THỊNH SUY

Loading

Những ngày cuối năm suy nghĩ về thịnh suy của con người và của cuộc đời. Càng không còn trẻ, giai điệu của thịnh suy của cuộc đời càng chạm được vào mình hơn và mình hiểu, mình chấp nhận hơn sự thịnh suy của chính con người mình và của những người mình yêu.

Âm thịnh dương suy

Thịnh là năng lượng và sức mạnh tập trung lại, vận hành chuyển sang cấu trúc. Suy là năng lượng và sức mạnh chuyển hoá, chuyển đổi, chuyển dịch, chuyển giao, chuyển tiếp, cấu trúc chuyển sang vận hành.

Suy chẳng có gì xấu mà thịnh chẳng có gì hay, tương tự như âm chả có gì xấu và dương chả có gì hay. Thịnh là mũi tên về đích, là con sóng lên đỉnh, là ánh hào quang, suy là nước chảy xuôi, xuống đáy, về lòng sâu thẳm.

Thử hỏi cái gì trên đời thịnh mãi được vì thịnh mãi nghĩa là chết. Cực thịnh là khởi đầu suy và cực suy là bắt đầu của thịnh, không có cực thịnh thì cũng không có cực suy. Không có suy thì không chỉ suy nghĩ, suy luận dừng lại, mà hơi thở và dòng máu cũng ngừng lại. Không có âm thì tình hình cũng tương tự.

Vấn đề là có thịnh ắt là có suy, khi có dương ắt là có âm.Điều quan trọng là âm phải ra âm, dương phải ra dương, thịnh phải ra thịnh, suy phải ra suy, thì các chu kỳ âm dương thịnh suy mới vận hành được vững bền.

Tại sao không nói “dương thịnh âm suy” ?
– Thịnh là một trạng thái liên quan đến định hiện của dương, còn âm thường mang tính vô định tính chuyển, cho nên dương thịnh âm suy là chuyện bình thường, không cần phải nói
– Công nguyên là thời kỳ dương thịnh, âm suy; cho nên âm thịnh dương suy chính là các trạng thái đảo ngược năng lượng, hoặc làm âm dương chập cheng hoặc giúp tái cân bằng âm dương tạm thời trong một thời kỳ bản chất là mất cân bằng âm dương.

—o—

Khi nên phung phí cũng nên
Khi suy dù khéo giữ gìn cũng suy

Nên giống như thịnh, nghĩa là tập trung và định hình, phung phí giống như suy, nghĩa là phát tán và vô định. Thời kỳ của nên, thì có phát tán năng lượng đi, nó vẫn không mất. Thời kỳ của suy, năng lượng liên tục dịch chuyển, vậy giữ gìn để năng lượng định lại cũng không ích gì cả.

Thời kỳ của thịnh nên mua đất, xây nhà, mở công ty, tạo ra các định chế, thể chế, quy định, nguyên tắc, thời kỳ của suy nên bán nhà, chuyển nhà, sửa nhà, chuyển giao quyền lực, thay đổi nguyên tắc.

Giáp Thìn và Ất Tỵ là hai năm suy, năng lượng chuyển dịch. Địa chi thì là rồng rắn, mà thiên can là “chẳng biết cái giáp ất gì” nên năng lượng chuyển đổi liên tục, làm được gì làm ngay mà cần buông gì là buông ngay.

—o—

Người đời lúc thịnh lúc suy
Khi bận yếm đỏ, khi đi vú trần

Bận yếm đỏ là lúc thịnh và đi vú trần là lúc suy, hay ngược lại ? Đừng nói chắc chắn một chiều rằng cái gì là thịnh và cái gì là suy, vì thịnh của cái này là suy của cái khác, thịnh lúc này là suy lúc khác.

