CÁ BÓNG LÀ GÌ ?
Cá bóng là cá gì ?
– Cá bóng biển là loại cá biển giống như cá bống nước ngọt, cho nên đôi khi còn được gọi là cá bống.
– Cá bóng cũng có thể là tên khác của cá bò
Cá bóng khô có màu trong suốt, ăn rất ngon vì đó là loại cá bóng, cá gió, cá bóng gió, thân thể chủ yếu là da khí, nên rất lành, khi phơi khô thì thân thể chỉ còn các lớp da, ăn rất ngon và ngọt.
CÁ BÓNG ĐI TU
Ca dao có một loạt bài về “cá bóng đi tu”.
Ai làm cá bóng đi tu,
Ai làm nước mắt cá thu buồn rầu.
Phải chi ngoài biển có cầu
Em ra em vớt đoạn sầu cho anh.
“Cá bóng đi tu” là điều gì đó không thể nào mà xảy ra nổi, giống như là “Trạch đẻ ngọn đa vậy”
Con cá thu là cá thịt rất chắc, rất nạc, không phải loại cá buồn chảy nước, buồn rơi nước mắt, mà nó chỉ có thể thu nước mắt vào trong.
Ngoài biển không thể có cầu, mà chỉ có cầu trên đất liền, cầu từ đất liền ra đảo, hoặc cầu nối đất của đảo này sang đất của đảo kia.
Nỗi sầu của anh mênh mông giữa biển, làm sao mà ra đấy vớt lên được.
Tóm lại đây là một bài ca dao “ngược”.
—o—
Cá bóng đi tu,
Cá thu nó khóc,
Cá lóc nó sầu,
Phải chi ngoài biển có cầu,
Anh ra đến đó giải sầu cho vui.
Bài này cũng tương tự bài trên, nhưng khi cá bóng đi tu, ngoài cá thu khóc còn có thêm con cá lóc sầu. Cá lóc biển còn gọi là nóc, khi gặp khi hiểm nó cương lên, căng phồng với các vây nhọn, chứ nó không rũ xuống sầu khổ.
Nói chung cá thu và cá lóc là hai loại cá đại diện cho tính nam, so với cá bóng đại diện cho tính nữ.
Đây cũng là một bài ca dao ngược.
—o—
Cá bóng đi tu,
Cá thu nó khóc,
Cá lóc nó rầu,
Phải chi anh có phép màu,
Hóa ra con cá trắng lội hầu bên em.
Cá bóng không thể đi tu. Cá thu không thể khóc. Cá lóc không thể rũ xuống vì sầu được. Anh cũng chẳng có phép màu.
Đây cũng là một bài ca dao ngược nói về những điều không thể xảy ra.
—o—
Cá bóng đi tu,
Cá thu nó khóc,
Cá lóc nó rầu,
Cành đào lá liễu phất phơ,
Lấy ai thì lấy, đợi chờ uổng công.
So với các bài ca dao trên, bài ca dao này hé lộ rõ ràng nhất lý do mà cá bóng đi tu thì cá thu khóc và cá lóc rầu là : cá thu, cá lóc chẳng còn ai để mà lấy làm vợ nữa.
Cá bóng biển là biểu tượng cho tính nữ, là Venus sinh ra từ bọt biển. Bọt biển chính là một dạng bóng bóng nước. Mưa mùa hè mà nước rơi từ trên trời xuống gặp khí nóng từ đất lên tạo ra các bong bóng, gọi là mưa bóng bóng. Venus sinh ra từ bọt biển nên nàng ấy chính là nữ thần Bóng, cá Bóng.
Nữ thần tình yêu không yêu nữa mà lại muốn đi tu thì đàn ông tiêu biểu của thế gian này cá thu và cá lóc lấy ai làm vợ cũng thế mà thôi.
—o—
Cá bóng đi tu,
Cá thu nó khóc
Cá lóc nó rầu,
Lụy rơi hột hột, cơ cầu lắm em
Nếu cái con cá bóng, nữ thần tình yêu mà không nên đi tu và không thể đi tu cuối cùng vẫn cứ quyết định đi tu, thì chuyện gì xảy ra ?
Tưởng tượng, cái cô Tấm cứ trơn tuồn tuột chuyển hoá từ cái này sang cái kia y như cái con cá bống cô nuôi, tự dưng dừng khựng lại lại, quay ra đối đầu và dứt khoát giết Cám thì đó là lúc “câu chuyện cổ tích đến đây là hết”, “chấm dứt”, “tận thế”, “kết thúc”.
—o—o—o—
CÁ BÓNG XÍCH ĐU
Ví dầu cá bóng xích đu
Tôm càng hát bội, cá thu cầm chầu
Giống như “cá bóng đi tu”, “cá bóng xích đu” cũng là điều cũng không thể nào xảy ra được. Bóng là thứ rất nhẹ, rất tinh thần, rất phi hình tướng. Bóng không thể đi cùng “xích” là thứ để ràng buộc một vật nặng cho thật chắc, cũng không đi cùng xích đu là để vật có thể nâng một vật nặng lên cao nhờ sức căng, sức văng do chính trọng lực của vật nặng gây ra. Bóng thì làm gì có sức căng, sức văng và trọng lực mà chơi xích đu.
Tương tự, tôm càng và cá thu là hai loài rất dương, không thể nào chơi mấy món của các nàng ả đảo được.
—o—o—o—
Bạn có thắc mắc như tôi sau khi đọc mấy bài ca dao về cá bóng là cá bóng này có phải con cá bóng khô chúng ta ăn không, hay ca dao đang nói về con cá bóng gió, cá bóng hồng, cá bóng tiên, cá bóng nước, cá bóng mây, hay bong bóng cá cược của bồng lai tiên cảnh ?
Cá bóng gì thì cá xin em hãy cứ bơi lội tung tăng, hãy cứ yêu đương, đừng có đi tu hay nhảy vào xích đu em nhé.