BẢO VẬT CỦA TẢN VIÊN

Loading

Các ngọc phả về Tản Viên có nói về việc trước khi trở thành con rể của vua Hùng Vương thứ 18 thì Tản Viên đã có hai bảo vật là gậy thần và sách ước.

– Ngọc phả :

– – Tản Lĩnh Ngọc Ký, Thần tích của làng Dũ Lâu, tổng Lâu Thượng, huyện Hạc Trì, tỉnh Phú Thọ. Dịch từ bản khai năm 1938, bởi nhóm Nghiên cứu di sản văn hoá Đền Miếu Việt (Nguyễn Đức Tổ Lưu, Nguyễn Đức Tố Huân), in trong sách Kinh Triều Bảo Lục, Nam Thiên Thánh Tổ, Tản Viên Sơn. https://bahviet18.com/2021/08/30/tan-linh-ngoc-ky

– – Bản ngọc phả được sao trong bản khai của làng Tang Ma, tổng Phương Giao, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ năm 1938. Bản ngọc phả này được chép là tổng hợp các bộ phả gồm: bộ Thượng về thời Hùng Vương, bộ Trung về Tiền Thánh mẫu, bộ Hạ về sự tích Sơn Thánh.

Hiển linh hộ quốc. Ngọc phả cổ về Tản Viên Đinh Phi Thánh mẫu triều Hùng Việt Thường Thị, bộ Hạ

BẢO VẬT GẬY THẦN

– Người trao : Sơn Tinh Thái Thần, Thái Bạch Thần Tinh Tử Vi Thiên tướng

– Sự kiện được trao gậy : Nguyễn Tùng (sinh là Nguyễn Tuấn) chặt cây ngô đồng lớn, nhưng hôm sau rủ người lên khiêng thì cây sống lại như bình thường. Nguyễn Tùng rình thì thấy ban đêm có ông tiên dùng gậy thần làm cây sống lại. Hỏi thì tiên ông nói rằng đây là cây chủ của núi Ngọc Tản trời Nam, không thể chặt được. Sau đó ông tiên cho Nguyễn Tùng cây gậy này và dặn rằng cây gậy này một đầu là tử và một đầu là sinh.

– Sự kiện sử dụng gậy theo Tản Lĩnh Ngọc Ký

– – Ngày hôm đó Thần sư đi qua thôn Cốc của sách Thủ Pháp, bỗng thấy hơn năm trăm con voi và hổ tập trung ở một vùng trên đường qua lại. Trăm muông thú chạy hàng đàn. Thần sư lấy gậy chỉ vào. Lập tức hổ theo hướng Bắc, voi theo hướng Đông, tránh đầu gậy mà chạy hết. Nhờ đó mà đường đi được thông suốt.

– – Thần sư đi tới bờ sông nhìn thấy nước trời một màu, khói sương mờ mịt, bên sông vắng lặng, thuyền trống mái gác. Thần sư lấy gậy chỉ vào, tức thì mặt nước rẽ mở, giữa sông trở thành một con đường, đi qua đó như đi trên đất bằng vậy

– – Thần sư lấy 36 văn tiền để mua rắn (đã bị lũ trẻ chăn trâu giết), rồi đem đến đầu trên bãi Trường Sa niệm thần chú, dùng gậy chỉ vào. Tức thì mờ mờ ảo ảo phục dẫn ở đầu gậy. Con rắn sống lại.

Vận hành của gậy thần :

– Trong ba lần sử dụng trên, các đối tượng của hiện thực không đổi, cụ thể

– – đàn voi, hổ là không đổi,

– – nước sông là không đổi.

– – hồn và xác của con rắn là không đổi

– Gậy đầu sinh đầu tử chỉ thay đổi trạng thái khoá giữa các đối tượng trong một không thời gian, cụ thể

– – đàn voi, hổ tản ra khỏi chỗ chúng tụ tập khi đầu gậy chỉ vào

– – nước sông rút ra khỏi vị trí mà đầu gậy chỉ vào

– – hồn hút về đầu gậy nhập lại vào xác thì rắn sống lại

Gậy thần liên quan đến tụ hay tán vật chất, tinh thần, năng lượng trong một không thời gian

BẢO VẬT SÁCH ƯỚC

– Người trao : Long Vương tặng sách cho Tản Viên sau khi Tản Viên cứu con Long Vương, hiện hình là con rắn gặp nạn trên bãi Trường Sa của sông Đà

– Sách ước là gì ?

