ĐẦU NĂM MUA MUỐI, CUỐI NĂM MUA VÔI

Loading

Trước Tết, là cuối năm người ta mua vôi, còn mấy ngày đầu năm mới, người ta mua muối vì có câu

Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi

Cuối năm mua vôi để làm gì ?
– Vôi để quét vôi, làm mới nhà cửa đón Tết. Quét vôi cũng là bước cuối cùng trong xây nhà. Làm nhà đến Tết nên hoàn thiện để còn đón Tết với nhà mới.
– Vôi để ăn trầu : thời này ít người ăn trầu, nên trầu cau bây giờ chủ yếu được mua để thắp hương. Tết là lễ lớn nhất năm, nên hầu như nhà nào cũng mua trầu cau thắp hương, có điều người ta chỉ thắp hương trầu cau mà toàn thiếu vôi.

Có câu “Bạc như vôi”. Trầu cau thì quấn quít, ái ân, có vôi vào mới nồng và cân bằng.

Thương em lắm lắm em ơi
Sao em ở bạc như vôi trát nhà
—o—
Đêm khuya chẳng ngủ, dậy ngồi
Giận người ở bạc như vôi thế này
—o—
Bạn ơi bạc nghĩa như vôi
Một trăm viên mực mà bồi không đen
Có trăng bạn nỡ phụ đèn
Trăng thì một thuở, ngọn đèn ngàn năm
—o—
Cái cò trắng bạc như vôi
U ơi u lấy vợ hai cho thầy
Có lấy thì lấy vợ gầy
Đừng lấy vợ béo, mà nó đánh cả thầy lẫn u

Tại sao cuối năm lại cần đặc tính “bạc như vôi” ? Bởi vì cuối năm là chốt gần như tất cả mọi thứ
– nợ nần
– công việc
– đất đai, nhà cửa
– ân oán trong các quan hệ
– chu kỳ

Nếu thiếu chất “bạc như vôi” thì cứ dây dưa và quấn quít mãi
– vay nợ không trả, cho nợ không đòi
– ân oán không rõ ràng, có ân không trả, có oán không báo
– việc không xong hẳn được, cũng không chốt từng khúc được
– đất đai và nhà cửa không rõ ràng sở hữu và sử dụng
– các chu kỳ không kết thúc và chuyển hoá được sang chu kỳ tiếp theo

Nếu hiểu rằng cuối năm cần năng lượng của sự kết thúc, chốt hạ, tạm dừng, cắt đoạn và chấm dứt thì thay vì mua vôi, chúng ta có thể làm các việc sau
– Mua dao, mài dao cũ cho sắc hơn hoặc vứt các loại dao sứt mẻ, quá cùn, quá cũ, quả gỉ hoặc ít dùng đi : Về mặt vật lý việc này hợp lý vì Tết cần nấu nướng nhiều. Về mặt năng lượng, việc này có tác dụng y như mua vôi. Vào dịp Tết nên mua dao sắt, vì sắt là thành phần của máu, như vôi là thành phần của xương, đồng thời vôi tạo nên chất dịch đỏ như máu khi ăn với trầu cau. Dao là vật dụng thường xuyên của đầu, không cần nhiều dao nhưng dao cần sắc và cần đủ bộ dao. Tết là lúc dùng đủ các loại dao đủ kích cỡ nhất, ví dụ dao to bản để chặt và băm, dao mũi nhọn để làm gà, dao trung bình để thái rau và thit … Nên biến việc này thành thói quen để nhắc nhỏ mình cần quyết liệt chốt hết việc vào cuối năm.
– Mua chân giò nguyên khối về lọc xương, chặt xương và bó giò : Chân giò là món cổ truyền ngày Tết vì nó có đủ vị, đủ xương, da, mỡ, nạc, bó chặt vào nhau. Tại sao cần chặt chân giò mà không chặt xương thịt chỗ khác ? Cuối năm cái chân là phải dứt khoát, thoát được cái chân ra khỏi nơi chốn cũ, công việc cũ, quán tính cũ, dính mắc cũ là coi như kết thúc được năm. Ngoài ra trong các món thịt, chân giờ là khó lọc và khó chặt xương nhất. Lọc chân giò đỏi hỏi dao phải sắc, thớt phải to dầy, tay phải khéo léo mà cũng mạnh mẽ, dứt khoát. Đấy là thái độ cần có cuối năm. Nhìn kết quả chặt chân giò như thế nào là biết chúng ta dám quyết chốt việc cuối năm ra sao.

