Các cặp đôi trong truyện thơ Nôm

Loading

Nhân tháng ba âm lịch, xin cùng kể lại các câu chuyện tình yêu nổi tiếng trong truyện nôm khuyết danh, với các di tích lịch sử gắn với truyện.
PHẠM CÔNG – CÚC HOA
Phạm Công – Cúc Hoa là một truyện thơ Nôm khuyết danh gồm 4.610 câu thơ lục bát.
Phạm Công là chàng trai con nhà nghèo, phải đi làm công để nuôi cha mẹ. Cha chết, Phạm Công phải đi ăn mày để tiếp tục phụng dưỡng mẹ đến khi mẹ chết. Là người hiếu học, Phạm Công xin thụ giáo Quỷ cốc tiên sinh. Ở đây, Phạm Công được Cúc Hoa là bạn đồng môn, cũng là con gái của tri phủ, yêu thương.
Hai người cưới nhau, khi Cúc Hoa có thai thì Phạm Công lên kinh thành ứng thí. Phạm Công đã gặp nhiều gian truân khổ ải, bị quốc vương các nước khác ép lấy công chúa nhưng Phạm Công đều từ chối. Nhưng nhờ công chúa nước Triệu nhân hậu, Phạm Công được trở về quê hương làm nguyên soái, đoàn tụ cùng Cúc Hoa, họ có hai con là Nghi Xuân (con gái) và Tấn Lực (con trai).
Cúc Hoa lại không may qua đời ở tuổi 30. Phạm Công tái giá với Tào Thị và phải lên Cao Bằng làm trấn thủ. Tào Thị ở nhà ngoại tình, hành hạ, ngược đãi Nghi Xuân và Tấn Lực. Cao điểm, Thị cùng người tình bàn mưu giết hại hai con chồng, khiến hai đứa phải trốn khỏi nhà.
Trong một đêm, Cúc Hoa từ cõi âm ti hiện về gặp hai con và gửi tin cho Phạm Công biết. Sau ba năm trấn thủ, Phạm Công trở về đuổi Tào Thị đi. Tào Thị sau đó bị sét đánh chết.
Về sau Phạm Công được công chúa Xuân Dung nước Trịnh, Tề Thiên Đại Thánh và Diêm Vương giúp đỡ, Phạm Công xuống được âm ti và tìm được vợ. Cúc Hoa được tái sinh, trở lại dương thế, cưới lại với Phạm Công. Phạm Công cũng được vua Trịnh gả công chúa Xuân Dung và nhường ngôi vua cho.
Di tích lịch sử
Đền thờ Phạm Công – Cúc Hoa ở trung tâm phố Giữa, được xây dựng dưới thời nhà Mạc đóng đô ở Cao Bằng. Lễ hội đền vào ngày mùng 8 tháng Giêng.
TỐNG TRÂN – CÚC HOA
Tống Trân Cúc Hoa là một truyện thơ Nôm khuyết danh, gồm 1.689 câu lục bát.
Tống Trân vốn là con cầu tự, khi chàng lên ba thì cha mất, nhà lâm cảnh nghèo khó. Tám tuổi, chàng phải dắt mẹ đi xin ăn. Một hôm, Tống Trân đưa mẹ tới một ngôi nhà quý phái, Cúc Hoa (con gái nhà này) thương tình đem gạo ra cho và sinh lòng yêu thương Tống Trân. Không cản ngăn được, cha Cúc Hoa đuổi nàng ra khỏi nhà. Cúc Hoa đi theo Tống Trân, lấy chàng làm chồng. Kể từ đó, Cúc Hoa vừa lo phụng dưỡng mẹ chồng, vừa lo cho chồng ăn học.
Đến kỳ, Tống Trân lên kinh thi và đỗ Trạng nguyên. Nhà vua muốn gả con gái cho tân trạng, nhưng bị chàng khước từ. Công chúa sinh lòng thù ghét, xui cha cử Tống Trân đi sứ sang nước Tần. Sang bên ấy, Tống Trân bị vua Tần khinh ghét vì là sứ giả của “An Nam tiểu quốc”, đặt ra nhiều điều để hãm hại. Nhưng nhờ tài ba, trí tuệ, chàng đã vượt qua mọi thử thách, và xử thành công nhiều vụ án rắc rối. Vua Tần từ chỗ khinh ghét chuyển sang mến phục, phong Tống Trân làm Lưỡng quốc Trạng nguyên và định gả công chúa cho, nhưng chàng từ chối.
