Gánh gánh gồng gồng là bài hát đồng dao dành cho Lễ thổi cơm nếp, là một lễ rất liên quan đến Lễ cơm mới
Gánh gánh gồng gồng
Gánh sông gánh núi
Gánh củi gánh cành
Ta chạy cho nhanh
Về xây nhà bếp
Nấu nồi cơm nếp
Chia ra năm phần
Một phần cho mẹ
Một phần cho cha
Một phần cho bà
Một phần cho chị
Một phần cho anh
Ta chạy cho nhanh
Về xây nhà bếp
Nấu nồi cơm nếp…
Gánh gồng là gánh bằng đón gánh, đặt trên một điểm cân bằng, là xương đòn của vai. Gánh gồng là gánh vác hai đầu và hai đầu này cần phải được cân với nhau
Trong cuộc đời có ba thứ chúng ta phải gánh gồng
– Gánh vác trách nhiệm, là cái chúng ta làm rồi mới nhận được kết quả sau hoặc là cái chúng ta làm cho người khác : thường đặt đằng trước
– Gánh vác nợ nần, là cái nhận được kết quả rồi mới trả nợ sau hoặc là cái người khác làm cho chúng ta : thường đặt đằng sau
– Gánh chính bản thân mình, gồm bản thể thân (phần hình) và tinh thần linh hồn (phần bóng) và từ bản thân mình mà cân bằng được giữa trách nhiệm và nợ nần : đặt ở xương đòn
Bài đồng dao này nói về cả ba cái sự gánh gồng ở trên.
Gánh sông gánh núi là gánh vác trách nhiệm và nợ nần với sông núi, đất nước, mà nuôi dưỡng cá nhân mình. Sông núi cần phải hiểu chính xác theo nghĩa đen, liên quan đến đất nước và xứ sở. Đất nước không phải quốc gia dù rằng đất nước có biên giới như quốc gia. Xứ sở không phải là nhà nước mà mang tính pháp quyền chính thống, dù xứ sở cũng có tinh thần đứng đầu và luật xứ sở.
Gánh củi gánh cành là gánh chi họ của cây dòng họ. Củi là cành khô mà không nhận đủ dinh dưỡng từ cây mẹ và cũng không cung cấp dinh dưỡng về cây mẹ. Cành thì vẫn còn tươi nên kết nối hai chiều với cây mẹ, vừa được cây mẹ nuôi vừa nuôi dưỡng lại cây mẹ.
Trách nhiệm và nghĩa vụ đến tận cùng phải cân bằng với nhau, với từng đối tượng. Ví dụ đơn giản nhất là chúng ta nợ ai bao nhiêu tiền thì chúng ta trả nợ cho chính người ấy bấy nhiêu tiền.
Làm người, đối tượng đầu tiên và quan trọng nhất trong cuộc đời mà chúng ta cần rõ ràng nợ nần là cha mẹ và con cái. Quan hệ nhân quả giữa hai đối tượng đó mà không cân thì sang các đối tượng khác cũng không cân.
Quán tính của chúng ta là “Bà hy sinh tất cả cho mẹ”, “Mẹ hy sinh tất cả cho con”. Chúng ta thấy việc này rất hợp lý, nhưng quán tính một chiều gây ra một chuỗi nghiệp quả không cân bằng từ đời này sang đời khác. Đứa con luôn kỳ vọng việc bà mẹ hy sinh cho nó và nếu bà mẹ không hy sinh cho nó đủ như nó mong muốn thì nó tuyên bố ràng bà ta không xứng đáng làm mẹ, bà ta không xứng đáng có nó làm con. Thế là nó phủi đít ra đi. Dù không muốn hy sinh cho bà mẹ, nói chung đứa con lại sẵn sàng hy sinh cho con của nó, và nó cho rằng đây là cách sống đúng đắn vì mẹ nó đặt vào địa vị của nó thì cũng làm y như vậy.
Vì đứa con không bao giờ báo hiếu đầy đủ so với nợ nần nó phải trả cho mẹ, đứa con sẽ nợ mẹ cả cuộc đời mình và đứa con sống núp bóng mẹ cả cuộc đời mình, đứa con không bao giờ trưởng thành.
