Cõi Bắc Kì có núi Tây Thiên.
Dõi truyền thiên hạ ức niên
Ba vị tiên thánh giáng sinh giúp đời.
Dân Sơn Đình là nơi sở tại
Thấy một người khí khái khôn ngoan.
Mẫu phó cho phụng sự khói nhang
Nguyện cầu quốc thái dân an thuận hòa.
Cảnh Thánh Bà long chầu hổ phục
Suối Giải Oan giải khúc minh trân.
Trường sinh có nước tảy màu
Tảy cho thiên hạ đâu đâu được nhờ.
Dù bốn mùa chim kêu phượng hót
Sáng một màu xanh ngắt cỏ hoa.
Vui về nước chảy non ba
Bồng lai nước nhược chưa qua nhược nào.
Thú thanh tao Thạch Bàn lồ lộ
Ngăn thiên nhang thoảng gió muôn năm.
Thuyền đường chỉ Phật giáng lâm
Khắp miền thiên hạ thánh tâm.
Linh uy khó nhọc tìm nơi biến hóa
Lại khen người tạc đá mà nên.
Bầu trời cảnh Phật non Tiên
Thấy ngàn Tam Đảo Tây Thiên dị kì.
Hồ Bát Nhã thời thời bất cổ
Có nước Vàng, thác Bạc như in.
Có cầu, có nước sông truyền
Cửa đền phong nguyệt vô biên lầu lầu.
Cảnh đua nhau bồng lai úc trúc
Lí thanh tao mọi thứ nở hoa.
Cảnh lên thay điểm bà sa
Mừng cây cổ thụ năm ba cội tùng.
Đã minh nguyệt phong quang là thế
Tại văn hoa đuốc tuệ quang huy.
Thế gian liễu thế nan chi
Do lai quảng đại từ bi vô cùng.
Thụ sắc phong phò vua giúp nước
Lại hộ trì an quốc ban gia.
Tây Thiên bà Cả thượng tòa
Bà Hai trị bệnh, bà Ba trừ tà.
Tiệc trung thu nghinh về đền Cả
Giáp hai dân hương hỏa đền Trung.
Tam Dương hiệp hiệp chức tiên phong
Để lại ngũ phúc hương thông nước nhà.
Chính tiệc Bà thường tân đoan ngũ
Cứ ngày rằm lệ sớ muôn năm.
Hương hoa lễ vật mọi nơi
Mẫu anh linh, vọng bái Thánh Bà.
ức niên hương hỏa lưu phương họa đồ.
Chốn Nam Bang ngàn dân kính chúc
Đức Thánh Bà hóa phép thần thông.
Cầu tài cầu lộc hữu dư
Cầu con cho đươc thượng vi tinh thần.
Nào là người văn nhân tài tử
Cũng là người nữ tú nam thanh.
Muốn vui lên đất Sơn Đình
Muốn cầu lên cửa anh linh nhà Bà.
Quốc thái hoa nhân dân yên lạc
Cửa anh linh danh tạ lập thiên
Cầu cho phú quý thiên niên
Thế nhi huynh đệ khang trường thiên thu.
Tống tai ách nghinh lai bách phúc
Đảo tất thông nguyện phúc tam đa.
Lòng tin vọng bái Thánh Bà
Minh cường quốc phú dân hòa bình yên.
