LÀM VƯỜN

Loading

Có một ngôi nhà nhỏ và một mảnh vườn là mơ ước của bao nhiêu người. Đó cũng là mơ ước của mình. Sau nhiều năm làm việc thì mình đã mua được đất và xây được nhà có vườn. Mình cũng đã từng thuê thêm một cái vườn ngoài bãi sông gần nhà mình, đầu tư tiền làm rào, làm cổng, làm giếng, trồng cây với ý định mua lại cái vườn, nhưng sau ba năm làm vườn thì giá đất tăng vùn vụt. Cuối cùng mình quay mấy cái vườn be bé ở nhà mình trước và xác định lại mục đích cốt lõi của việc làm vườn để dồn sức vào đó làm cho bằng được, không dàn trải lan man.
—o—
VƯỜN LÀ GÌ ?
Trước khi đầu tư để có một cái vườn và bắt đầu làm vườn, chúng ta nên đặt ra các câu hỏi cơ bản
– Vườn là gì ?
– Vườn khác bãi cỏ, bãi đất ở chỗ nào ?
– Vườn hoa công viên khác vườn nhà chỗ nào ?
– Vườn khác bồn cây, chậu cây ở chỗ nào ?
– Vườn sân thượng có thực sự là vườn ?
– Vườn cây ở các khu đô thị có thực sự là vườn ?
Vườn là một khu đất có cây mọc, mà gắn với ngôi nhà.
Đất không có cây mọc được gọi là đất trống, bãi hoang, không phải là vườn. Đất chỉ có cỏ mọc được gọi là bãi cỏ, không phải là vườn.
Đất có cây mọc nhưng không gắn với một cái nhà cụ thể như nhà ở, đình, chùa … không được gọi là vườn, ví dụ đất trồng cây ở khu đô thị, đất trồng cây ở nơi công cộng …
Đất trong chậu cây, bất kể chậu có lỗ thoát đáy và đặt ở giữa vườn, vẫn không phải là đất vườn. Đất bê lên sân thượng để trồng cây, kể cả đổ toàn bộ mặt bằng tầng thượng vẫn chỉ là bồn cây, không phải là vườn. Bao nhiêu đất và cây trên sân thượng, bao nhiêu đất và cây mọc trong chậu không thể so sánh với một cái cây mọc trên đất, mà biến mảnh đất đó thành vườn.
—o—
VƯỜN & RỪNG
Vườn giống và khác rừng ở những điểm nào ?
Vườn bắt buộc phải có ba yếu tố cốt lõi
– Đất
– Cây
– Nhà nơi người ở
Rừng cũng có ba yếu tố cốt lõi
– Đất
– Cây
– Chim thú ở trên đất rừng và cây rừng
Vườn là đất trồng cây thuộc sở hữu của người sống trong ngôi nhà ở cạnh vườn. Người có thể nuôi chim thú trong sân vườn của nhà mình.
Rừng có đất và cây, nơi chim thú sống tự do. Chim thú nói chung không ra khỏi rừng trừ khi có nguyên nhân đặc biệt, ví dụ cháy rừng. Chim thú ra khỏi rừng có nguy cơ sa vào tay người thì sẽ bị bắt nhốt hoặc giết thịt.
Người có thể vào rừng để chặt cây và săn bắt chim thú, người lạc vào rừng có thể bị đói rét hoặc bị thú săn đuổi, vì người không sống trong rừng. Trong rừng, người là một con thú như những con thú khác. Nếu người cất nhà tạm trong rừng để ở thì căn nhà đó giống như tổ chim hay hang thú.
Chim thú cũng săn bắt lẫn nhau, nhưng sự khác biệt giữa người và thú là người chặt cây, còn thú thì không bao giờ chặt cây, vì cây là nguồn sống, là ngôi nhà, là xóm làng của chim thú.
—o—
BIÊN CỦA VƯỜN
Vì vườn bắt buộc phải có ba yếu tố Đất – Cây – Nhà nên biên của vườn được quyết định bởi ba yếu tố này
– Biên của vườn là biên của đất vườn, ví dụ vườn rộng 4m đất dài x 5m đất rộng =20m2 đất
– Biên của vườn là biên của cây, cây vươn cao lên trời, vươn sâu xuống đất và vươn xa đến đâu trên trời và dưới đất về mặt vật lý và năng lượng thì biên của vườn ra đến đấy.
– Cả biên của vườn và biên của nhà đều nhỏ hơn biên đất và nằm bên trong biên của đất.
—o—
VƯỜN & NHÀ
Trong một khu đất, vườn và nhà là hai nửa âm dương của nhau.
– Vườn và nhà đều nằm trên đất, được đất bao bọc, đất là gốc.