– – Một quyển sách thần, truyền đủ phép lạ, nguyên gốc thông đất thấu trời đều ở trong cuốn sách thần ấy (Tản Lĩnh Ngọc Ký)

– – Một quyển sách thần là phép màu chân truyền, vốn có thể thấu trời suốt đất chỉ trong một lời ước (ngọc phả làng Tang Ma)

– Địa điểm xảy ra sự kiện Nguyễn Tùng (sinh Nguyễn Tuấn) cứu con rắn : Bãi Trung Độ của xã Ma Xá, còn có tên là bãi Trường Sa (Tản Lĩnh Ngọc Ký) hoặc Trang Ma Xá châu Trung Độ (còn gọi là Trường Sa) (Ngọc Phả làng Tang Ma). Bãi Trường Sa là một bãi nổi trên sông Đà, nay thuộc thị trấn Thanh Thuỷ, huyện Thanh Thuỷ, tỉnh Phú Thọ, nay được cho là đảo Ngọc Xanh

– Sự kiện được trao sách ước : Đông Cung Thái Tử con của Long Vương lên trên cạn để thăm 1 ngôi đền, trong hình hài 1 con rắn đen. Con rắn đen bị con chăn trâu bắt giết, đang nghịch chơi. Tản Viên thấy bèn bỏ tiền mua con rắn, rồi lấy gậy đầu sinh đầu tử, cải tử hoàn sinh cho nó, con rắn rẽ nước về Động Đình nên Tản Viên nhận ra nó là con của Long Vương. Con của Long Vương về kể chuyện cho cha, Long Vương mời Tản Viên xuống Động Đình, rồi tặng cho Tản Viên sách ước.

– Sự kiện sử dụng sách ước : Để có “Voi 9 ngà, gà 9 cựa, ngựa 9 hồng mao” làm sính lễ cưới Mỵ Nương, con vua Hùng Vương thứ 18

Vận hành của sách ước : Sách ước chuyển hoá đối tượng đang có sang đối tượng mà cần có hay ước có VD nếu cần có muối, thì phải có Axit và Bazơ và thực hiện chuyển hoá sau : Axit + Bazơ ===> Muối + Nước. Khoá của sách ước liên quan đến nước một nguyên tố cơ bản trong mọi chuyển hoá, nên người trao bảo vật này cho Tản Viên là Long Vương.

Lưu ý về 2 bảo vật

– Từ việc chặt cây thần, mà cây không chết vì được Tiên ông (Sơn Tinh) dùng gậy thần cải tử hoàn sinh, Tản Viên được trao gậy thần. Gậy thần chính là cốt lõi cái cây đầu sinh đầu tử. Tử việc cải tử hoàn sinh cho con rắn hoàng tử của Long Vương bằng gậy thần, Tản Viên được trao sách ước. Cái gốc của con rắn vẫn chính là sách ước. Hoàn toàn có thể nói hai bảo vật của Tản Viên là cái cây thân và con rắn thần.

– Ở góc độ nào đó, người trao 2 bảo vật này cho Tản Viên lại vẫn là Sơn Tinh (cây ngô đồng) & Thuỷ Tinh (con rắn đen).

TẢN LĨNH NGỌC KÝ

Nguồn : Tản Lĩnh Ngọc Ký, Thần tích của làng Dũ Lâu, tổng Lâu Thượng, huyện Hạc Trì, tỉnh Phú Thọ. Dịch từ bản khai năm 1938, bởi nhóm Nghiên cứu di sản văn hoá Đền Miếu Việt (Nguyễn Đức Tổ Lưu, Nguyễn Đức Tố Huân), in trong sách Kinh Triều Bảo Lục, Nam Thiên Thánh Tổ, Tản Viên Sơn.

Tản Lĩnh ngọc ký

Thánh Tản giáng sinh

Thời Kinh triều 18 nhánh, có động Lăng Sương, huyện Thanh Xuyên, phủ Gia Hưng, đạo Hưng Hóa, xứ Sơn Tây. Động ấy là nơi núi gấm ngang trời, nước biếc tràn đất, non nước như tranh, cây cỏ tươi tốt, báo kêu chim hót véo von, gác khói đài mây lung linh, sương chiều bảng lảng. Thật đúng là nơi đẹp đẽ nhất trời Nam.

Lúc bấy giờ có Trưởng ông tên là Nguyễn Cao Hành, tuổi đã 70, Thái bà tên Đinh Thị Điên, tuổi 50, cùng nhau sinh sống ở đó. Ông bà thường tích đức, làm việc nghĩa, hương khói cúng tế một mực phong lưu, rộng rãi, lễ lạt dư giả.

