PHONG THUỶ NHÀ Ở, NHÀ XƯỞNG, CỬA HÀNG

Loading

PHONG THUỶ CỬA HÀNG

Phong thuỷ nhà làm cửa hàng buôn bán và làm cửa hàng ăn uống thì quan trọng nhất là chữ MẶT
  • Mặt hàng : Cửa hàng bán mặt hàng gì ?
  • Mặt tiền : Mặt tiền tiếp xúc đông đảo người đi qua đi lại, dễ nhìn và thu hút. Trên mặt tiền có cửa ra vào, cửa sổ, cửa kính, tam cấp, mái hiên, vỉa hè …
  • Mặt bằng : Diện tích sử dụng được để chủ hàng bày hàng, khách hàng ngắm hàng và hai bên giao dịch hàng hoá. Mặt bằng phải thoáng khí và dẫn thẳng ra mặt đường đồng thời mặt bằng phải có mặt tiền
  • Mặt đường : Mặt đường thuận tiện đi lai, ghé vào cửa hàng và mang hàng hoá đến rồi đi. Mặt đường phải nối vào mặt tiền và mặt tiền phải nối vào mặt đường, không được có sự cản trở và ngăn cách.
  • Tiền mặt : Cửa hàng cần có luồng tiền mặt, tiền thực, kể cả chúng ta bán hàng online, thanh toán chuyển khoản thì luồng tiền mặt, các khoản tiền thanh toán tại chỗ, tức thời vẫn là hơi thở cho việc kinh doanh, buôn bán. Không có tiền mặt thì cửa hàng ngừng thở luôn.
  • Luồng nước mặt, luồng khí mặt : là luồng đi theo mặt đất, mặt đường, đi theo dòng người, theo con đường, đến với cửa hàng. Đó chính là luồng vân hành của khí tài, và liên quan đến cửa ra vào và mặt tiền của cửa hàng
  • Bề mặt
  • Bộ mặt : cửa hàng cần bộ mặt và bề mặt đẹp, hấp dẫn, thu hút và đáng tin đối với khách hàng
  • Khuôn mặt : Website, fanpage là một khuôn mặt điện tử của các cửa hàng mà đi cùng với cửa hàng vật lý.
  • Có mặt : Khách hàng phải có mặt tại cửa hàng thì cửa hàng mới có giá trị, có mặt khách hàng chính là có mặt thần tài của cửa hàng
  • Ra mặt : sự gia mặt của ông bà chủ để khách hàng biết đến cửa hàng và sẵn sàng thực hiện giao dịch. Nếu chúng ta làm nhà hàng ăn uống hay những cửa hàng mang đậm phong cách cá nhân thì sự có mặt của chủ cửa hàng vô cùng quan trọng.
  • Biết mặt : Nhà hàng, cửa hàng bán được lâu dài đều là do có khách hàng quen, biết mặt chủ cửa hàng, biết mặt hàng của cửa hàng, và biết mặt nhân viên bán hàng, đó là tài khí
  • Chạm mặt : Khách hàng, sản phẩm, người bán hàng, chủ cửa hàng phải chạm mặt nhau tại cửa hàng
  • Gặp mặt : Khách hàng gặp mặt chủ cửa hàng tại cửa hàng thì giao dịch mới có thể xảy ra, lúc đó mới có tài lộc
  • Bằng mặt là đạt được đồng thuận giao dịch qua gặp mặt và chạm mặt
  • Đủ mặt : đủ mặt hàng, đủ mặt khách hàng, đủ mặt chủ cửa hàng, đủ có mặt, đủ biết mặt, đủ gặp mặt giữ khách hàng và người bán hàng
Phong thuỷ cửa hàng không quan trọng bàn thờ thần tài như chúng ta nghĩ, mà quan trọng nhất là “đủ mặt” và “mặt nào” phải ra “mặt nấy”.