Trong khi đó, Cúc Hoa ở nhà một dạ nuôi mẹ, chờ chồng. Được 7 năm, cha nàng thấy Tống Trân không về nên ép nàng lấy viên Đình trưởng trong làng. Cúc Hoa không nghe, bị cha nhốt lại, đánh đập tàn nhẫn và bắt mẹ Tống Trân phải xuống ở trong chuồng trâu. Quá đau khổ và để thủ tiết với chồng, Cúc Hoa đến núi Sơn Vi định quyên sinh. Thần Sơn Tinh thấu rõ tình cảnh, hóa phép thành mãnh hổ sang nước Tần để đưa thư của Cúc Hoa cho chồng. Tống Trân dâng bức thư ấy lên vua Tần, nhà vua cho chàng về nước trước kỳ hạn.
Bấy giờ, thời gian ba năm ở rể của Đình Trưởng cũng đã hết, cha Cúc Hoa bèn tổ chức đám cưới thật linh đình. Giờ phút cuối, Cúc Hoa định quyên sinh thì Tống Trân xuất hiện, đám cưới tan vỡ. Mẹ con, chồng vợ gặp lại nhau xiết bao mừng tủi, còn cha Cúc Hoa thì bị vạch mặt nhục nhã.
Quá thương yêu Tống Trân, công chúa nước Tần xin với vua cha sang nước Việt để gặp chàng. Ra đến biển, thuyền gặp bão lớn, công chúa bị sóng đánh trôi dạt vào bờ, được hươu nai cứu sống rồi nuôi nấng. Tống Trân đi săn trong rừng gặp công chúa nước Tần rồi đưa nàng về nhà. Cúc Hoa vui lòng để Tống Trân cưới thêm công chúa làm vợ thứ.
Cụm di tích liên quan đến truyện nôm nay là
– Đền Tống Trân thôn An Cầu, xã Tống Trân, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên. Đền còn có tên tự là “Tiên căn linh từ”, tên nôm là Đền Thượng, đền Quan Trạng, nhân dân thường gọi là Đền Tống Trân.
– Đền Cúc Hoa ở thôn Phù Oanh xã Minh Tiến, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên. Đền còn có tên là đền Phượng Hoàng.
Tương truyền vào thời vua Lý Nam Đế ở xã An Đô, tổng Võng Phan, huyện Phù Dung (nay là thôn An Cầu, xã Tống Trân, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên) có một người họ Tống tên gọi Thiệu Công thuộc dòng dõi thi thư, trong gia đình hiếu lễ, ngoài xã hội khoan hòa. Tống Thiệu Công lấy vợ người xã Phù Oanh (cùng huyện) tên là Đào Thị Cuông. Hai vợ chồng sống rất nhân từ, tu nhân tích đức, làm nhiều việc thiện, những việc làm ấy đã thấu tận trời xanh, nhà trời đã sai thiên sứ xuống đầu thai. Đến tuổi lục tuần hai người mới có con. Bà Cuông mang thai hơn 11 tháng đến giờ Dần ngày rằm tháng tư năm Bính Ngọ (556) mới hạ sinh một cậu bé, đặt tên cho con là Tống Trân.
Tống Thiệu Công lâm bệnh trọng và qua đời khi Tống Trân mới hơn 3 tuổi. Từ đó, gia cảnh ngày một sa sút, Tống Trân đã phải dắt mẹ đi ăn xin khắp nơi. Một hôm hai mẹ con Tống Trân lang thang hành khất đến đạo Sơn Tây và vào ăn xin ở một gia đình Trưởng Giả giàu có nhưng rất keo kiệt và gian ác. Khi thấy mẹ con Tống Trân hắn liền đuổi đi và không ngớt lời chửi mắng. Lúc ấy Cúc Hoa con gái Trưởng Giả là một người nhân ái và giàu tình thương người nên đã lén lút đem cơm cho hai mẹ con ăn, không may Trưởng Giả bắt gặp, trong cơn tức giận, hắn liền đuổi nàng đi và từ chối không nhận con. Vì thế, mẹ con Tống Trân đã đưa Cúc Hoa đi cùng. Họ cùng nhau trở về quê cũ làm ăn.
