TỰ CHỦ THEO CÁC CẤP ĐỘ KHÔNG GIAN CÁ NHÂN

Loading

Không gian cá nhân có các cấp độ sau
– Thân thể – Quần áo cá nhân
– Ví tiền – Phương tiện đi lại cá nhân
– Nhà riêng – Quan hệ cá nhân
Một người tự chủ và trưởng thành qua các không gian cá nhân này. Một người mất tự chủ khi đánh mất và làm suy dần các không gian cá nhân này.
THÂN THỂ 
Thân thể phải của riêng mình về sở hữu, sử dụng, chăm sóc, bảo vệ và các trách nhiệm cá nhân khác
– Một số người sửa chữa thân thể sao cho giống khuôn mẫu nào đó về vẻ đẹp hay để giống ai đó, như thần tượng
– Một số người tiêu thụ đồ ăn, nước uống và thuốc độc lạ mà bản thân họ không biết là cái gì và cũng không biết chúng vận hành trong cơ thể chính mình ra sao
– Một số người có các hành vi nguy hiểm vượt qua giới hạn của thân thể, của gia đình, của xã hôi, của pháp luật, như rạch chân cứa tay, chơi các trò nguy hiểm tính mạng
– Một số người cho người khác nhập vào mình, ví dụ nhập hồn vào người để gọi vong
– Một số người thích cảm giác mất thân thể bằng việc sử dụng chất gây nghiện hay đi vào các thực hành hiến thân và xuất hồn, xuất vía mà họ gọi là tâm linh
– Một số người đưa trách nhiệm bảo vệ thân thể cho người khác, ví dụ trăm sự nhờ bác sỹ, trăm sự nhờ thầy,
– Một số người giao phó và hiến dâng thân thể mình cho người khác, ví dụ em sống làm người của anh, em chết làm ma của anh
– Một số người chấp nhận chung đụng thân thể, ví dụ như chung vợ, chung chồng, con trong hôn nhân, con ngoài dã thú …
– Một số người dựa dẫm vào người khác cho bữa ăn và chỗ ngủ, hai nhu cầu cơ bản của thân thể, nghĩa là họ không thực sự có tự chủ thân thể
Tự chủ thân thể là cái gốc của tự chủ không gian sống cá nhân. Thân thể vô chủ, thân thể dùng bừa bãi, thân thể dựa dẫm, thân thể phó thác và thân thể chung đụng đều có các hậu quả từ lớn đến nhỏ.
QUẦN ÁO 
Quần áo (và giầy dép, khăn mặt, khăn tắm) phải của riêng mình về mua sắm, sở hữu, sử dụng và trách nhiệm cá nhân
– Mua sắm
– – – Một số người không tự chủ việc mặc quần áo gì và như thế nào, mà để người khác mua quần áo cá nhân cho hoặc mua quần áo của mình theo ảnh hưởng về quần áo của người khác như thần tượng hay vì bị rủ rê, bị thuyết phục bởi người bán hàng
– – – Một số không mua quần áo vì đủ các lý do như màu sắc, kiểu dáng, nhãn hiệu, thời trang, mùa vụ … trừ mua cho nhu cầu sử dụng của thân thể
– Sử dụng
– – – Một số người chung đụng quần áo, giầy dép, khăn mặt, khăn tắm với người khác …
– – – Một số người mặc quần không phù hợp với hoàn cảnh, như quần áo ở nhà, quần áo đi chơi, quần áo đi làm …
– – – Một số người mặc quần áo không phù hợp với đối tượng như áo đôi, áo nhóm, áo đồng phục …
– – – Một số người mặc các quần áo nghi lễ siêu phức tạp
– Trách nhiệm cá nhân : Quần áo cá nhân thuộc về trách nhiệm cá nhân. Một số người không tự giặt, tự phơi, tự gấp, tự chuẩn bị quần áo khi đi ra ngoài. bởi vì ngay từ nhỏ, cha mẹ họ đã không giao các việc này cho con cái.
Chủ thể của quần áo là thân thể. Người xưa may quần áo và đóng giầy dép theo kích thước cơ thể, cho nên có câu “đo ni đóng giầy”. Ngày nay, chúng ta chủ yếu sử dụng quần áo may sẵn, thậm chí không hề thử quần áo khi mua online. Mục đích của việc mặc quần áo dần dần hướng hết ra bên ngoài. Một số người mua và mặc các loại quần áo để người ta nhìn vào hơn là mua và mặc các loại quần áo để chính bản thân chúng ta cảm thấy thoải mái. Thế là sinh ra đủ các loại quần áo dành cho đủ các loại hoàn cảnh, vô cùng cầu kỳ, phức tạp và mệt mỏi cho người sử dụng như quần áo đồng phục, quần áo nghi lễ…. 

