CẤU TRÚC CỦA TẾT NGUYÊN ĐÁN

Loading

CẤU TRÚC CỦA TẾT NGUYÊN ĐÁN
Bất kỳ lễ cúng nào từ lớn như lễ hội làng đến nhỏ như cúng rằm ở trong gia đình đều có ba phần :
– Tiền lễ
– Chính lễ hoặc trung lễ
– Hậu lễ
Tiền lễ gồm ba phần
– Chuẩn bị
– Khai lễ
– Rước lễ
Hãy hình dung một lễ hội làng, cả làng cũng chuẩn bị lễ, đến ngày khai hội, sau khi chủ lễ đánh trống ở đình làng, đoàn rước lễ bắt đầu đi vòng quanh làng trước khi quay về đình làng làm nghi thức cúng lễ chính; cuối cùng tất cả những người tham dự lễ hội được mời ăn uống và lễ hội kết thúc.
Với cả giai đoạn Tết Nguyên Đán
– Lễ cúng ông Công ông Táo là tiền lễ của Tết Nguyên Đán nhưng lại là hậu lễ của năm cũ.
– Giao thừa là chính lễ của Tết Nguyên Đán và nằm ở điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới
– Các ngày Tết của năm mới là hậu lễ của Tết Nguyên Đán, nhưng lại là tiền lễ của năm mới.
Tiền lễ của Tết Nguyên Đán lại chia làm ba
– Tiền lễ : Bánh chưng bánh dày là lễ trong nhà và bánh chưng bánh dầy được cúng trên ban thờ gia tiên.
– Trung lễ : Mâm cơm cúng Thần bếp/ông bà Đầu nhau được đặt trên ban thờ gia tiên
– Hậu lễ : Mâm ngũ quả được đặt trên ban thờ gia tiên. Bánh chưng, vàng mã dành cho gia tiên về ăn Tết được để hai bên mâm ngũ quả và tất cả được giữ trên ban thờ qua giao thừa cho đến ngày hoá vàng
Lễ giao thừa là lễ ngoài trời và cũng chia làm ba
– Tiền lễ : Chuẩn bị mâm cúng ngoài trời. Mâm cúng cơ bản chỉ có một con gà luộc, nên tiền lễ là mua gà và làm thịt gà.
– Chính lễ : Chủ lễ thắp hương gần sát giao thừa hoặc đúng giao thừa rồi đứng yên ở trước mâm cho đến khi tắt hương thì hạ lễ.
– Hậu lễ : Chủ lễ hạ lễ ngay sau khi kết thúc tuần hương, nhưng không cần ăn gà ngay
Hậu lễ của Tết Nguyên Đán đều đối xứng với Tiền lễ qua Giao thừa, cụ thể như sau
– Kết thúc năm cũ (từ Rằm tháng Chạp) – Giao thừa – Bắt đầu năm mới (đến Nguyên Tiêu)
– Lễ tiễn ông bà Đầu Nhau (cá chép ngang chuyển sang dọc) – Giao thừa (cá chép hoá rồng) – Lễ đón ông bà Đầu nhau (cá chép dọc chuyển sang ngang)
– Lễ đón ông bà, ông vải về ăn Tết (đặt vàng mã lên ban thờ cùng mâm ngũ quả và bánh chưng) – Giao thừa – Lễ tiễn ông bà, ông vải (đốt vàng mã vào ngày hoá vàng hay hạ lễ ban thờ)
​LỄ KHẮC & LỄ GIAI ĐOẠN
Có hai loại lễ cúng
– Lễ giai đoạn (lễ kỳ) là lễ cúng kéo dài cả giai đoạn và thường liên quan đến một chuỗi địa điểm. Thường thì chúng ta cứ chủ động chuẩn bị lễ vào lúc chúng ta còn có thời gian rảnh, cứ thoải mái thử nghiệm, làm đến đâu kiểm tra và xem xét kết quả đến đấy, sai và thiếu gì chúng ta cứ sửa chữa và bổ sung, miễn sao mọi thứ hoàn thành tốt đẹp trước khi kết thúc lễ.
– Lễ khắc là lễ tập trung vào một không thời gian cụ thể và chính xác, nói cách khác là vào một khoảnh khắc và một địa điểm. Chúng ta phải làm chính xác việc cần làm vào chính thời khắc chính của lễ; không thể bắt đầu lễ khắc sau khắc của lễ nhưng cũng không nên bày vẽ quá sớm muộn và chẳng ích lợi gì khi làm một lễ hoành tráng và dây dưa, mất tập trung vào việc chính.