Sau đó ông đỗ Trạng nguyên, vua khen là “Quốc sĩ tướng tài trong nước chỉ có một mình Tống Trân không ai sánh được”. Sau khi vinh quy, Tống Trân kết duyên với Cúc Hoa, người xã Phù Anh cùng huyện. Cưới được 3 tháng, vua sai Tống Trân đi sứ Trung Quốc. Hoàng đế của Trung Quốc ngày đó muốn thử tài, sai bắt giam Tống Trân vào chùa Linh Long, trong chùa chỉ có tượng phật và nước lã. “Có nước uống, ắt phải có cái ăn, nghĩ vậy, Tống Trân bèn bẻ thử tay tượng thì quả nhiên tượng được đắp bằng chè lam. Bốn tháng sau, vua cho mở cửa chùa thì thấy Tống Trân vẫn sống đàng hoàng, nhưng tượng Phật không còn. Vua phục tài, phong Tống Trân là “Phụ quốc, thượng tể đẩu Nam Tống đại vương”. Qua nhiều lần thử tài văn chương, võ nghệ, vua càng khâm phục phong là “Lưỡng quốc trạng nguyên”.
Mười năm đi sứ, khi Tống Trân trở về thì Cúc Hoa đã bị ép lấy chồng khác. Tống Trân giả dạng tìm đến dò la ý tứ, biết vợ vẫn chung thủy với mình, Tống Trân đón nàng về, vợ chồng đoàn tụ. Nhà vua biết chuyện cảm động phong cho Cúc Hoa là Quận phu nhân. Còn Tống Trân sau làm Phụ chính đại nhẫn”. Làm quan đến ngoài 60 tuổi, Tống Trân dâng biểu xin về, mở trường dạy học tại quê nhà, được 5 năm thì mất. Vua thương tiếc phong sắc “Thượng đẳng phúc thần”, sau lại gia phong “Thượng đẳng tối linh phụ quốc thượng tể đẩu Nam song toán Tống đại vương”, và truyền cho dân làng lập đền thờ.
Người đời sau đã viết truyện Tống Trân – Cúc Hoa, một tác phẩm thơ Nôm dân gian nổi tiếng, ca ngợi tài đức, tình yêu và lòng chung thủy của Tống Trân- Cúc Hoa.
Tương truyền đền Tống Trân được xây dựng trên nền nhà cũ của Tống Trân từ thời Lý và đã được tu sửa nhiều lần. Câu đối ở đền
“Trạng nguyên tám tuổi thơm trời Việt;
Sứ sự mười năm khét đất Ngô”.
Lễ hội tưởng nhớ Tống Trân là sự tái hiện truyền thuyết về Tống Trân – Cúc Hoa diễn ra xung quanh cụm di tích đền Tống Trân, đền Cúc Hoa và đền Nông. Hàng năm, từ ngày mùng 8 đến ngày 16 tháng 4 âm lịch, lễ hội đền Tống Trân được tổ chức để kỷ niệm ngày sinh của Ngài. Nngày mồng 8 tháng 4, làm lễ cáo yết; ngày mồng 9, tổ chức rước kiệu từ đền Tống Trân sang đền Phượng Hoàng; ngày mồng 10 tháng 4, tổ chức rước nước và rước nghiên bút. Việc lấy nước được thực hiện sau khi thầy pháp đã làm lễ xin nước tại vị trí xưa kia Trạng nguyên Tống Trân cầm quản bút ném xuống sông.
PHẠM TẢI – NGỌC HOA
Phạm Tải – Ngọc Hoa là một truyện thơ Nôm khuyết danh, gồm 928 câu thơ, chủ yếu là những câu lục bát, thỉnh thoảng có những đoạn trữ tình xen vào, làm theo thể song thất lục bát.
Ngọc Hoa là con một gia đình giàu có họ Trần, cha làm quan, quê ở Thanh Hà. Gặp Phạm Tải, người Sơn Tây, mồ côi cha mẹ, phải đi ăn xin để tiếp tục việc học, Ngọc Hoa đem lòng thương yêu. Ông bà họ Trần chiều ý con gái, cho Phạm Tải và Ngọc Hoa kết duyên. Trong làng có Biện Điền là tên vô lại, trước dạm hỏi Ngọc Hoa không được, thấy nàng lấy chồng thì đem lòng thù oán, bèn tạc tượng Ngọc Hoa đem dâng lên Trang Vương. Trang Vương là tên vua hiếu sắc, cho quan quân đến bắt Ngọc Hoa. Giữa triều đình, Trang Vương ép Ngọc Hoa lấy hắn, nhưng bị nàng cự tuyệt. Hắn lại thương lượng với Phạm Tải nhường vợ cho hắn, nhưng Ngọc Hoa vẫn kiên quyết không chịu. Trang Vương liền đầu độc Phạm Tải, bức bách Ngọc Hoa. Ngọc Hoa cầm dao rạch mặt, cắt tóc, mặc tang phục vào triều. Nàng viện cớ chồng chết, vợ phải để tang ba năm và nói chỉ khi nào đoạn tang mới trở lại. Trang Vương đành phải ưng thuận.