Bỗng một hôm trông thấy ở trong động mây lành vương vấn, khí tốt rạng rỡ, một con rồng vàng cuộn mình giáng xuống, lấy nước phun sóng như châu ngọc. Đáy giếng tuôn sóng khí thiêng. Hương vị thoáng bốc phủ ngang khắp trên mặt đất. Được một chốc lát, Rồng cưỡi mây mà bay lên biến mất. Gió nhẹ thổi như có ý muốn đón người. Thái bà nhân đó đi qua tường ở bên trái, gánh nước trong giếng lại chỗ bàn đá trắng, đứng lên đó để tắm gội. Thân mình tự nhiên có mùi hương tỏa ngào ngạt, khí tốt giăng đầy, anh sinh tú đúc, cảm thấy như tinh khí đầy khắp, mừng tụ lại ở bụng. Sau đó mãn nguyệt ý như có động, mang thai được 14 tháng. Đến sáng ngày Rằm tháng Giêng năm Đinh Tỵ, Thái bà đang ngồi nghỉ trên hòn đá trắng bỗng thấy mây năm sắc bay, hào quang giáng khí. Lúc ấy sinh hạ được một người con trai, thần sắc tuấn tú, khí mạo hiên ngang, cao lớn khác vạn người. Được trăm ngày sau mới đặt tên là Nguyễn Tuấn.

Nghe chuyện lạ ấy người lúc đó có thơ rằng:

Tinh thần ngọc cốt cách Lăng Sương
Mở chốn Rồng thiêng xuống thế dương
Thái Thủy cũng là Thiên Thượng Mẫu
Hoài thai lâu lạ khác bao thường.

Tảng đá nơi sinh Thánh Tản ở Lăng Sương.

Gậy thần sách ước

 

Lại nói, Nguyễn Tuấn khi 6 tuổi thì cha mất. Thái bà làm lễ an táng.

Bảy tuổi, mẹ con dắt nhau đến núi thiêng Thứu Lĩnh Ngọc Tản (ở xứ Mang Bồi) mà ngụ cư tại đó. Lại kết thân cùng với một lão bà ở núi ấy tên là Ma Thị Cao Sơn Thần nữ.

Được ba năm, nhớ đến mộ phần gia đình, bèn trở về động cũ Lăng Sương, đổi tên là Nguyễn Tùng.

Khi lên 12 tuổi bắt đầu theo nghiệp với tiên sinh Lý Đường chuyên tâm học hành. Tuy là ngõ cụt ngách hẹp nhưng tính tình vui vẻ vốn có không đổi. Ngày ngày kiếm góp cây khô, búa rìu tiêu dao làm kế sinh nhai. Đêm đêm bên án tuyết song huỳnh một bầu rượu ngon làm thú vị. An bần lạc đạo, coi đó như chí lớn vậy. Tuy nhiên đôi khi cảm thương mẹ vất vả, xót xa mẹ cực nhọc, nên thường bỏ sách thở dài, gạt nước mắt mà rằng:
–    Sinh ra ta, nuôi nấng ta là lòng yêu thương của mẹ hiền, sánh như chuyện ba lần di dời. Nay tình cảnh như thế này, không có gì để an ủi mẫu thân.

Ngày qua năm lại, mới đến núi thiêng Ngọc Tản kêu than với lão bà Ma Thị rằng:
–    Ô hô! Vận trời tuần hoàn, việc người thường biến. Trước đây ở động Lăng Sương khó khăn, tạm còn đủ ăn. Ngày nay, rừng đã cạn củi, cách nuôi mẹ như chim yến đợi mồi. Chí tình của người con có hiếu biết làm sao đâu. Con nguyện xin làm con nuôi của Lão bà để ngày tiện hái củi, sau là có thể nuôi dưỡng được mẹ nuôi vậy.

Lão bà nghe lời than đó bèn đồng ý. Nguyễn Tùng dẫn mẹ đến cùng ở trên núi Tản Viên. Sau đó được 1 năm thì Thái bà qua đời. Nguyễn Tùng làm lễ chôn cất. Sau cùng với Lão bà Ma Thị cùng sống tại đó.

