Đầu gối là nơi xảy ra tương tác giữa mặt phẳng Mid-Sagittal của cột sống, đại diện cho cái tôi và mặt phẳng Transverse của mặt đất, đại diện cho hoàn cảnh.
Tinh thần chủ đầu gối là cái tôi hoàn cảnh của chúng ta. Vân hành đầu gối là sự tự chủ hành động của chúng ta trong mỗi hoàn cảnh.
Đầu gối là nơi đặt cái tôi của mỗi chúng ta trong từng hoàn cảnh, từng thời khắc, từng hành động, từng bước đi.
– Nói chuyện với đầu gối : cái tôi trên đầu mang lý tính xuyên suốt trong mọi hoàn cảnh tương tác với cái tôi ở đầu gối, mang cái tôi linh hoạt theo mỗi hoàn cảnh
– Đầu gối quá tai : đầu gối quá cao, không còn nghe tâm trí, hoàn cảnh đến thì ta nói bừa, làm đại, đầu gối không có năng lực hành đông riêng, hoặc bất chấp cái đầu và bất chấp hoàn cảnh.
– Đầu gối va vào nhau lập cập : hoàn cảnh vượt quá năng lực và sự tự chủ của ta, ta không đủ khả năng nhân biết hoàn cảnh, ta không biết phải làm gì trong hoàn cảnh, ta không đủ nội lực hành động trong hoàn cảnh, ta sợ hãi hoàn cảnh, sợ hãi hành động, nên đầu gối không còn khả năng trụ vững cho thân và chân, đầu gối run
– Đầu gối củ khoai : không có năng lực hành động tự chủ và tường minh, như người vô tri giác, thiếu chân tay
– Đói đầu gối phải bò : chấp nhân xoay sở cùng hoàn cảnh để thoát khỏi vị trí sa lầy hoặc để lên vị trí cao hơn, phù hợp hơn, tốt hơn, nơi ta có thể đi đứng nằm ngồi bình thường
– Đầu gối bò lê : sống khổ sở, nghèo hèn, hành động nặng nhọc, lặp đi lặp lại, kéo lê để sinh tồn.
– Bó gối : dịch khớp gối bị tắc, dây chằng khớp gối bị liệt, xương khớp gối bị đơ, con người cam chịu hoàn cảnh, bế tắc, luẩn quẩn. Bó gối đối xứng với bó tay. Bó tay là hết cách, không có giải pháp. Bó gối là hết đường, không thể hành động được. Ngồi lấy tay bó gối là vừa bó gối vừa bó tay.
Đầu gối tay ấp : Nhiều người cho rằng câu này để tả quan hệ vợ chồng yêu thương chăm sóc lẫn nhau, vợ gối đầu vào người chồng, chồng tay ấp vào người vợ, trong lúc ngủ. Nhưng câu này cũng có nghĩa là về quan hệ hành động của đầu gối và quan hệ dưỡng nuôi của tay.
– Với một người, đầu gối tay ấp là tư thế lấy tay ấp vào đầu gối chính mình, như đặt tay chữa lành để tự mình cảm nhận mình, tự mình xoa dịu mình. “Đầu gối tay ấp” là quan hệ kết nối, dưỡng nuôi và hành động, khác với quan hệ của một người cô đơn, luẩn quẩn với chính mình, với “tay tự kỷ” không nối với ai và “chân tự sướng” tự làm, rồi tự hưởng
– Với hai vợ chồng, “đầu gối tay ấp” là tư thế nằm chồng ôm vợ sau lưng. “Đầu gối tay ấp” còn là vợ chồng một người là đầu gối, một người là tay ấp, trong đó tay kết nối yêu thương, chăm sóc và chân đứng trong cùng hoàn cảnh và hành động vì nhau. Nó khác với quan hệ vợ chồng “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân”. Nó cũng khác với quan hệ vợ chồng, không kết nối về tinh thần mà vẫn ràng buộc về vật chất, thân thể, con cái, bế tắc kiểu “bó tay, bó gối”.
Có 3 hành động đặc trưng của đầu gối
1. Quỳ :
Quỳ là tư thế tĩnh, tư thế khoá, đã quỳ là không thể đi, đứng, nằm, ngồi được nữa.
Quỳ là hành động biểu đạt sự chấp nhận, sự đồng thuận, sự biết ơn và sự giao phó mình cho người khác và hoàn cảnh.
Quỳ là bài học vị thế tương đối của bản thân trong một hoàn cảnh là mạnh so với yếu, là thấp so với cao, là bị động với chủ động, là biết ơn so với gia ơn.
Biết quỳ là biết nhu cương. Đầu gối mạnh thì sẽ vừa cương vừa nhu, tuỳ cơ ứng biến.
– Quỳ thường xuyên, quỳ dễ dàng, quỳ tự động khiến một người đánh mất cái tôi, sự tự trong, sự tự chủ, sự lựa chọn cá nhân, thành quá nhu, thành nhu nhược. Nhu nhược thì không làm được việc cần làm, làm việc bị bắt làm và không bảo vệ đươc cái cần bảo vệ trong đó có bản thân và người thân, để bị thao túng, lợi dụng, huỷ diệt, bởi kẻ cương hơn.
