THỜ CÚNG TRONG NGÔI NHÀ & GIA ĐÌNH
Các ban thờ chính trong một ngôi nhà là
– Ban thờ gia tiên nói chung gồm bát hương thần linh ở trung tâm, bát hương gia tiên bên phải, bát hương bà cô, ông mãnh ở bên trái, tính theo người đứng trước ban thờ thắp hương
– Ban thờ thần tài và thổ địa thường đặt ở cửa hàng và nhà xưởng hơn là nhà ở, bởi vì với nhà ở, thần tài và thổ địa chính là thần linh được thờ ở bát hương trung tâm, cho nên nếu trong nhà vừa có ban thờ thần tài thổ địa vừa có ban thờ thần linh là thừa, mà thừa luôn dẫn đến rối loạn định vị và bất an.
– Ban thờ Phật, Chúa, Mẫu và Thần thánh đặc biệt nào đó mà gia đình lựa chọn. Trừ khi gia đình cần thờ một vị vô cùng cụ thể, rõ ràng vì lý do đặc biệt, mà vị này chưa được thờ ở đình làng, ở chùa, ở đền, ở miếu … trên đất địa phương thì có thể gia đình phải lập ban thờ riêng bên ngoài ngôi nhà chính để ở, còn nếu đã để ban thờ trong nhà và thờ chung chung, thì cần gộp vào bát hương thần linh. Khi phần thờ cúng này bị tách ra và bị trùng lắp sẽ làm yếu bát hương thần linh của ban thờ chính vừa làm rối loạn trường năng lượng ngôi nhà, nghĩa là sẽ không an được cả ban thờ và ngôi nhà.
– Ban thờ thiên và ban ông địa thường ở ngoài trời
Hãy cùng đọc ca dao tục ngũ để tìm hiểu xem các cụ ngày xưa thờ cúng những vị nào nhé
THẦN, THÁNH
– Buôn thần bán thánh
– Chẳng thiêng ai gọi là thần
Lối ngang đường tắt chẳng gần ai đi
– Miễu linh chẳng dám lại gần
Đứng xa mà khấn thánh thần chứng tri
– Nhất Ông đếm cát
Nhì Ông tát bể
Ba Ông kể sao
Bốn Ông đào sông
Năm Ông xây rú
Bảy Ông trụ trời
PHẬT, BỤT
– Trống hết hơi mõ chẳng còn cốc
Lành với Bụt chẳng lành với ma
Ở trên nhìn rộng trông xa
Có dung kẻ dưới mới là lượng trên
– Im như Bụt mọc trên chùa
Con vào chánh điện đừng đùa với sư
Cúi lạy con phải từ từ
Đừng có vội vã mà hư thân mình
– Yên thân làm sãi giữ chùa
Tụng kinh niệm Phật, oản thừa sãi xơi
Bụt lành đừng hạ xuống chơi
Chùa không có Bụt sãi thời cũng đi
– Tay bưng dĩa bánh đi chùa
Đốt nhang lạy Phật xin bùa làm duyên
– Con ơi con hãy nhớ ghi
Tháng tư giỗ Bụt thì đi lễ chùa
Các câu trên rõ ràng nói về việc là đi lễ Bụt, đi lễ Phật ở chùa, không phải ở nhà.
– Con ơi mẹ bảo con nghe
Tháng tư giỗ Bụt, cúng chè đậu xanh
Câu này chỉ nói cúng Bụt chè đậu xanh, nghĩa là cúng chay, mà không nói rõ ràng là cúng ở đâu.
CHÚA TRỜI
– Của Bụt ăn một đền mười
Của Đức Chúa Trời ăn mười đền một trăm
– Của Bụt mất một đền mười
Của Đức Chúa Trời mất mười đền một
Đức Chùa Trời được đặt đối xứng với Bụt. Cả hai vị này đều thờ riêng bên ngoài khu nhà ở. Bụt thờ ở chùa và đức Chúa Trời thờ ở nhà thờ.
ÔNG TRỜI
– Con chim nó hót trên cành
Nếu Trời không có, có mình làm sao?