Nếu không đi cùng thân thể, nếu không được thân thể sử dụng, thì có thể nói rằng quần áo chẳng có giá trị gì nữa. Quần áo vô chủ, quần áo vô dụng là quần áo không có thân thể sử dụng chúng. Quần áo vô chủ, quần áo vô dụng có hai loại

– Quần áo được mua không vì nhu cầu sử dụng của bản thân mình, mà mua quần áo vì thần tượng, vì mùa, vì mốt, vì đẹp, vì lạ, vì đắt, vì rẻ, vì thích, vì người yêu, vì bạn bè rủ rê, vì người bán hàng thuyết phục …Quần áo không mua vì bản thân là quần áo chủ, quần áo vô hồn.
– Quần áo được mua vì nhu cầu sử dụng nhưng hầu như không sử dụng được cũng không vứt đi được, rồi cho cho vào tủ, vào hộp, vào bao … Nhà giầu trong phim ảnh có phòng riêng chỉ dùng để đựng quần áo hàng hiệu, phiên bản giới hạn, có bộ chỉ được mặc một lần, bởi vì tài trợ cho các bộ phim ấy là các hãng quần áo, cho nên các ngôi nhà này bản chất là phòng bán hàng và các phim này bản chất là phim quảng cáo bán hàng, những việc mua bán và sử dụng quần áo kiểu này không liên quan gì đến giá trị sử dụng trong đời thật của quần áo cả. Quần áo để trong tủ chẳng dùng là quần áo vô dụng vừa tốn tiền vừa chật nhà. Chúng thể hiện sự mất tự chủ về cả thân thể và ngôi nhà của người mua chúng.

PHƯƠNG TIỆN CÁ NHÂN

Phương tiện đi lại là xe đạp, xe máy và ô tô.

Phương tiện đi lại cá nhân thuộc sở hữu cá nhân và phù hợp với nhu cầu cá nhân là một phần của sự tự chủ của mỗi con người
– Một số người không có phương tiện đi lại cá nhân
– Một số người có phương tiện đi lại cá nhân nhưng ít dùng, vì sợ tai nạn hay ngại
– Một số người có phương tiện đi lại đắt tiền để chưng hơn là để đi
– Một số người luôn nhờ người thân và bạn bè đèo
– Một số người luôn thuê phương tiện đi lại
– Một số người luôn sử dụng phương tiện giao thông công cộng

Tự chủ phương tiện đi lại liên quan đến

– Mua xe, bán xe và giấy tờ sở hữu xe

– Sử dụng xe & bảo dưỡng xe

– Đỗ đậu xe : Cần có chỗ đỗ xe riêng ổn định tại chỗ ở và nơi làm việc. Khi mua nhà cần quan tâm đến lối vào cho xe và khi xây nhà cần quan tâm đến chỗ để xe. Có người xây nhà hết đất, chẳng để một khoảng trống nào để cho việc đỗ xe và trong nhà cũng không có không gian đệm cho việc để xe, nghĩa là xe được đưa vào trong phòng bếp, phòng khách tầng một luôn, làm cho không gian tầng một không được yên ổn.