Các bà mẹ không bao giờ ngừng lại việc hy sinh cho con, phủ bóng lên con, chỉ sợ lo cho con chưa đủ, chứ không bao giờ nghĩ đến chuyện cân bằng cho nhận và rút bóng mình ra khỏi con. Cho nên, các bà mẹ cũng không bao giờ trưởng thành, và những đứa con của các bà mẹ không trưởng thành cũng rất khó trưởng thành.
Quan hệ giữa mẹ và con mà ai không độc lập và không ai muốn trả nợ cho ai là quan hệ giữa hai người không trưởng thành. Quan hệ giữa mẹ và con mà cả hai đều muốn trưởng thành bắt buộc phải là quan hệ giữa hai cá nhân độc lập và cân bằng vay nợ và trả nợ về vận hành thân thể và cuộc đời.
Quán tính hy sinh một chiều lấy của mẹ cho con chả khác nào con ăn thịt mẹ và chụp bóng một chiều từ cha mẹ chả khác nào mẹ ăn con về mặt tinh thần.
Hy sinh được ca ngợi như là giá trị và đạo đức căn bản của người phụ nữ. Người mẹ hy sinh cho rằng mình làm một việc cao cả, rằng cứ hy sinh đi rồi sẽ được đền đáp, nghĩa là người mẹ đẩy trách nhiệm tự cân bằng nghiệp quả cho nhận của chính mình, sang thế hệ con cháu, rồi con cháu lại đẩy trách nhiệm cho chút chít.
Quan hệ hy sinh một chiều từ mẹ sang con cái thường kéo dài nhiều đời trên cây dòng họ như vậy, tạo nên một giá trị ảo “gọi là đức hy sinh” đi ngược lại luật nhân quả và bằng tự nhiên. Sự mất cân bằng tất yếu dẫn đến sự sụp đổ của cây dòng họ, vì cây dòng họ thì cũng như bất kỳ cái cây nào, phải sống theo luật tự nhiên.
“Gánh vác bản thân” có nhiều cấp độ liên quan đến các mức độ trưởng thành khác nhau, trong đó có ba cấp độ trưởng thành cơ bản
– Trưởng thành của bé trai và bé gái qua lễ dứt căn năm 12 tuổi, đó là trưởng thành về thân thể, liên quan đến sự tự nhận thức về thân thể cá nhân và tự chịu trách nhiệm về thân thể cá nhân
– Trưởng thành của thiếu nữ và thanh niên trong lễ mùa mới thường tổ chức vào tháng 10 âm lịch, liên quan đến khả năng độc lập về sinh sản (lễ mở cổng sinh), mà trước đó vào tháng 7 âm lịch những nam thanh nữ tú đó đã phải cân bằng xong nghiệp quả với cha mẹ sinh thành.
– Trưởng thành của phụ nữ và đàn ông, liên quan đến lễ đóng cổng sinh, độc lập và cân bằng vay nợ hoàn toàn giữa cha mẹ và con cái.
Cơm nếp được thổi cho những người mà chúng ta đã nhận nợ trước đó, liên quan chính đến gánh vác nợ nần.
Cơm nếp được chia ra năm phần những người chúng ta phải gánh vác nghĩa vụ trả nợ. Đó là
– Mẹ : Công sinh thành, chăm sóc và nuôi dưỡng
– Cha : Công nuôi dưỡng, bảo vệ và dạy dỗ
– Bà : Gồm cả bà nội và bà ngoại
– Chị : Nếu có chị, thì chị cũng góp phần chăm sóc nuôi dưỡng chúng ta, chia sẻ một phần trách nhiệm của mẹ
– Anh : Nếu có anh, thì anh cũng chia sẻ một phần trách nhiệm của cha
—o—o—o—
VÌ SAO PHẢI TỰ XÂY NHÀ BẾP TRONG LỄ CƠM MỚI ?