Ngọc Hoa đưa thi hài chồng về quê an táng. Hết ba năm cư tang, nàng tự tử để khỏi bị Trang Vương đòi bắt. Ngọc Hoa chết xuông âm phủ, gặp Phạm Tải, cùng với chồng làm đơn kiện Trang Vương tại điện Diêm La. Diêm Vương tuy là em Trang Vương, nhưng sau khi xét hỏi đã tuyên bố: “Thương anh tôi để trong lòng; Việc quan phải cứ phép công tôi làm” và ra lệnh ném Trang Vương vào vạc dầu. Phạm Tải, Ngọc Hoa được sống lại, trở về đoàn tụ ở cõi trần và chàng trị vì đất nước thay cho Trang Vương.
Di tích lịch sử
Đền Ngọc Hoa (Ngọc Linh Từ) là ngôi đền thờ Ngọc Hoa trong truyện nằm giữa trung tâm thôn Văn Tảo, xã Thanh An, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Lễ hội vào ngày mất của Ngọc Hoa, chính là ngày mùng 6 tháng 2 âm lịch.
MẪU ĐỆ TAM & LIỄU NGHỊ
Liễu Nghị Truyền Thư không phải là truyện Nôm, nhưng tinh thần của câu chuyện này rất giống với sự tích trong các câu truyện thơ Nôm kể trên, đặc biệt giống chuyện Phạm Công – Cúc Hoa vì có hai cô gái cùng làm vợ Phạm Công và có tương tác đa cảnh giới.
Mẫu Đệ Tam là con gái của Long Vương, lấy Kinh Xuyên. Kinh Xuyên thường xuyên đi vắng. Kinh Xuyên có người vợ lẽ là Thảo Mai. Mẫu Đệ Tam ngồi khâu, bị kim đâm vào tay chảy máu. Thảo Mai vu cho Mẫu Đệ Tam tư thông, cắt máu ăn thề với người tình. Kinh Xuyên cho mẫu Đệ Tam vào cũi đưa vào rừng. Nhờ thú rừng cứu giúp nên mẫu Đệ Tam còn sống trong cũi. Qua nhiều năm, Liễu Nghị đi thi lạc đường vào rừng thấy chiếc cũi này muốn cứu mẫu Đệ Tam ra. Mẫu Đệ Tam nhờ Liễu Nghị đem thư cho cha mình ở Long Cung. Nhờ đó Mẫu Đệ Tam được cứu, Kinh Xuyên bị trừng trị và Long Vương gả mẫu Đệ Tạm cho Liễu Nghị.
Truyện xảy ra trên dải đất Hồng Châu, nằm phía Tây Hưng Yên và phía Đông của Hải Dương hiện nay.
Di tích liên quan đến truyền thuyết Liễu Nghị Truyền thư nằm giữa cụm di tích đền Cúc Hoa – đền Tống Trân của sự tích Tống Trân – Cúc Hoa và đền Ngọc Hoa của sự tích Phạm Tải – Ngọc Hoa,
– Chùa Nhữ Xá thờ Liễu Nghị, trong truyền thuyết Liễu Nghị truyền thư.
– Chùa ông Sộp xã Thanh Miện Hải Dương thờ mẫu Đệ Tam trong truyền thuyết Liễu Nghị truyền thư.
Ngoài ra còn có đền Dầm ở Hà nội cũng thờ mẫu Đệ Tam theo sự tích Liễu Nghị Truyền Thư. Đền Dầm là ngôi đền nằm trên địa phận thôn Xâm Dương, xã Ninh Sở, huyện Thường Tín, Hà Nội, Việt Nam. Công chúa Hoàng Long đầu thai đày xuống thủy cung làm con vua Thủy Tề vì làm vỡ chén ngọc được chàng Liễu Nghị giải oan. Sự tích Mẫu Đệ Tam ở đền Dầm rất giống với sự tích Mẫu Liễu Hạnh, mà thường được coi là Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Đệ Nhất.
PHẠM THỊ NGÀ (MẪU LIỄU HẠNH) – TRẦN ĐÀO LANG
Truyền thuyết về mẫu Liễu Hạnh có nhiều bản
– Truyền kỳ tân phả của Đoàn thị Điểm
– Liễu Hạnh công chúa diễn ngâm của Nguyễn Công Trứ
– Vân Cát thần nữ cổ lục diễm ngâm (khuyết danh)
LẦN GIÁNG SINH THỨ NHẤT  