Chữ mặt đi cả bộ với các chữ sau
  • Mặt là xúc giác
  • Mắt : Mắt là thị giác, nhìn vừa mắt là cực kỳ quan trọng với cửa hàng và nhà hàng
  • Mật : Mật là vị giác có pha khứu giác, là mật ngọt. Lời nói ngọt ngào, xúc chạm ngọt ngào, trải nghiệm ngọt ngào, ký ức ngọt ngào là những điều cực kỳ quan trong mà cửa hàng cần tạo ra cho khách hàng. Mật là bí mật. Dù cửa hàng là nơi cần lộ diện, cần mở rông cho khách hàng, nhưng giao dịch và chuyên tiền bạc vẫn cần là bí mật. Bán hàng sao cho đắt khách thật sự là bí mật hiển lộ ra mà không bắt chước được
  • Mất : Giao dịch bản chất là sự đánh đổi, được cái này thì mất cái kia. Nếu khách hàng chả muốn mất gì, thì cả người bán và khách hàng chả ai được gì cả. Đầu tư vào cửa hàng cũng là một sự chấp nhận đánh đổi ban đầu của người chủ cửa hàng để thu hút khách hàng. Vào cửa hàng là khách hàng phải chấp nhân mất tiền và mất thời gian ở lại trong cửa hàng thì cửa hàng mới làm ăn được.
  • Mát : Nhà ở phải mát mẻ, mà vẫn ấm cúng, thì người mới khoẻ mạnh
  • Mạt : là mạt vận, mạt cưa, là mảnh vụn của mộc. Mạt dành cho hàng hoá, hàng hoá phải linh hoạt để liên tục đến theo luồng cung cấp và liên tục đi ra khỏi cửa hàng theo luồng khách hàng. Mạt vận là mạt tản mát, tan nát không theo luồng.

PHONG THUỶ NHÀ XƯỞNG

Phong thuỷ nhà xưởng lại cần nhất là chữ CÔNG. Chữ Công giống như hệ mặt trời hay hoàng đạo, với mặt trời ở trung tâm, các hành tinh và các chòm sao quay xung quanh.
  • Công việc : Quan trọng nhất là công việc phải ra công việc nghĩa là phải có đầu vào, tiến trình lao động, và đầu ra với kết quả rõ ràng
  • Công xưởng : Nhà xưởng là công xưởng
  • Công tác : Có công tác hay không, không quan trong, nếu như đã chắc chữ công việc
  • Công ty : Có công ty hay không, không quan trọng nếu như đã có công xưởng
  • Công cụ
  • Công nghệ
  • Công trình : Nhà xưởng là môt công trình, xây dựng trên mặt đất, không có nhà xưởng thực sự cho máy móc, nguyên liệu và người lao động, thì nhà xưởng không thể vân hành được
  • Công sự
  • Của công, công sản : Của cải trong nhà xưởng là của ông chủ, do công sức của ông chủ tạo ra, nó là của riêng, nhưng trong phạm vị nhà xưởng, nó cũng là của công, là công sản, được sử dụng chung cho công việc, và việc sử dụng công sản này cần được quy định và thực thi rõ ràng
  • Công cộng
  • Nhân công/Người làm công/Công nhân : Nhà xưởng cần người làm công, làm việc cho ông chủ công tâm để nhận tiền công, để được trả công, một cách công bằng
  • Công lực : Nhà xưởng cần công lực, cần người lao động thực sự, cho dù có bao nhiêu máy móc vẫn cần công lực của con người
  • Công lao
  • Trả công
  • Tiền công
  • Công bình
  • Công chính
  • Công bằng
  • Công quyền, công an, công đồng : Ai làm nhà xưởng cũng phải có quan hệ tốt với công an, với công quyền và với công đồng. Chế độ nào cũng vậy, nhà xưởng nào cũng vậy, trần sao âm vậy.
  • Công hiệu
  • Thành công : Mục đích của công việc là thành công
Nhà xưởng là phải chắc chắn cái khung, đồng thời phải có trọng tâm, phải giữ được lửa và phải thoáng khí, thì vận hành sẽ thông suốt mà vẫn chặt chẽ, hiệu quả.