Gánh gánh gồng gồng
Gánh sông gánh núi
Gánh củi gánh cành
Ta chạy cho nhanh
Về xây nhà bếp
Nấu nồi cơm nếp
Chia ra năm phần
Một phần cho mẹ
Một phần cho cha
Một phần cho bà
Một phần cho chị
Một phần cho anh
Ta chạy cho nhanh
Về xây nhà bếp
Nấu nồi cơm nếp…
Trong bài đồng dao Gánh gánh gồng gồng, người con không được sử dụng bếp có sẵn để nấu cơm nếp, mà phải
“Ta chạy cho cho nhanh
Về xây nhà bếp”
Quan trọng nhất trong việc xây nhà bếp là có lửa và có nước, qua việc kéo lửa về và lấy nước về. Cho nên phải “về”, về thì mới xây được bếp.
Sau khi có Nước có Lửa, chúng ta mới chuẩn bị gạo là yếu tố Đất. Gạo đi từ thóc qua các công đọạn gieo, cấy, gặt, xay, sàng, vo … Cuối cùng gạo được cho vào nối. Nồi đất hoặc nồi đồng là chuẩn nhất cho việc hỗ trợ yếu tố Đất.
Có đầy đủ Nước, Lửa và Đất, lúc đó đến bước Thổi cơm. Thổi cơm là vận hành Khí vào Đất dưới tác động song hành của Nước và Lửa.
Đó chính là ý nghĩa của việc “về xây nhà bếp, nếu nồi cơm nếp” của bài đồng dao
Hội thổi cơm thi Thị Cấm, xã Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội thể hiện rất rõ các bước “về xây nhà bếp, nếu nồi cơm nếp” được mô tả trong bài đồng dao
Hội thổi cơm thi Thị Cấm (xã Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội) tưởng nhớ đến công lao của Thành hoàng Phan Tây Nhạc, đời Hùng Vương thứ 18, cùng 3 vị công chúa đã có công dẹp giặc, chăm lo cuộc sống của dân.
Tương truyền, tướng quân Phan Tây Nhạc được giao thống lĩnh quân binh đi đánh giặc, khi qua làng Hương Canh (làng Thị Cấm), ông tổ chức thi tuyển chọn người giỏi việc hậu cần để phục vụ quân binh. Chiến thắng trở về, tướng quân ở lại vùng đất này, dạy dân cấy lúa, dệt vải. Sau khi qua đời, ông được nhân dân tôn thờ là Thành hoàng làng, chọn ngày 8 tháng Giêng mở hội thổi cơm thi.
Trước khi diễn ra lễ hội, cộng đồng và Ban Quản lý di tích đình họp, phân công nhiệm vụ cho từng người giữ vai trò chính như: ông Tư đình, chủ tế, 4 đội thi thổi cơm đại diện cho 4 giáp… Trước đây, người tham gia đội thổi cơm thi phải là người chưa lập gia đình, nay, chỉ cần là người khỏe mạnh, gia đình không vướng tang.
Đồ chuẩn bị cho lễ hội gồm: nồi đồng, bát, thóc loại tốt, chày, cối đá, bình đồng, dụng cụ kéo lửa, chất đốt (giang, rơm, nứa)…
– Nồi đồng và bát được để trong hậu cung, khi có lễ hội mới mang ra dùng.
– Rơm là loại rơm nếp, phục vụ việc giã gạo và nấu cơm, được bện thành cuộn tròn để kê gối giã gạo tránh cối bị trật ra ngoài, đặt trên miệng cối chắn không cho thóc, gạo bắn ra ngoài. Rơm rối và rơm cuộn để dùng nấu cơm.
– Giang, tre, nứa được chẻ ra, phơi khô dùng để nhóm lửa. Dụng cụ kéo lửa được làm từ các thanh giang, tre già, một nắm bùi nhùi rơm và ít mùn cưa. Khi thực hành lấy lửa, người dùng lấy 2 thanh giang kẹp vào bùi nhùi, dùng 2 thanh tre giữ chắc 2 đầu và 2 người kéo co cho cật giang cọ sát vào cật tre nhiều lần, tạo ma sát để bắt lửa vào mùn cưa và rơm.
Sáng ngày 7 tháng Giêng, các cụ làm lễ mở cửa đình. Buổi chiều làm lễ nhập tịch.