Một hôm lên đỉnh núi thiêng để chặt một cây lớn cành dài. Ngày hôm đó quay về báo cho người trong động cùng lên trên núi để lấy cây gỗ đó, nên tới hôm sau đến nơi thì đã thấy cây gỗ cành lá tươi tốt y như cũ. Nguyễn Tùng tự thấy làm lạ, lại chặt cây một lần nữa. Chặt xong giả vờ đi rồi quay về phục ở đó để xem xét. Tới ban đêm bỗng thấy một lão ông thân cao một trượng, râu trắng phơ, đầu đội mũ hoa, mình khoác áo gấm, lưng thắt đai vàng, chân xỏ hài mây, tay phải cầm một cây gậy trúc, thong thả bước đi như phượng múa gấm hoa, rồng ngậm ngọc duẩn, nếu không là nơi vườn Kỳ thì cũng là vật lạ chốn Lãng Uyển. Theo sau có một hề đồng, tay cầm một chiếc chuông vàng, lắc 3 hồi. Ông lão miệng đọc thần chú, lấy gậy chỉ vào. Bỗng thấy tất cả một bên gió mát thổi đến, lành mây bao phủ, tinh thần của rừng núi hội tụ, đất trời biến hóa trong chớp mắt. Cây gỗ sống lại.

Nguyễn Tùng nhìn thấy rõ ràng, liền chạy ngay lại nơi đó, hai tay ôm lấy ông lão, hỏi rằng:
–    Cụ là người ở đâu đến, xưng hô thế nào. Sao lại thương tiếc một cành cây già để mất nỗi trông mong của người dân đói rét?
Ông lão nói:
–    Ta là Sơn Tinh Thái thần, tên là Thái Bạch Thần Tinh Tử Vi Thiên tướng, vâng nhận sắc hạ của Ngọc Hoàng, canh giữ vùng rừng núi. Nay cái cây này là cây Ngô đồng quý giúp đời sinh thánh, đất dựng lầu phượng, chính là cây chủ của núi Ngọc Tản trời Nam, không thể chặt được. Cho nên ta phải giữ cây quý để cầu cho núi sông được vững bền, quốc gia được trị lâu dài bởi vua sáng, để thiên hạ có những ngày thái bình vậy.

Nguyễn Tùng chắp tay tạ và nói:
–    Một lời nói của Thiên tướng đã sáng tầm nhìn của tôi. Đâu dám không theo mệnh. Đúng là sự đời như ngựa hoang, thói đời như phù du. Có có không không, sinh sinh hóa hóa. Cơ vi khó ngờ, sự đổi khác thường. Cả trời đất này cùng chung lý đó. Tùng tôi nay nguyện được nhận gậy thiêng cùng với thần chú để cứu sự sinh tử của nhân gian, để báo ơn sâu của cha mẹ, sau là để nhờ được ban phép mà không còn phải hái củi nuôi mẹ.

Ông Lão nghe lời nói đó, biết là người đại hiếu, không phải là người thường, bèn lấy gậy thần cùng thần chú truyền thụ cho. Rồi lại dặn rằng:
–    Đầu trên của gậy có thể cứu người. Đầu dưới có thể trừ hại chúng. Chỉ đất đất nứt, chỉ nước nước cạn. Phép thực linh nghiệm, cơ sâu diệu huyền. Nếu chỉ trời thì mây bạt sương tan, chiếu tận cửu trùng. Hãy cẩn thận! Hãy cẩn thận! Không thể! Không thể!

Dặn xong, thần Thái Bạch bay lên không mà đi. Nguyễn Tùng từ khi có được gậy thần, vui mừng trở về động núi Tản Viên, bái tạ mẹ nuôi, lại đem mộ cốt của mẹ về động cũ Lăng Sương. Nhân đó tự xưng là Thần sư.

Ngày hôm đó Thần sư đi qua thôn Cốc của sách Thủ Pháp, bỗng thấy hơn năm trăm con voi và hổ tập trung ở một vùng trên đường qua lại. Trăm muông thú chạy hàng đàn. Thần sư lấy gậy chỉ vào. Lập tức hổ theo hướng Bắc, voi theo hướng Đông, tránh đầu gậy mà chạy hết. Nhờ đó mà đường đi được thông suốt.

Thần sư đi tới bờ sông nhìn thấy nước trời một màu, khói sương mờ mịt, bên sông vắng lặng, thuyền trống mái gác. Thần sư lấy lấy gậy chỉ vào, tức thì mặt nước rẽ mở, giữa sông trở thành một con đường, đi qua đó như đi trên đất bằng vậy.