– Cây mọc trong vườn, người sống trong nhà, cây và người đối xứng với nhau
Hình dung khu đất như cái bào thai
– Nhà chứa người là bao điều chứa em bé
– Vườn chứa cây và con là bao la chứa bánh nhau
– Sân nối vườn và nhà là bao rốn chứa rốn
– Nước ở tất cả các dạng như nước mưa, nước giếng, nước trong đất và trong không khí là ối, nước sử dụng trong ăn uống, nấu nướng, giặt giũ … là máu mà chung gốc với ối
– Hàng rào hay tường bao đất là màng bào thai
Trong bào thai, nhau nuôi em bé, hai bên cần có sự cân xứng. Em bé quá lớn và nhau thai quá nhỏ thì em bé suy. Nhà làm hết đất vườn, thì nhà suy.
—o—
CÂY SỰ SỐNG
Nhà không có người ở thì nhà hoang, nhà chết. Vườn không còn cây mọc thì vườn hoang, vườn chết.
Vì nhà đối xứng với vườn, nên nếu cây bên vườn chết thì người bên nhà cũng suy.
Thông thường đất có trước rồi cây xuất hiện, mọc trên đất. Lúc này vẫn chưa có vườn. Sau này người xuất hiện làm nhà, rồi khoan vùng mảnh đất có cây thuộc về mình, mảnh đất có cây lúc này mới được gọi là vườn.
Thực chất đất nào có cái cây trụ, thì trên đất ấy sau này người mới có khả năng làm nhà để ở lâu dài. Như vậy mỗi cái nhà hay một cụm nhà sẽ xuất hiện xung quanh một cái cây năng lượng hay còn gọi là huyệt cây, vì có cái huyệt cây ấy nên sau này mới có những ngôi nhà. mọc lên.
Huyệt cây mở sẵn đường cho cái nhà. Huyệt cây chết thì nhà chết.
Có cái ao mới có cái làng. Làng nào là làng gốc sẽ có làng gốc. Ao gốc có thể chia thành nhiều ao nhỏ hơn, ao chia nhánh như cây, để chia làng. Ao gốc giữ nguyên nhưng ao mới sinh ra từ ao gốc sẽ thông đường nước với ao gốc.
Có huyệt cây thì mới có cây, có cây thì sau này mới có người kéo đến ở làm nhà. Cây năng lượng ở cái huyệt cây này gọi là cây sự sống.
Cây sự sống luôn là cây âm dương. Huyệt cây sự sống giống như vòng tròn âm dương và cây sự sống là chữ S trong vòng tròn âm dương.
Cây sự sống liên quan đến khái niệm vườn Địa Đàng.
—o—
TINH THẦN VƯỜN
Đất làm nhà có thổ địa, đất vườn có thần vườn phụ trách. Vị thần trụ huyệt cây sự sống của môt vùng đất có người sinh sống gọi là thần vườn, tiếng Anh là thần Pan.
Trên đất nhà có người ở, còn trên đất vườn có tinh linh thiên nhiên. Tinh linh thiên nhiên quen thuộc nhất với chúng ta là các cô tiên có cánh ngủ trong những bông hoa. Tinh linh thiên nhiên là một đường tiến hoá song song với đường tiến hoá con người. Người sống trong nhà thì tinh linh thiên nhiên sống trong cây. Cây chính là nhà của tinh linh thiên nhiên.
Cuốn sách Findhorn Garden hay Câu chuyện khu vườn mà tôi đã dịch và xuất bản nói rõ về các tinh thần vườn và thần Pan. Nhiều người hỏi tôi còn sách không nhưng sách này tái bản vẫn hết, và tôi cũng không bán sách, mà chỉ làm phần dịch và hiệu đính. Nếu ai đọc được tiếng Anh, mọi người hãy đặt mua sách trực tiếp từ nước ngoài.
—o—
CÂY TRONG VƯỜN
Cây trong vườn chia làm 3 tầng
– Cây tầng sâu
– Cây tầng trung
– Cây tầng nông
Cây tầng sâu
– Cây tầng sâu là cây sự sống, cây âm dương.
– Cây tầng sâu là cây gốc của cả mảnh đất. Mỗi mảnh đất gốc có một cây sự sống gốc.
Cây tầng trung :
– Rễ cây cắm vào mạch cây sự sống, không cần sâu quá, vì cây sự sống có tất cả các tầng.
– Cây tầng trung thường là cây lâu năm. Những cây mới mọc lên hay mới được trồng mà đã nối mạch vào được cây sự sống được coi là cây lâu năm, cây tầng trung luôn.
– Cây tầng trung không đủ âm dương, cho nên cây tầng trung phải có bộ đôi mới chạm được vào mạch cây sự sống và mới có năng lực duy trì sự sống như cây sự sống. Cây trầu và cây cau là một cặp cây âm dương tiêu biểu của người Việt. Không phải cặp đôi trầu cau nào cũng là cây tầng trung, mà cặp đôi đó khi trồng trong vườn phải chạm được vào mạch cây sự sống có sẵn trong đất thì lúc này cặp đôi trầu cau mới trở thành cây tầm trung.