Nhà hàng, cửa hàng bán hàng hoá của nhà xưởng. Bán hàng là một phần của công việc, và cũng cần chữ công. Nhà hàng và cửa hàng muốn làm gì thì làm, cuối cùng phải đạt được mục đích công việc là bán hàng và thu hàng. Nhà xưởng muốn làm gì thì làm, cuối cùng hàng hoá phải được bán ra để thu tiền về.
Phong thuỷ nhà xưởng hay lấy yêu cầu chuyên môn công việc và đặt nguồn lực thực tế lên hàng đầu. Phong thuỷ nhà xưởng cũng không cần bàn thờ thần tài. Hãy thờ ông Công, cùng ông Táo và bà Thị, qua việc duy trì bếp lửa gia đình. Thành công trong công việc mà thất bại trong gia đình thì không giải quyết được gì.
Chữ Công đi cả bộ là
  • Công :
  • Cộng : cộng sản, cộng đồng, cộng đồng, cộng vào, cộng gộp
  • Cống : cống nạp như nộp thuế cho nhà nước và nộp các nghĩa vụ khác cho người lao động, cống rãnh là hệ thống xả thái cho công xưởng mà cực kỳ quan trọng vì công xưởng cần xử lý các luồng vật chất thật nên đi kèm luồng xả thải thực và liên tục
  • Cổng : nhà xưởng là một cổng chuyển đổi vật chất ví dụ từ nguyên liệu thành sản phẩm, và cổng chuyển đổi sức lao động thành thù lao, thu nhập
  • Cồng : cồng chiêng, cồng kềnh, công xưởng mà không chấp nhân cồng kềnh, không chấp nhân đóng khung, không chấp nhân không gian chắc chắn và rộng rãi thì công việc không thành
  • Cỗng : là vận hành tuần hoàn theo chu kỳ nhịp nhàng của công việc và công xưởng

PHONG THUỶ TƯ GIA HAY NHÀ RIÊNG

Nhà ở chính là tư gia, chữ “tư gia” là nhà ở riêng tư của gia đình.
Phong thuỷ nhà ở đầu tiên cần bộ chữ “Tư” mà gồm
  • TƯ : Tư là riêng tư, đời tư, tư bản, tư trang, tư hữu, tư nhân, tư cách, tư tưởng, tư chất. Nhà ở không có sự riêng tư, không bảo vệ được sự riêng tư về thân thể, về vật chất (tư trang, tài sản), về không gian, về vận hành vật chất, điện, nước, âm thanh, ánh sáng, nhà ở không thuộc sở hữu tư nhân, nhà ở không phù hợp với tư cách, tư tưởng, tư chất của mình, thì không thể yên ổn mà ở được
  • TỪ : hiền từ, tâm từ, từ bi, từ tốn, từ từ… Từ là nhịp điệu của nhà ở. Có từ thì người trong nhà mới ăn ngon, ngủ yên, sức khoẻ và tâm trạng nhẹ nhàng, thoải mái được. Nhà ở không thể náo động như trọng công xưởng, hay ở ngoài đường, ngoài chợ.
  • TỨ : Tứ trụ (đất nước khí lửa) là bốn yếu tố cực kỳ quan trọng phải xem xét kỹ cho nhà ở. Tứ phương (đông tây nam bắc) cũng là yếu tố quan trọng trong kiến trúc và vận hành nhà ở cùng sân vườn. Người ta nói “làm nhà xem hướng”, mà muốn có hướng phải có điểm tụ hay điểm tâm, và từ điểm tụ, điểm tâm đó xác định tứ phương. Ngoài ra còn có tứ quý (tùng cúc trúc mai) và tứ linh (thanh long, bạch hổ, huyền vũ, chu tước) đều là các bộ phong thuỷ về nhà ở và môi trường sống.
  • TỬ : Tử là ngọn lửa dòng máu, mà liên quan đến hương hoả, quê hương, dòng họ. Nhà không có ban thờ gia tiên là nhà không có tâm, không có nóc. Tử cũng có nghĩa là ngọn lửa tinh thần cá nhân mà thường dùng để đặt tên như Mạnh Tử, Trang Tử, Không Tử … Ngọn lửa này cần được nuôi dưỡng trong gia đình, nhờ việc “tu tại gia”.