Cuối năm chúng ta chỉ dùng dao mà không được dùng cưa. Đặc biệt tuyệt đối không được cưa tre làm nêu. Tre không quá khó chặt, chỉ cần có dao bản to, dày và mài sắc là chặt được. Nhà nào cũng nên có con dao này để chặt củi, chặt dừa, chặt tre, chặt cây và chặt chân giò. Cưa là năng lượng kéo đi đẩy lại nên có câu cò cưa và bài “Kéo cưa lừa xẻ/Ông thợ nào khỏe/Về ăn cơm vua/Ông thợ nào thua/Về bú tí mẹ”. Hành động cưa đi cưa lại trực tiếp đối nghịch với cấu trúc và vân hành theo một trục thẳng trời đất của nêu và cũng ngược với âm nêu. Hành động cưa đi cưa lại cũng trực tiếp đối nghịch với năng lượng chặt hạ dứt khoát theo từng nhát bằng dao. Một bạn học sinh của tôi có bạn đi chặt nêu đã lấy cành nhánh lại còn dùng cưa, kết quả mang tre về nhà rồi còn phải đốt đi, vì quá sai. Rõ ràng nhà bạn có sẵn cưa và thiếu dao to bản.

Năm đầu tiên đón Tết cổ truyền tôi đã phải chặt ba cái chân giò, dù biết chắc chắn là không ăn hết vì quá nhiều việc phải chốt hạ và cắt bỏ. Đàn bà chân yếu tay mềm và làm việc gì cũng chốt hạ kém xa đàn ông thì cuối năm càng phải mua cái chân giò to về mà chặt, cho nó dứt khoát và quyết liệt.

Đầu năm mua muối để làm gì ?

Đầu năm chúng ta phải tái khởi đầu lại tất cả những thứ cuối năm đã kết thúc nhưng theo cách mới và trong chu kỳ mới, đồng thời khởi đầu những thứ mới tinh năm trước chưa có chưa làm. Việc này cần đến muối.

Muối có vị mặn.

Mặn là vị của máu. Khi tự mình làm việc gì bằng nhiệt huyết thì nhất định việc ấy có vị mặn.

Mặn là vị của bữa cơm ăn hàng ngày, bởi vì vị gốc của gạo là ngọt. Khi mình tự làm việc gì bằng sức lực và thân thể của mình thì nhất định việc ấy có vị mặn.

Muối tách và đẩy các loại vị khác của thức ăn như chua, ngọt … lên cho rõ ràng và dễ cảm nhận hơn. Những công việc triển khai đầu năm, mỗi việc cần có vị của nó. Đầu năm chúng ta không làm việc vô vị, việc loạn vị, châp vị, việc mà vị của nó rất mơ hồ ví dụ chả biết là việc có cần hay không, có hợp hay không, có thích hay không, và cần, thích, hợp thì cụ thể thế nào.

Bất kỳ cái gì có vị đặc trưng là cái ấy có muối. Bất kỳ hành động nào đáng làm thì mới làm nghĩa là hành động ấy có vị mặn. Nếu nhà chúng ta có sẵn muối rồi mà chúng ta còn đi ra ngoài mua muối cho đúng với câu tục ngữ này mặc dù chả hiểu muối dùng làm gì, thì đó là chính là một hành vi nhạt nhẽo và vô vị, mà chúng ta không nên làm vào đầu năm. Thà cứ vui chơi làm điều mình thích còn hơn, vì niềm vui là một vị rất đặc trưng của Tết.

Chia sẻ:
Scroll to Top