Thần sư đi đến bãi Trung Độ của xã Ma Xá, còn có tên là bãi Trường Sa. Trên đường bỗng thấy đám trẻ chăn trâu đánh chết một con rắn đen, hô nhau lôi kéo làm vui đùa. Thần sư thấy vậy sự đáng thương hại cần cứu, mới động lòng mà nói với lũ trẻ chăn trâu rằng:
–    Lũ các ngươi chớ có đùa nghịch như thế. Ta muốn mua con rắn này.
Bọn trẻ cười mà đồng ý. Thần sư lấy 36 văn tiền để mua rắn, rồi đem đến đầu trên bãi Trường Sa niệm thần chú, dùng gậy chỉ vào. Tức thì mờ mờ ảo ảo phục dẫn ở đầu gậy. Con rắn sống lại. Rắn đen khoanh tay bái tạ. Thần sư đứng nhìn, thấy rắn đen trườn ra sông, chia thành đường nước dẫn về tới Động Đình, mới biết đó là con của Long Vương.
Bấy giờ Thần sư trở về động Lăng Sương. Rắn đen trở về Động Đình, đem mọi việc tâu với Đế Quân. Đế Quân nhớ công đức ấy bèn sai Thái tử cùng với Đô đốc Giao Long đi đón Thần sư ở quê động. Thần sư bởi vậy đi theo đến Long cung, qua tường gấm đến cửa châu, nhìn thấy gác ngọc lầu châu tầng tầng lớp lớp, thần Côn tướng Ngao hàng hàng lớp lớp sắp hàng. Binh lính cá, ba ba đứng chầu ở cung ngọc. Đế Quân ngự ở tòa chính, nghênh thỉnh Thần sư vào ngồi ở bên phải long sàng, rồi nói:
–    Long chủng Đông Cung là Thái tử của Trẫm, hôm qua đi chơi chốn điện thiêng Tùng Đài (là đền thiêng giữa sông xã Sơn Bạn), chẳng may gặp biến ở Trường Sa. May nhờ ngài cứu thoát, thật đúng là ơn sâu nghĩa lớn. Hôm nay mời đến muốn tỏ tấc lòng báo đáp.
Thần sư tâu rằng:
–    Thủy phủ Dương gian, đường lối khác nhau. Sự tinh rộng của giống rồng, sao có thể hiểu hết được. Chỉ vì nhà của nô tì vốn âm thầm làm việc thiện, lại được gần gũi dung nghi của bệ hạ. Đâu dám mong sự báo đáp.
Hôm đó trong cung mở tiệc hội lớn. Chiếu rồng trải khắp, đèn phượng thắp cao. Giường ngọc bình hương, vàng ròng mã não, đều là những vật lạ trân kỳ trên thế gian không có, tất cả được bày ra la liệt trước mắt. Tiệc ngọc yến bày, Đế Quân đích thân mời. Thần sư rằng:
–    Kẻ trần thế được gặp long nhan đã là điều hiếm có. Nay may mắn vượt sóng ba đào tới chốn này, bình sinh chưa từng có được niềm vui như vậy, đâu dám không uống say chịu ơn.
Tiệc xong, Đế Quân lấy vàng bạc báu vật ra lễ tạ. Thần sư cố từ chối không nhận. Thái tử bảo riêng với Thần sư rằng:
–    Hôm nay được gặp mặt rồng, là cơ hội ngàn năm có một. Thần sư công đức như núi Ngao biển Kình, tiền tài xem nhẹ như chiếc lông, đức này không phải là thường. Nay có một quyển sách thần là phép màu chân truyền, vốn có thể thấu trời suốt đất chỉ trong một lời ước. Tôi xin tâu riêng với Đế Quân được dùng để báo đáp.
Thần sư đáp: Được.
Do đó Thái tử tâu với Đế Quân. Đế Quân cảm công đức của Thần sư liền lấy sách ấy trao cho Thần sư nhân xem. Thần sư được sách đó rồi, từ tạ Đế Quân. Đế Quân khiến Thái tử đem quân đi tiễn Thần sư trở về, đến tận bãi sông, quay về động cũ. Thần sư nhân lúc từ biệt mà làm thơ rằng:
Không gặp làm sao có kiếp sinh
Khi đi là nghĩa, về là tình
Quay lên đỉnh Thứu, người còn vọng
Trở lại cung Rồng, khách chẳng đành
Một dải âm dương đôi tách ngả
Chín trời mây nước mộng ba canh
Tạm biệt cửa sông hai mắt dõi
Tương tư chốn ấy bởi xa tình.

