Mùng 6 Tết, tôi đi đình Phục Cổ, ở xã Minh Hoà, huyện Yên Lập, tỉnh Vĩnh Phúc để tham dự lễ hội mở cửa rừng của người Mường.
Thắp hương ở đình, tôi xin được được kết nối với rừng, với thần rừng. Tôi sinh ra và lớn lên ở giữa lòng thủ đô Hà Nội, tôi nghĩ mình không biết rừng là gì, mình không kết nối được với rừng thì lễ hội “mở cửa rừng” đầu năm và lễ hội “đóng cửa rừng” cuối năm còn ý nghĩa chi nữa.
Tôi chỉ khấn thế thôi cũng chẳng chờ đợi gì.
Khấn xong bác từ bảo tôi là đầu năm đi lễ xin tài lôc à, tôi bảo cháu chẳng xin tài lộc gì, chỉ xin kết nối với tổ tiên.
Tôi hỏi về Thất vị được thờ ở đây mà chỉ có tên không có tích, bác từ bảo là bí mật không nói được. Tôi đoán chắc chắn trong số họ phải có thần rừng, thần đất và các vị tổ. Tôi cũng hỏi sao ở đây lại thờ Quang Trung, một người không có liên hệ thật sự nào với người và dân của xứ sở này, bác từ bảo vua xuống chiếu quy định như thế. Thế là tôi quay sang hỏi đường đi đến nơi thờ cụ tổ Ma Khê của dòng họ Ma, dòng họ nổi danh của vùng đất này. Bác từ nghe sao mà chỉ tôi ra Tôn Sơn Mộ Xuân, và bác còn chỉ cho tôi xem ảnh của khu mộ được treo ngay trước cửa hậu cung của đình.
Thấy đường đi và cái tên lạ lùng khác xa với chuẩn bị sẵn của tôi ở nhà, nên tôi hỏi bác từ thêm mấy lần mà bác vẫn khẳng định như vậy. Nhưng vì lúc định tra cứu đường đi thì điện thoại tự dưng mất sóng, nên tôi chẳng có cách làm nào khác là đi theo chỉ dẫn.
Đến nơi, tôi mới ngã ngửa ra rằng đây là khu căn cứ của Nghĩa quân phong trào Cần Vương của tướng quân Ngô Quang Bích. Tướng quân Ngô Quang Bích mất trên núi Tôn Sơn, mộ của ông cùng nhiều nghĩa sỹ đã hy sinh ban đầu cũng được đặt trên núi, cho nên người ta gọi khu di tích này là Căn cứ Tôn Sơn Mộ Xuân.
Nghĩa quân ngày xưa đóng ở Tiên Động, giữa vùng đất núi rừng có nhiều khe suối và có những hang động thông thiên rất tiện cho việc phòng thủ. Đứng ở giữa nơi có núi, có suối, có cây, có mây gió này, tôi tự dưng tôi hiểu ra nghĩa quân xưa rút vào rừng kháng chiến, rồi ra khỏi rừng đánh giặc. Núi rừng không chỉ là đất ở truyền thống của người đồng bào dân tộc Mường, Tày, Thái …, núi rừng không chỉ là cung cấp lương thực và các sản phẩm như gỗ, lông thú, thuốc chữa bệnh, mà núi rừng còn là nơi che chở bảo vệ người dân khỏi quân thù.
Sau khi đi qua suối, trèo lên núi, vào đền thắp hương cho các nghĩa quân, tôi nhận ra địa thế ở đây tiêu biểu cho “cửa rừng”. Người dân bản xứ, thờ thần rừng, yêu rừng, bảo vệ xứ sở mới được thần cho vào cửa rừng, chứ quân giặc thì đừng hòng mở cửa rừng, dù chúng có thể chiếm được đất ta hay giết được dân ta.
Như vậy thần rừng đã tác động để bác từ thì chỉ “đường sai” và máy điện thoại thì mất sóng. Đó là cách thần rừng dắt tôi ra rừng và thần mở cửa rừng cho tôi. Thần rừng vẫn đang ở đây với chúng ta, chứ không chỉ ở trong cổ tích vua Hùng kén rể bằng voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao. Cuối cùng thì tôi cũng đã biết được thế nào là mở cửa rừng lần đầu trong cuộc đời của mình.
Thế là Tết này, Nam Hải Đại Thần Vương đã đỡ cho tôi mở cửa biển với xứ Đông trong các bài thiền của tôi và các bạn học sinh, và giúp tôi hiểu về lễ hội nghing ông và cầu ngư mà liên quan đến Cá ông Nam Hải, còn thần rừng cho tôi mở cửa rừng với xứ Đoài. Lần đầu tôi được chạm vào Tết theo từng xứ sở theo một cách giản dị mà linh thiêng đến vậy.
===