CÁC CỬA THÀNH & CỬA Ô CỦA THĂNG LONG

Loading

CỬA THÀNH THĂNG LONG

Nhà Lý xây dựng Hoàng thành Thăng Long theo cấu trúc ba vòng thành (tam trùng thành quách), trong đó,

– Vòng trong cùng là Cấm Thành

– Vòng thứ hai là Hoàng thành là nơi ở và làm việc của vua. Phần thành bao quanh Hoàng thành ban đầu được đắp đất, sau đó được gia cố và xây bằng gạch. Người ta cũng gọi đây là Long thành, Phượng thành, hay Long Phượng thành. Phía ngoài thành này được đào ngòi ngự, nối với dòng Nhị Hà. Theo hệ thống này, thuyền rồng có thể xuôi dòng vào Đại Nội.

– Vòng thứ ba là thành Đại La, hay La Thành, bao bọc quanh khu ở của quan lại, nhân dân và các phố phường, gọi là khu vực Kinh thành.

Hoàng thành có bốn cửa

– Cửa Đông – Tường Phù mở ra phía Chợ Đông và khu phố buôn bán tấp nập của phường Giang Khẩu (đầu phố Hàng Buồm) và đền Bạch Mã

– Cửa Tây – Quảng Phúc (cửa phía Tây), mở ra trước chùa Một Cột và chợ Tây Nhai (chợ Ngọc Hà) thuộc khu vực đường Hùng Vương ngày nay. Phía trước cửa này là một khoảng sân rộng được dùng để tổ chức hội mừng ngày sinh của nhà vua.

– Cửa Nam – Đại Hưng mở ra ở khu vực Cửa Nam hiện nay. Nơi này cũng có một khoảng sân rộng để hoàng thân, quốc thích và nhân dân tổ chức lễ hội ném còn. Thời Lý xây dựng ở cửa Đại Hưng Trữ Văn đình. Thời Lê, vùa Lê Thánh Tông cho xây dựng Quảng Văn đình vào tháng 10 năm Tân Hợi (1491), lúc này Trữ Văn đình đã không còn nữa. Cả hai ngôi đình này đều được coi là những ngôi đình đầu tiên trên đất nước ta.

– Cửa Bắc – Diệu Đức, mở ra trước sông Tô Lịch đoạn chảy qua phố Phan Đình Phùng ngày nay.