  • TỰ : Tự là tự chủ, tự lập, tự do, tự lập, tự thân, tự túc, … đặc biệt về vân hành ngôi nhà như điện, nước, giao thông đi lại, luồng gió và xả thải
  • TỮ : Tữ là ngôi nhà tự vân hành theo chu kỳ. Đó là một ngôi nhà bền vững, một ngôi nhà nuôi dưỡng sự sống. Trong nông nghiệp, chúng ta có trường phái đi theo mô hình hệ sinh thái tự vân hành này là permaculture.
Chữ Tư đối với cả chữ “Công” của nhà xưởng và chữ “Mặt” của nhà hàng, cửa hàng.
  • “Tư” đối với “công” : Công xưởng và cửa hàng có thể có tính chất công, tính chất mở cho số đông, cho người ngoài, còn nhà ở phải là không riêng của riêng chúng ta và gia đình chúng ta. Nhà không có đủ chữ Tư thì người nhà mang công việc về nhà làm, và đối xử với nhau kiểu công việc, cái nhà biến thành cái cửa hàng với đủ hạng người đi ra đi vào.
  • “Tư” đối với “chung” : Vì lý do riêng tư, tự chủ, tự do và hàng loạt lý do khác về vận hành năng lương, chúng ta không bao giờ nên ở chung cư. Chung cư là mất chữ “tư” và mất “đất” ngay từ đầu, mất gốc như vậy, thì kỹ thuật phong thuỷ làm thế nào cũng không bù đắp được, không có ý nghĩa gì nữa cả.
Nhà ở là để phục vụ các nhu cầu riêng tư, gọi chung là ăn ở
  • Ăn —> bếp ăn và chỗ ăn
  • Ngủ —> giường ngủ, phòng ngủ và chỗ ngủ nói chung
  • Thư giãn —> sân vườn, phòng sinh hoạt chung của cả gia đình và phòng riêng dành dành cho mỗi cá nhân trong gia đình.
Các nhu cầu ăn ở có thể được thực hiện trong các phòng chức năng
  • Phòng khách : Chúng ta thường làm phòng khách hoành tráng, trong khi nhà ở là nơi riêng tư dành cho chúng ta chứ không dành cho khách. Kết quả phòng khách trở thành phòng thư giản, giải trí của người trong gia đình, mà lại cứ như là khách trong chính ngôi nhà của mình. Phong thuỷ như vậy là sai đối tượng, sai mục đích ngay từ đầu. Chúng ta làm nhà cho chúng ta ở, không làm nhà cho khách đến chơi nhà và đến xem nhà. Người khách quan trọng nhất của gia đình chính là gia tiên, họ hàng đến chơi Tết và hàng xóm làng giềng, mà những người này cũng có nhà riêng của họ, dăm thì mười hoạ họ mới đến nhà chúng ta, nên có thể nói chúng ta chỉ cần làm phòng sinh hoạt chung cho người trong gia đình, hoàn toàn không cần phòng khách.
  • Phòng thờ : Bàn thờ chuẩn ra là phải đặt ở chính giữa nhà và tầng một để tiếp đất, bởi vì ngọn lửa hương hoả của ban thờ gia tiên là ngọn lửa giữ sự đoàn kết và tình gia đình. Ngọn lửa đó phải ở tâm nhà và phải tiếp đất. Nhưng ở nơi trang trọng nhất và trung tâm nhất nhà, chúng ta lại thường làm phòng khách để dâng nó cho người ngoài. Hiện nay ban thờ được đặt tít lên tầng trên, vì người ta sợ để phòng ngủ và các phòng khác lên trên ban thờ, trong khi bàn thờ phải tiếp đất thì hương hoả mới có tác dụng, gia tiên mới về được. Nếu sợ như vậy tại sao còn ở chung cư, bởi vì chắc chắn có hàng đống người khác dòng máu, có hàng đống bàn thờ trên đầu bàn thờ gia tiên của các nhà ở tầng dưới.