Trong Tết Nguyên Đán
– Tiền lễ là lễ kỳ
– Giao thừa là lễ khắc
– Hậu lễ gồm nhiều lễ nhỏ lẻ nên vừa có tính giai đoạn vừa có tính thời điểm
Lễ ông Công ông Táo diễn ra trong nhiều ngày nên phong phú và linh hoạt, tránh bủn xỉn, vội vàng; ai nghèo vật chất tiền bạc mà phong phú và linh hoạt trong công sức chuẩn bị cũng tốt. Lễ cúng Giao thừa thì cần có tính chủ thể, trọng tâm, chính xác, không thừa, không thiếu, không nhanh, không chậm. Hậu lễ lại gồm nhiều lễ phân tán và độc lập với nhau.
LỄ NGOÀI TRỜI & LỄ TRONG NHÀ
Lễ trong nhà hay ngoài trời là tính theo phần chính lễ được làm trong nhà hay ngoài trời
– Tiền lễ là lễ cúng trong nhà. Cụ thể là bánh chưng bánh dầy của lễ bánh chưng bánh dầy, mâm cơm của lễ cúng ông Công ông Táo và mâm ngũ quả đều được đặt trên ban thờ gia tiên.
– Lễ cúng giao thừa
– – – Lễ ngoài trời : Mâm cúng con gà luộc vào giao thừa. : Chủ lễ chỉ cần đứng chính ở mâm cúng ngoài trời.
– – – Lễ trong nhà : Ngũ quả, vàng hương và bánh chưng đã được đặt lên ban thờ từ trước Giao thừa sẽ được giữ qua Giao thừa. Chủ lễ chỉ cần thắp hương ở ban thờ gia tiên trước Giao thừa sao cho hương cháy xuyên giao thừa, sau đó ra mâm cúng ngoài trời.
– Hậu lễ nói chung là các lễ thực hiện ngoài ban thờ, ngoài ngôi nhà, ngoài gia đình như hoá vàng
CẤU TRÚC CỦA TIỀN LẼ
Tiền lễ Nguyên Đán lại gồm ba lễ
– Lễ bánh chưng bánh dày là tiền lễ, nói chung bắt đầu từ Rằm, sớm hơn và muộn hơn cũng không sao.
– Mâm cơm cúng Thần bếp/ông bà Đầu nhau trên ban thờ gia tiên là trung lễ, có thể làm bất kỳ ngày nào từ ngày 15 đến ngày 23 tháng Chạp. Giai đoạn cá chép này kéo dài 9 ngày. Toàn bộ mâm cơm cúng sẽ được hạ lễ và ăn hết, chỉ có tinh thần cá chép ở lại, để tiếp tục chuyển hoá cho đến Giao thừa.
– Mâm ngũ quả là hậu lễ, thường đặt trên ban thờ từ ngày 23 đến ngày hoá vàng.
Lễ cúng bánh chưng bánh dầy rất đơn giản vì toàn bộ tâm sức đặt ở việc chọn nguyên liệu và làm bánh. Tuy nhiên nếu không có bánh chưng bánh dầy tự làm thì Tết mất đi rất nhiều tầng ý nghĩa, đặc biệt trong giai đoạn mạt pháp hiện nay.
– Bánh chưng bánh dầy là một cặp : bánh dầy là vận hành và bánh chưng là cấu trúc.
– Bánh dầy cúng đôi với bánh chưng hoặc cúng riêng ngay khi làm xong bánh đều được.
– Bánh chưng chỉ cần để lại một cặp (mặn, ngọt) trên ban thờ qua giao thừa và tốt nhất là để đến lễ hoá vàng.
Bánh chưng bánh dầy không phải là thứ cao sang đắt đỏ, nói chung nhà nào có cơm gạo để ăn là nhà đó làm được hai loại bánh này. Chúng ta chỉ cần giữ lấy cái cơ bản nhất của bánh chưng và bánh dầy. Mình có gì và mình là người thế nào thì mình làm bánh chưng như thế. Chúng ta không gói bánh chưng bằng khuôn, nếu có dùng khuôn thì nó chỉ là một cái thước có sẵn trong nhà để chặn cạnh bánh mà thôi. Càng vẽ vời ra các loại bánh chưng phức tạp cầu kỳ càng làm hỏng Tết mà vốn đã hỏng quá nặng rồi.
Lễ cúng ông Công ông Táo diễn ra trong cả một giai đoạn 9 ngày từ 15 cho đến 23. Lễ này bản chất chỉ là bữa cơm gia đình tiêu biểu. Vậy gia đình nào còn ăn cơm thì đều có thể làm lễ cúng này. Càng mua sắm mâm cỗ hoành tráng, xa lạ với bữa cơm hàng ngày càng làm hỏng lễ cúng này.