Chữ rằng thánh giáng nghe văn
Tấn Mẫu lưu lạc thiên thanh thọ trường
Bản văn Chúa Đệ Nhất Tây Thiên thứ 2
Thỉnh mời Quốc Mẫu Tiên Nương
Hoàng phi đệ thất Hùng Vương trị vì
Cổ triều Đinh,Lý,Trần,Lê
Sắc phong thượng đẳng hiệu đề tối linh
Tây Thiên,Tam Đảo địa linh
Thạch Bàn ,Chúa ngự cảnh thanh nhiệm mầu
Nhang thơm thành kính quỳ tâu
Tiếng dâng nhất bản văn chầu Chúa Tiên
Tích xưa Tam Đảo – Tây Thiên
Hùng Vương thánh tổ tòng quyền hoàng gia
Đại Đình,Tam Đảo quê nhà
Thông reo trúc hóa rườm rà tốt tươi
Nước non còn nhớ ơn người
Nặng lòng vì nước vì đời vì dân
Sinh vi Thánh tử vi Thần
Khuông phù bảo trợ cõi trần xiết bao
Phép hay biến hiện cơ màu
Lòng thành bát nước quả cau khẩn vì
Ơn người đại đức từ bi
Thỉnh Chúa ngự đồng giáng thế lai lâm
Thử lòng trần thế chữ tâm
Thay quyền thiên địa cầm cân thăng bằng
Cứu cho thoát khỏi gian truân
Cứu cho thoát khỏi trầm luân đọa đầy
Trần gian lắm nỗi chua cay
Phúc mỏng nghiệp dày tâm tợ bóng đêm
Thành tâm van vái chúc nguyền
Tu nhân tích đức thánh tiên độ trì
Trước thời xét sở di âm phước
Sau thời xem tâm đức tu thân
Trên phù quốc dưới cứu dân
Khuông phù đệ tử thiên xuân thọ trường.
—o—o—o—o—o—
Sự tích & Đền thờ riêng của Chúa Đệ Nhị Nguyệt Hồ
Theo truyền thuyết và tài liệu xưa ghi chép lại: “Đệ Nhị Nguyệt Hồ là bà Chúa Bói dưới thời Hùng Vương. Tương truyền rằng, chúa bà Nguyệt Hồ vốn là người thôn nữ ở đất Bắc Giang, từ nhỏ đã sống trong cảnh cơ hàn. Bà là người rất tốt bụng, thảo hiền, có lòng nhân hậu, vì vậy, Lão Tổ Quỷ Cốc Tử Tiên Sinh đã truyền dạy cho bà những đạo pháp của mình và đặt tên hiệu cho bà là Nguyệt Hồ (hay Huyết Hồ). Sau khi đã học được phép của Tiên Sinh, bà dành hết cuộc đời mình để làm phúc cho dân lành. Chẳng bao lâu, danh tiếng đồn của Chúa Nguyệt Hồ đã lan tới kinh đô, đức vua bèn truyền chỉ, mời chúa về kinh đô, mỗi lần ra trận, vua đều cho người đến thỉnh cầu, nhờ chúa bà bấm đốt tay, xem lành dữ và hỏi chuyện quân cơ, mưu lược, bày binh bố trận”.
Theo thần tích và truyền thuyết ở vùng Bo (Yên Thế), sự tích chúa Nguyệt Hồ được ghi chép lại như sau: Cuối đời Hùng Duệ Vương quân Thục ồ ạt mang quân sang xâm chiếm giang sơn họ Hùng. Hùng Duệ Vương bèn hạ chiếu đi các nơi tìm người tài giỏi để giúp vua trừ giặc. Lúc bấy giờ ở vùng Bo (Yên Thế) có hai ông Cao, Quý ra ứng tuyển và được vua chọn đi dẹp giặp. Bái tạ ơn vua, hai ông kéo quân về vùng Bo (Yên Thế) ngày đêm luyện tập binh mã chờ thời cơ diệt giặc. Khi quân Thục kéo sang, hai bên giao chiến ác liệt, thế giặc mạnh, quân ta yếu, hai ông Cao, Quý chỉ huy quân sĩ rút lui theo triền sông Thương rồi lựa thế đất hiểm trở quay lại giết giặc. Thuyền chiến dùng giằng chưa đi được vì các bà con gái lưu luyến yêu mến vùng đất này nên đã dời thuyền trở lại vùng Bo. Hai ông chỉ huy quân sĩ quay lại đánh giặc, bị bất ngờ phản công, quân Thục tự nhiên vỡ trận thua to, những kẻ tháo lui đều bị quân sĩ truy đuổi tiêu diệt hết. Thắng giặc hai ông trở về khao thưởng quân sĩ rồi hồi triều báo công với vua.