Ngày 8, buổi sáng các cụ bà làm lễ dâng hương, dân làng ra lễ Thành hoàng làng chuẩn bị cho cuộc thi. Khoảng 10 giờ, 4 chiếc cối đá, chày được đặt trước sân đình chờ tới giờ khai hội; rơm được chuyển ra sân đình; các đô kéo lửa quấn đọn rơm, chuẩn bị giang, tre kéo lửa. Hoàn tất việc chuẩn bị, Ban Tổ chức và 4 đội thi cùng dân làng tập trung trước đình làm lễ dâng hương lên Thành hoàng. Sau đó, Ban Tổ chức công bố thể lệ, các đội rút thăm để ra nhận thóc (1kg), chày, cối, nồi. Một hồi trống vang lên báo hiệu cuộc thi bắt đầu.
Cuộc thi gồm 3 phần được tiến hành cùng lúc: thi kéo lửa, thi lấy nước và thi thổi cơm.
– Thi kéo lửa diễn ra ngay trước cửa chính của đình, do 2 người đàn ông khỏe mạnh, có kinh nghiệm thực hiện. Rơm được vò nát làm bùi nhùi, dùng 2 thanh giang kẹp vào bùi nhùi, 2 thanh tre đực già dùi sẵn những khe nhỏ ốp giữ chắc hai đầu. Một người ghì chặt thanh tre vào bó rơm, người còn lại luồn que giang vào khe đánh lửa, kéo cưa thật nhanh, mạnh và liên tục để tạo ma sát với thanh tre, tạo ra lửa và bén vào rơm. Khói bốc lên thì dừng lại và thổi để lửa bùng lên, lấy lửa đó nấu cơm. Giáp nào kéo được lửa trước thì được giải nhất về công đoạn kéo lửa.
– Thi lấy nước: mỗi đội cử ra một thiếu niên độ tuổi từ 12 đến 14 tham gia phần thi này. Bên phải đình, người ta dựng một đồn binh bằng tre, lá tượng trưng. Người thi chạy từ đồn binh đến giếng nước thiêng của miếu làng bên bờ sông Nhuệ, dài gần 1000m, để lấy nước về nấu cơm. Tại khu giếng nước thiêng, Ban Tổ chức đặt sẵn 4 chiếc be bằng đồng đổ đầy nước. Ai lấy được be nước đầy về trước thì giáp của người đó sẽ giành giải nhất phần thi này.
– Thi nấu cơm gồm 8 người cho các công đoạn: giã thóc (2 người), sàng sảy (1 người), giã gạo (2 người), lấy gạo thổi cơm (3 người).
– – – Phần chuẩn bị gạo : Hai thanh niên dùng vòng rơm nèn dưới đáy cối để tránh xê dịch khi giã, đổ thóc vào cối, dùng chày giã. Để gạo trắng và không bị vỡ, việc giã phải thực hiện thật nhanh và khéo léo. Thóc giã xong được đưa ra để sàng sảy, loại bỏ trấu và sạn, xong lại đổ gạo vào giã đến khi gạo trắng thì lấy ra để thổi cơm.
– – – Phần thổi cơm : Nước lấy về cho vào nồi, đun sôi rồi cho gạo vào, đảm bảo lửa cháy liên tục. Cơm sôi phải dùng đũa đảo để tránh cháy nồi và cơm sống bên trên. Cơm cạn, nồi cơm được trải một lớp khăn và giấy ăn lên trên để tránh bị tro tràn vào khi vùi trong tro rơm. Nồi cơm được ủ trong tro rơm đượm than nóng khoảng 20 phút để cơm chín đều. Trong thời gian ủ, thành viên các đội liên tục đốt thêm rơm để giữ nhiệt cho cơm chín nhanh hơn. Để kéo dài thời gian cho cơm chín nục, mỗi đội cũng phải tạo nhiều đống rơm khác để đánh lừa các quan đi dò nồi, mất công tìm kiếm, thêm thời gian cho cơm chín.
Sau một tuần hương, quan đi dò sẽ đi quanh khu vực thi của các đội và dùng gậy để mò niêu cơm. Giúp việc cho quan có bốn người: một ông bê mâm để đặt nồi cơm của bốn đội, một ông cầm ô che cho mâm cơm và một ông cầm trống khẩu, khi quan đi đến đám tro của đội nào sẽ đánh một tiếng báo hiệu. Việc dò nồi cơm sẽ được tiến hành tuần tự. Nếu quan chọc vào đống tro của đội này mà không thấy nồi cơm thì sẽ sang đội khác dò, sau đó mới quay lại đội chưa tìm thấy để dò. Quan dò đến khi nào thấy đủ 4 nồi cơm của bốn đội mới thôi. Nếu các đội giấu khéo thì thời gian ủ nồi được kéo dài và cơm sẽ chín đều, nếu giấu vụng, bị giám khảo tìm thấy ngay đầu tiên cơm dễ bị sống.
