Cầu & dòng chảy cuộc đời

Loading

Cầu trời cho con anh yêu

Ta đứng trên một con đường mà gọi là đường đời. Đường đời có nhiều nhánh dẫn đến nhiều nơi.
Ta cầu mong có anh yêu và một con đường đến chỗ anh yêu. Ta cầu trời cho ta anh yêu. Trời cho ta một cây cầu vồng chỉ thẳng đến chỗ anh yêu. Nhờ cầu vồng này, ta đánh dấu Google map chỗ của chàng. Sau đó ta lại cầu trời cho ta con đường ngắn nhất đến với chàng. Thế là ta lên xe đi thôi. Dễ thế thì bao năm nay ta đã không ế.

Trong lúc ta đi tìm chàng thì chàng lại đi tìm nàng khác, ta không ghim chết chàng trên map được, ta cần cầu vồng luôn hoạt động để chàng dù có biến hình cũng không thoát khỏi tay ta.

Khi ta bắt đầu đi chuyển để đến chỗ chàng thì có hàng loại luồng giao thông xuất hiện cắt ngang đường ta đi, thế là ta cần cầu vượt, rồi cầu chui hai ba bốn trăm nghìn vạn tầng.

Gần đến nơi, ta mới ngã ngửa ra rằng chàng cao cả quá, thế lại ta cần cầu thang, chàng sâu sắc quá thì ta lại cần cầu trượt.

Nếu cầu trượt hay cầu thang không đến được với chàng vì chàng cứ như thần tiên ma quỷ ở cảnh giới khác thì ta chỉ có nước cầu cúng.

Nói chung cứ sểnh ra một cái là ta lại tắc, tắc ngang, tắc dọc, tắc chéo, tắc trên, tắc dưới, và ta liên tục cần cầu.

Có lúc mọi cây cầu bình thường đều tắc, thế là ta cần cầu kiều như câu ca dao
Đò dọc quan cấm, đò ngang không chèo
Muốn sang thì bắc cầu kiều

Giả sử ta đến được chỗ chàng, nào ngờ có vài trăm cô ở sẵn đó, cũng theo cầu vồng đến gặp chàng. Làm sao để chàng để ý đến ta ? Cầu xin người ta nhường đường rồi đi thẳng đến trước mặt chàng hay cầu cạnh rồi đi đường viền đến gặp chàng. Làm sao để chàng yêu ta ? Lại cần bắc cầu vào tim chàng kiểu như trong phim là ta vô tình ngã vào lòng chàng, ta vô tình trốn vào xe chàng, ta vô tình mắc nợ phải ký hợp đồng hôn nhân với chàng ….

Nghĩ một hồi, ngại không muốn ra đường tìm chàng nữa. Thôi cầu trời cho ta ngồi yên mà chàng tự bắc cầu tìm đến với ta, và trong lúc chờ đợi cầu cho ta được độc thân trong hạnh phúc.

Tưởng tượng ta cần cầu trời, Chúa, Phật, thánh, thần, mẫu, ma, quỷ, thày bà… cho ta tiền bạc, may mắn, danh vọng, xyz, mnq … thế là cầu vồng, cầu vượt, cầu chui, cầu cúng, cầu xin, cầu cạnh, cầu thang, cầu trượt, … xuất hiện khắp nơi, thật giả lẫn lộn.

Giao thông loạn, nhận thức loạn, hành vi loạn, đối tượng loạn thế này thì sống sao nổi.

Thôi ta cầu xin chính mình hai chữ buông xuôi.

Cây cầu

 

Cầu mong, cầu xin, cầu cúng … là biểu hiện của loạn khí, mà hậu quả của nó là loạn đối tượng, loạn mục đích, loạn nhận thức và loạn hành vi.

Chúng ta nghĩ chúng ta sống theo đồng hồ, nguyên tắc, quy định, giới luật, tôn giáo … nhưng thực tế chúng ta sống theo các thanh âm Đất trời, theo lịch âm dương Trời đất. Có những nguyên tắc, lề lối, quy đinh … đi theo dòng chảy thời gian và dòng chảy sự sống, nhưng phần lớn các nguyên tắc, lề lối, quy định hiện nay không dựa vào dòng chảy cuộc sống, bao gồm cái đồng hồ.
Có câu chuyện về một chiếc cầu bắc qua sông, cây cầu bắc chắc chắn vào hai bên bờ, nhưng rồi sông đổi dòng và cây cầu giờ nằm bên cạnh dòng sâu. Nó được gọi tên là câu vô duyên nhất thế giới.
Cây cầu này chính là các nguyên tắc, quy đinh, tôn chỉ, giáo lý, thần tượng, minh sư … mà chúng ta đi theo, khi chúng ta vô cảm với dòng chảy cuộc đời.
Câu hỏi là chúng ta cần đi qua sông hay chúng ta cần đi qua cầu ?
Chúng ta là con cá nhưng chúng ta không muốn bơi trong dòng chảy cuộc sống mà cứ sểnh ra là chúng ta cầu, sểnh ra là chúng ta leo lên cầu. Cầu là nơi chúng ta chẳng thực sự ở dưới nước mà cũng chẳng thực sự ở trên bờ. Chúng ta ở trên những cây cầu vô duyên, nằm bên lề cuộc sống.
Khắp nơi người ta xây cầu, nào là cầu con, cầu tiền, cầu tài, cầu lộc, cầu duyên, cầu Chúa, cầu Phật, cầu thánh, cầu thần, dân tình đổ xô lên cầu, rồi chết khô trên đó. Càng nhiều người chết người ta càng cho là cầu thiêng, càng cố chen nhau lên, cố làm đường dẫn lên cầu. Cầu trở thành mục đích cuộc đời, thành nhà tù, thành ảo ảnh, thành cơn điên, còn dòng đời vẫn chảy bên cạnh các cây cầu.
Nhà tôi ở phố Bắc Cầu, một ngày tôi hiểu là trước khi bắc cầu, anh phải biết cầu bắc qua dòng chảy nào và trước khi anh leo lên cầu, anh phải tự biết có dòng chảy nào bên dưới cây cầu hay không. Nếu không biết biết cầu bắc qua cái gì, mà vẫn đi thì khác gì người điên.
Chia sẻ:
Scroll to Top