Ca dao có nhiều bài về hiện tượng “Đàn ông bắt cá hai tay”, ví dụ là các bài
MỘT TAY HAI TRÁI
Một tay hai trái khó bưng
Muốn bưng trái nọ thì đừng trái kia
—o—
MỘT LÁI HAI THUYỀN
– Một thuyền một lái chẳng xong
Một chĩnh hai gáo còn nong tay vào
Em xót thương anh phất ngọn cờ đào
Còn thò tay bẻ mận em dạ nào dám ưng
Người chồng chỉ có một vợ là vị thuyền trưởng chỉ lái một con thuyền. Người đàn ông đã có vợ còn tìm cách có thêm bồ là “một lái hai thuyền”
Trường hợp “một lái hai thuyền” khác với trường hợp “chân đạp hai thuyền”
– “Một lái hai thuyền” là chủ động muốn bắt cá hai tay
– “Chân đạp hai thuyền” là rơi vào hoàn cảnh phải làm hai việc một lúc, đi hai đường một lúc
– Có yêu thì nói rằng yêu
Không yêu thì nói một điều cho xong
Làm chi dở đục dở trong
Lờ lờ nước hến cho lòng tương tư
Bản chất của người đàn ông “bắt cá hai tay” là “một tay hai cá”, “một dạ hai lòng”, “một mặt hai lòng”, và anh ta thường xuyên đóng gỉa là mình là nạn nhân, nghĩa là anh ta đang rơi vào hoàn cảnh “chân đạp hai thuyền”
MỘT MẶT HAI LÒNG
Nhiều người một mặt hai lòng
Nói thì nói vậy chớ không giữ lời
—o—
MỘT TRỨNG HAI LÒNG
Dẫu tin thì cũng đề phòng
Gà kia một trứng hai lòng biết đâu
—o—
MỘT LÒNG HAI DẠ
Sao sao cũng vợ cũng chồng
Lời nguyền đá núi vàng ròng không phai
Chưn giày chưn dép mược ai
Thiếp không lòng một dạ hai bỏ chàng
“Một lòng hai dạ” ngược nghĩa với “Một lòng một dạ”
Khi gặp người yêu, anh ta nói rằng anh ta không còn yêu vợ nữa, chỉ là lòng thương hại, anh ta chỉ không muốn con cái phải bơ vơ…, còn khi gặp vợ anh ta nói anh ta chỉ vì giúp người ta mà bị lừa, bị vu oan, anh ta đang cố hết sức bảo vệ gia đình. Kết quả cô nàng nào cũng nghĩ mình mới là thiếp duy nhất của chàng, nhưng thực ra chàng ta là loại “một chàng hai thiếp”
Một bồn hai kiểng kém xanh
Một chàng hai thiếp phải sanh nhiều bề
—o—
Một bồn một kiểng tuổi xanh
Một chàng, hai thiếp khổ anh nhiều bề
—o—
Một lu mà đựng hai đài
Một chàng hai thiếp ai hoài liệu sao?
—o—
Một trâu anh sắm hai cày
Một chàng hai thiếp có ngày oan gia
Chả yêu thì bỏ nhau ra
Làm chi một ổ hai gà ấp chung
—o—
Anh đây một vợ hai con
Lấy thêm em nữa cho tròn một mâm
—o—
Nhưng nếu anh ta chơi không khéo mà bị bồ và vợ kiểm soát ngược lại, và không ai chịu buông tha anh ta cả, thì anh chàng bắt cá hai tay có thể rơi vào hoàn cảnh “1 cổ 2 tròng”