—o—o—o—o—o—

NGỌC PHẢ TẢN VIÊN – ĐINH PHI THÁNH MẪU – HÙNG TRIỀU VIỆT THƯỜNG THỊ

Ngọc Phả Tản Viên Đinh Phi Thánh Mẫu Hùng Triều Việt Thường Thị

Bản ngọc phả được sao trong bản khai của làng Tang Ma, tổng Phương Giao, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ năm 1938. Bản ngọc phả này được chép là tổng hợp các bộ phả gồm: bộ Thượng về thời Hùng Vương, bộ Trung về Tiền Thánh mẫu, bộ Hạ về sự tích Sơn Thánh.

Gậy thần sách ước. Ngọc phả cổ về Tản Viên Đinh Phi Thánh mẫu triều Hùng Việt Thường Thị, bộ Hạ

Gậy thần sách ước

Khi đó Tùng Công còn đang lên núi Tản hái củi đem về bán mà nuôi mẹ, nên không có ở nhà. Những người trong động thấy việc như vậy bèn cùng ra nơi ấy (tức là bên góc ruộng nơi nhà Thái bà ở) mà làm lễ. Lúc ấy Tùng Công mới trở về đến nơi, thấy Thái bà còn đang nằm ở nơi đó, gió mưa mù mịt, nổi vù vù bốn mặt tựa như sấm vậy. Tùng Công cùng với người trong động khi đang tìm nơi làm lễ táng thì thấy mối đùn thành mộ (chính ở tại nơi góc ruộng có miệng giếng, có bàn thạch chính nơi dựng nhà, trước đây là chỗ sinh Tùng Công).
Lại kể rằng Tùng Công từ khi Thái bà tạ thế trong trăm ngày đều ở đó, nhà cửa cùng quẫn, tứ cố vô thân, sống trong căn nhà nhỏ ở chỗ xa xôi. Một hôm gần tối, thấy một lão bà từ bên ngoài đi vào, không biết từ đâu tới, là người rất kỳ lạ, đứng ở trước sân mà rằng:
Người con côi! Người con côi!
Quân tử vốn khó khăn
Hồng nhan nhiều gian nan
Con hiếu sẽ được yên
Muốn lập thân thành nên
Hãy về với mẹ nuôi
Dựa vào núi Tản thiêng.

Lời dứt thì biến mất. Tùng Công biết là mẫu thân dạy vậy, bèn làm một lễ nhỏ, cẩn thận đặt trước mộ nhà rồi đi. Sau cùng về với lão bà Ma Thị mà ở.
Đến một hôm lên núi Tản Linh chặt một cây to cành lớn. Trong hôm đó về báo cho người trong động (tức động Mang Bồi) cùng lên chặt gỗ. Nhưng mà ngày hôm sau đến nơi, thì thấy cây gỗ cành lá vẫn xuân xanh, tươi tốt như nguyên. Nguyễn Tùng lấy đó làm sự lạ thường, bèn lại một lần nữa chặt cây, rồi giả như đi về, quay lai nơi ấy để xem ra sao. Đến ban đêm thấy một ông lão thần cao hơn một trượng, râu tóc bạc phơ, đầu đội mũ hoa, mình khoác áo gấm, lưng thắt khăn đỏ, chân đi giày mây, tay phải cầm một cây gậy trúc, thong dong bước đi như hoa gấm đùa phượng, bút ngọc vờn rồng, nếu không là nơi Vườn Kỳ thì cũng thành vật lạ chốn Lãng Uyển. Theo sau có một hề đồng cầm một cái chuông đồng, lắc liền ba hồi. Lão ông miệng niệm thần chú, dùng gậy mà chỉ. Bỗng thấy vụt kéo tới một trận sấm gió bồng bột, sắc mây đê mê. Tinh thần hội đồng nơi đỉnh núi biến loạn. Mắt mày trời đất chao đảo quay cuồng. Cái cây lớn hồi sinh.
Nguyễn Tùng nhìn thấy rõ ràng bèn đứng dậy chạy lại nơi cây cổ thụ, hai tay ôm lấy ông lão mà hỏi rằng:
– Ông lão từ đâu đến đây? Từ đâu đến đây? Tên cụ là gì? Sao vì thương xót một cành cây già mà phụ nỗi mong mỏi của người dân đói lạnh?
Ông lão rằng:
– Ta là đại thần tinh núi, tên gọi Thái Bạch Thần Tinh Tử Vi Thiên Tướng, vâng sắc chỉ của Ngọc Hoàng xuống trông giữ vùng núi non. Nay cái cây này là cây ngô đồng quý, giúp thánh ra đời, lầu phượng dựng nên, chính là trời sinh mộc chủ trong núi Ngọc Tản, không thể chặt được. Trái lại, ta phải giúp giữ cây này để cầu cho non sông vững mạnh, đất nước bền lâu, vua trị được thấy có ngày thái bình vậy.
Nguyễn Tùng chắp tay vái mà nói:
– Lời nói của thiên tướng đã làm sáng tỏ lòng mong mỏi một bề. Lại bàn bụi trần khói bay, kiếp người phù du, có có không không, sinh sinh hóa hóa, cơ diệu khó đoán, sự biến khôn lường. Cả trời đất đều chung lý ấy. Tùng tôi nay nguyện được nhận gậy thiêng cùng với thần chú để cứu việc sinh tử người đời, để báo ân sâu cha mẹ, sau là có thể cầu được phúc vậy. Khỏi phải đi kiếm củi nuôi mẹ nữa.
Ông lão nghe lời nói biết là bậc đại hiếu, không phải dạng người thường, bèn lấy gậy thiêng cùng thần chú giao cho. Lại nói rằng:
– Một đầu gậy có thể cứu sống người. Đầu dưới có thể trừ diệt hại. Chỉ đất đất nứt, chỉ nước nước cạn, phép thật linh nghiệm, cơ thật diệu huyền. Nếu chỉ trời thì khắc mây bay mưa tạnh, chiếu tận cửu trùng. Hãy cẩn thận! Hãy cẩn thận! Không thể! Không thể!
Nói xong bay lên không mà đi. Nguyễn Tùng từ khi được gậy và chú, vui mừng liền trở lại núi Tản Linh, bái tạ mẹ nuôi mà nói rằng:
– Con nay có được gậy thiêng của thiên thần, có thể cứu rõ được sinh tử thế gian.