Vú bận yếm đỏ để che, mà vẫn thầm khoe cấu trúc. Vú trần là để tắm mát, để ngủ thoải mái, để vuốt ve, đụng chạm nam nữ và để cho con bú, vú trần là vú sống động nhất. Vú bận yếm đỏ rực lửa bao nhiêu thì vú trần tươi mát bao nhiêu.

Thử hỏi vú bận yếm đỏ và vú trần cái nào bản chất hơn, gốc rễ hơn, lâu dài hơn, thì ai cũng trả lời được là vú trần.

Đời người lúc thịnh lúc suy là đời người còn đang vận hành.

Suy là lúc cuộc sống bộc lộ bản chất huyền diệu nhất của nó, mà khiến người thô thiển chỉ muốn cuộc sống chỉ thịnh kiểu a, b hay c sợ hãi.

Người lúc còn trẻ đã thịnh ví dụ học hành sáng láng, trí nhớ siêu phàm, xinh đẹp bảnh bao tài sắc lồ lộ thì sau này sẽ suy để phải chuyển hoá, mà không chuyển hóa được thì chết. Kiểu “thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt” nếu xảy lúc còn quá trẻ thì cái huy hoàng ấy sẽ rất ảo, giống như cây non đã bị bón thúc cho ra hoa kết quả.

Trẻ con đi học mà học không giỏi cũng chẳng sao, miễn sao vẫn lên lớp và miễn là đứa trẻ chịu được sức ép của chuyển đổi thịnh suy. Trẻ học giỏi quá cũng có rất nhiều hậu quả, nhất là cái sự học không thực chất hiện nay, và rất nguy hiểm nếu như cái sự học giỏi bề nổi và ảo lại khiến đứa trẻ không hiểu chấp nhận và không chấp nhận được bản chất thịnh suy của chính nó và của cuộc sống.

Có người quá trình thịnh hay tích lũy diễn ra từ từ, cùng với quá trình chuyển hóa tự thân thì thành tựu đến muộn nhưng lâu dài và vững bền như Khương Tử Nha. Có người quá trình thịnh diễn ra sớm và mạnh mẽ sau đó đến quá trình suy như vua Trụ.

Cá nhân vua Trụ và thời kỳ của ông cũng như Đắc Kỷ chẳng có gì sai hay đúng mà chỉ là đời vua và triều đại cũng như bất kỳ cái gì cũng có thịnh và suy, trong khi vua Trụ thì chỉ mạnh về dương thịnh, nên cần có Đắc Kỷ xuất hiện để tạo nên âm suy. Nếu không có Đắc Kỷ tạo tiền để kết thúc không chỉ triều đại của vua Trụ, mà cả nhà Thương, thì Khương Tử Nha cũng chả thể nào hoàn thành được sứ mệnh lập ra thời kỳ mới của mình. Đắc Kỷ có nghĩa là đạt được kết thúc, có thể là trọn vẹn cả thịnh và suy.

—o—

Suy bụng ta ra bụng người

Bụng là nơi chứa đựng trải nghiệm và tích trữ năng lượng nên có câu “để bụng”, “đầy bụng”, trong khi suy là vận hành chuyển dịch hợp với đầu để suy nghĩ, tay chân để suy chuyển. Bụng mà suy thì thành bụng ỏng, bụng sôi, bụng tiêu chảy, chứ nó không ra chân lý hay phát kiến gì cả.

Muốn suy hay thịnh đều cần đúng nơi, đúng chỗ.

—o—

Suy bụng ta mà ra bụng người
Xin chớ lắm lời toan tính so đo
Đói nghèo thì phải biết lo
Ngồi không ăn bám có khi mô nên người

Suy bụng ta mà ra bụng người/Xin chớ lắm lời toan tính so đo : Cứ khi nào mình dùng trải nghiệm và kiến thức cá nhân của mình để chê trách, toan tính hay so sánh với người khác đều là suy từ bụng ta ra bụng người.