  • Phòng ăn : Phong ăn thực chất chính là phòng khách. Người xưa ăn ở chính giữa nhà và giữa sân, ở phòng trung tâm ngay trước ban thờ gia tiên. Hương hoả ban thờ sẽ hoà cùng mùi hương thức ăn ấm cúng. Phòng ăn có lúc chỉ có người trong gia đình nhưng lễ giỗ, lế Tết con cháu họ hàng về thì cần chỗ rộng rãi. Cho nên phòng ăn chính là phòng khách. Bây giờ nhà hiện đại thường chia ba không gian, phòng khách bên ngoài, phòng ăn bên trong cạnh bếp, phòng thờ đẩy lên trên cao. Điều này làm cho căn nhà bị cắt nát về cả cấu trúc và luồng, ngọn lửa trung tâm mà phòng ăn và bàn thờ cùng giữ cũng mất. Mất hương hoả và mùi hương bữa ăn ngôi nhà không còn ấm cúng, không còn là nơi sum họp, gia đình sẽ suy.
  • Phòng bếp : Phong thuỷ bếp ăn của nhà ở ngược hẳn với phong thuỷ của nhà hàng, cửa hàng, mà lại có nhiều điểm rất giống với công xưởng. Bếp ăn phải ở một xó, mà chúng ta gọi là xó bếp. Ngày xưa bếp không xây liền nhà chính mà tách hẳn ra một xó. Xó bếp là nơi riêng tư, kín gió, ấm cúng, tập trung và giữ được lửa. Bếp ăn mà sáng choang, với quá nhiều luồng đi qua đi lại, rồi thông thống với phòng khách như bếp ăn ở chung cư hay bếp ăn ở nhà hiện đại, thì ngọn lửa thần bếp sẽ tan nát. Đừng làm một bếp ăn quá mở, một bếp ăn kiểu không gian công cộng như bếp ăn để trình diễn trên truyền hình.
  • Phòng ngủ đương nhiên là nơi cần riêng tư nhất của ngôi nhà, người trong nhà không được vào lẫn phòng ngủ của nhau mà hàng xóm cũng không thể mở cửa sổ nhìn xuyên vào phòng ngủ của nhà chúng ta được. Nhịp điệu của phòng ngủ là à ơi, là đung đưa, là ngọ nguậy, là hiền từ. Không khí của phòng ngủ là mát mẻ, cho nên người ta tránh để phòng ngủ cạnh bếp hay trên đầu bếp
Nhà ở không cần những “cái mặt” rất quan trọng với cửa nhà hàng và cửa hàng, đặc biệt là mặt tiền, mặt đường, nhưng lại cần những cái mặt khác. Nhà ở cần nhiều trạng thái mặt như
  • Hai mặt
    • Mặt ngoài/Mặt trước : Mặt ngoài nhà ở không cần hấp dẫn mà cần không thu hút sự chú ý và đảm bảo được an toản cho tài sản và cuộc sống riêng tư của người trong nhà
    • Mặt trong : Chúng ta sống ở mặt trong của ngôi nhà, chúng ta không cần quá quan tâm đến mặt ngoài ngôi nhà mà cần quan tâm đến mặt trong. Để có mặt trong của ngôi nhà thật sự, chúng ta cần có đủ tường bao và khoang đệm bốn phía.
    • Mặt sau cần nở hậu, nở hâu không chỉ là to hơn mặt tiền, mà nở hâu là có khả năng xả thải rất tốt, và có khả năng phát năng lương, cho ra năng lương cực kỳ tốt. Nếu nhà không có luồng xả thải thì rác và đồ dùng tồn kho sẽ chất đống lên, người trở nên trì trệ, dính mắc vì không chịu buông bỏ, không chịu thanh sạch, không muốn đổi mới.