Ở lớp thiền về đề tài phong thuỷ, tôi đã yêu cầu một số bạn mua phương tiện đi lại cá nhân để khắc phục tình trạng mất đất và đi đứng như người mất hồn, bừa bãi và thiếu tự chủ. Không ai có thể đi theo chỉnh tay chân của bạn trên đường đời và không ai có thể thuê người khác chở mình đi trên đường đời. Khi tự lái chiếc xe bạn sở hữu đi trên con đường bạn tự chọn, bạn chắc chắn sẽ tự chủ và nhạy cảm hơn trong việc lựa chọn và xoay xở trên các ngả đường đời mà thuộc về cá nhân của bạn.
VÍ TIỀN  
Đi ra đường có thể không cần điện thoại di động và giấy tờ, nhưng nhất định cần tiền, để có việc gì thì chúng ta tự chủ động ứng phó được.
Mức độ tự chủ chi tiêu khác nhau khi chúng ta sử dụng ví tiền mặt, ví điện tử, chuyển khoản hay thẻ tín dụng cho thanh toán. Chi tiêu tiền mặt cho chúng ta một nhịp dừng giữa chi tiêu và tiêu dùng. Chúng ta chi tiêu bừa bãi hơn khi sử dụng thẻ tín dụng và chúng ta không nắm được biến động giá cả dịch vụ và mức độ sử dụng các dịch vụ khi làm thanh toán tự động.
Chỉ cần có điện thoại và tiền trong ví điện tử, là chúng ta có thể thuê xe đưa ta đi bất kỳ đâu. Điều này cho chúng ta ảo giác về sự tự chủ, mà chỉ có thể có khi một người chủ động cả tiền bạc và phương tiện khi đi ra khỏi nhà.
NHÀ RIÊNG 
Nhà ở cá nhân là một trong biểu hiện rõ ràng của tự chủ đời sống cá nhân.
Mỗi không gian sống dành cho một hoạt động sống riêng biệt, không được lẫn lộn sang nhau. Có một số người không phân biệt được giữa nhà ở cá nhân, nơi làm việc và quán xá. Họ coi tất cả đều là ngôi nhà, là không gian sống của mình, nhưng cơ quan là nơi làm việc, quán xá là nơi giao lưu, công viên là nơi thư giãn … còn nhà ở là nơi diễn ra các vận hành thân thể cá nhân đặc biệt là ăn và ngủ.

Các mức độ tự chủ nhà ở cá nhân liên quan đến các cấp độ sở hữu nhà ở cá nhân như nhà thuê, nhà ở nhờ, nhà của cha mẹ, nhà ở chung, nhà riêng tự mua tự xây …

– Có một số người cho rằng ở nhà thuê có hiệu quả hơn mua nhà riêng, thì cứ thuê nhà mà ở, nhưng sự tự chủ ở nhà riêng hơn hẳn nhà thuê, người thuê nhà không phải chủ nhà của căn nhà mà họ thuê, họ chỉ là chủ gia đình, nếu họ không giữ được sự tự chủ gia đình nữa thì ngôi nhà của họ sẽ chẳng khác gì cái nhà trọ cho các thành viên gia đình

– Có một số người tạo ra cảnh chung đụng giữa người nhà, người làm và người ở nhờ trong căn nhà riêng của mình, nghĩa là chủ nhà coi nhà riêng của mình như cái nhà chung, cái nhà mượn, cái chợ, cái quán ..  cho đủ hạng người cùng và không cùng gia đình và dòng máu với mình
Ca dao tục ngữ có nhiều bài nói về hiện tượng loạn không gian sống cá nhân mà đặc biệt nghiêm trọng với phụ nữ 
– Ăn nhờ ở đậu
– Ăn bờ ở bụi
– Ăn lông ở lỗ
– Vui đâu chầu đấy
– Bạ đâu ngủ đấy

– Ăn quán ngủ đình

– Ăn hàng ngủ quán
– Ăn đường ngủ chợ
– Ăn một nơi ngủ một nẻo

– Bẩn như thợ nề,
Chỗ ăn chỗ ngủ như dê nó nằm.