Việc xong thì về động cũ Lăng Sương, nhân từ đó xưng là Thần Vương. Mọi người trong động (tức là động Lăng Sương) đều kính phục. Tùng Công sửa sang lại nhà cửa lăng mộ, làm lễ bái yết các tiền nhân, nhờ thác nhân dân lo việc hương đèn. Mọi người đều làm lễ nhận việc đó (hôm đó là ngày 4 tháng 4).

Xong việc Thần Vương (tức Tùng Công) cùng ngày lên đường. Đi qua chỗ đất sách Thủ Pháp (thôn Cốc). Sách Thủ Pháp hay có nạn voi hổ hại, nhân dân rất khổ sở. Thần Vương đến nơi đất ấy, bỗng thấy một đám voi hổ hơn trăm con đang ngậm ba bốn người của sách Thủ Pháp. Lối về bị chắn mất bởi đàn trăm con thú chạy qua lại. Thần Vương lấy gậy chỉ vào, tức thì hổ Bắc voi Nam, cùng bỏ người ở nơi đất đầu gậy mà chạy mất. Thần Vương lại chỉ gậy ở đầu sinh. Những người đó đều sống lại. Nhân dân nơi ấy (tức sách Thủ Pháp) đều thấy việc lạ ấy, ngay hôm đó (ngày 5 tháng 5) cùng đến làm lễ bái hạ, xin làm thần tử. Thần Vương đồng ý. Từ đó voi hổ không dám xâm phạm, nhân dân đều được yên ổn nơi ruộng vườn đó. Thần Vương lại đi tiếp đến bên bờ sông, nhìn thấy sông lớn một màu, sương mù bay phủ mờ mịt. Bến sông không một chiếc thuyền. Thần Vương lấy gậy chỉ vào, tức thì nước rẽ mở thông suốt thành một con đường, đi qua đó như đi trên đất bằng vậy.