Con chim nó hót trên cao
Nếu Trời không có, làm sao có mình?
Câu này ông Trời được mô tả như một vị đầu nhau sinh ra mỗi người. Như vậy ông Trời là đấng Sáng tạo, đấng Tạo hoá, đấng Sinh thành ra mỗi con người.
– Ai ơi xin chớ nặng lời
Bụt kia có mắt, ông trời có tai
Câu này ông Trời tiếp tục được đặt đối xứng với ông Bụt.
HÀ BÁ
– Đất có thổ công, sông có hà bá
Câu này Thổ Công được đặt đối xứng với Hà Bá, một trên cạn và một dưới nước. Thổ Công là Thần đất và Hà Bá là Thần sông.
– Nhất phá sơn lâm, nhì đâm Hà Bá.
Câu này Chúa Sơn Lâm được đặt đối xứng với Hà Bá, một trên rừng núi và một dưới nước. Chúa Sơn Lâm là Thần núi rừng và Hà Bá là Thần sông nước.
THỔ THẦN
– Chim quyên đậu miếu thổ thần
Ở xa thấy một cặp, nhưng lại gần chỉ một con
Câu này không hề đơn giản. Miếu thổ thần luôn đứng ở vị trí trung tâm của một không gian và chỉ có một vị được thờ ở miếu, đó chính là Thổ Thần. Nhưng đứng xa xa, ở biên của không gian nơi có các luồng đi vào và đi ra trung tâm, chúng ta sẽ thấy cặp âm dương sau
– Thổ Công & Tài Thần hoặc Long Thần, Phong Thần
– Thổ Thần & Xứ sở mà thường được đại diện bởi Hương Thần hoặc Thuỷ Thần
ÔNG ĐỊA
– Chiều chiều ngó ngọn cây bần
Thấy ba ông Địa ở trần nấu cơm
Ông kia xách dĩa lại đơm
Ông nọ ứ hự nồi cơm mới vần
Mới vần mặc kệ mới vần
Bây giờ đói bụng xúc lần ra ăn
Phân tích từng câu của bài này thì câu nào cũng cực kỳ khó
– Chiều chiều ngó ngọn cây bần : Cây bần cũng gọi là thuỷ liễu, loại cây to mọc dựa bờ nước, lá nhiều, nhành yếu, bông trắng, trái tròn dẹp, có đài dầy, nhọn ở gần cuống, ăn chua và chát (Sonneratia). Thân cây bần làm nút chai.
– Thấy ba ông Địa ở trần nấu cơm : Ba ông Địa tại sao lại ở trần nấu cơm trên ngọn cây bần ? Ông Địa vì sao không ở dưới đất mà lại ở ngọn cây và tại sao lại là cây bần ?
Ông Địa được mô tả gắn với thân thể, việc nấu ăn và việc ăn cơm.
Khi gắn với thân thể, việc nấu bếp và nấu ăn, thì ông Địa chính là ông Công trong bộ Táo quân 2 ông 1 bà. Khi chúng ta dùng ba hòn đá làm chân để kê nồi nấu bếp, thì hòn đá này chính là ông Địa.
Ông Địa không phải là Thổ thần, vì ông địa gắn với thân thể chứ không gắn với đất như Thổ thần. Một số nơi ban thờ ông Địa được đặt hòn đá và hòn đá này tượng trưng cho ông Địa. Một số đồng bào dân tộc có tục thờ đá, nhưng đây là một tảng đá gắn chặt với đất và ban thờ lúc này có thể thờ Thổ Thần, Thần Bản Thổ, hoặc Thần Núi, tuỳ tình huống cụ thể.
LONG THẦN
– Gái đâu có gái lạ đời
Chỉ còn thiếu một ông trời không chim
Long thần, thổ địa cũng tìm
Thổ công, vua bếp cũng chim cả rồi
– Gái đâu có gái lạ đời
Chỉ trừ có một ông trời không chim
Thổ Công, Hà Bá cũng nhìn
Tề Thiên Ðại Thánh cũng chim làm chồng
Hai câu này cho thấy ông trời, long thần, thổ địa, thổ công và vua bếp đều là nam thần, và đều có đối xứng nữ. Câu hỏi là đối xứng nữ của các vị nam thần này là ai ? Chính là các mẫu.
