Người Việt nói “dọn về nhà mới”, “dọn vào nhà mới”, nghĩa là trước khi vào ở trong một căn nhà đã từng có người khác ở, cần phải dọn nhà.
Một số ví dụ về nhận nhà từ người khác
– Mua nhà chung cư xây mới
– Mua nhà chung cư đã ở
– Mua nhà tư nhân xây mới
– Mua nhà tư nhân đã ở
– Nhận lại nhà riêng sau một thời gian cho người khác thuê hoặc ở nhờ
– Nhận nhà do chuyển quyền sở hữu và sử dụng từ cha mẹ hoặc ai đó trong gia đình
– Nhận nhà do thừa kế sau khi cha mẹ mất
Để dọn vào nhà mới cần làm các việc sau
– Nhận nhà :
— Về pháp lý, chủ nhà cần hoàn thành việc mua bán, cho tặng hoặc thừa kế để có được giấy chứng nhận sở hữu nhà đất.
— Về mặt tinh thần, có một lễ gọi là lễ nhận nhà mới nhằm thông báo và kết nối với thần linh trên đất và gia tiên trên ban thờ về chủ nhân của ngôi nhà.
—— Lễ nhận nhà ở phải là làm trên ban thờ gia tiên.
—— Lễ nhận nhà xưởng, đất công ty hay cửa hàng thì cần kết nối với thần linh thiên nhiên như thần tài, thổ địa, thần bản thổ và các thần linh trên đất khác
– Dọn dẹp và vứt bỏ các đồ dùng của chủ cũ : Hành động này quan trọng cả về vật chất và tinh thần cho ngôi nhà.
– Nấu và ăn bữa cơm đầu tiên và ngủ đêm giấc đầu tiên ở nhà mới : Có thể nói nếu chưa nấu cơm, chưa ăn cơm và chưa ngủ đêm ở nhà mới thì coi như là chưa sống trong nhà
DỌN DẸP – ĐỒ DÙNG
Đối tượng chính của việc dọn nhà mới trước khi vào ở là làm sạch rác do chủ cũ để lại.
Việc dọn rác đồ đạc phụ thuộc vào việc chủ nhà cũ có quan hệ gia đình với chủ nhà mới hay không.
Nếu chủ cũ là cha mẹ hoặc người thân đã ở trong ngôi mà nay đã mất : cần kiểm kê và lên danh sách đầy đủ giấy tờ và đồ đạc của người đã khuất, rồi phân loại chúng thành
– đồ cá nhân liên quan đến ăn mặc cần tiêu huỷ : ví dụ quần áo lót, quần áo ở nhà, khẩu trang, tất, khăn … và các loại giầy dép của người đã mất nên được đốt bỏ hết
– đồ cá nhân liên quan đến ăn uống như bát riêng, đũa riêng, thìa riêng và các loại đồ ăn thức uống cũng cần vứt bỏ, còn đồ dùng nhà bếp và bát đũa chung thì có thể được tiếp tục sử dụng
– đồ cá nhân liên quan đến trang điểm cũng cần được vứt bỏ
– đồ cá nhân liên quan đến thuốc cần được vứt bỏ, còn các thiết bị y tế có thể vứt bỏ, tái sử dụng hoặc đem cho tuỳ trường hợp
– đồ dùng cá nhân khác vẫn còn giá trị sử dụng có thể tiếp tục dùng hoặc đem cho từ thiện, hoặc vứt bỏ mà không cần tiêu huỷ : mũ bảo hiểm, áo mưa, ô, đồ chơi, đồ trang trí có tính cá nhân …
– đồ cá nhân cần tiêu huỷ rồi mới vứt bỏ : ví dụ các loại giấy tờ hay phù hiệu có ghi tên tuổi địa chỉ của người mất, sổ nhật ký, các tài liệu ghi chép, tranh ảnh có hình của người đã khuất ….