Vào đầu thời nhà Hậu Lê, tại thôn Quảng Nạp, xã Vỉ Nhuế, huyện Đại An, phủ Nghĩa Hưng, trấn Sơn Nam, có ông Phạm Huyền Viên, người xã La Ngạn kết duyên cùng bà Đoàn Thị Hằng, người ấp Nhuế Duệ, cũng xã Vỉ Nhuế (nay là thôn Vỉ Nhuế, xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định).

Hai ông bà là những người hiền lành, tu nhân tích đức nhưng hiềm một nỗi đã ngoài 40 mà chưa có con. Một đêm rằm tháng hai, ông bà được thần báo mộng là Ngọc Hoàng sẽ cho con gái thứ hai là Công chúa Hồng Liên đầu thai làm con, từ đó bà có thai. Trước khi sinh, vào đêm ngày 6 tháng 3 năm Quý Sửu 1433, trời quang mây vàng như có ánh hào quang. Ông Huyền Viên ngồi đợi tin mừng, bỗng như có một nàng tiên từ trong đám mây bước xuống thềm nhà, và bà sinh một bé gái. Vì vậy ông đặt tên con là Phạm Tiên Nga.

Phạm Tiên Nga càng lớn càng xinh đẹp, mọi việc nữ công gia chánh đều thành thạo, đảm đang. Đến năm 15 tuổi đã có nhiều người đến dạm hỏi nhưng nàng đều khước từ vì nàng còn phải ở nhà chăm sóc cha mẹ già yếu, canh cửi quán xuyến công việc gia đình.

Ngày 10 tháng 10 năm Nhâm Ngọ (1462), cha của nàng qua đời. Hai năm sau mẹ của nàng cũng về nơi tiên cảnh. Phạm Tiên Nga đã làm lễ an táng cha mẹ ở phía đông nam phủ Nghĩa Hưng (nay là thôn La Ngạn, ở đây có đền thờ cha và mẹ của Phạm Tiên Nga).

Sau ba năm để tang cha mẹ, lo mồ yên mả đẹp, Phạm Tiên Nga bắt đầu chu du khắp nơi làm việc thiện (lúc này Tiên Nga vừa tròn 35 tuổi).

Bà đã ủng hộ tiền của và công sức giúp dân đắp đê ngăn nước Đại Hà từ bên kia phía núi Tiên Sơn (nay là núi Gôi) đến Tịch Nhi (nay chính là đường đê Ba Sát, nối Quốc lộ 10 chạy dọc xã đến ngã ba Vọng. Đây cũng chính là con đường nối di tích Phủ Dầy với Phủ Quảng Cung).

Cùng với việc đắp đê, bà còn cho làm 15 cây cầu đá, khơi ngòi dẫn nước tưới tiêu, khai khẩn đất ven sông, giúp tiền bạc cho người nghèo, chữa bệnh cho người ốm, sửa đền chùa, cấp lương bổng cho các vị hương sư, khuyên họ cố sức dạy dỗ con em nhà nghèo được học hành.

Năm 36 tuổi, bà đến bờ Sông Đồi dựng một ngôi chùa trên mảnh vườn nhỏ, đặt tên là Chùa Kim Thoa. Bên trên thờ đức Nam Hải Quan Thế Âm Bồ Tát, bên dưới thờ cha và mẹ.

Sau đó hai năm, bà tới tu sửa chùa Sơn Trường – Ý YênNam Định, chùa Long Sơn – Duy TiênHà Nam, chùa Thiện Thành ở Đồn XáBình LụcHà Nam. Tại chùa Đồn Xá, bà còn chiêu dân phiêu tán, lập ra làng xã, dạy dân trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải.