ÔNG BÀ ĐẦU NHAU – ÔNG CÔNG
– Vua bếp cũng nồng, ông Công cũng gớm.
Vua bếp có 2 ông 1 bà, và cũng chính là ông bà Đầu nhau 2 ông 1 bà. Vua bếp là khía cạnh ngôi nhà, vật chất, còn ông bà Đầu nhau là khía cạnh tinh thần, gia đình, dòng máu. Ông Công là một trong 2 ông vua bếp và 1 trong 2 ông đầu nhau.
ÔNG BÀ ĐẦU NHAU – ÔNG TÁO
– Ông Táo bịa láo, ông Táo bẻ răng
– Nói láo ông Táo bẻ răng
Vua bếp có 2 ông 1 bà, và cũng chính là ông bà Đầu nhau 2 ông 1 bà. Vua bếp là khía cạnh ngôi nhà, vật chất, còn ông bà Đầu nhau là khía cạnh tinh thần, gia đình, dòng máu. Ông Táo là một trong 2 ông vua bếp và đầu nhau.
Ông Công giữ cái miệng ăn, miệng vật chất, còn ông Táo giữ cái miệng nói, miệng tinh thần. Cho nên nói láo, là sai về tinh thần, sẽ bị ông Táo phạt.
– Xin lửa ông táo, đốt đầu ông sư
Sấm dậy ù ù, mây bay phấp phới
Ông sư đi đường xuất gia, con đường trung dung giữa ông Công và ông Táo. Lửa ông Táo là lửa trời cho nên đốt được đầu ông sư, cho dù ông sư đầu trọc, không ai nắm được. Lửa ông Táo gọi được sấm và mây. Lửa ông Táo là lửa Khí. Lửa ông Công ngược lại là lửa trung tâm, lửa Thổ.
– Hạ lợi bước qua
Chánh ngày hăm ba
Lễ đưa ông Táo
Hai là lễ đáo
Tảo mộ ông bà
Cổ tích bày ra
Truyền cho con cháu
Từ ngày hăm sáu
Dĩ chí ba mươi
Cá thịt tốt tươi
Ông bà tiếp rước
Phải dùng cây trước
Lấy nó làm nêu
Thiên hạ cũng đều
Lo chưng đồ đạc …
VỢ CHỒNG TÁO QUÂN : HAI ÔNG MỘT BÀ
– Một rằng mình quyết lấy ta
Ta về bán cửa bán nhà mà đi
Ta về bán núi Ba Vì
Bán chùa Hương Tích, Phật đi làu làu
Ta về bán hết ngựa trâu
Bán hột thầu dầu, bán trứng gà ung
Bán ba mươi sáu Thổ công
Bán ông Hành khiển, vợ chồng Táo quân
Bán từ giờ Ngọ giờ Dần
Giờ Tí giờ Sửu giờ Thân giờ Mùi
Ta về bán cả que cời
Bán tro đun bếp bán trăm khêu đèn
Ta về bán trống bán kèn
Có gì bán hết, lấy tiền cưới em
Ba sáu Thổ Công là các vị thần quản lý công việc tạo ra của cải vật chất, nó cũng là ý nghĩa của 36 phố phường của Thăng Long.
Ông Hành khiển là ông Tài thần, ông Thần tài.
Vợ chồng Táo quân là ông Công, ông Táo và bà Thị.