– đồ điện tử cá nhân cần cài đặt lại rồi mới cho tặng hoặc giữ làm kỷ niệm : máy tính xách tay và điện thoại di động
– đồ dùng vẫn có nhiều giá trị sử dụng cho căn nhà có thể được giữ lại
– đồ cá nhân là giấy tờ liên quan đến tài sản thuộc sở hữu của người đã mất uỷ quyền quản lý cho bên thứ ba: sổ bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm, tài khoản ngân hàng, sổ tiết kiệm, tài khoản chứng khoán, ví điện tử, tiền điện tử …
– kỷ vật hoặc giấy tờ quan trọng của người đã khuất cần được giữ lại
Nếu chủ nhà sắm sửa hầu hết đồ đạc giá trị trong nhà trước khi cho mượn hay cho thuê nhà thì cần tiêu huỷ và vứt tất cả đồ dùng cá nhân của người ở nhờ và ở thuê đi. Về nguyên tắc người ở nhờ và ở thuê khi dọn ra khỏi nhà phải mang theo hết đồ đạc của mình bao gồm rác.
Nếu chủ cũ là người không có quan hệ họ hàng với chủ mới, chủ mới nên vứt hết đồ đạc của chủ cũ đi, chỉ sử dụng đồ dùng có sẵn của chính mình hoặc đồ dùng do chính mình mua mới, không nên tiếc.
Khi giữ lại bất kỳ đồ dùng gì của chủ cũ, cần phải biết giữ cho ai dùng, để ở đâu, vì sao và như thế nào, chứ không cho bừa vào hộp, vào tủ, vào kho … rồi tính sau.
Nếu chúng ta dọn đồ của chính mình từ nhà cũ chuyển sang nhà mới, hãy tư duy rằng chúng ta có hai con người
– con người cũ ở nhà cũ cần chấm dứt và cần vứt bỏ rất nhiều đồ dùng liên quan đến con người cũ này
– con người mới sang nhà mới đem theo đồ thực sự cần dùng
Khi mang bất kỳ đồ dùng cũ sang nhà mới, cần phải biết giữ cho ai dùng, để ở đâu, vì sao và như thế nào, chứ không đóng gói tất cả đồ ở nhà cũ chuyển sang nhà mới rồi tính sau, thì mình không chịu kết thúc việc và đồ ở nhà cũ, rồi biến cái nhà mới thành cái nhà cũ, thậm chí một chiến trường đồ đạc và rác thải.
Nhiều người vào nhà mới, sắp xếp đồ đạc không được như ý, ăn ngủ lộn xộn thì muốn mua mới đồ đạc sửa chữa nhà cửa, mà không hiểu rằng cái cần thay đổi chính là họ, họ vẫn mang nguyên người cữ từ nhà cũ sang. Việc đóng đồ mới không có tác dụng khi đồ cũ vẫn tốt và đồ mới đóng làm chật nhà. Cái cần buông đi chính là người chủ cũ, để người chủ mới thực sự được sinh ra cùng ngôi nhà mới. Để thay đổi chủ nhân ngôi nhà, việc cần làm là vứt bỏ đồ cũ, những đồ không cần dùng và không còn phù hợp để chấm dứt được dính mắc với nhà cũ, không nên sống trong nhà mới với tràn ngập đồ cũ.
DỌN DẸP – BỂ PHỐT
Khi tôi mua nhà, chủ nhà cũ xin được ở thêm ba tháng và giao lại cho tôi một cái nhà đầy rác, từ quần áo cũ, chăn màn, đệm, giát giường, kính, gạch, gỗ, nhưa, xô chậu hỏng …. Có hai cái kho trên gác mái và trên tầng thượng chứa đầy rác, mà phải hai năm sau khi mua nhà tôi mới phát hiện ra và dọn dẹp được. Thật quá sốc.
Tuy nhiên, khi nghe tin tôi mua nhà, một người bạn chỉ bảo tôi hãy yêu cầu chủ cũ thông bể phốt trước khi giao nhà. Ai đưa ra một yêu cầu như thế cho người bán nhà, chắc chắn sẽ bị ăn chửi. Nhưng càng suy nghĩ về lời khuyên của bạn, tôi càng thấy bạn nói đúng : Bể phốt là cái đầu tiên cần dọn càng sạch càng tốt ngay khi nhận nhà từ chủ cũ.
Một căn nhà giống như một cơ thể, với đầu vào và đầu ra. Bể phốt là một trong các thiết kế không hợp lý của ngôi nhà hiện đại, khi đầu ra bị tắc.
Bị ám ảnh về lời khuyên của bạn, nên khi phát hiện bồn cầu của nhà mua bị tắc, tôi quyết định hút bể phốt luôn, mà không tìm cách kiểm tra xem bể phốt đã đầy hằn chưa hay bồn cầu chỉ tắc tạm thời. Với tôi sự kiện tắc bồn cầu là lời nhắc nhở rõ ràng rằng tôi cần hoàn thành dứt điểm việc dọn dẹp rác cá nhân của chủ cũ. Làm được việc này, tôi như trút được gánh nặng bao lâu kể từ lúc mua nhà.