Đói nghèo thì phải biết lo/Ngồi không ăn bám có khi mô nên người : Ai đói dù là người hay ta, thì người đó phải tự biết lo, có nghĩa là tự mình có hành động từ thực trạng của mình, tự người có hành động từ thực trạng của người. Người không suy bụng ta ra bụng người, không so sánh tính toán giữa người và ta, thì cũng không ngồi không ăn bám.

—o—

Xa xôi chi đó mà lầm
Phải hương hương bén, phải trầm trầm thơm
Anh đừng suy nghĩ thiệt hơn
Lắng nghe em gảy khúc đờn tri âm

Suy nghĩ thiệt hơn là vận hành quanh điểm cân bằng kiểu cái cân. Suy nghĩ nên thông suốt như dòng chảy, đi qua các quyết định mang tính cân nhắc thiệt hơn, là các điểm có tính thịnh. Khúc đàn là vận hành kiểu dòng chảy, khác hẳn với vận hành thiệt hơn. Trong mỗi khúc đàn vẫn có sự cân bằng nhưng đó là sự cân bằng của âm trầm âm bổng theo luồng thời gian của khúc đàn, khác với trạng thái bập bềnh của cái cân quanh trục không gian của cái cân.

—o—

Ngó vô nhà thấy đôi liễn đỏ, thấy bốn chữ vàng
Thịnh suy chưa biết, thấy nàng anh thương ngay

Chàng trai trong bài này ngược với chàng trai trong bài ca dao trên.

—o—

Nhông nhông như chiếc sào chong
Lại còn nhỏng nhảnh kén chồng trai tơ
Chồng trai tơ ước mơ mà được
Đêm canh dài thở ngược từng cơn
Thôi đừng suy tính thiệt hơn
Kẻo ra già kén kẹn hom nhỡ nhàng

Bài này nói về trạng thái cân nhắc thiệt hơn của con gái.

—o—

Sớm mai em ra ngồi bờ cỏ chỉ
Em suy em nghĩ hột lụy nhỏ tuôn
Không hiếm chi nơi tiền vạn lúa muôn
Em thấy anh nghèo có ngãi em thương luôn cho vẹn tình

Cô gái trong bài này lại ngược với cô gái trong bài ca dao trên.

—o—

Bụi dâu khum cây chùm gởi đóng
Lúc sang giàu dù võng thiếu chi
Trách nàng cạn dạ hẹp suy
Chẳng toan kết tóc kịp thì làm ăn

Bụi dâu khum cây chùm gởi đóng : Bụi dâu có tính suy, nên quả dâu không thể để lâu được, nó sẽ liên tục chuyển màu, chín rụng. Con tằm ăn lá dâu thì không phải để thật to, thật béo, mà nó ăn rất nhiều chỉ để nhả tơ, giống như lá dâu qua con tằm thì chuyển hoá thành sợi tơ. Dâu là biểu tượng của thay đổi như “bãi bể nương dâu”. Dâu khum là dâu cấu trúc, dâu mất gốc, dâu không còn bản chất của dâu, cho nên dâu bị chùm gửi đóng chứ không ra quả và không nuôi được tằm. Người con gái muộn chồng do tính toán thiệt hơn được ví với bụi dâu khum.

Lúc sang giàu dù võng thiếu chi : Dù võng liên quan đến vận hành đón đưa, đung đưa, bao gồm kẻ đón người đưa, đung đưa tình duyên nam nữ.

Trách nàng cạn dạ hẹp suy : bụng dạ là nơi chứa đựng nên cần rộng, hẹp thì dễ tắc, trong khi suy là vận hành dịch chuyển nên cần thông.

Chẳng toan kết tóc, kịp thì làm ăn : “Kết tóc” là xe tơ kết tóc vợ chồng, kịp thì là kịp thời, đúng lúc.