ÔNG HÀNH KHIỂN, ÔNG HÀNH BINH
– Đầu năm ra mắt mồng ba
Cúng ông Hành Khiển cùng là Hành Binh
Bói giò phải bói cho tinh
Xem tường màu sắc chân hình rủi may
Đôi giò cần để thẳng ngay
Nhuận hồng vàng ánh năm nay chắc giàu
No rồi chụm móng khít khao
Đỡ cái chặt chẽ cũng giàu cũng sang
Đỏ mà gân máu nổi loang
Là điềm hao của tan hoang cửa nhà
Trắng xanh bền bệt thây ma
Ấy điềm tang chế ông bà cháu con
Da gà tươi mượt vàng son
Đi thi chắc đậu đi buôn chắc lời
Khe chân gà hở tơi bời
Tiền vô nhiều cũng phủi rồi tay không
Ông Hành khiển và ông Hành binh đều là Thần tài. Ông Hành khiển là Tài khí, Khí tài còn ông Hành binh là Tài vật, Địa tài.
VUA BẾP : HAI ÔNG MỘT BÀ
– Thế gian một vợ một chồng
Chẳng như vua bếp hai ông một bà
Vua bếp có 2 ông 1 bà, và cũng chính là ông bà Đầu nhau 2 ông 1 bà. Vua bếp là khía cạnh ngôi nhà, vật chất, còn ông bà Đầu nhau là khía cạnh tinh thần, gia đình, dòng máu.
– Ông bếp cũng nồng, thổ Công cũng gớm.
– Vua bếp cũng nồng, thổ công cũng gớm.
– Thuộc, như Thổ công thuộc bếp
Thổ Công là vị thần của ngôi nhà. Vua bếp là vị thần của bữa ăn gia đình.
– Đói no vua bếp hay,
Đắng cay bà gừng biết
THỔ CÔNG
– Đất đâu đất lạ đất lùng
Đi làm lại có thổ công ngồi bờ
Thổ công không có người thờ
Cho nên mới phải vẩn vơ ngoài đồng
Thổ Công không phải là ông Táo, người có thể ở ngoài đồng, mà Thổ Công là vị thần của ngôi nhà và được người trong nhà thở cúng.
CHÚA NHÀ
– Thổ công là cha, Chúa nhà là con
Thổ Công là vị thần của Ngôi nhà, Chúa nhà là chủ nhà, chủ gia đình. Khi chủ nhà đứng trước ban thờ thì phải khấn Thổ Công, trụ bát hương trung tâm.
ÔNG TƠ BÀ NGUYỆT
– Vái ông Tơ một đĩa bánh bò bông
Cùng bà Nguyệt lão gắng công xe giùm
– Dầu thầy với mẹ không thương
Đôi ta trải chiếu, lạy từ ngoài đường lạy vô
Lạy cùng ông bác bà cô
Lạy cùng hàng xóm, nói vô tôi nhờ
Lạy cùng bà Nguyệt, ông Tơ
Xe sao cho trọn một giờ bén duyên
Ông Tơ bà Nguyệt là vị thần xe duyên vợ chồng. Khi làm đám cưới thì cô dâu chú rể thì lên bàn thờ gia tiên của cả nhà trai và nhà gái, và phải vái ông Tơ bà Nguyệt, cũng ở bát hương trung tâm.
MƯỜI HAI BÀ MỤ, MƯỜI BA ĐỨC THÀY
– Mụ nặn, mụ đỡ, mụ dạy
– Mười hai mụ bà mười ba đức thầy
– Bồng bồng mẹ bế con sang
Đò dọc quan cấm, đò ngang không chèo
Muốn sang thì bắc cầu Kiều
Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy
GIA TIÊN – TỔ TIÊN, TỔ TÔNG
– Cây có gốc mới nở ngành xanh ngọn
Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu
Người ta nguồn gốc từ đâu
Có tổ tiên trước rồi sau có mình
– Lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống
– Chữ rằng: vấn tổ tầm tông
Cháu con nỡ bỏ cha ông sao đành
Vấn tổ là truy vấn tổ tiên. Tầm tông là tầm kiếm tông tích.
GIA TIÊN – BÀ VẢI ÔNG VÀI
– Tết đến sau lưng,
Ông vải thì mừng con cháu thì lo
– Sau ba ngày Tết là hết trơ trơ,
Ông vải ngồi chờ đến Tết năm sau
Ông vải, bà vải là người đứng đầu một chi họ. Quả vải còn được gọi là quả lệ chi.