    • Mặt bên : Nhà ở cần vững vàng khô thoáng ở mặt bên, nơi giao với nhà hàng xóm hoặc với đường. Nếu có điều kiện chúng ta không nên làm nhà sát biên đất hai bên, lại càng không nên ở nhà liền kề.
  • Góp mặt, gặp mặt, đủ mặt với người trong gia đình
  • Giấu mặt, che mặt, thu mặt, không đối mặt, không lộ mặt, không chừa mặt ra với bàn dân thiên hạ
Phong thuỷ nhà ở cần bộ chữ “Tu”, chung gốc với bộ chữ “Tư” mà gồm TU – TÙ – TÚ – TỦ – TỤ – TŨ
  • Tu : tu thân, tu tâm, tu tập. Thứ nhất là tu tại gia, thứ hai tu chợ và thứ ba tu chùa. Tu tại gia là tu ở tư gia, tu trong nhà của mình.
  • Tù : ngôi nhà ở không phải là cái nhà tù, với các khoang chứa người và chứa đồ. Ngôi nhà phải mở và có sự liên thông các phòng. Cẩn thận không biến nhà ở thành nhà tù, với quá nhiều phòng hình hộp ở bên cạnh nhau, đặc biệt là phòng không có cửa sổ. Chung cư chính là một dạng nhà tù, vì được xây dạng hình hộp chồng hình hộp, và người sống trong đó bi cách ly khỏi luồng vận hành và thế giới tự nhiên, đồng thời không có sự tự chủ nào về vận hành điện, nước, khí và xả thải …
  • Tú là ánh sáng, ánh sáng sao, ánh sáng tinh thần. Nhà cần có đất mà nhà cũng cần có trời. Nhà cần có ánh sáng tự nhiên như ánh nắng, ánh trăng, ánh sao và cả ánh đèn điện hợp lý. Nhà cần được chiếu sáng tự nhiên càng nhiều càng tốt bởi ánh sáng cả ban sáng, ban chiều và ban đêm, từ tất cả các góc chiếu, mà đặc biệt là chính ngọ, nghĩa là nắng đúng đỉnh đầu. Quần áo và đồ dùng của nhà mà được tiếp xúc với nắng là điều vô cùng tốt, mà muốn thế phải phơi ngoài trời, chứ không phơi trong mái, càng không nên sấy đồ, trừ đồ mùa đông.
  • Tủ : nhà cần có khoang đựng đồ hợp lý nhưng không nên có những cái tủ đồ sộ vừa cao vừa dầy, đặc biệt cao hơn đầu người, dù là tủ quần áo chăn màn hay tủ lạnh. Tủ quá lớn án ngữ các không gian, làm ngôi nhà bị mất cân bằng và luồng vận hành bị cản trở nghiêm trọng. Nếu tủ lạnh quá lớn thì nhà thì gia đình sẽ có xu hướng ăn đồ không tươi, tủ sẽ trấn hết phòng bếp và làm lạnh bếp, mà bếp thì cần nhất là lửa, mà lửa bếp là lửa cho cả ngôi nhà. Tủ quần áo lớn, dầy đập vào mặt cũng là điều không nên, trừ khi là tủ tưởng.
  • Tụ : nhà cần tụ khí, nhà bị tán khí thì sức khoẻ, tinh thần, tình người trong gia đình đều bị nguy hại. Ba không gian nơi tụ hoả khí chính của nhà là ở ban thờ, bếp lửa (lửa thực, lửa mộc là tốt nhất, nếu không cũng nên là lửa bếp gas, và số lượng bếp luôn phải là lẻ hoặc 1 hoặc 3, không dùng số chẵn), bàn ăn. Trục khí chính ở trung tâm ngôi nhà là giếng trời, đặc biệt nếu giếng trời cho phép nắng giờ chính ngọ chiếu xuyên nhà. Các nhà phố cổ đều có khoảng sân cho phép nắng trưa và trăng chiếu vào nhà. Khoảng sân đó chính là cái hồn của ngôi nhà phố cổ.