Trước khi hồi triều hai ông phi thẳng ngựa đến khu Rừng Từ để nhìn bao quát vùng Bo một lần nữa rồi bỗng nhiên hóa tại đó. Phu nhân và con gái biết tin nhớ thương nên cũng tự hóa theo hôm đó vào ngày 15/2.
Sau khi đánh thắng quân Thục, nhà vua phong cho các danh tướng là Thượng Đẳng Phúc Thần và truyền cho các địa phương, nơi các danh tướng đánh giặc, xây dựng đền miếu để thờ phụng mãi mãi. Triều vua Lê Đại Hành có sắc phong cho các vị Thần ở vùng Bo là: “Cao Sơn Quý Minh đại đức hùng lược trác vĩ Đại Vương Thượng đẳng Thần”.
Đến triều Nguyễn địa phương xây dựng miếu thờ ở Huyết Hồ, xin triều đình cho thờ nữ thần là Nguyệt Nga phu nhân và con gái của vị thần họ Cao. Triều vua Tự Đức năm thứ ba (1850) ban sắc phong cho Nguyệt Nga phu nhân và ban cho dân xã vùng Bo phụng thờ. Sau lại có sắc phong cho Nguyệt Nga công chúa. Đời vua Duy Tân năm thứ nhất (1907) cũng có sắc phong cho Nguyệt Nga phu nhân.
Đền bà chúa Nguyệt Hồ có lịch sử từ lâu đời, xưa ngôi đền có một cung đặt tượng thờ Nguyệt Nga công chúa và bài trí tượng thờ theo đạo thờ Mẫu, qua thời gian ngôi đền đã được nhân dân địa phương và các nhà hảo tâm công đức tu sửa tôn tạo nhiều lần thêm phần khang trang tố hảo.
Ngày lệ (ngày hoá) của bà Chúa Nguyệt Hồ là ngày 15/2 âm lịch. Trong ngày lệ chính nhân dân vùng Bo rước kiệu từ đình Bố Hạ về đền Hạ, đền Trung và đền Thượng. Sau khi tế lễ tại đền Trung lại rước kiệu về đền Nguyệt Hồ. Tại đây phần tế lễ chúa Nguỵêt Hồ được tiến hành với những nghi lễ độc đáo như lễ dâng văn chúa Nguyệt Hồ. Bài văn cúng dâng chúa Nguyệt Hồ được thể hiện qua hình thức hát văn.
Tóm tắt thông tin về bà Chúa Nguyệt Hồ
– Công Chúa Nguyệt Hồ, Nguyệt Nga Phu nhân
– Thời Vua Hùng Vương thứ 18 (Hùng Duệ Vương)
– Vùng Bo, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang
– Chồng ông Cao, đi cùng ông Quý, thành bộ Cao Sơn, Quý Minh
– Con gái
– Ngày hoá của cả 2 ông, phu nhân và con : 15/2 âm lịch
– Đền thờ : Đền Nguyệt Hồ, thuộc xã Hương Vĩ, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang (gần ga Kép, chợ Bố Hạ).