BAN THỜ
Ban thờ là trường hợp đặc biệt mà chúng ta không được cẩu thả khi dọn vào nhà mới
BAN THỜ GIA TIÊN
– Nếu nhận nhà từ cha mẹ đã khuất, phải làm lễ nhận nhà trên ban thờ gia tiên mà thờ cha, thờ mẹ đã khuất và lễ an ban thờ qua cây dòng họ, tốt nhất ngay vào ngày đưa linh cữu của người mất ra mộ hoặc trong những tuần lễ đầu tiên của đám tang
– Nếu nhận nhà từ người thân trong gia đình, ban thờ thờ gia tiên chung của người nhận nhà và người giao nhà, thì vẫn phải làm lễ nhận nhà trên ban thờ và lễ an ban thờ qua cây dòng họ
– Nếu nhận nhà từ người thân trong gia đình, ví dụ nhận nhà từ chị gái trên nhưng ban thờ không chỉ có cha mẹ, ông bà đã mất, mà còn có chồng và gia tiên bên chồng của chi gái, thì cần yêu cầu chị gái chuyển cả bàn thờ đi cùng.
BAN THỜ THẦN, PHẬT
– Nếu chủ cũ không phải là người trong gia đình và chủ cũ có ban thờ Phật, Thổ Địa, Thần tài, Quan Công …. cần yêu cầu chủ cũ dọn ban thờ đi theo. Chủ mới không bao giờ được dùng lại ban thờ của chủ cũ
– Nếu chủ cũ là người cùng dòng máu, cùng gia đình, cùng ngôi nhà cũ với chủ mới, thì chủ cũ có thể tự quyết việc có tiếp tục sử dụng các ban thờ Thần, Phật của chủ cũ hay không
BAN THỜ THIÊN & CÁC MIẾU NGOÀI TRỜI
– Nếu chủ cũ và chủ mới là những người cùng gia đình, thì cơ bản vẫn tiếp tục sử dụng ban thờ thiên. Trong lễ nhận nhà, cần gặp thần linh trên đất, như thần tài, thổ địa, thần bản thổ, thần các mạch khí thuỷ trên đất… cho ban thờ thiên, như cần gặp gia tiên cho ban thờ gia tiên.
– Nếu chủ mới và chủ nhà cũ là những người xa lạ, và chủ nhà mới vẫn có thể sử dụng ban thờ thiên của chủ cũ. Đôi khi cũng phải xem xét tiêu huỷ và thay mới mọi vật dụng trên ban thờ trong hoặc sau lễ nhận nhà, nhưng phải làm việc này như một phần của lễ nhận nhà, chứ không được làm bừa. Việc phá ban thờ thiên cần xem xét cẩn thận và nếu tránh được thì nên tránh, trừ khi ban thờ thiên bị yểm hay có vấn đề nghiêm trọng.
===
Việc dọn rác, dọn đồ bao gồm dọn hết đồ thờ và rác thải ngôi nhà của chủ cũ vô cùng quan trọng vì nếu không làm được thế thì sẽ xảy ra tình huống
– chủ cũ không ra chủ cũ và nhà mới không ra nhà mới, vì chủ cũ chưa hoàn thành bàn giao ngôi nhà, chủ cũ vẫn hiện diện trong ngôi nhà thông qua đồ đạc cá nhân để lại, ban thờ để lại và rác, bao gồm rác bể phốt
– rác bị tắc xuyên từ thời gian ở của chủ cũ sang thời gian ở của chủ mới, khiến cho luồng vận hành vào ra ngôi nhà không được làm mới cùng việc đổi chủ mà tiếp tục tình trang dồn ứ và tắc nghẽn từ trước
Như tôi đã nói, việc dọn dẹp luôn gắn với chu kỳ kết thúc – đó là thời gian ở trong ngôi nhà của chủ cũ. Nếu chủ cũ chưa ra khỏi nhà, thì chủ mới có thể coi là chưa vào được nhà mà vẫn sống chung với bóng ma của chủ cũ, gây dính mắc và hao tổn năng lượng cho cả hai.