Ở ngưỡng trưởng thành, một người cần tự đặt câu hỏi “Tôi là ai?”. Câu hỏi “Tôi là ai ?” dẫn đến lễ “Mở căn”. Đây là nghi lễ dành cho sinh linh của muôn giống loài trong quá trình trưởng thành.
Sau khi lạc lối trong một đống câu trả lời kiểu “tôi không phải thế này”, “tôi chưa phải thế kia”, “tôi muốn tôi thế này”, “tôi ghét tôi thế kia”, người này sẽ tự đặt ra câu hỏi “Cha là gì ?”, “Mẹ là gì ?”, “Cha mẹ không phải là gì ?, “Trời là gì ?”, “Đất là gì ?, “Trời và đất không phải là gì ?, “Chuột là gì ?”, “Cây là gì ?, “Chuột và cây không phải là gì ?, “Phật là gì ?”, “Chúa là gì ?”, “Phật và Chúa không là gì ?” ….
Hỏi thì cứ hỏi, nhưng làm sao mà trả lời nổi, và thế là câu hỏi “Tôi là ai ?” này dần dần dẫn việc thừa nhận “Tôi là tôi” và “Người khác là người khác”.
Lễ mở căn cho một người nhận thức căn bản về “Cái tôi” của chính mình và của mỗi sinh linh trong vạn vật.
Nhận thức về “cái tôi của mình” phân biệt với “cái tôi của kẻ khác”, như những cái tôi độc lập, dẫn đến mong muốn “Tôi là một chỉnh thể đối với những thứ trong tôi” và “Tôi là duy nhất so với những thứ ngoài tôi”.
Nhận thức và mong muốn “Tôi là tôi” và “Tôi là một”, “Tôi là duy nhất” dẫn đến lễ “Dứt căn”.
====
Khi chưa tự đăt câu hỏi “Tôi là ai ?” và chưa tự chịu trách nhiệm về việc “tôi là tôi”, thì cơ bản là không có năng lực để đặt câu hỏi “Tôi muốn là ai ?”.
Chúng ta cần chắc chắn rằng “Tôi là tôi” và “Tôi là một”, trước khi đưa ra các mục tiêu như
– Tôi là mẹ hiền
– Tôi là vợ đảm
– Tôi là nghệ sỹ sáng tạo
– Tôi là doanh nhân thành đạt
– Tôi là người hiền lành tử tế
– Tôi là người được yêu mến
– Tôi là chủ thể cuộc đời
Khi chúng ta khẳng định “Tôi là mẹ hiền” thì chúng ta lại phải trả lời câu hỏi “Tôi là mẹ của đứa con nào ?” và “Tôi hiền thì con tôi hiền hay ác” cũng như “Hiền hay ác là cái gì ?” Vậy định nghĩa cái tôi người mẹ, phụ thuộc vào cái tôi đứa con, và quan niệm của xã hội về hiền và ác.
Khi chúng ta định nghĩa
– “Tôi là vợ đảm” thì sinh ra quan hệ “vợ – chồng” và khái niệm “đảm”
– Tôi là nghệ sỹ thì sinh ra quan hệ “khán giả – nghệ sỹ” và khái niệm “nghệ thuật”
– Tôi là đầu bếp tài năng thì sinh ra quan hệ “người nấu – người ăn” và khái niệm “tài năng”
– Tôi là doanh nhân thành đạt thì sinh ra quan hệ “doanh nhân – thì trường” và khái niệm “thành đạt”
– Tôi là người hiền lành tử tế thì sinh ra khái niệm “hiền lành”, “tử tế”
– Tôi là người được yêu mến thì sinh ra quan hệ giữ tôi và người yêu mến cũng như người không yếu mến .
Vấn đề chung của các định nghĩa về cái tôi trên là chúng ta liên kết sự tồn tại của riêng mình với một đối tượng trong một quan hệ rất hẹp và bắt các quan hệ này phải đạt được những giá trị mù mờ. Kết quả với kiểu định nghĩa này là “chúng ta không còn là một” và “chúng ta không còn là chính chúng ta” nữa rồi.
Khi không có tính cá thể, không còn có cái tôi, phát triển bản thân hay thay đổi bản thân là một trò chơi suy diễn và cơ bản là nguy hiểm, vì làm gì có bản thân mà phát triển mới cả thay đổi.
===
Với mong muốn “Tôi là tôi”, một người sẽ cách ly mình ra khỏi những người đối xứ với mình theo kiểu “Con là con ngoan của bố, con là cục vàng của mẹ, em là hoc trò giỏi của thày cô”… Với mong muốn “Tôi là một”, “Tôi là duy nhất”, một người sẽ cách ly mình ra khỏi các trạng thái đồng hoá tập thể kiểu như “Cả gia đình ta đều yêu thương nhau, xa là cùng nhớ, gặp nhau là cùng cười”. Người ta gọi đó là “nổi loạn tuổi dạy thì”. Đây là cuộc nổi loạn quan trọng và có ý nghĩa lớn trong cuộc đời mỗi người.