Bản văn Chúa Nguyệt Hồ số 1
Ai lên đến Cao Sơn Bạch Mã
Hỏi thăm Đền Chúa Nguyệt nơi nao
Hỏi thăm ga Kép mà vào
Ngôi đền Chúa ngự khác nào động tiên
Bốn mùa hoa trái dâng lên
Bạn tiên tấp nập đôi bên ra vào
Trước ngôi cao rầu rầu nét mặt
Chiếc gậy son chúa đặt phía sau
Lá trầu với lại quả cau
Tiền đài chiếc tráp sơn màu xanh lam
Chúa ngồi đó lòng đau như cắt
Dưới trần phàm bao kẻ u mê
Nhớ người con gái thôn quê
Mới sanh nhưng đã phải bề nhất tâm
Sống âm thầm mồ côi cha mẹ
Gặp được Thầy Quỷ Cốc tiên sinh
Một đời làm phúc cứu dân
Truyền ban ấn quyết đặt tên Nguyệt Hồ
Tiếng đồn cho tới kinh đô
Có bà Chúa Bói Nguyệt Hồ rất hay
Cửa nhà gia sự hôm nay
Mồ mả đất cát Chúa rầy chỉ cho
Âm dương chồng vợ căn do
Hợp tan tan hợp chỉ cho rõ ràng
Tiền hậu vận mọi đàng hay dở
Việc trong ngoài lầm lỡ chỉ cho
Về đồng phán bảo nguyên do
Có căn có số phải lo trình đồng
Tam đầu cửu vĩ thuyền rồng
Thoi xanh rừng núi sớ hồng kim ngân
Hình hài nón chúa kính dâng
Lập đàn thỉnh chúa lai lâm ngự về
Phép tiên chúa đáng tài cứu thế
Tiếng oai linh quyền chế nơi nơi
Phép tiên xoay đất chuyển trời
Gia công hộ phép cứu người trần gian
Thỉnh mời tiên chúa lai loan
Khuông phủ đệ tử nhân khang thịnh cường.
Bản văn Chúa Nguyệt Hồ số 2
Rừng tùng bách bốn mùa rợp bóng
Cánh sen hồng còn đọng hơi sương
Hay đây là sự phi thường
Nguyệt hồ chúa bói anh linh ai tày
Ơn lão tố theo thày học đạo
Mười năm tròn tu kiếp thiên nga
Nói rồi binh lửa can qua
Mẫu cho giáng thế trừ tà cứu dân
Nhớ tích xưa đời Lê Thái Tổ
Một thôn nghèo mái đổ màn sương
Lam chiều rặng cúc đưa hương
Chim ca vượn hít bên đường hoa chen
Khắp chuyện lạ trên trời dưới bể
Có những điều không thể tìm ra
Từ sinh vận hạn trong nhà
Khí hư vận kèm toàn gia tới kỳ
Đường dài tài lộc sinh ly địa lý
Hay huyết ly mộng mỵ thủy phòng
Ý đồ đen trắng đục trong
Người sinh số mệnh đo lòng thanh tao
Đường vận mệnh ai nào biết trước
Kêu chúa bà thời được biết ngay
Ơn trên thánh tổ cao dày
Truyền cho ấn quyết ra tay phù đời
Thuở nam việt nhớ xưa nguồn cội
Chúa có tài bấm độn lục nhâm
Phép tiên xem bói nhập thần
Xem trong thế sự thăng trầm ra sao
Dù ai bị ma cao phù quyết
Bệnh thời làm chẳng biết căn do
Linh phù bùa yếm bà cho
Trừ tà diệt quý khiến cho lại thành
Tiết xuân xanh thành tâm khấn nguyện
Tiến văn chầu chúa Nguyệt cung nga
Hương thơm tấu thỉnh ba tòa
Độ cho đồng tử vinh hoa thọ trường.
—o—o—o—o—o—
Sự tích & Đền thờ riêng của Chúa Đệ Tam Lâm Thao
Chúa Lâm Thao hay còn được gọi là chúa Đệ Tam Lâm Thao hoặc bà Chúa Ót (tên gọi như vậy vì trong Tam Vị Chúa Mường, Chúa Lâm Thao là người thỉnh cuối cùng nên được coi là “út”, đọc chệch đi theo dân gian thì là “ót”.
Tương truyền, bà là con gái vua Hùng thứ 17, tên hiệu là Nguyệt Cư công chúa. Công chúa rất đep, nhưng từ bé bà đã bị hỏng 1 bên mắt.