– Trồng cây tầng trung để thông khí. Cây giống cái giếng, rút từ dưới đất lên và cho vào quả, quả giống như bầu nước. Cây đưa khí đất lên và khí đất khác khí gió, khí trời. Cây đưa được khí đất lên là cây tầng trung.
Cây tầng nông chia hai nhóm
– Cây tầng mặt ngắn ngày : sau thu hoạch là mất hết cả cây, ví dụ tiêu biểu là rau và cỏ
– Cây chuyển tiếp với tầng trung : sau khi khai thác quả và lá vẫn còn cái cây, để khai thác tiếp như cây gia vị ớt, chanh …. và một số loại rau như mồng tơi, rau ngót, rau muống ….
Cây tầng trung có tác dụng thông khí nhờ liên kết với cả cây tầng sâu và cây tầng nông
– Cây tầng trung đâm rễ vào mạch cây sự sống, đưa khí từ tầng sâu lên tầng trung
– Cây tầng trung tạo đường vận hành trong đất từ tầng trung lên tầng nông.
Khí từ tầng trung lên tầng nông rồi lên tầng mặt và lan ra trên mặt đất. Cây rau là cây ngang, ăn dưỡng chất của tầng mặt đất, mà dồn về nơi cây rau mọc theo bề mặt.
Nếu tầng trung của vườn được khôi phục do nối được về tầng sâu của vườn, thì tầng mặt mới có sinh khí và không bị bạc màu. Đất không thể bạc màu nếu đã có đủ các tầng, như làn da hồng hào khi khí huyết lưu thông
—o—
LÀM VƯỜN
Mục đích của làm vườn là khôi phục huyệt cây sự sống trên đất ở mà hiện tại bị suy và bị đóng hết. Hiểu được mục đích ấy thì làm vườn mới có ý nghĩa và biết làm vườn để làm gì và làm vườn như thế nào.
Dù mục đích là khôi phục cây sự sống nhưng không thể trồng cây sự sống, vì cây sự sống là cây âm dương, tự sinh, tự diệt và tự tái sinh.
Khi bắt đầu làm vườn, cần nối mạch khu vườn về cây sự sống. Do đó cần trồng cây lâu năm, giống bản địa và trồng tự nhiên, để tạo cây tầng trung. Tức nhiên, có cây lâu năm nối về được mạch cây sự sống và có cây lâu năm không nối được về mạch cây sự sống. Trong mọi trường hợp, cây lâu năm bản địa là tầng cây cần trồng nhất.
Cây tầng trung có âm và có dương, nên trồng theo bộ đôi
– Trầu – Cau, trồng thành cặp đôi ở bên cạnh nhau
– Chuối – Bưởi, không cần trồng sát nhau như trầu và cau nhưng vẫn tạo nên cặp đôi
Cây xanh lâu năm hiện nay bi chặt phá rất nhiều. Cây xanh trồng mới không có bộ rễ thực sự phát triển lên từ hạt mầm ươm trong đất, nên dù đã cho ra khỏi bầu vẫn không khác gì cây trong chậu, và thậm chí còn kém cả cây tầng nông, vì không thực sự nối được với cả tầng trung lẫn tầng nông.
Cây tầng nông nên chọn các loại phổ biến, hay ăn, dễ trồng, giống bản địa thuần chủng như các loại cây gia vị như gừng, nghệ, tỏi, hành, tía tô, húng, lá lốt …
Người làm vườn không nhất thiết phải trồng cây để ăn lá, cành, củ, quả vật chất mà có thể ăn mùi, ăn vị, ăn hình.
– Trồng cây có trái theo các vị khác nhau : sung chát, ớt cay, chanh chua …
– Trồng cây có hương cây nào cũng được, miễn là dễ trồng : dạ lan hương, nhài, quỳnh …
– Trồng cây có sắc, sắc này bổ sung cho sắc kia
Khi tầng mặt có sinh khí rồi, thì một cách tự nhiên cỏ sẽ mọc. Cỏ giữ tầng đất mặt tự nhiên và bền vững nhất chứ không phải rau.
Giai đoạn cuối cùng của việc khôi phục vườn mới là giai đoạn trồng rau. Đưa mục đích làm vườn để có rau ăn không phải hoặc ít phải đi chợ là không hiện thực, vì cấu trúc đất đã bị suy, nên trồng rau phải chăm bón bảo vệ quá nhiều và dù trồng rau từ năm nay sang năm khác cũng không khôi phục được vườn.
Đất ít thì rõ ràng không nên trồng rau mà đất nhiều thì lại càng nên trồng cây lâu năm, trồng càng nhiều rau thì công chăm bón càng nhiều mà các mục đích dài hạn lại đều không đạt được. Khi bỏ mục đích trồng rau thì cũng bớt việc nhặt cỏ, bắt sâu, cuốc đất, tưới nước, làm giàn vì ngoài rau ra các loại cây khác hầu như không cần chăm sóc.
Chia sẻ:
Scroll to Top