Đôi khi cuộc nổi loạn tuổi dạy thì này chẳng khác mấy so với những cơn nổi loạn tuổi lên ba, khi trẻ lên ba cãi bướng cha mẹ, ăn vạ, khóc lóc. Nói chung khủng hoàng tuổi lên ba sẽ khác xa bài hát “Cháu lên ba cháu đi mẫu giáo, cô yêu cháu vì cháu không khóc nhè, không khóc nhè để mẹ trồng cây trái, ba vào nhà máy, ông bà vui cấy cầy, là lá la la, là là lá la la”.
Tuổi lên ba và tuổi dạy thì là hai lứa tuổi để khẳng định cái tôi. Ở tuổi lên ba đó mà “ngoan” với tình trạng ai bảo gì cũng nghe thì chắc chắn chỉ làm cho cái tôi hỏng. Ở tuổi mở căn mà nổi loạn theo kiểu chống lại cha mẹ nhưng tôi chả biết tôi và tôi cũng chẳng chấp nhận cha mẹ tôi là cha mẹ tôi, thì cũng hỏng.
Ngày bé đi học, chúng ta phải làm bài văn “Lớn lên em muốn làm nghề gì, trở thành ai ?” Lúc đó (và ngay cả đến bây giờ) chúng ta còn chưa biết chúng ta là ai, thì làm sao chúng ta biết lớn lên chúng ta trở thành ai được cơ chứ. Lúc đó (và ngay cả đến bây giờ) chúng ta còn chẳng biết cha mẹ chúng ta đang làm cái nghề quái gì, thì làm sao chúng ta biết lớn lên chúng ta muốn làm nghề gì.
Một số học sinh làm bài văn này với mặc định rằng mình bây giờ là học sinh, rằng lớn lên mình chẳng muốn làm nghề của cha mẹ mình, rằng lớn lên mình chẳng biết mình sẽ làm nghề gì, …. nhưng cô giáo chính là sếp, nên mình cần bịa ra một cái nghề gì đó dễ mô tả để viết vào giấy nộp cho cô. Mình có làm nghề gì đi chăng nữa thì đến một lúc nào đó mình cũng có thể rơi vào hoàn cành phải đối phó với sếp như vậy thôi.
Một người đang đi làm, đã có gia đình, đã có con … thông thường đều ngỡ rằng mình đã trưởng thành, độc lập, nhưng người đó có thể hoàn toàn chưa dứt được căn. Thực trạng cực kỳ phổ biến hiện nay là một người có thể đến chết và nhiều đời cho đến chết vẫn chưa làm được lễ dứt căn.
Cứ nhìn vào hiện tượng người người phải đổ xô vào sách vở, vào khoá học, đi tư vấn, đi thày chùa, đi chưa lành … hoặc đổ xô vào mua sắm, vào mục tiêu tiền bạc hay danh vọng … để biết mình là ai, là đủ hiểu là chẳng ai trong số đó dứt được căn, bời vì đơn giản là ho không đủ độc lập và một mình, nên cần có người khác dẫn dắt, cần có đám đông, cùng những thứ bên ngoài để tạo nên cái tôi cho mình.
===
Giai đoạn nguy hiểm nhất của cuộc đời là “đã mở căn” nhưng “chưa dứt căn”, nghĩa là đặt ra câu hỏi “Tôi là ai ?” rồi có mong muốn “Tôi là thế này ?”, “Tôi không là thế khác ?”…. nhưng không nhận thức được “Tôi là tôi” và “Tôi là một”, “Tôi là duy nhất”.
Vì không có sự phân tách giữa những cái tôi nên có hiện tượng chập cheng
– chập cheng cái tôi của mình với cái người khác nghĩ về mình
– chập cheng cái mình nghĩ về người khác với cái tôi của người khác
– chập cheng cái mình nghĩ và người khác nghĩ về hiện thực và hiện thực
Người ở trạng thái “đã mở căn, không dứt căn” này thường xuyên có hàng đống mong muốn và định nghĩa về chính mình và những người khác như cha mẹ, ông bà, bạn bè, xã hội, cuộc đời, đất nước, dân tộc, cơ quan, chính phủ, … dẫn đến đủ trạng thái lý tưởng hoá, si cuồng, thất vọng, hoang mang … nhưng cá nhân họ lại không liên kết được với bất kỳ cá thể nào và hiện thực cá thể nào.