  • Tũ là vận hành vòng lập lặp, vòng tròn và theo chu kỳ, gồm các luồng hình, luồng sắc (ánh sáng), luồng thanh âm và luông mùi hương giữa các cấu phần của ngôi nhà và giữa ngôi nhà và môi trường. Ví dụ các luồng hình đi giữa các khoang đệm phải đảm bảo đi được vòng tròn, không được tạo ra khoang cụt hay khoang chết. Các luồng khí ở giếng trời phải đi được xuyên suốt từ trời xuống đất và ngược lại. Không được để luồng khí đi một chiều xuyên thằng qua nhà, không quay trở lại, kiểu như thông một mạch đường vào cửa trước rồi đến cửa sau và ra đường.
Xin quay lại câu nói
“Trước hết là tu tại gia
Thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa”
Không gian của nhà ở khác không gian của cái chợ và không gian của cái chùa.
  • Không gian chùa là không gian tâp trung vào bên trong nhất, nhưng về tinh thần lại dành cho người xuất gia
  • Không gian chợ là không gian mở cho các luồng bên trong và bên ngoài đi qua, nhưng cái chợ có tính chất chùa, bời vì ai vào chợ cũng được, nhưng không ai sở hữu hay sống trong chợ cả
  • Không gian nhà ở cân bằng giữa chợ và chùa. Đó là lý do “thứ nhất là tu tại gia”

Con người sống trong nhà, con người tu tại gia cần một không gian bên trong nhà đích thực, kết nối nhưng vẫn phải tách bạch với không gian bên ngoài ngôi nhà. Không phải cứ xây tường bốn phía của ngôi nhà là có không gian bên trong nhà, mà cần có không gian đệm. Ngôi nhà phải có khoảng lùi, phải có sự phân tách, phải có sự chuyển tiếp giữa không gian công cộng và không gian riêng tư, không gian bên ngoài và không gian bên trong nhà. Sự chuyển đổi này được đảm bảo bằng các không gian đệm.

  • Không gian đệm quan trọng nhất là khoang đệm ở mặt tiền. Khoang đệm mặt tiền giúp cho không gian ở có một khoảng lùi so với mặt đường, nơi mà rất nhiều người lạ đi qua đi lại. Khoang đệm mặt tiền tạo ra một sự phân tách, một sự riêng tư, một sự khiêm từ của ngôi nhà, của gia đình, so với không gian công cộng và những người thuộc công quyền.
  • Không gian đệm sau nhà rất quan trong, vì nếu không có không gian đệm thật sự, thì nghĩa là không có luồng vận hành phía sau, và như vậy thì nhà nở hậu cũng như không. Hậu vận là cái rất quan trọng, như tiền vận, dù cho ngôi nhà hay cho cuộc đời.
  • Hai bên nhà thường giao với hàng xóm cũng nên có không gian đệm, mà nối thông khoang đệm trước và khoang đệm sau. Quan hệ hàng xóm làng giềng nên quân bình, đúng mực, nhà nào có sự riêng tư của nhà đó. Hàng xóm ra đụng vào chạm, mâu thuẫn nhau thì rất mệt mỏi, mà hàng xóm quá thân thiết, thì sẽ đến lúc chõ mũi vào đời nhau, làm phiền hoặc xâm lấn nhà cửa và cuộc sống của nhau. Hàng xóm sát vách không phải là điều hay, mà nên có khoảng đệm giữa hai nhà, bằng cách lùi tường nhà hai bên lại không xây đến hết giới hạn đất, nếu như mặt tiền không quá hẹp. Tuy nhiên, nếu giữa hai ngôi nhà tầng mà có không gian đệm quá nhỏ, không đón được nắng gió, không có người đi lại không, sẽ rất ẩm mốc và thành nơi chứa rác.
Để khoang đệm thực sự vân hành được mà không chỉ là các cấu trúc chết vừa làm tốn không gian, vừa làm hại phong thuỷ ngôi nhà, khoang đệm cần đón được nắng, thông được gió và tốt nhất là có người đi qua đi lại được. Nếu khoang đệm quá bé, và bị cụt một đầu hoặc cụt cả hai đầu, thì nó sẽ thành khoang chết, rất dễ bị ẩm mốc hoặc thành nơi tồn đọng rác thải.
