Chùa Một Cột

Loading

Hôm nay, mình đi chùa Một Cột (Tết Giáp Thìn)
Có lẽ đây là ngôi chùa duy nhất của Hà Nội nằm ở khu vực chỉ toàn cơ quan trọng yếu của chính phủ, không hề có nhà dân. Pháp đã di dời hết người dân của Khán Xuân để xây dựng khu trị sở của Pháp ở đây. Sau cách mạng tháng 8, Bác Hồ đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập và khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ở đây, nhà sàn Bác Hồ ở trong khu vực này và khi Bác mất thì lăng Bác cũng được đặt ở đây.
Ngôi chùa Một Cột nằm lặng lẽ trong một khu vực trọng yếu như vậy, không có biển, nên rất khó vào. Người dân muốn vào chùa, phải gửi xe rất xa, rồi đi qua cửa kiểm soát an ninh, sau đó đi bộ qua nhà bảo tàng, mới đến được chùa. Hôm nào khu vực này nghỉ, cửa kiểm soát an ninh không làm việc, thì cũng không vào được chùa luôn.
Ở đền Đống nước, mình được cho lộc. Kiểm soát an ninh phát hiện ra trong phong bì lộc của mình có bật lửa và tiền. Cho nên họ bắt mình lấy bật lửa ra, rồi bảo đây là lộc, nên sau khi mình đi chùa sẽ được quay lại lấy.
Đây là ngôi chùa xây bởi vua Lý Thái Tông, vua thứ hai triều Lý sau Lý Thái Tổ. Trong khu vực này của Thập Tam Trại dầy đặc các công trình thời Lý như đình Vạn Phúc thờ Linh Lang Đại Vương, chùa Bát Tháp nơi Lý Huệ Tông tu trước khi mất, đình làng Ngọc Hà thờ Huyền Thiên Hắc Đế…. Về phía Hồ Tây, có chùa Trấn Quốc xây thời Tiền Lý Nam Đế và nhiều di tích liên quan đến Lý Quốc Sư.
Trước khi rút khỏi Việt Nam vào năm 1954, lính Pháp đã đặt bom phá huỷ công trình duy nhất còn lại của thời Lý trong khu vực toàn cơ quan hành chính của Pháp này. Ngay năm sau chính quyền Việt Nam đã cho xây dựng lại ngôi chùa, theo hình hoa sen như chúng ta thấy ngày nay. Có thể đoán rằng đây là ngôi chùa đầu tiên do chính quyền Việt Nam dân chủ cộng hoà xây dựng.
Nói như vậy để thấy, ngôi chùa này quan trọng đến như thế nào.
Mình đi chùa này nhiều lần vì chùa ngay gần nhà mình và mình có nhiều kỳ niệm với chùa. Trải nghiệm lần này lại khác xa các lần trước. Mẹ Quán âm cho thấy âm thanh chuyển thành nước, nước là chất liệu của âm thanh, rồi trong nước mọc lên một đoá hoa sen. Bông hoa sen vừa là hiện thân của nước, của âm, vừa là hình chiếu của sự vật, hiện tượng vào nước, vào âm. Quá trình chuyển từ âm vào nước, từ nước vào hoa sen, rồi từ hoa sen lại về âm, chính là Quán âm. Mỗi thanh âm, mỗi ngôn từ được sinh ra từ nước, từ âm như một bông sen và cần phải đọc lên như cách một bông sen vươn từ bùn, qua nước và lên trên khôn khí, cũng như cần được cảm nhân như cách chúng ta cảm nhân cả cây sen trọn vẹn trên nước, trong nước và dưới nước. Quá trình này gọi là Chu diên.
Mình dẫn một bạn học sinh đi chùa, bạn ấy cứ hỏi mình dạy bạn cách khấn, mà mình có biết văn khấn là cái gì đâu và mình chả bao giờ dùng văn khấn. Cho nên khi nhận được hướng dẫn này thì mình cũng chia sẻ lại với bạn.
Theo hướng dẫn này, mình ngồi bên chùa Một cột, đọc tên mình và khấn mẹ Quán Âm xin được hiểu về thanh âm. Mình ngửi thấy mùi sen ngào ngạt, mình giật mình mở mắt thì chẳng thấy gì và mình cũng nhận ra mùa này thì làm gì có sen. Khi mình nhắm mắt lại thì lại thấy không gian toàn là mùi hương của hoa mộc. Lần đầu tiên mình được trải nghiệm tên mình chuyền từ thanh âm sang mùi hương như vậy.
Có lẽ mình cần quay lại chùa, ngồi lâu hơn để cảm nhận được các chữ khác trong tên mình rõ hơn.
Chia sẻ:
Scroll to Top