SỰ TÍCH ĐẦU RAU – TÁO QUÂN – THẦN BẾP
Trọng Cao có vợ là Thị Nhi ăn ở với nhau đã lâu mà không con, nên sinh ra buồn phiền, hay cãi cọ nhau. Một hôm, Trọng Cao giận quá, đánh vợ. Thị Nhi bỏ nhà ra đi sau đó gặp và bằng lòng làm vợ Phạm Lang. Khi Trọng Cao hết giận vợ, nghĩ lại mình cũng có lỗi nên đi tìm vợ. Khi đi tìm vì tiền bạc đem theo đều tiêu hết nên Trọng Cao đành phải đi ăn xin. Khi Trọng Cao đến ăn xin nhà Thị Nhi, thì hai bên nhận ra nhau. Thị Nhi rước Trọng Cao vào nhà, hai người kể chuyện và Thị Nhi tỏ lòng ân hận vì đã trót lấy Phạm Lang làm chồng. Phạm Lang trở về nhà, sợ chồng bắt gặp Trọng Cao nơi đây thì khó giải thích, nên Thị Nhi bảo Trọng Cao ẩn trong đống rơm ngoài vườn. Phạm Lang về nhà liền ra đốt đống rơm để lấy tro bón ruộng. Trọng Cao không dám chui ra nên bị chết thiêu. Thị Nhi trong nhà chạy ra thấy Trọng Cao đã chết bởi sự sắp đặt của mình nên nhào vào đống rơm đang cháy để chết theo. Phạm Lang gặp tình cảnh quá bất ngờ, thấy vợ chết không biết tính sao, liền nhảy vào đống rơm đang cháy để chết theo vợ. Linh hồn của ba vị được đưa lên Thượng Đế. Thượng đế thấy ba người đều có nghĩa, nên sắc phong cho làm Táo Quân, gọi chung là: Định Phúc Táo Quân, nhưng mỗi người giữ một việc.

BỘ TÊN THẦN BẾP
– Chân giò, chân gốm,
– Chân kiềng, kiềng ba chân
– KIỀNG BA CHÂN
Dù ai nói ngả nói nghiêng
Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân
—o—
– KIỀNG BA CHÂN
Dù ai nói đông nói tây
Thì ta cũng vững như cây giữa rừng
Dù ai nói ngả nói nghiêng
Thì ta cũng vững như kiềng ba chân
—o—
– KIỀNG BẾP
Ba thằng lỏng thỏng, cõng thằng đen thui
Là cái gì? Kiềng bếp
—o—
Ba cây, một quả, ra rả những hột
Là gì? Kiềng bếp
– Vua Bếp
– Ông Bếp
– Đầu Bếp
– ÔNG BẾP
Ông cả ngồi trên sập vàng
Cả ăn, cả mặc, lại càng cả lo
Ông bếp ngồi trong xó tro
Ít ăn, ít mặc, ít lo, ít làm
—o—-
– BA ÔNG BẾP
Ngày đi dặn vợ ở nhà
Có ba ông bếp với và con kê
—o—
– VUA BẾP
Thế gian một vợ một chồng
Chẳng như vua bếp hai ông một bà
—o—
– VUA BẾP
Đói no vua bếp hay,
Đắng cay bà gừng biết
—o—
– VUA BẾP
Gái đâu có gái lạ đời
Chỉ còn thiếu một ông trời không chim
Long thần, thổ địa cũng tìm
Thổ công, vua bếp cũng chim cả rồi
—o—

BỘ TÊN TÁO QUÂN
– Ông Táo
– Táo quân
– Ông Công ông Táo
– ÔNG TÁO
Nói láo ông Táo bẻ răng
—o—
– TÁO QUÂN
Một rằng mình quyết lấy ta
Ta về bán cửa bán nhà mà đi
Ta về bán núi Ba Vì
Bán chùa Hương Tích, Phật đi làu làu
Ta về bán hết ngựa trâu
Bán hột thầu dầu, bán trứng gà ung
Bán ba mươi sáu Thổ công
Bán ông Hành khiển, vợ chồng Táo quân
Bán từ giờ Ngọ giờ Dần
Giờ Tí giờ Sửu giờ Thân giờ Mùi
Ta về bán cả que cời
Bán tro đun bếp bán trăm khêu đèn
Ta về bán trống bán kèn
Có gì bán hết, lấy tiền cưới em
—o—
– ÔNG TÁO
Vè Tết
Hạ lợi bước qua
Chánh ngày hăm ba
Lễ đưa ông Táo
Hai là lễ đáo
Tảo mộ ông bà
Cổ tích bày ra
Truyền cho con cháu
Từ ngày hăm sáu
Dĩ chí ba mươi
Cá thịt tốt tươi
Ông bà tiếp rước
Phải dùng cây trước
Lấy nó làm nêu
Thiên hạ cũng đều
Lo chưng đồ đạc
Sơ tam chánh ngoạt
Canh giữ thường lai
Quần rộng áo dài
Ăn chơi ba bữa
Bịt khăn sắm sửa
Làm tuổi mẹ cha
Đèn đốt vậy mà
Tứ cung tứ bái
Trai thời giữ đạo
Gái phải dằn lòng
Xuân nhật ngày đêm
Đèn chong hương đốt
Chơi bời mùng Một
Chí những mùng Hai
Liên gia trong ngoài
Ăn mừng năm mới.