Những nhà ở góc, nói cách khác là có 2, 3 mặt tiền, nếu làm cửa hàng thì rất ổn, còn nếu làm nhà ở mà không làm khoang đệm cẩn thận, thì lâu dài thế nào cũng bị hao tổn tài lực.
Nhiều nhà làm nhà đã ở góc lại còn cố làm hết đất dù không thiếu đất. Khi cần mở cửa, đỗ xe, phơi phóng, để đồ, nấu nướng, hát karaoke … họ có xu hướng phải chiếm dụng không gian chung và ảnh hưởng đến không gian hàng xóm. Nhưng người bị ảnh hưởng nhiều nhất luôn là người sống trong nhà.
Những người xây những ngôi nhà không có không gian đệm, để bảo vệ không gian cá nhân, sớm muộn cũng không thể có không gian gia đình yên ổn. Người sống trong các ngôi nhà không có không gian đệm sẽ bị các luồng vận hành ngoài đường lao vào nhà và người trong nhà cũng có xu hướng lao ra ngoài nhà.
Những ngôi nhà như vậy là những ngôi nhà trần truồng, những ngôi nhà bị lột da. Sự trần truồng, sự thiếu ngăn cách này nhất định sẽ làm tổn thương gia chủ một cách sâu sắc. Những người xây nhà và sống trong những ngôi nhà trần truồng kiểu vậy, chắc chắn cũng có vấn đề về tầm nhìn và giới hạn không gian cá nhân.
Hình dung nếu ngôi nhà là một trái tim, một lá gan, một lá phổi, thì khoang đệm chính là màng bọc ngôi nhà ấy. Tim có màng tim, gan có màng gan, và phổi có màng phổi. Không có bộ phận trong người chúng ta mà lại không có màng của chính nó. Hình dung ngôi nhà chúng ta là một cơ thể sống. Giới hạn của cơ thể sống không phải là da. Bên ngoài da, cơ thể sống còn có hào quang, khoang màng, âm cung, là các trường năng lương vi tế không nhìn được nhưng có tính cốt tử, bao xung quanh cơ thể vật chất hữu hình. Không có cơ thể sống độc lập nào, mà gắn chặt da của nó với da của cơ thể sống khác. Ngôi nhà của chúng ta cũng vậy.

PHONG THUỶ QUẦN THỂ HỖN HỢP NHÀ Ở & NHÀ XƯỞNG, CỬA HÀNG

Phong thuỷ cho một quần thể gồm nhà xưởng, cửa hàng và không gian sống sẽ cần điều gì ? Một ví dụ tham khảo là nhà phố cổ, mặt tiền làm cửa hàng, phía sau làm xưởng thú cổng và nhà ở.
Rõ ràng nhà ở khác hẳn nhà xưởng và nhà hàng, vậy đầu tiên là chúng ta cần tách bạch các không gian với chức năng khác biệt này ra
  • mặt đường, mặt tiền, mặt ngoài, mặt đất, bộ mặt, bề mặt … sẽ dành cho cửa hàng
  • mặt sau dành cho nhà xưởng
  • mặt trong, khu giữa, phần trung tâm và mặt bên dành cho nhà ở
Sau đó chúng ta lai cần liên kết các không gian này lại, sao cho nó có sự thông nhất linh hoạt nâng đỡ cho nhau thay vì phá nhau và mâu thuẫn nhau, bằng các không gian đệm, không gian chuyển như
  • – Hàng hiên
  • – Hành lang
  • – Lối đi
  • – Sân vườn
  • – Giếng nước
  • – Ao cá
  • – Tường bao
  • – Hàng rào
  • – Các lớp cửa
Nếu làm được như vậy, chúng ta sẽ có một quần thể sống và một cơ thể sống thực sự, mà sẽ mạnh hơn hẳn từng cấu phần riêng lẻ và rời rạc cả về địa điểm và tình trạng sở hữu.
Chia sẻ:

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top