Năm 475 trước Công nguyên, nước nhà có loạn, bọn tà phản nổi lên khắp nơi chống lại triều đình, Vua xuống chiếu chiêu mộ người tài ra cầm quân giết giặc, Lý Lang Công, quê mẹ ở Cao Mại (nay là thị trấn Lâm Thao, Việt Trì, Phú Thọ), tướng mạo tuấn tú, có tài thao lược xin được cầm quân giết giặc. Nhà Vua gả công chúa Nguyệt Cư cho ngài. Chúa cùng phò mã sống bên nhau rất hạnh phúc nhưng buồn thay cưới nhau đã lâu mà hai người chưa hạ sinh quý tử. Rất lấy làm khổ tâm và buồn bã, vào một hôm, chúa cùng phò mã vào tâu chuyện với đức vua. Đức vua cũng không biết làm sao đành khuyên 2 con về lập đàn tràng giữa trung thiên mà cầu đảo. Hai con vâng lời về lập đàn giữa trời y theo lời cha dặn. Đêm đó, chúa nằm thấp thỏm hi vọng trời đất thấu tình mà ban cho một đứa con. Gần đến sáng, chúa mới thiếp đi được một lúc và ngài nằm chiêm bao, ngài thấy từ trên trời cao có 12 con rồng bay sà xuống và bay hết vào miệng chúa. Chúa bừng tỉnh giấc và lạ thay, trên bụng người đâu ra có một cái bọc rất lớn. Chúa vội vàng mở ra và thấy trong bọc là 12 quả trứng rất to. Lòng chúa nao nao không biết nên mừng hay nên lo và kể lại giấc mơ lạ lùng cho phò mã. Phò mã nghe xong liền nở nụ cười mãn nguyện:” Vậy là trời đất đã thấu lòng của vợ chồng ta rồi, đây chắc chắn là 12 hoàng tử”( tay chỉ vào bọc trứng). Chúa nóng ruột vội vã chạy đến cung vua. Phò mã cũng chạy đuổi theo chúa. Trên đường 12 quả trứng đã dàn dần nở. Đầu tiên là 1 quả, rồi 3 quả, rồi 2 quả, xong lại 3 quả, 2 quả và khi đén chân núi Nghĩa Lĩnh (núi đền Hùng bây giờ) thì quả cuối cùng nở ra. 12 bé trai khôi ngô tuấn tú chào đời. Công chúa cùng phò mã mừng vui khôn xiết. Vua Hùng cũng rất đỗi mừng rỡ khi nghe chúa thuật lại chuyện giấc mơ và sự ra đời của 12 hoàng tử. Vua Hùng liền sai quân lập đàn để bái tạ trời đất. Lúc đó sấm sét nổi lên vang trời và lúc đó là lúc chúa được trời đất ban cho lộc bói và cả lộc chữa bệnh. 12 người con chúa lớn nhanh như thổi, tài giỏi hơn người, được Nghị Vương phong làm Lạc tướng trấn ải các nơi bảo vệ đất nước.
Lúc này là lúc Thục Phán đang nhòm ngó cướp nước ta, vua Hùng rất lo lắng. Một hôm, phò mã cùng người con cả ra sông đánh cá, cả ngày mà hai cha con chỉ đánh được duy nhất một con cá chép rất to. Về nhà, chúa làm thịt cá, khi mổ bụng ra thì lạ thay, trong bụng cá có một thanh gươm. Chúa hốt hoảng gọi cả nhà vào xem sự lạ. Khi đó, người con cả rút gươm trong bụng cá ra vung lên, một luồng hào quang sáng loé toả ra. Chúa ngồi tĩnh tâm xem kĩ và nói rằng ”đây là thanh gươm thần mà trời ban cho ta để giết giặc”. Ngay hôm sau, phò mã cùng con trai cả vào xin đức vua cho đi đánh đuổi giặc, vua đồng ý. Hai cha con ra chiến trường, cứ mỗi lần vung gươm lên là một luồng hào quang loé ra tiêu diệt quân giặc. Giặc chết như ngả rạ. Chúa ngồi nhà cũng đã bói trước được rằng 2 cha con sẽ thắng lớn. Quả đúng như vậy, hai cha con trở về với tin vui thắng lớn, từ đó dân chúng sống an lạc.