Vương đi đến trang Ma Xá châu Trung Độ (còn gọi là Trường Sa). Trên đường bỗng thấy đám trẻ chăn trâu đánh chết một con rắn đen rồi cùng đem mà reo đùa. Thần Vương thấy vậy động lòng thương xót muốn cứu, bèn nói với lũ trẻ chăn trâu rằng:
– Các ngươi sao lại đùa nghịch như vậy. Nay hãy bán lại con rắn này cho ta.
Lũ trẻ chăn trâu cười mà bằng lòng. Thần Vương lấy 36 văn tiền để mua, đem đến phía trên bãi Trường Sa, miệng đọc thần chú, dùng gậy thiêng chỉ vào. Tức thì như mộng mị chạy dẫn ở đầu gậy, con rắn sống lại. Rắn đen dập đầu bái tạ Thần Vương, trên đầu rắn có chữ Vương. Thần Vương đứng đó xem thì thấy rắn đen trở đi, giữa sông tách thành đường nước, mới biết đó là con của Long Vương (khi đó người ở Ma Xá thấy sự lạ đó đều đến làm lễ bái, xin làm thần tử).
Từ đó Thần Vương lại trở về nhà ở động Lăng Sương (tức là nhà và lăng của mẹ đẻ). Rắn đen trở về đến Động Đình, đem sự việc tâu lên. Đế Quân cảm công đức ấy bèn sai Thái tử (tức là con rắn đen) cùng với đô đốc Giao long đến đón Thần Vương ở động. Thần Vương tạ từ mẹ nuôi Ma Thị rồi theo sứ giả mà đến Thủy cung. Đi qua tường gấm cửa son, thấy gác ngọc lầu châu trùng trùng điệp điệp, tướng côn ngao ba ba lớp lớp hàng hàng, cùng với quân binh tôm, cá, rùa vây quanh hai bên. Đế Quân ngồi ngự ở chính giữa, mời Thần Sư đến ngồi ở long sàng bên phải, phán rằng:
– Gót rồng Đông Cung chính là Thái tử của Trẫm. Hôm trước đi dạo ở Tùng đài Linh điện, chẳng may gặp biến ở châu Trường Sa, may nhờ Ngài cứu khỏi, thật là ơn lớn. Hôm nay mời đến là muốn báo đáp tấm lòng ấy.
Thần Vương tâu rằng:
– Thủy phủ dương gian hai đường khác biệt. Cốt rồng sâu rộng, đâu chạm đến thổ địa. Nhà tôi vốn làm việc thiện đạo âm thầm, lại được thần phép. Buổi trước cũng có đi dạo mà cứu được sự biến, đó là bởi ở lòng người. Đâu ngờ hôm nay được gần dung nghi sáng rỡ. Không dám mong báo đáp vậy.
Cùng ngày khắp trong cung mở tiệc hội lớn, bày trải chiếu hoa rồng, thắp sáng bởi đèn dầu phượng, bình hương trướng ngọc, vàng bạc mã não, kỳ trân dị vật, đều là những thứ trên trần thế không có được. Tất cả bày ra la liệt trước mắt đều là cỗ ngọc đồ ngon. Đế Quân tự tay rót rượu mời. Thần Vương phục tâu rằng:
– Tôi thường vẫn mong gặp được những nơi kỳ khoáng. Nay may mắn đi xa vượt sóng mà tới được cảnh đây. Bình sinh chưa từng mơ thấy sự vui như vậy. Đâu dám không uống rượu cho say hết mình.
Tiệc xong, Đế Quân cảm tạ bằng vàng bạc châu báu. Thần Vương cố từ chối không nhận. Thái tử mới nói riêng rằng:
– Nay đã thấy mặt rồng, đúng là cơ hội ngàn năm có một. Công đức của Thần Sư như biển kình núi ngao, tiền tài đều nhẹ như lông hồng, báo đáp bao nhiêu cũng không đủ được công đức ấy. Nay Đế Quân có một quyển sách thần, truyền đủ phép lạ, nguyên gốc thông đất thấu trời đều ở trong cuốn sách thần ấy. Nếu Thần Sư muốn cầu, tôi sẽ tâu riêng với Đế Quân để xin cho được.
Thần Vương nói: Được. Thế là Thái tử tâu lên. Đế Quân cảm công đức của Thần Vương, liền mới lấy cuốn sách ấy ban cho. Thần Vương xem kỹ sách đó, rồi từ biệt. Long Quân sai Thái tử cùng dẫn quân tiễn tới tận bãi sông mới quay lại. Đời sau có người làm thơ khen làm chứng:

Không gặp làm sao có kiếp sinh
Khi đi là nghĩa, về là tình
Quay lên đỉnh Thứu, người còn vọng
Trở lại cung Rồng, khách chẳng đành
Một dải âm dương đôi tách ngả
Chín trời mây nước mộng ba canh
Tạm biệt cửa sông hai mắt dõi
Tương tư chốn ấy bởi xa tình.

 

 

 

Chia sẻ:
Scroll to Top