—o—

Biển Tây Hồ thường ngày thường cạn,
Núi Lâm Sơn thường tháng thường cao;
Thuyền quyên ướm hỏi anh hào,
Sự tình thâm nhiễm, chàng tính làm sao cho thiếp nhờ?
– Khi anh ra đi thì biển hồ lai láng,
Chừ anh viếng lại, mần răng biển lại thành gò?
Sự tình thâm nhiễm, để anh so tháng ngày.

Bài ca dao đối đáp nam nữ này là triết lý về thịnh suy.

Biển Tây Hồ thường ngày thường cạn : Đây là trạng thái suy của kim thủy.

Núi Lâm Sơn thường tháng thường cao : Đây là trạng thái thịnh của mộc thổ.

Sự tình thâm nhiễm : thâm là sâu nhưng kín đáo không hiển lộ, nhiễm là lan rộng và cũng kín đạo không hiển lộ. Thâm (sâu) đối xứng với thịnh (cao), nhiễm (lan) đối xứng với suy (thoái). Sau khi lên đỉnh thịnh sẽ đến suy thoái nghĩa là bớt cao nhưng lại mở rộng, sau khi xuống đáy thâm sâu thì sẽ đến giai đoạn lan nhiễm là dừng xuống sâu mà mở rộng.

Khi anh ra đi thì biển hồ lai láng : Biển hồ lai láng là vừa thâm sâu, vừa nhiễm rộng. Đó là âm thịnh.

Chừ anh viếng lại, mần răng biển lại thành gò? : Gò là cái núi thấp lại thu lại. Đó là dương suy. Nhưng biển lại biến thành gò nghĩa là hai trạng thái âm thịnh dương suy này tự chuyển hoá cho nhau, trờ thành nhau và là một với nhau.

—o—

Sông Hương càng ngày càng rộng,
Núi Ngự càng ngày càng cao;
Thuyền quyên xin hỏi anh hào,
Sự tình đã rứa, chàng liệu làm sao cho thiếp nhờ?
– Em ơi, em chớ quá lo,
Hãy nán lòng đợi, để anh suy đo tháng ngày.

Bài này cũng tương tự như bài trên

—o—

Nhớ lời quan Trạng ngày xưa
Sấm ngài để lại tính vừa tới nay
Năm Dậu nó kéo sang đây
Vua về thượng giới thì Tây chiếm thành
Ngả lim ra để làm hoành
Đắp đường phá đá tan tành ruộng nương
Bao nhiêu bờ bụi phát quang
Thuê người gánh đá dọn đường cho yên
Nhật công nó lại phạt tiền
Thế gian ai được nằm yên ở nhà
Đàn ông cho ý đàn bà
Bao nhiêu trai gái trẻ già đều đi
Bởi chưng vua nước đang suy
Mới không vượt dậy mà đi chiếm thành

Bài này nói về thời kỳ vận nước đang suy.

—ở—

Đời vua Vĩnh Tộ lên ngôi
Cơm trắng đầy nồi, trẻ chẳng ăn cho
Từ ngày Cảnh Trị lên ngôi
Khoai chửa mọc chồi đã nhổ lên ăn

Vĩnh Tộ là niên đại đầu tiên của vua Lê Thần Tông, Cảnh Trị là niên đại của vua Lê Huyền Tông. So sánh hai vua này với nhau thì người đầu là thịnh, người sau là suy.

“Cơm trắng đầy nồi” là thịnh nhưng “trẻ chẳng ăn cho” thì cái thịnh này bộc lộ ra mà không được dưỡng, được chuyển hóa hay được trẻ hoá.

“Khoai chửa mọc chồi đã nhổ lên ăn” là đói, là suy nhưng suy quá nhanh, khi thịnh chưa đến ngưỡng và chưa đủ để chuyển hóa.

Cả hai thời kỳ này chu kỳ thịnh suy đều bị sai, thịnh quá dài và suy quá sớm, cho nên thịnh không ra thịnh, suy không ra suy.

Chia sẻ:
Scroll to Top