DÒNG HỌ – BÀ CÔ, ÔNG MÃNH
– Ông mãnh lúa ngô, bà cô đậu nành
– Bói ma bói mãnh
– Không mãnh nào nó qua, không ma nào nó nhìn
– Mãnh hổ nan địch quần hồ (quần hồ là đàn chồn, đàn hồ ly, đàn cáo)
– Mãnh hổ bất như quần hồ
Bà cô và ông mãnh được thờ chung ở bát hương bên trái bát hương trung tâm trên ban thờ gia tiên. Bà cô và ông mãnh là đối xứng âm dương.
GIA TIÊN – CHA ÔNG
– Chữ rằng: vấn tổ tầm tông
Cháu con nỡ bỏ cha ông sao đành
– Con cái khôn ngoan, vẻ vang cha mẹ
Con cái ngu dại, tổn hại ông cha
Con cái ngu dại, tổn hại ông cha gia tiên phải đỡ, phải gánh còng lưng.
GIA TIÊN – ÔNG BÀ
– Ông bà gánh còng lưng
– Ông bà đỡ còng lưng
– Ngó lên nuộc lạt mái nhà
Bao nhiêu nuộc lạt, nhớ ông bà bấy nhiêu
– Thằng Cuội ngồi gốc cây đa
Thò chân xuống giếng được ba đồng tiền
Một đồng mua trống mua kèn
Một đồng mua mỡ đốt đèn thờ vua
Một đồng mua bó rau khoai
Thái ra cho nhỏ, thờ hai ông bà
GIA TIÊN – ÔNG BÀ NỘI & ÔNG BÀ NGOẠI
– Cồng cộc bắt cá dưới sông
Mấy đời cháu ngoại giỗ ông bao giờ
– Gà cồ mà ăn tấm nong
Mấy đời cháu ngoại giỗ ông bao giờ
Về nguyên tắc, thờ cúng tổ tiên là phải thờ đủ hai họ, nhưng nhiều người chỉ thờ có một bên là bên nội, bên cha, bên chồng mà thôi, chứ không thờ bên ngoại, bên mẹ, bên vợ.
GIA TIÊN – PHỤ MẪU, MẸ CHA
– Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con
– Ngó lên nhang tắt, đèn mờ
Mẫu thân đâu vắng, bàn thờ lạnh tanh
Câu này có hai cách hiểu. Một là cha mẹ là người chăm lo thờ cúng, cha mẹ đi vắng thì ban thờ chẳng ai chăm sóc. Hai là cha mẹ đã khuất, con không chăm lo thờ cúng, nên cha mẹ không về.
– Dẫu cho phụ mẫu rầy la
Đôi ta thủng thẳng dắt ra lạy chào
– Em đành phụ mẫu không đành
Hai đứa mình trải chiếu ngoài thành lạy vô
– Nàng đành, phụ mẫu không đành
Lá cao che khuất ngọn ngành nàng ơi!
– Em ơi đèn tọa đăng mà em thắp ở bàn thờ
Dầu phụ mẫu vặn lên, thì em vặn xuống cho ngọn đèn lờ anh vô
Mấy câu này nói về đám cưới phải được cha mẹ hai bên đồng ý, sau đó cha mẹ sẽ đưa hai con ra bàn thờ báo cáo với gia tiên. Ở đây cha mẹ không đồng ý, nhưng đôi ta vẫn quyết tâm lấy nhau.
– Hột châu nhỏ xuống kẹt rào
Thò tay em lượm, phụ mẫu chào em buông
– Phụ mẫu quýnh tui quằn quại, treo tại nhành dương
Phần sợ ma, phần sợ muỗi cắn, mà người thương nỡ đứng cười
– Ra đi phụ mẫu đứng trông
Tới đây gặp bậu lại không muốn về
– Mải mê hò, mê hát
Chiều về nhà phụ mẫu đánh thịt nát xương tan
Đau bao nhiêu em cũng chịu, em bấm gan chờ chàng