Chữ An, chữ Thới
Dán trước hàng ba
Phú quý vinh hoa
Dán vô trước cửa
Tài lợi lộc phước
Dán trước hàng nhì
Vạn trực duy tân
Dán vô cửa giữa
Dán thời phải lựa
Cột cái định tường mà dán
Trên trang ông Táo
Đề chữ “Hiển Linh”
Lấy câu “Thái Bình”
Dán ngoài cửa ngõ
Quần điều áo đỏ
Quần rộng vãng lai
Chánh ngoạt sơ khai
Tháng Giêng duy thỉ
Canh ba giờ tí
Thức dậy làm gà
Lễ vật bày ra:
Nhang, đèn, trà, nước
Tiên sư giáng trước
Ứng biện vô dò
Rượu rót liên do
Kim ngân tiếp đốt
Giờ này thiệt tốt
Thạnh lợi chủ gia
Giờ đặng kế ba,
Làm ăn phú quý
BỘ TÊN ĐẦU RAU, ĐẦU NHAU
– Đầu nhau
– Đầu rau
– Đồ rau
– ĐẦU RAU
Nhà anh nóc trổ lên trời
Ông tổ bảy mươi đời thì chết đã lâu
Trong nhà cổng trước ngõ sau
Nhìn vào trong bếp, đầu rau ba hòn
—o—
—o—o—o—
THẰNG LỐC – ĐẦY TỚ CỦA TÁO QUÂN
Trong Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam tác giả Nguyễn Đổng Chi, phần Khảo dị sự tích táo quân đã đưa ra một dị bản do người Sơn-tây kể: Người chồng sau có nuôi một người đầy tớ tên là Lốc. Trong khi người đàn bà đi vắng thì người đầy tớ đốt đống rơm để thui con cầy mà người chồng sau vừa săn được. Lửa vô tình đã đốt chết người chồng trước đang lúc ngủ say. Người đầy tớ thương chủ, lại thêm hối hận vì tay mình đốt chết người nên cũng nhảy vào lửa chết theo.
Ba vợ chồng sau đó được Diêm vương cho hóa thành ba ông đầu rau. Còn người đầy tớ được hóa thành cái dùng để chặn đống nhấm, còn người ta quen gọi là thằng Lốc.
Các giải thích về thằng Lốc
– Ở nông thôn ngày xưa chưa có diêm. Thường về buổi chiều người ta thường phải đổ một mớ trấu bên cạnh bếp, trên có đè bằng một hòn đất nặn theo hình quả cân để cho nó cháy âm ỉ tới sáng, lúc cần thổi lên thành lửa mà dùng. Đống trấu đó gọi là “đống nhấm”, hòn đất dùng để đè gọi là “thằng Lốc”. (Nguyễn Đổng Chi)
– Viên cuội đặt trên than để nó không cháy quá nhanh tên là Hòn Lộc, là người đầy tớ trung thành đã lao vào đống lửa để đi theo người chồng sau (Nguyễn Văn Huyên)
– Buổi tối sau khi cơm nước, người ta đổ vào đĩa sành ít trấu, đặt vào đó vài cục than hồng, rồi chặn con giấm lên. Con giấm được nặn bằng đất sét hình vuông, có núm lồi để cầm, nó sẽ chẹn đám than trấu, cháy âm ỉ cho đến sáng. (Phan Cẩm Thượng)
– Trong “Nghề nông cổ truyền Việt Nam” qua thư tịch Hán Nôm có ghi chép về phong tục ở làng Quần Phương, Nam Định vào năm 1930: sau khi đã cấy lúa xong, nhà nào nhà nấy sai con cháu đào đất rễ mạ ở ruộng mạ, về nhào kỹ để nặn ông táo (đồ rau) và hòn đè (còn được gọi là ông Núc hay ông Nén), là khối đất vuông để đè tro trấu cho lửa ko bốc lên được, có nơi gọi là thằng Lốc.
Các tên của thằng Lốc
– Thằng Lốc
– Hòn Lộc
– Ông Núc (tạo nên từ bếp núc)
– Ông Nén
– Hòn Đè
– Đống Nhấm
– Nhấm bếp
– Con Giấm
– Rấm bếp
– RẤM BẾP
Lấy chồng thợ mộc sướng sao
Mạt cưa rấm bếp, vỏ bào nấu cơm
Vỏ bào còn nỏ hơn rơm
Mạt cưa rấm bếp còn thơm hơn trầm
—o—
– GIẤM BẾP
Phen này quyết chí buôn to
Buôn trấu giấm bếp, buôn tro trồng hành
—o—o—o—