Tháng Giêng năm Nhâm Thìn (1472), bà trở lại chùa Kim Thoa, và tháng 9 năm ấy bà trở về quê cũ cùng các anh chị con ông bác tu sửa đền thờ Tổ họ Phạm khang trang bề thế (nay còn đền thờ ở phía nam xóm Đình thôn La Ngạn). Sau đó bà lại đi chu du ở trong hạt, khuyên răn bà con dân làng những điều phải trái.

Rồi trong đêm ngày 2 tháng 3 năm Quý Tỵ, thời Hồng Đức (1473), trời nổi cơn giông, gió cuốn, mây bay, bà đã hóa thần về trời. Năm đó bà vừa tròn 40 tuổi.

Ngay sau khi bà mất, nhân dân xã La Ngạn, huyện Đại An, phủ Nghĩa Hưng đã lập đền thờ trên nền nhà cũ, gọi là Phủ Đại La Tiên Từ. Đồng thời quê mẹ của bà là xã Vỉ Nhuế cũng lập đền thờ để tưởng nhớ công lao của bà, gọi là Phủ Quảng Cung.

Lần giáng sinh thứ hai Vì thương nhớ cha mẹ và quê hương ở cõi trần mà đến thời Lê Thiên Hựu, năm Đinh Tỵ (1557), bà lại giáng sinh lần thứ hai làm con ông Lê Thái Công và bà Trần Thị Phúc tại thôn An Hải, xã Vân Cát, huyện Thiên Bản, hạt Sơn Nam Hạ (nay là xã Kim Thái, huyện Vụ BảnNam Định, cách quê cũ Vỉ Nhuế chừng 7 km). Do ông Lê Thái Công nhìn mặt con, thấy nét mặt giống nàng tiên nữ bưng khay rượu trong bữa tiệc chúc thọ Ngọc Hoàng mà ông mơ trước đó nên đặt tên cho con là Lê Giáng Tiên.

Lần này, bà kết duyên với ông Trần Đào Lang sinh được một người con trai, tên là Nhân, một con gái tên là Hòa. Giữa lúc cả gia đình đang đầm ấm vui vẻ thì bỗng nhiên, vào đúng ngày, bà mất ngày 3 tháng 3 năm Đinh Sửu, thời Lê Gia Thái thứ 5 (1577). Năm ấy, Bà mới 21 tuổi, tuyệt nhiên không bệnh tật gì. Lăng mộ và đền thờ ở Phủ Dầy, thôn Thiên Hương – Vân Cát, xã Kim Thái, huyện Vụ BảnNam Định.

Lần giáng sinh thứ ba Giáng Tiên về trời đúng hạn định theo lệnh của Ngọc Hoàng. Nhưng khi nàng đã ở trên trời thì lòng trần lại canh cánh, ngày đêm da diết trong lòng nỗi nhớ cha mẹ, chồng con nên nàng muốn xuống trần gian lần nữa. Khi về đến nhà vừa đúng lúc gia đình đang làm giỗ mãn tang cho nàng, mọi người đều hết sức ngạc nhiên và vô cùng sung sướng. Nàng ôm lấy mẹ mà khóc, rồi kể hết sự tình, dặn anh hãy gắng lo chăm sóc cha mẹ, vì lần này xuống trần nàng không thể ăn ở như lần trước, rồi trở về nhà chồng. Thánh Mẫu Liễu Hạnh gặp chồng, con cái mừng mừng tủi tủi. Nàng cũng kể rõ mọi chuyện cho chồng biết, khuyên chồng hãy cố gắng luyện chí, yên tâm theo đuổi sự nghiệp công danh, đừng quên chăm sóc con thơ, phụng dưỡng cha mẹ. Nàng quét dọn, sửa sang nhà cửa, may vá quần áo cho chồng cho con, rồi bỗng chốc lại thoắt biến lên mây… Cứ như thế, thỉnh thoảng nàng lại hiện về, làm xong các việc rồi lại biến đi. Ròng rã hàng chục năm sau, cho đến khi con cái khôn lớn và Đào Lang công thành danh toại, nàng mới từ biệt để đi chu du thiên hạ.[1]

Chia sẻ:
Scroll to Top