– Không biết quỳ là chỉ biết cương không biết nhu, không biết mình không biết người, không chấp nhân hoàn cảnh, không biết cái gì là quan trọng với mình. Lúc còn mạnh mới nên chơi cương. Cương quá so với hoàn cảnh thì hỏng việc, cương quá so với thực lực thì thiệt thân, và cương quá so với hoàn cảnh và thực lực bản thân thì có thể mất mạng.
2. Bò :
Bò là trụ trên đầu gối, di chuyển bằng cả tay và chân.
Khi nào ta cần bò ?
– Ta cần bò lên miệng hố, ta cần bò ra khỏi hố ta ngã xuống.
– Ta cần bò ra khỏi chỗ lầy nguy hiểm, mà đứng sẽ lún tiếp cho đến khi mất mạng.
– Ta cần bò lên đỉnh núi cao, ta cần bò đến mục tiêu cao, khi mà sức ta đã yếu mà đường còn khó khăn.
– Ta cần bò ở chiến trường tên bay đạn lạc
– Ta cần bò khi xung quanh giặc cướp rình rập
Lúc cần bò mà vẫn đi đứng như quán tính, thì nhẹ là không di chuyển được, sa lầy càng ngày càng sâu và nặng là mất mạng.
Khi nào ta cần dừng bò ?
– Ta cần dừng bò xuống, để ngồi xuống, khi ta liên tục bán mặt cho đất bán lưng cho trời, liên tục chúi xuống, không có tầm nhìn, không có cân nhắc, tính toán và lựa chọn việc phải làm, việc cần bỏ.
– Ta cần dừng bò lên, để nằm xuống, khi ta cứ liên miên đi, liên miên làm, liên miên nỗ lực, liên miên hướng lên, không bao giờ được nghỉ ngơi, dám nghỉ ngơi, biết nghỉ ngơi, để lấy lại sức hoặc chuyển đổi sang trạng thái mới
– Ta cần dừng bò ngang, bò loanh quanh, để đứng lên, để trụ lại trong hoàn cảnh, hơn là chỉ lo sinh tồn từ thời khắc này đến thời khắc khác cho đến lúc kiệt sức, hoặc lê lết, luẩn quẩn, loanh quanh đến hết đời
– Ta cần dừng bò để bước trên đôi chân của mình như đứa trẻ đến lúc phải đi, bởi vì ta cần đi nhanh hơn, dứt khoát hơn đến được nơi cần đến
Biết bò
– Biết sư rủi ro và bất lợi của hoàn cảnh & điểm yếu của mình
– Có hành động phù hợp với hoàn cảnh và với chính mình để tiếp tục tiến lên và về đích
3. Ngồi
Đặc trưng của hành động ngồi là tầm nhìn và sự tự chủ của cái tôi trong hoàn cảnh. Tầm nhìn của đầu gối là tầm nhìn gần đất, tầm nhìn hoàn cảnh, tầm nhìn hành động, khác tầm nhìn của mắt, tầm nhìn của đại não.
Ngồi thiền, ngồi ngẫm nghĩ là hành động mang tính quan sát hoàn đối tượng, quan sát hoàn cảnh, quan sát chính mình, và rút kinh nghiệm từ trải nghiệm quá khứ để có hành động tương lai phù hợp hơn.
Nếu chúng ta ngồi ngắm mây trời, thì chúng ta đang thư giãn, rút tầm nhìn ra khỏi quá tính cũ.
Hành động ngồi thiền đòi hỏi thân trụ thân tĩnh, để tâm trí vận hành.
Ngồi thiền khác ngồi lỳ ra đầu óc trống rỗng, ngồi đờ ra nghĩ ngợi lung tung, hoàn toàn mất tự chủ tâm trí. Ngồi thiền kiết già là thế ngồi khoá chân, đòi hỏi thân phải mạnh đằm, trục cột sống phải vững và thẳng.
Ngồi quản trị, ngồi quản lý như ông vua, chủ tướng, chủ doanh nghiệp, chủ gia đình …. liên quan đến quyết định hành động cho hiện tai và tương lai, khác với thiền là hành động tâm trí liên quan đến rút kinh nghiệm hành động quá khứ.
Nếu chúng ta ngồi lỳ bên máy tính, làm việc người khác giao cho, chạy theo deadline người khác đưa xuống, thì chúng ta đang đi chứ chúng ta không đang ngồi, và chúng ta có não cùng suy nghĩ, nhưng chúng ta lai không có cái tôi và nhận thức, tầm nhìn mang tính cá nhân.
Ngồi đích thực liên quan đến tầm nhìn hành động, tính toán hành động, quyết định hành động, nên cách ngồi tốt nhất là ngồi vững, ngồi cân thì lúc đó mới có thể quan sát, tính toán, ra quyết định và hành động bằng toàn bộ cái tôi của mình, chứ không phải bằng một phần phiến diện của nó.