Sau khi tìm đủ bốn nồi cơm, ban giám khảo sẽ xới bốn bát để dâng lên Thành hoàng làng. Cơm sau đó được mang ra gian ngoài của đình để chấm điểm công khai trước người dân và thành viên của các đội tham dự. Các thành viên Ban Giám khảo căn cứ vào mùi thơm, độ trắng và độ dẻo của hạt cơm để chấm điểm. Nồi cơm nào trắng dẻo thơm ngon nhất sẽ giành chiến thắng.
Khoảng 12 giờ, các cụ sẽ tiến hành tế giã đám, trao giải cho các đội dự thi trước ban thờ Thánh và tất cả cùng làm lễ tạ Thánh.
Ý NGHĨA LỜI GỌI BỐNG CỦA TẤM
Tuy Tấm Cám là tên hai bộ phận hạt thóc, nhưng các chi tiết của câu truyện Tấm Cám liên quan đến cây lúa đều rất ẩn.
Chi tiết rõ nét nhất liên quan đến cây lúa chính là câu Tấm gọi cá Bống cho ăn cơm
Bống bống, bang bang
Lên ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta,
Chớ ăn cơm hẩm, cháo hoa nhà người.
Bống bống : Bống là rốn. Rốn với người Việt quan trong, như trái tim với người phương Tây. “Em là trái tim của anh”, “anh trong trái tim em”, “khắc ghi tình yêu của chúng ta trong trái tim” … là cách nói của người phương Tây. Cha mẹ Việt gọi con yêu của mình Bống Bồng Bông, nghĩa là con là cái rốn của bố mẹ.
Cái bống là cái bống bang
Mẹ bống yêu bống, bống càng làm thơ
Ngày sau bống đỗ ông đồ
Đi võng lá sắn, đi dù lá khoai
—o—
Bồng bồng con nín con ơi
Dưới sông cá lội, trên trời chim bay
Ước gì mẹ có mười tay
Một tay bắt cá, tay này bẫy chim
Một tay chuốt chỉ luồn kim
Một tay làm ruộng, tay tìm hái rau
Một tay ôm ấp con đau
Một tay vay gạo, tay cầu cúng ma
Một tay khung cửi guồng xa
Một tay lo bếp nước, lo cửa nhà nắng mưa
Một tay đi củi muối dưa
Còn tay van lạy, bẩm thưa, đỡ đòn
Tay nào để giữ lấy con
Tay nào lau nước mắt, mẹ vẫn còn thiếu tay
Bồng bồng con ngủ cho say
Dưới sông cá vẫn lội, chim vẫn bay trên trời.
—o—
Bồng bồng mẹ bế con sang
Đò dọc quan cấm, đò ngang không chèo
Bang Bang : Bang là xứ sở. Phương Tây nói là “trung tâm của vũ trụ”, “trái tim của vũ trụ”, còn người Việt có câu “Cái rốn của vũ trụ”. Rốn của vũ trụ của mỗi cá nhân chính là “bống bang”. Cái Bống mà chuyển thành cái Bống Bang là có thể tung hoành ngang dọc xứ sở.
Cái bống là cái bống bang
Ăn cơm bằng sàng, bốc muối bằng vung
Mẹ giận mẹ vứt xuống sông
Bơi ra cửa biển lấy chồng lái buôn
Khát nước thì uống nước nguồn
Lạc đường thì bảo lái buôn đưa về
Bống Bống, Bang Bang : Cám là thân, Tấm là ối. Khi Tấm gọi Bống Bống, Bang Bang nghĩa là Tấm gọi rốn, nhau trong bộ thân, rốn, ối, nhau của mình. Bộ này kết hợp tạo ra một cây lúa trọn vẹn, với rễ cây lúa là nhau Bang, thân cây lúa là rốn Bống, còn Tấm là hạt gạo, Cám là vỏ cám.