Tinh thần của cả 9 ngày lễ này là con cá chép của Táo quân. Con cá chép Táo quân
– trong năm vận hành theo sóng ngang,
– bắt đầu từ Rằm tháng Chạp, ngày mở khoá ông Công ông Táo, con cá chép mở miệng và bắt đầu vận hành theo phương chéo ngang
– chuyển sang chéo dọc vào ngày 23 tháng Chạp. Như vậy con cá chép cần có 9 ngày đến ngày ông Công ông Táo để trưởng thành và chuyển hoá vận hành từ phương ngang sang phương dọc, từ vật chất sang tinh thần.
– con cá mở miệng rộng nhất, thành ống đoan, hướng thẳng đứng lên trời vào Giao thừa
– con cá sau Giao thừa khép dần miệng lại dể chuyền dần sang phương ngang
Tuỳ năm mà con cá chép khép đầu và đuôi, để tạo vòng tròn chu kỳ năm hay kết nối với các con cá chép khác để chốt các chu kỳ lớn hơn. Một số con cá chép có khả năng nối với các con cá cùng chu kỳ của các gia đình khác.
Hiện nay, mọi người coi lễ cúng ông Công ông Táo chỉ là ngày 23, do đó dồn mọi việc cúng lễ vào ngày 23 hoặc chọn một ngày rảnh rỗi hơn trước để làm lễ. Thế thì dù làm mâm cúng hoành tráng và thả 10 con cá chép vàng thì lễ cúng này vẫn sai bản chất tinh thần của nó. Rất đơn giản một năm 360 ngày với bao nhiêu vấn đề và quan hệ không thể kết thúc bụp một cái chỉ bằng cách làm một mâm cúng vào ngày 23 tháng Chạp.
Một số nhà có thể cần làm thêm một số lễ nhà đất nếu như gia đình mới chuyển từ nhà cũ sang nhà mới trong năm, hoặc sống qua nhiều năm nhưng chưa từng làm lễ nhà đất, như vậy thời khắc mở cổng Giao thừa sẽ không ổn. Một số nhà có thể cần làm lễ rút chân nhang và lễ thay gạo muối nước.
Mâm ngũ quả là hậu lễ thường được đặt vào ngày 23 tháng Chạp. Vì mâm ngũ quả là giai đoạn cuối của tiền lễ, nên trên ban thờ lúc này nói chung có
– Mâm ngũ quả được đặt từ tiền lễ, muộn nhất và trước giao thừa và được để nguyên trên ban thờ cho đến ngày hoá vàng.
– Vàng mã để mời ông bà về ăn Tết cùng con cháu được đặt từ tiền lễ, muộn nhất và trước giao thừa và được để nguyên trên ban thờ cho đến ngày hoá vàng. Tiền vàng mã tròn, ví dụ tiền xu vàng để vận hành, chuyển tiếp và tiền vàng mã vuông, ví dụ tiền đinh đỏ để cập bến, trụ lại. Nếu ở nước ngoài không có tiền vàng mã, chúng ta có thể khấn đồng ý chi trả tiền năng lượng của mình để đón ông bà về,
– Cặp bánh chưng được đặt từ tiền lễ, muộn nhất và trước giao thừa và được để nguyên trên ban thờ cho đến ngày hoá vàng.
Trước đó, các đồ cúng khác đặc biệt là mâm cơm cúng ông Công ông Táo đã được hạ khỏi ban thờ. Trong dịp Tết, chúng ta không cần mang đồ ăn lên ban thờ để bày như trong lễ giỗ vì Tết là thời khắc chuyển giao đặc biệt, ban thờ cần vững về cấu trúc và an ổn. Suốt Tết chỉ cần thắp hương ở phần ban thờ chính mỗi lần cần mời ông bà ăn cơm cùng con cháu. Nếu vẫn đưa cơm cúng lên ban thờ như lễ giỗ, hãy bày bàn riêng thấp hơn để phần ban thờ chính được yên tĩnh suốt Tết, với bộ cấu trúc cơ bản trên.