CỬA THÀNH HÀ NỘI
Thành Hà Nội thời Nguyễn, nhỏ hơn thời Lý có 5 cửa
1. Cửa Nam :
2. Cửa Giám : Quốc Tử Giám
3. Cửa Bắc : Di tích Cửa Bắc của Hoàng Thành Thăng Long trên phố Phan Đình Phùng
4. Cửa Tây :
5. Cửa Đông : phố Cửa Đông
CA DAO, TỤC NGỮ VỀ CÁC CỬA THÀNH
Nghìn thu gặp hội thái bình,
Trải xem phong cảnh khắp thành Thăng Long.
Phố ngoài bao bọc thành trong,
Cửa Nam, Giám, Bắc, Tây, Đông rõ ràng.
—o—
– Ở đâu năm cửa, nàng ơi?
Sông nào sáu khúc nước chảy xuôi một dòng ?
– Thành Hà Nội năm cửa, chàng ơi
Sông Lục Đầu sáu khúc nước chảy xuôi một dòng
—o—
Trên trời có một ông sao
Chỗ quang không mọc mọc vào đám mây
Nước hồ Tây biết bao giờ cạn
Nhị vườn đào biết vạn nào hoa
Đưa nhau một quãng đường xa
Hỏi thăm anh tú có nhà Cửa Nam.
—o—o—o—o—o—
CỬA Ô
Theo GS Lê Văn Lan, vào năm 1831, khi vua Minh Mạng cho thành lập “Tỉnh Hà Nội”, thì khu vực “tỉnh thành” (tức: “nội thành”) đã được vẽ bản đồ ngay. Ở tấm bản đồ “Tỉnh thành Hà Nội” năm 1831 ấy, thấy ghi rõ tên (chữ Hán) và vị trí của 16 cửa ô, như sau:
1- Ô Yên Hoa (sau, kiêng chữ “Hoa” (là tên mẹ vua Thiệu Trị) nên đổi gọi là “ô Yên Phụ”)
– ở chỗ ngã ba đê Yên Phụ – đường Thanh Niên bây giờ;
2- Ô Yên Tĩnh (tức Yên Định, Yên Ninh về sau)
– ở chỗ ngã ba đê Yên Phụ – phố Cửa Bắc; phố Yên Ninh
3- Ô Thụy Chương (Thụy Khuê)
– ở chỗ cổng Trường THPT Chu Văn An trên phố Thuỵ Khuê trông ra;
4- Ô Thạch Khối (tức: Nghĩa Lập về sau)
– ở chỗ đầu dốc Hàng Bún;
5- Ô Phúc Lâm (tức: Tiền Trung, nôm na gọi là “ô Hàng Đậu”)
– ở chỗ ngã ba Trần Nhật Duật – Hàng Đậu; chân cầu Long Biên
6- Ô Đông Hà (sau đổi là Thanh Hà, quen gọi là “ô Quan Chưởng”)
– ở chỗ ngã ba Trần Nhật Duật – Hàng Chiếu; Ô Quan Chưởng là ô duy nhất còn giữ được kiến trúc cửa
7- Ô Trường Thanh (sau đổi gọi là “Ưu Nghĩa”, nôm na gọi là “ô Hàng Mắm”)
– ở chỗ đầu phố Hàng Chĩnh bây giờ; chân cầu Chương Dương
8- Ô Mỹ Lộc,
– ở chỗ ngã tư Hàng Thùng – Hàng Tre;
9- Ô Đông Yên,
– ở chỗ ngã tư Lò Sũ – Nguyễn Hữu Huân;
10- Ô Tây Luông (Tây Long, sau đổi gọi là Trường Long – Cựu Lâu)
– ở khu vực Nhà hát Lớn; trước đây là đất của thôn Cựu Lâu, sau khu vực này bị giặc Pháp phá hết để xây dựng các công trình của Pháp
11- Ô Nhân Hòa,
– ở gần Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (ngã tư Trần Hưng Đạo – Lê Thánh Tông);
12- Ô Thanh Lãng (sau đổi gọi là Lãng Yên, Lương Yên, quen gọi là “ô Đống Mác”)
– ở đầu đường Trần Khát Chân; phố Đống Mác
13- Ô Yên Thọ (sau đổi gọi là Thịnh Yên, quen gọi là “ô Cầu Dền”)
– ở chỗ cuối phố Huế – đầu phố Bạch Mai;
14- Ô Kim Hoa (sau – vẫn vì kiêng chữ “Hoa” – đổi gọi là Kim Liên, tên dân gian là “ô Đồng Lầm”);
– Đền Kim Liên – Trấn nam Thăng Long
15- Ô Thịnh Quang (sau đổi là Thịnh Hào, quen gọi là “ô Chợ Dừa”, hoặc “ô Cầu Dừa”)
– ở chỗ ngã năm phố Khâm Thiên – Xã Đàn, Tôn Đức Thắng – Nguyễn Lương Bằng – La Thành, phố Ô Chợ Dừa
16- Ô Thanh Bảo (quen gọi là “ô Cầu Giấy”)
– ở chỗ phố Kim Mã gặp phố Sơn Tây (trước bến xe Kim Mã), nơi đây có mộ vua Phùng Hưng
CA DAO, TỤC NGỮ về CÁC CỬA Ô
Mười lăm ô đứng đường đường:
Yên Ninh, Yên Phụ, Thụy Chương một bề.
Tiền Trung, Nghĩa Lập gần kề
Thanh Hà, Ưu Nghĩa, dưới là Đông Yên.
Cựu Lâu, Mỹ Lộc, Lương Yên
Thịnh Yên, Thanh Bảo, Kim Liên, Thịnh Hào
—o—
Ô QUAN CHƯỞNG
Long Thành bao quản nắng mưa,
Cửa ô Quan Chưởng bây giờ là đây
—o—
Ô HÀNG ĐẬU
Đồn rằng Văn Điển vui thay
Ngoài phố chợ họp năm ngày một phiên
Tàu qua phố dưới, phố trên
Đình thì ở giữa hai bên rặng bàng
Làng Mơ cất rượu khê nồng
Làng Vọng dệt gối, chăn tằm làng Mui
Kẻ Giả thì bán bùi nhùi
Làng Lê bán phấn cho người tốt da
Kẻ Vọng khéo ngọc, khéo ngà
Đưa đem đi bán cho nhà kẻ sang
Kẻ Lủ thì bán bỏng rang
Trên Ô Hàng Đậu lắm hàng nhiều thay
Ngâu, Tựu thì bán dao phay
Dù đem chặt nứa gãy cây lại liền
Trong kho lắm bạc nhiều tiền
Để cho giấy lại chạy liền với dây.
—o—
THUỴ CHƯƠNG
Làng Võng bán lợn bán gà
Thụy Chương nấu rượu là đà cả đêm
—o—
ĐỒNG LẦM
Đồng Lầm có vải nâu non,
Có hồ cá rộng, có con sông dài
—o—
Rủ nhau đánh cá Đồng Lầm
Cá kia chẳng được, âm thầm lòng em
Rủ nhau đánh cá đồng Chèm
Cá kia chẳng được, lòng em âm thầm
—o—
YÊN PHỤ, YÊN HOA
Hỡi cô đội nón ba tầm
Có về Yên Phụ hôm rằm lại sang
Phiên rằm chợ chính Yên Quang
Yên Hoa anh đợi hoa nàng mới mua
—o—
Trên đê Cố Ngự, nhớ chữ đồng tâm
Hỡi cô đội nón ba tầm
Có về Yên Phụ hôm rằm lại sang
Phiên rằm chợ chính Yên Quang
Yêu hoa, anh đợi hoa nàng mới mua
—o—
Vừa nghe tàu điện rung chuông
Leng keng đánh thức màn sương Tây Hồ
Đường vui rộn bánh xe bò,
Lao xao Yên Phụ tiếng hò gọi nhau
Hỏi mình: – Chuyên chở về đâu
Ngụy trang xanh ngắt một màu thế kia?
Rằng: – Rau Quảng Bá đây mà,
Rau vào xí nghiệp, rau ra chiến trường
Rau tình, rau nghĩa quê hương
Lại đây, đẩy một đoạn đường hộ rau
Chia sẻ:
Scroll to Top