Cơm vàng cơm bạc : Cơm vàng cơm bạc là cơm có tính kim, tính khô, tính cô đặc, tính quý báu. Ví dụ về các dạng cơm mà khi chín hạt gạo còn nguyên hình, tách rời từng hạt rõ ràng ra khỏi nhau. Cơm nếp, cơm lam, xôi cũng là một dạng cơm vàng cơm bạc.
Lên ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta : Cơm nhà ta là com do ta tự làm, tự ăn. Đây là kiểu ăn của cây. Cây là loài tự dưỡng, cây tự lấy các chất hoá học từ nước, khí, lửa trong đất và trả lại lá rụng (lá rụng về cội), cành khô, quả mục cho đất. Cây và đất cùng nhau tạo nên hệ “nhà ta” : cây là ta, đất là nhà ta.
Lời gọi của Tấm nghĩa là chúng ta là người một nhà, tự lao động và tự nuôi sống lẫn nhau. Bụt dặn Tấm là mỗi bữa sẽ san sẻ phần cơm của mình ra cho Bống ăn, và bữa cơm của Tấm là do Tấm tự lao động mà có được.
Chớ ăn hẩm, cháo hoa nhà người : Cơm hẩm là cơm nhão, cơm ướt, cơm quá nhiều nước. Cháo hoa là cháo nấu nhỡ, hột gạo không tan ra như cám, mà nở bung như bông hoa bưởi. Cháo hoa và cơm hẩm là một loại đồ ăn liền, ăn nhanh, dành cho người ốm sống dựa vào sự chăm sóc của người khác và người ốm cần nhận chất dinh dưỡng vào nhanh nhất, đơn giản mà không mất sức nấu nướng, nhai, nuốt và tiêu hoá.
Cám sống bằng bản năng thân thể của thú ăn thịt, đỉa ăn bám, chỉ muốn có ngay đồ ăn người khác nấu, có ngay thành quả người khác làm, có ngay chồng của người khác yêu. Cơm của Cám do đó là đồ ăn nhanh, đồ ăn bám, đồ ăn lấy của mẹ cha và của chị Tấm.
Trong bài đồng dao “Gánh gánh gồng gồng”, cơm nếp hay cơm vàng, cơm bạc là cơm nấu để trả ơn cho những người nuôi dưỡng mình.
Gánh gánh gồng gồng
Gánh sông gánh núi
Gánh củi gánh cành
Ta chạy cho nhanh
Về xây nhà bếp
Nấu nồi cơm nếp
Chia ra năm phần
Một phần cho mẹ
Một phần cho cha
Một phần cho bà
Một phần cho chị
Một phần cho anh
Gánh gánh gồng gồng
Gánh gánh gồng gồng
Cơm nếp được chia ra năm phần những người chúng ta phải gồng gánh nghĩa vụ trả nợ, cũng là gồng gán cân bằng duyên nghiệp. Đó là
– Mẹ : Công sinh thành, chăm sóc và nuôi dưỡng
– Cha : Công nuôi dưỡng, bảo vệ và dạy dỗ
– Bà : Gồm cả bà nội và bà ngoại
– Chị : Nếu có chị, thì chị cũng góp phần chăm sóc nuôi dưỡng chúng ta, chia sẻ một phần trách nhiệm của mẹ
– Anh : Nếu có anh, thì anh cũng chia sẻ một phần trách nhiệm của cha
Tấm đưa cơm vàng cơm bạc cho Bống Bang vì Bống Bang là chị của Tấm Cám, có công lao động chăm sóc, nuôi dưỡng Tấm Cám. Trong bốn chị em, Bang là chị cả, Bống là chị hai, Tấm là con thứ ba và Cám là con út theo đúng luồng vận hành máu trong thai : Máu đi từ nhau Bang sang rốn Bống qua ối bao điều của Tấm rồi vào thân Cám.
Trong lúc Cám còn đang ăn bám kiểu đỉa theo bản năng thú, thì Tấm đã bắt đầu quá trình tự lao động nuôi dưỡng cơ thể và bắt đầu quá trình trả nợ công sức dưỡng nuôi của các chị và cha mẹ với mình.