Chúa thường xem bói cho muôn dân biết trước tai ương mà tránh, ai có bệnh âm chúa bảo cách cúng lễ cho khỏi, ai bệnh trần chúa bốc thuốc cho được bình an.
Chúa hoá nhằm ngày 12/12. Khi chúa cùng gia đình lần lượt qua đời, nhân dân ghi nhớ công ơn nên lập đền thờ. Do sự hiển linh của công chúa giúp các triều đại vua sau này nên đã được ban tặng nhiều sắc phong. Sắc thời Cảnh hưng (1753) viết: “Công chúa Nguyệt Cư thừa lệnh Thượng đế, thuỷ quan nhân hoá, bình thư lầu thuộc, kiêm thông tâm lược mà vẫn yêu kiều, có công với nước phá giặc phương Đông. Sau khi hoá thì linh thiêng nơi Nam Thổ, làm cho gió thuận, mưa hoà, bảo dân hộ quốc, thiên uy vời vợi…”.
Hội của bản đền là từ ngày mồng 3 đến mồng 6 tháng giêng. Mồng ba thì làm lễ mộc dục, mồng 4 rước Chúa cùng phò mã đi quanh thị trấn và sang đền thờ người con trai cả. Khi rước thì kiệu phò mã rước ra trước và đứng lại ở mặt đường, kiệu chúa rước ra sau nhưng khi ra đường thì kiệu chúa lại đi trước. Đến mồng 6 lại rước Chúa cùng phò mã về bản đền. Ngày 10/3 giỗ Tổ Hùng Vương thì rước Chúa sang đền Hùng
Tóm tắt thông tin về bà Chúa Đệ Tam Lâm Thao
– Công Chúa Nguyệt Cư, Chúa Đệ Tam Lâm Thao
– Thời Vua Hùng Vương thứ 17 (nghĩa là trước thời của công chúa Nguyệt Hồ)
– Vùng Cao Mại (nay là thị trấn Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) là quê chồng
– Bà sinh được 12 con trai (nở ra từ trứng rồng)
– Ngày hoá : 12/12 âm lịch tại quê chồng
– Đền Chúa Lâm Thao, vùng Cao Mại, thị trấn Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ
Bản văn Chúa Lâm Thao số 1
Bản văn này dùng để hát khi hầu giá chúa
Cao Mại quê nhà Lâm Thao…Cao mại quê nhà.
Anh linh chắc giáng Chúa Bà Đệ Tam
Đất hùng vương phi phương sáng tỏ
Cải phầm trần ai dễ ai hay
Lâm thao lịch sự ai tày…
Cù lao dưỡng dục đêm ngày nâng niu
Giá chắt chiu khăn vàng trát ngọc
Đáng nên tài quốc sắc tiên hương
Má đào vẻ hạnh phi phương…
Giá so tổng tử tề lương khôn bì
thủa nghi gia còn đương chau chuốt
Bỗng hoa hài trở gói về tiên
Hay đâu nguyệt chửa thủy nguyền….
Chồi thông phơi phới lá huyên dãi dầu
Chốn quỳnh lâu là nơi trang xuyến
Cửa trang đài để nhện tung tăng
Mấy toà mây dá vân lăng…
Nơi non cá xương vang lừng thuyền quyên
Chốn cửu tuyền mênh mông bỡ ngỡ
Ai đâu ngờ chúa giở gói tiên
Sớm khuya hầu cận ngai rồng
Ai trên được sắc vua phogn thẻ vàng
Chúa lâm thao chính ngôi công chúa
Vâng lệnh sai bái tạ trước sân
Ra uy ra vũ đằng vân..