Ví dụ :
– Cha là thế này, mẹ là thế kia, cha mẹ phải thế này với con mới là cha mẹ, con phải thế này với cha mẹ mới gọi là con, …. nhưng lại không có trạng thái “cha là cha, cha của con là duy nhất”, “mẹ là mẹ, mẹ của con là duy nhất”, “con là con, con của cha mẹ là duy nhất”
– Xã hội Việt Nam thế này, xã hội Do Thái, Nhật Bản, Anh, Mỹ là thế kia, xã hội Việt Nam nên giống xã hội Do Thái, xã hội Việt Nam phải thế này thế kia, nhưng không có trạng thái “xã hội của tôi”, “xã hội là xã hội”, “xã hội Việt Nam là duy nhất”
– Cuộc đời của tôi nên là thế này, cuộc đời của cha mẹ phải là thế kia, cuộc đời của chúng ta là như vậy … nhưng không có trạng thái “cuộc đời là cuộc đời”, “cuộc đời của tôi” và “cuộc đời của tôi là duy nhất”.
Nếu như giai đoạn từ lễ mở căn đến lễ dứt căn diễn ra quá lâu, thì những chập cheng về nhận thức và nhân cách mà sớm muộn cũng dẫn đến nhiều hậu quả lớn trong cuộc đời, thậm chí là xuyên đời.
===
Một người chưa dứt căn là một người chưa dứt được khỏi trường thân thể vật lý và năng lượng của cha mẹ, mặc dù đã được sinh ra khỏi bụng mẹ và không còn bú mẹ. Họ là “một người trưởng thành mà chưa trưởng thành” và họ cũng là đứa trẻ không còn là đứa trẻ, cho nên tình trạng của họ vô cùng chơi vơi, và thường xuyên sa vào đủ dạng tà thuật.
Trưởng thành là một trạng thái vừa thân thể vừa tinh thần. Về độ tuổi thân thể, một hoàn toàn có thể lấy vợ, lấy chồng và thậm chí có con nhưng vẫn mở căn, không dứt căn, nói cách không trưởng thành độc lập. Một dòng họ có thể xảy ra tình trạng không dứt căn nhiều thế hệ, và kết quả chắc chắn là dòng họ đó sẽ bị suy.
Lễ dứt căn vô cùng giống lễ xuất gia, hoặc để xuất gia thực sự thì phải dứt căn đã. Cho nên ở Thái Lan, lễ trưởng thành của thanh niên là vào chùa tu vài tháng, nếu mà chưa làm lễ trưởng thành như vậy thì không được lấy vợ.
Cơ bản một người chưa dứt căn thì không thể hiểu được trạng thái “Một mình”, “Duy nhất” và “Cách ly” trong sự kiện Phật Đản sinh, khi đức Phật bước bảy bước và khẳng định
Thiên thượng thiên hạ
Duy ngã độc tôn
Những thày chùa đích thực luôn là người xuất gia, nghĩa là người đó ở trạng thái một mình độc lập khỏi gia đình và ở góc độ nào đó một mình buông bỏ khỏi rất nhiều quan hệ xã hội. Trong buông bỏ, người xuất gia đạt được trạng thái duy nhất và trạng thái cách ly.
Cơ bản một đứa trẻ chưa dứt căn thì không nên một mình đến chùa. Người chưa trưởng thành có đến chùa cũng không gặp được các thày chùa đích thực và đạo Phật đích thực, mà họ chỉ luôn đến chùa để vơ vào mình đủ thứ định nghĩa, khái niệm hay chỗ dựa mà thôi.
Việc đầu tiên mà một người muốn dứt căn, muốn trưởng thành cần làm là quay lại quan hệ với chính mình và quan hệ gia đình, và đó cũng là việc đầu tiên mà mình cần làm khi vào chùa. Đây cũng là ý nghĩa của lễ Vu Lan mà chúng ta làm tại chùa.
Cha già là Phật Thích ca,
Mẹ già đích thị Phật bà Quan âm
Nhớ ngày xá tội vong nhân
Lên chùa lễ Phật, đền ơn sinh thành
Chùa bản chất là nơi chẳng thuộc về ai, trong khi nhà thuộc về người sống trong nhà, nên chùa cho chúng ta buông bỏ và nhìn lại được quan hệ gia đình chúng ta khá khách quan, hơn là trạng thái ở trong với ngôi nhà và sống trong sự bao bọc của cha mẹ chúng ta, rồi lại cố gắng bao bọc con chúng ta. Tuy nhiên, điều này chỉ xảy ra khi chúng ta ở trong nhà thật sự rồi cũng vào chùa thực sự, chứ còn chập cheng kiểu ở nhà cũng như ngoài đường và ở chùa thì cũng như ở nhà thì chẳng có ý nghĩa gì.
Thứ nhất thì tu tại gia
Thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa
Tu đâu cho bằng tu nhà
Thờ cha, kính mẹ ấy là chân tu