– Bậu khoe giỏi sao chẳng chịu đi thi
Cứ ăn xó bếp ngủ thì chuồng trâu
Bậu ơi! Tôi chẳng ưng đâu
Trạng gì như thế, hầu gì uổng công
– Con gái ở trại hàng Hoa
Ăn cơm nửa bữa ngủ nhà nửa đêm.
Người trưởng thành là người tự chủ các nhu cầu thân thể mà quan trọng nhất là ăn và ở. Hiện nay có phong trào giáo dục thân thể và giới tính cho trẻ em, để trẻ em biết bảo vệ thân thể trước bạo hành và xâm hại tình dục. Vấn đề là cha mẹ cần giáo dục mình trước, vì trẻ con học chính từ cha mẹ. Có câu “Ăn nhờ ở đậu”. Ăn nhờ là tự mình không trả chi phí bữa ăn và tự mình không nấu ăn. Ở đậu là sống như chim bay, nay đậu chỗ này, mai đậu chỗ khác, không có nơi ăn chốn ở ổn định. Con trưởng thành của tất cả giống loài trên thế giới này đều tự kiếm ăn, và một người trưởng thành cũng vậy. Một số cha mẹ chưa từng nấu bữa cơm cho chính mình và con mình ăn, cũng không bao giờ quan tâm đến nhà riêng cho mình và con mình ở, nghĩa là cả đời toàn đi ăn nhờ ở đậu, thì làm sao có thể dạy con cái về tự chủ thân thể và nhà ở. Đã không tự chủ về thân thể thì đứng nói đến bảo vệ thân thể. 
QUAN HỆ CÁ NHÂN 
Quan hệ cá nhân là một dạng không gian sống mà chúng ta cần làm chủ, lựa chọn, bảo vệ … chả khác nào ngôi nhà riêng của mình.
Quan hệ cá nhân cơ bản là quan hệ gia đình gồm
– quan hệ dòng máu hay quan hệ sinh như cha mẹ và con cái
– quan hệ hôn nhân hay quan hệ vợ chồng
Nhiều người đổ công sức và bỏ thời gian cho các quan hệ công việc và xã hội, thay vì vun đắp và ưu tiên quan hệ gia đình, bởi vì không nhận thức được tầm quan trong của quan hệ gia đình hoặc bế tắc trong các mâu thuẫn gia đình.
Các vấn đề lớn trong quan hệ gia đình
– Mâu thuẫn giữa cha và mẹ
– Mâu thuẫn giữa các con
– Mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái
– Mâu thuẫn giữa mẹ kế, cha dượng và con riêng
– Mâu thuẫn trong quan hệ con chung, con riêng
– Bạo hành thân thể và bạo lực gia đình
– Lạm dụng thân thể và xâm hại tình dục trong gia đình
– Vợ/chồng ngoại tình
– Chồng có con ngoài dã thú
– Vợ có con với người tình
– Thành viên trong gia đình có quan hệ tình dục, thậm chí có con với người đã có gia đình
Trừ các vấn đề về bạo lực và xâm hại tình dục trong gia đình cơ bản không thể dung thứ và để kéo dài dây dưa, còn gần như tất cả các vấn đề khác của gia đình đều không thể giải quyết được nhanh gọn hay đơn giản. Giả sử một người phụ nữ bị chồng phản bội nhiều lần và có con riêng, thì không thể có một đáp án dứt khoát một chiều cho người phụ nữ này là ly hôn hay không ly hôn. Đáp án đúng trong mọi trường hợp với người phụ nữ này là lấy lại tự chủ và vững vàng trong từng không gian sống của mình và các con. Việc này sẽ mất khá nhiều thời gian tính theo tháng và năm. Trong thời gian đó, các mâu thuẫn gia đình sẽ không đứng yên mà cũng diễn biến muôn hình vạn trạng. Một khi người phụ nữ đã trưởng thành và vững vàng qua sóng gió, để tự chủ được các không gian sống của mình, thì người ấy sẽ tự biết là mình cần làm gì và tự làm việc ấy.
Chia sẻ:
Scroll to Top