Tóm lại sau tiền lễ, cấu trúc Hương – Hoa – Đăng – Trà – Quả – Thực sau sẽ được giữ yên trên ban thờ qua giao thừa nói chung đến ngày hoá vàng
– Mâm ngũ quả (đặt trước bát hương thần linh để giữ cấu trúc cơ bản)
– Cặp bánh chưng (đặt trước bát hương xứ sở để giữ lưới xứ sở)
– Vàng mã (đặt trước bát hương gia tiên, dành cho gia tiên về nhà ăn Tết cùng con cháu) : không có thì con cháu cần khấn xin chấp nhận chi trả tiền vàng mã cho việc đón và tiễn ông bà
– Cành đào hoặc hoa (không có cũng được)
– Nước hoặc rượu
– Hương thắp
– Đèn nến thắp trên ban thờ (có cũng được, không có cũng được)
Tiền lễ kết thúc là năm cũ kết thúc, để chuyển sang giai đoạn chuyển giao giữa năm cũ và năm mới.
CẤU TRÚC LỄ CÚNG GIAO THỪA
Lễ cúng giao thừa có tính chính xác cả về thời gian và không gian. Con gà trống luộc là phần quan trọng nhất của mâm cúng giao thừa, đại diện cho tính chính xác về khắc thời gian và tính định biên không gian.
Lễ giao thừa nằm ở phần chuyển giao giữa năm mới và năm cũ, trong đó
– Lễ cúng ông Công ông Táo liên quan đến kết thúc năm cũ.
– Các ngày đầu năm mới là tiền đề cho năm mới
Riêng một lễ cúng Giao thừa cũng gồm 3 phần tiền – chính – hậu.
– Tiền lễ : Làm gà và sắp mâm
– Chính lễ : Thắp hương đúng giao thừa và cầm hương đứng trước mâm cúng cho đến hương tắt
– Hậu lễ : Hạ lễ ngay sau khi kết thúc tuần hương, nhưng không cần ăn ngay
Tưởng tượng chúng ta cần làm một mâm cúng giao thừa chỉ có một con gà luộc, và không nên bầy vẽ quá nhiều thứ trong khi phần chính nhất đã sai, vì cúng Giao thừa đòi hỏi tính trọng tâm và chính xác rất cao.
– Màn chuẩn bị là đi mua gà.
– Màn trống khai hội là cắt tiết gà.
– Màn rước lễ là làm thịt gà cho đến khi luộc xong con gà.
Giả sử phần tiền lễ này được 10 điểm, gồm các phần như sau
– Chuẩn bị : 2 điểm
– Khai hội : 2 điểm
– Rước lễ : 2 điểm
– Tính chủ thể, tổng thể và xuyên suốt : 4 điểm
Tưởng tượng, chúng ta tự đi mua gà, vì không có kinh nghiệm, chúng ta mua con gà vừa già, vừa xấu, vừa đắt … nhưng về phần lễ chúng ta vẫn có điểm và điều quan trọng hơn là qua va vấp, chúng ta được trưởng thành. Ngược lại, chúng ta không tự đi mua gà : Mất 2 điểm.
Tưởng tượng, chúng ta tự đi chợ chọn mua gà nhưng nhờ chị bán hàng làm gà hộ. Thế là tiếng gà gáy ò ó o để “Tống cựu nghênh tân” của gia đình chúng ta trong dịp Tết lại được cất lên ở ngoài chợ. Âm thanh khai hội lúc này thành tiếng quét rác, bởi vì mong muốn chân thành nhất của chị bán hàng là xong việc với chúng ta để chuyển sang khách hàng mới. Mất 2 điểm.
Tưởng tượng, chúng ta cắt tiết gà run run, mổ gà luộm thuộm, luộc gà quá chín, nên quyết định mua gà luộc sẵn : 0 điểm.
Nếu mua cỗ cúng làm sẵn bởi người khác, thì mất tính chủ thể, tinh thần xuyên suốt là tiền, tính tổng thể là tiện. Tổng điểm : 0
Phần chính của lễ Giao thừa là đưa con gà lên mâm cúng ngoài trời, thắp hương và khấn đúng lúc giao thừa. Giả sử phần chính lễ này được 10 điểm nữa
– 2 điểm cho chính xác không gian : ai cúng gà trên ban thờ là bị sai không gian
– 2 điểm cho chính xác thời gian : ai cúng xong trước giao thừa hay bắt đầu sau giao thừa đều là sai thời gian
– 2 điểm cho phần nội dung khấn : Người chủ lễ vào thời khắc giao thừa phải biết anh là ai, vì sao anh đứng đây, vì sao anh làm lễ này, anh đã làm được gì trong năm cũ, anh chờ đợi điều gì cho năm mới, và anh muốn sự kết nối và chuyển giao năm cũ và năm mới thế nào. Nếu phần kết thúc năm cũ với lễ cúng ông Công ông Táo anh đã không làm thì phần chuyển giao không có nhiều ý nghĩa. Ngược lại nếu anh biết anh kết thúc năm cũ trong tình trạng nào, thì anh sẽ tự biết anh mong muốn gì cho năm mới, lúc này việc chuyển giao năm cũ năm mới với anh sẽ rất có ý nghĩa.
