Giáo viên : Các em hãy giải thích
Đàn ông nông nổi giếng khơi
Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu
Học sinh 1 : Câu này mỉa mai phụ nữ, sậu sắc cũng chỉ bằng cái cơi đựng trầu, vừa nhỏ vừa nông, chẳng so sánh được với cái giếng khơi của đàn ông nông nổi
Học sinh 2 : Giếng khơi là giếng đào để lấy nước tầng nông, đến mùa cạn cần nước nhất thì cái giếng lại hết xừ nước. Cái cơi trầu bé tý dùng từ ngày nay qua ngày khác, từ năm nay qua năm khác mà vẫn còn, và các bà cứ vây quanh cái cơi trầu đó mà buôn dưa lê thì từ ngày này sang ngày khác, từ năm này sang năm khác vẫn không hết chuyện luôn. Cơi trầu đúng là nồi cơm Thạch Sanh không đáy. Đàn bà không đáy rõ là phải sâu sắc hơn đàn ông có đáy rồi.
Học sinh 3 : Đàn ông nông nổi như cái giếng khơi vừa nông vừa nổi, còn đàn ông sâu sắc thì không biết là cái gì. Cái bọn sâu sắc khó đoán, khó lường lắm. Đàn bà sâu sắc lại còn khiếp hơn đàn ông sâu sắc. Ngó vào cái cơi đựng trầu rồi nghĩ đến câu chuyện Trầu Cau, hai anh em người hoá đá, người hoá cây, chỉ vì một người con gái là thấy sợ đàn bà lắm luôn.
Học sinh 4 : Đàn ông nông nổi như cái giếng khơi vẫn có chiều sâu xuyên suốt bên trong nó. Đàn bà như cơi đựng trầu, sâu sắc ở các quan hệ cuộc đời mà nó tạo ra và dưỡng nuôi, nhưng nhìn hình thức thì thấy nhỏ nông.
Học sinh 5 : Ông em mang cơi trầu sang cưới bà em, rồi sinh bố em, sau đó bố em sinh ra em. Cứ truy theo cơi trầu này sẽ lên bao nhiêu đời tổ tiên nhà em, không thể nào tính hết được. Còn cái giếng khơi sâu mấy thì vẫn dò được tới đáy, vì nước giếng khơi là nước mạch ngang.
Học sinh 6 : Đàn ông sâu dọc, nông ngang, như cái giếng khơi. Đàn bà nông dọc, sâu ngang, như cái cơi trầu.
Học sinh 7 : Thời này chẳng mấy người còn dùng giếng và ăn trầu, nên đàn ông nông nổi và đàn bà sâu sắc đều bí hiểm như nhau.
Học sinh 8 : Sâu sắc hay nông nổi gì thì 8/3 đàn ông vẫn phải tặng quà phụ nữ.