Chúng ta vào đời với ba thứ
– Thứ nhất : Linh hồn mà liên quan đến Xứ sở
– Thứ hai : Thân thể mà liên quan đến Dòng máu đầu thai
– Thứ ba : Các duyên nghiệp chúng ta mang theo từ muôn kiếp sống, và bị kích hoạt theo chất gốc của Linh hồn/Xứ sở và Thân thể/Dòng máu của chúng ta.
Cái nguy hiểm nhất là bắt đầu cuộc đời và sống trong cuộc đời trong trạng thái chập cheng ba thứ này với nhau. Chúng ta đồng hoá cái tôi với hành lý của tôi, chúng ta chập cheng chuyến bay của tôi với cái tôi.
Chúng ta không cần phải tìm kiếm hay khẳng định giá trị của cái tôi khi chúng ta hiện hữu ở đây và lúc này, với cái tôi linh hồn và cái tôi thân thể.
Chúng ta không cần tìm kiếm mục đích hay khẳng định gí trị cuộc đời, vì giá trị ấy nằm sẵn trong hành lý duyên nghiệp chúng ta mang theo lên chuyến bay cuộc đời.
Bước vào đời giống như lên máy bay, chúng ta phải tự sắp xếp và khai báo hành lý, hồn và thân lên máy bay bằng một cửa và hành lý đóng gói lại lên máy bay bằng cửa khác. Kể cả chúng ta đi tay không lên máy bay, nhưng chúng ta biết chúng ta là ai, lên máy bay nào, bay từ đâu, bay đi đâu, khởi hành lúc nào, thì cái nhận thức này chính là hành lý quan trọng nhất. Chỉ tiếc là nhiều người trong chúng ta mang đủ mọi hành lý liên thiên lên chuyến bay cuộc đời nhưng lại chẳng biết mình là ai, bay từ đâu, bay đi đâu.
Khi chúng ta bắt đầu tìm kiếm mục đích cuộc đời là chúng ta đánh mất cuộc đời.
Khi chúng ta bắt đầu khẳng định cái tôi của mình là A, B, C là chúng ta bắt đầu rơi ra khỏi máy bay cuộc đời.
Khi chúng ta đi theo ai đó để biết mục đích cuộc đời và bản chất cái tôi là lúc chúng ta biến mình thành hành lý của một cái tôi khác, và bay trên chuyến bay cuộc đời của người khác.
Hễ cứ đau ốm và mệt mỏi là chúng ta vội vàng nhét vào người đủ loại thuốc và đồ ăn thức uống, và chúng ta gọi đó là chăm sóc sức khoẻ.
Hễ cứ thấy trống rống, thất bại, hoang mang là bắt đầu lấy một cái hành lý vay mượn nào đó lên, mặc vào người, và coi đó là cái tôi của mình và sứ mệnh của tôi như là doanh nhân thành đạt là phụ nữ đích, là vợ là mẹ, là người bảo vệ môi trường …
Trạng thái đau ốm, mệt mỏi, hoang mang, trống rỗng, thất bại này có thể là trạng thái của cái tôi mà chúng ta muốn phủ nhận, bằng cách tạo nên cái tôi giả bằng các hành lý cuộc đời mà chúng ta coi là thật hơn sự tồn tại của chính chúng ta.
Khi chúng ta yên ổn trong một thể chế, một tổ chức, một phong trào, một đám đông, trở thành hành lý cho ai đó, chúng ta không còn quá đau ốm, mệt mỏi, hoang mang, trống rỗng, thất bại thì có thể cái tôi của chúng ta đã chết rồi.
Giữ gìn và phát triển Linh hồn/Xứ sở, Thân thể/Dòng máu, dựa trên Duyên nghiệp là mục đích có sẵn của mỗi chuyến bay cuộc đời, và đó cũng mà mục đích của thiền, vì thiền chỉ là một trạng thái sống với linh hồn, với thân thể với duyên nghiệp có sẵn một cách tự chủ mà thôi.
Đánh mất ba thứ đó là sự nguy hiểm nhất trong đời và trạng thái này có thể thấy rõ trong thiền hơn bình thường. Ví dụ
– vào thiền trong trạng thái mất thân hay mất cái tôi, mất đối tượng hay hành lý thiền.
– vào thiền nhưng cứ khẳng định cái mình nghĩ ra là nội dung thiền đến từ đối tượng thiền
– vào thiền nhưng cứ khẳng định người khác là mình, đời người khác là đời mình
– bịa cả chính mình, đối tượng và diễn biến của bài thiền
– bảo cái phát hiện ra trong thiền đó mới là thực chứ không phải cái hiện thực khách quan là thực
Thiền để yên tĩnh hay để minh triết hay để tâm không là những cái thiền rất ảo, vì cái tôi ngồi trong thiền cũng là cái tôi ảo, nên nó không muốn sống trong hiện thực mà nó muốn sống trong những cái nó vẽ ra mà nó gọi là yên tĩnh, minh triết hay tâm không.
Cần yên tĩnh thì hãy tắt đèn nằm ngủ, chứ không phải dựng lên mục đích thiền yên tĩnh.
Cần minh triết thì cần phải có mong muốn hiểu thân thể, tâm hồn, gia đình, đất nước và những khía cạnh đời sống cụ thể của một hiện thực rộng lớn mà con người bé nhỏ của mình đang sống trong đó, chứ không phải vào thiền với mục đích vu vơ, cái tâm trống rỗng và tư thế khiên cưỡng rồi tự thấy mình chao ôi sao mà minh triết thế, sâu xa thế, mênh mông thế.
Khi chúng ta coi thiền là công cụ để tìm ra cái thứ mà mình không có trong cuộc đời, để đối diện với thứ mà mình từ chối đối diện trong cuộc đời, để khẳng định những thứ phi lý trong đời, ngay từ đầu chúng ta đã ra khỏi thiền mất rồi.
Thiền không phải là cách mình từ chối chính chuyến bay cuộc đời mà mình đang sống hay mình là con ma, bay trong chuyến bay ma, nói cách khác mình sống ảo ma.
Làm thế nào để giữ cái tôi của mình trong đời, làm thế nào để biết mình đang thực sống ? Giữ lấy cái tôi linh hồn và giữ lấy cái tôi thân thể.
Linh hồn bán thì dễ, giữ thì khó. Chúng ta bán linh hồn cho ham mê, cho si cầu, cho mua sắm, cho ăn chơi, cho sùng bái, cho hèn nhược …
Thân thể bán thì thực mà giữ thì ảo. Cái tôi thân thể không phải là cái thân thể vô chủ mà chúng ta vác vào bệnh viện nhờ bác sỹ chăm sóc, vác vào thẩm mỹ viện nhờ người ta chỉnh sửa, khoác lên quần áo thương hiệu để mình thành cái giá treo thương hiệu của thằng nào đó, vác ra nhà hàng ăn uống linh đình, vác đi du lịch để ngắm cảnh, chụp ảnh, ở sang.
Khi không có cái tôi thân thể và cái tôi linh hồn thì không có chăm sóc thân thể và phát triển tâm hồn, cũng như không có con người đích thực bởi vì thân và hồn thì có mà chủ hay tôi thì không.
Cái tôi thân thể là cái tôi mà mình muốn ở trong đó và mình ở được trong đó. Cái tôi thân thể là một ngôi nhà, một xứ sở mà tự mình đóng được cửa và tự mình mở được cửa, để biết là mình tồn tại giữa thế giới này như một cá nhân.