CHUÔNG BÁT

Loading

Chuông bát đồng là một dụng cụ sử dụng trong thờ cúng truyền thống của người Việt.
Chuông được đánh sau khi cắm hương bởi chính người thắp hương. Chuông vang lời khấn nguyện của người thắp hương đến thần linh, đến gia tiên, đến bà cô ông mãnh, và nghe tiếng chuông người thắp hương có thể cảm nhận được sự đáp lời.
Có lúc gõ chuông là tiếng vang, có lúc tiếng chuông là tiếng lòng, có lúc tiếng chuông ngân dài và vọng về nhiều đợt. Tiếng chuông cho người thắp hương cảm nhận rất rõ sự khác biệt của từng lần thắp hương.
Có lúc gia tiên về, yêu cầu chủ nhà đánh chuông để hỗ trợ việc an bát hương.
Một số trường hợp đặc biệt thể viết lời khấn nguyện thả vào chuông rồi đánh và để lại lời khấn trong chuông cho đến lúc lời khấn nguyện hoàn thành. Trường hợp con khó nuôi, lời khấn nguyện có thể để trong chuông nhiều năm cho đến lễ cúng căn của đứa trẻ.
Khi băn khoăn, không biết có nên hay không nên làm một việc, người thắp hương có thể viết giấy 2 mặt gửi vào chuông bát, khấn xin trợ giúp, sau đó đánh chuông, rồi rút tờ giấy khỏi chuông để nhận câu trả lời.
Khi muốn làm một việc khó khăn, cần trợ giúp, thì viết việc muốn làm vào tờ giấy gấp lại. Nếu tiếng chuông mở tờ giấy ra, thì việc muốn làm sẽ được thuận lợi và tiếng chuông sẽ mở đường cho năng lượng vận hành đỡ cho việc triển khai công việc này. Ngược lại, tờ giấy không mở ra thì việc này sẽ có khăn, hoặc chưa đến lúc làm được.
Chuông bát có nhiều kích thước và khối lượng của mỗi kích thước thay đổi tuỳ theo chất đồng như đồng đỏ hay đồng vàng.
Không nên dùng chuông có chữ, chuông có hình trang trí, cần chọn chuông vì thanh âm chứ không phải vì hình.
Một người mất gốc sẽ thích chuông nhập khẩu từ Nepal, Tây Tạng, Nhật Bản, Đài Loan, nhưng chúng ta không nên sử dụng chuông nhập khẩu trong thờ cúng gia tiên. Nên mua và sử dụng chuông đúc thủ công bằng đồng đỏ tại các làng nghề tại địa phương.
Một số người sùng bái tiếng chuông của thày tâm linh, của sư thày, của nhà chữa lành mà được mệnh danh là chuông tâm linh, chuông trị liệu, chuông chữa lành này nọ nhưng chúng ta tuyệt đối không được sử dụng chuông của một người khác đã dùng và chuông đã dùng cho mục đích khác trong thờ cúng gia tiên. Cần để chuông ở phòng thờ, chỉ sử dụng duy nhất cho mục đích thờ cúng và bảo vệ chuông như bảo vệ bát hương, nghĩa là không cho người ngoài đụng đến.
Người thắp hương ngồi trước ban thờ đánh chuông, nên đây chính là vị trí đặt chuông bát.
Cụ cố bên mẹ, là ông nội của ông ngoại tôi và bà nội đều sử dụng chuông bát và nghe chuông bát cực kỳ xuất sắc. Trong lòng chuông của cụ cố của tôi có khắc tên dòng họ và trước khi mất, cụ giao lại chuông cho ông cố của tôi, như vật gia truyền của dòng họ. Cho nên tôi quyết định cũng sử dụng chuông bát như một truyền thống gia đình.
Tôi sử dụng chuồng đồng đỏ đúc tại làng Đại Bái nặng 3 kg, đường kính miệng khoảng 16 cm, tương ứng với kích thước bát hương trung tâm bằng đồng. Sau khi mua chuông, tôi rửa chuông bằng nước mưa và phơi chuông trong nắng. Trong các ca an ban thờ, khi tôi thắp hương và đánh chuông, thì tôi thấy rõ ràng tác động của tiếng chuông cũng như sự thay đổi của tiếng chuông theo từng buổi lễ.
Chia sẻ:
Scroll to Top