– 3 điểm cho tính chủ thể, thống nhất và xuyên suốt
Phần hậu lễ là hạ lễ và ăn con gà. Phần này cũng được 10 điểm.
Lễ được hạ sau khi tắt nhang. Giao thừa là lễ chúng ta cần làm rất dứt khoát. Không nên để mâm cúng ngoài trời sau khi đã tắt nhang, cũng nên để đèn nến kéo dài mâm cúng ngoài trời, vì việc này vừa vô nghĩa vừa làm hỏng khởi đầu năm mới.
Ăn con gà, nghe qua tưởng dễ mà không dễ vì khi ăn con gà, ta sẽ hiểu ra thời khắc giao thừa đã diễn ra như thế nào và năm mới ta cần làm gì. Đấy mới chính là bói gà. Chỉ có người tự làm gà thì con gà ấy mới phản ánh con người thật của họ mà đi theo họ từ năm cũ qua năm mới, và khi chính người làm gà, làm lễ ăn con gà thì người ấy sẽ tự cảm nhận và thực hiện được trọn vẹn sự chuyển giao năm mới và năm cũ.
Có lần mình thịt một con gà để làm lễ cúng, nhưng trong quá trình cúng không có thông tin gì cả, nên không biết phải làm gì tiếp. Khi ăn con gà, ai cũng khen ngon quá, chưa từng ăn con gà nào như thế, thế là tự dựng cảm thấy chắc chắn là buổi lễ thành công. Sau đó mình vào thiền kiểm tra thi thấy buổi lễ rất thành công và hình dung được các bước tiếp theo.
Có một lần mình thịt một con gà để làm lễ cúng, thắp hương xong mình thấy rất thành công, nhưng mình không ăn được con gà lễ, vì phải đi luôn. Sau đó những người khác ăn con gà lễ và chê bai ỏng eo. Mình hiểu rằng người không tự làm gà không coi trọng cái lễ này, nên buổi lễ đó chỉ thành công với mình và gia tiên, còn thất bại với những người còn lại trong gia đình và phần nào thất bại với mình. Đáng lẽ mình nên đợi lấy một phần con gà về ăn, để phần hậu lễ được trọn vẹn.
Càng không hiểu ý nghĩa của Tết Nguyên Đán, chúng ta có xu hướng “cẩn tắc vô áy náy”, cúng thừa hơn cúng thiếu, cúng lâu hơn cúng nhanh. Cung cách này vẫn ổn ở tiền lễ nhưng có thể phá phần chính lễ mà cực kỳ ngắn gọn. Mâm cúng Giao thường quá thừa thãi, đặc biệt là vừa có mâm ngũ quả vừa có con gà, khiến cho mâm cúng này bị mất trọng tâm về không gian và cũng sẽ lệch trọng tâm về thời gian. Mâm cúng Giao thừa thường bị để quá dài, trong khi chả có tác dụng gì vì đây là lễ khắc mọi thứ diễn ra cực kỳ nhanh trong khắc giao thừa.

CẤU TRÚC CỦA HẬU LỄ

Hậu lễ của Tết Nguyên Đán đều đối xứng với Tiền lễ qua Giao thừa, cụ thể như sau
– Kết thúc năm cũ (từ Rằm tháng Chạp) – Giao thừa – Bắt đầu năm mới (đến Nguyên Tiêu)
– Lễ tiễn ông bà Đầu Nhau (cá chép ngang chuyển sang dọc) – Giao thừa (cá chép hoá rồng) – Lễ đón ông bà Đầu nhau (cá chép dọc chuyển sang ngang)
– Lễ đón ông bà, ông vải về ăn Tết (đặt vàng mã lên ban thờ cùng mâm ngũ quả và bánh chưng) – Giao thừa – Lễ tiễn ông bà, ông vải (đốt vàng mã vào ngày hoá vàng hay hạ lễ ban thờ)

Phần quan trọng nhất của hậu lễ là hạ lễ trên ban thờ gia tiên gồm mâm ngũ quả, bánh chưng và vàng mã, rồi hoá vàng để tiễn ông bà đi. Phần đón ông bà Đầu nhau về nói chung sẽ diễn ra tự động.

 

Chia sẻ:
Scroll to Top