Dạo chơi quán sở lầu tần tiêu dao
Ngày tử được ban cho huệ diệu
Sắc vua phong hòa diệu nữ vương
Có phen chơi cảnh đồi ngang
Dâng nhang ….lễ Mẫu tam tòa
Tiêu thiều nhã nhạc hát ca vang lừng
Cát nhật lương thời loan giá từ trung…
Lệnh sai thập nhị tiên nàng
Khăn điều áo thắm dịu dàng bước ra
Cô nàng cả dân bông dâng hoa
Nàng đôi tươi tốt, nàng ba dịu hiền
Cô nang tư dạo cảnh hồ tiên…
Đăng ai thâp thoáng bên lầu
Song đăng tiên chúa múa hầu Mẫu Vương
Nhác trông xa sáng tựa hào quang
Song đăng Chúa múa dịu dàng khoan thai
Lưng đai giọt ngắn giọt dài…
Đêm đêm đốt đuốc soi rừng
Nghe ba tiếng hú thú rừng gọi nhau
Đuốc ai sáng tỏ bên non
Một bầu xuân sắc tốt tươi rườm rà
Trên ngàn xanh lắm quả nhiều hoa…
Hài hoa dạo gót lên non
Trên ngàn chim hót véo von
Suối sâu cá lội tung tăng
Đồi núi bao la sương mờ nhạt nhòa
Thương thanh đồng loan giá về đây
Trên ngàn gió cuốn rung cây
Cất cao tiếng hát hòa vang câu ca
Lâm Thao Cao Mại quê nhà
Anh linh trắc giáng Chúa Bà Đệ Tam
Quyền hành cai quản sơn trang…
Sơn lâm các động xa gần làm tôi
Anh linh lừng lẫy núi đồi…
Nữ trung oanh kiệt toàn tài kiếm cung
Tuân lệnh sai thiên đình sắc chỉ
Chúa giáng trần diệt lũ tà kinh.
Chúa sai vạn vạn binh hùng…
Gần xa đâu đó dốc lòng làm tôi
Chúa đi khắp bốn phương trời…
Trung linh thần nữ đền thờ chí công.
Hùng Vương thánh tổ lạc hồng
Sớm khuya chầu chực ngai rồng vào ra.
Ngắm xem khắp hết gần xa…
Một lòng mộ đạo nhất tâm
Quy y Phật Tổ thần thông nhiệm màu.
Dù ai hiếu đạo kêu cầu
Xe loan Thánh Giá…Hồi Cung
Bản văn Chúa Lâm Thao số 2
Bản văn này dùng để hát thờ vào ngày tiệc của Bà (25/12 âm lịch)
Lâm Thao Cao Mại quê nhà
Anh linh trắc giáng Chúa Bà Đệ Tam.
Quyền hành cai quản sơn trang
Sơn lâm các động xa gần làm tôi.
Anh linh lừng lẫy núi đồi
Nữ trung oanh kiệt toàn tài kiếm cung.
Tuân lệnh sai thiên đình sắc chỉ
Chúa giáng trần diệt lũ tà kinh.
Chúa sai vạn vạn binh hùng
Gần xa đâu đó dốc lòng không sai.
Chúa đi khắp bốn phương trời
Trung linh thần nữ đền thờ chí công.
Hùng Vương thánh tổ lạc hồng
Sớm khuya chầu chực ngai rồng vào ra.
Ngắm xem khắp hết gần xa
Vào chùa Hương Tích Phật Bà Quan Âm.
Một lòng mộ đạo nhất tâm
Quy y Phật Tổ thần thông nhiệm màu.
Dù ai hiếu đạo kêu cầu
Nhang đăng khấn nguyện hương hoa cúng dàng.
Phép tiên Chúa giáng một khi
Cứu dân độ thế tức thì tan không.
Dạo chơi nam bắc tây đông
Lầu son phủ tía đền rồng vào ra.
Chúa vào cửa Mẫu tâu qua
Lạng Sơn Bắc Lệ lại ra phủ Hòn.
Chia sẻ:
Scroll to Top